Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội cho biết: Diễn đàn Văn hóa Doanh nhân Việt Nam năm 2022 với chủ đề "Doanh nhân Việt Nam: Tâm - Tài - Cống hiến - Phụng sự Tổ quốc - Đồng hành cùng Dân tộc" là hoạt động thiết thực nhằm chào mừng 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022); Kỷ niệm ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10 và Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội
Ông Nguyễn Văn Chí cho biết: Tiếp nối thành công của Chương trình số 02-CTr/TU về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020", Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025".
Sau gần 4 năm triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, công nghiệp tiểu thủ công nghiệp có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế; là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Thủ đô Hà Nội là đất trăm nghề, với 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Trong số đó có 318 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND Thành phố công nhận. Mỗi làng nghề Hà Nội đều mang một bản sắc riêng với sự kết tinh sáng tạo của những bàn tay người thợ và tình yêu nghề, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Nhờ những lợi thế đó, Hà Nội có trên 11.000 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code, có 1.649 sản phẩm OCOP, chiếm 19% của cả nước (8.340 Sản phẩm). Trong đó có 04 sản phẩm 5 sao; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao.Bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện Chương trình OCOP vẫn còn những khó khăn, thách thức. Nhiều loại giống cây trồng, vật tư đầu vào còn phụ thuộc vào nhập khẩu; vùng nguyên liệu chưa tập trung; quy mô sản xuất còn nhỏ và manh mún; công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch chưa phát triển; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định và chưa đa dạng; yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao với các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe; phát thải khí metal gây ô nhiễm môi trường…
Để Chương trình OCOP phát triển bền vững và ngày càng phát huy được hiệu quả thiết thực, Hà Nội bên cạnh triển khai đồng bộ các giải pháp, đã coi trọng các hoạt động giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các vùng miền. Sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng năm 2022 thu hút hơn 100 gian hàng với trên 2000 sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của Hà Nội, 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng và 20 tỉnh, thành trong cả nước có nhiều ý nghĩa quan trọng,
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các giải pháp chuyển đổi số và xây dựng hệ sinh thái truyền thông, marketing 4.0; lan tỏa câu chuyện sản phẩm và tinh thần "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt"; tăng cường liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi; ra mắt Diễn đàn Văn hóa Doanh nhân Việt Nam; giao lưu, kết nối giao thương, trao đổi kinh nghiệm và tăng cường liên kết "5 Nhà" trong hoạt động sản xuất kinh doanh...
Cũng theo ông Nguyễn Văn Chí, sự kiện đặc biệt này, có ý những ý nghĩa thiết thực: Là cơ hội giúp các chủ thể OCOP của Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng nói riêng và các tỉnh, thành trên cả nước nói chung tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, tiếp cận các giải pháp chuyển đổi số nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; nâng cao năng lực cho chủ thể OCOP về năng lực cộng đồng và tinh thần hợp tác; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kỹ năng quản trị; đổi mới, sáng tạo về sản phẩm; quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, tăng cường sử dụng và khai thác thương hiệu cộng đồng các sản phẩm từ khu vực nông thôn. Sự kiện cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu, trao đổi giữa các chủ thể OCOP và các tổ chức, cá nhân nhằm ứng dụng tiến bộ khoa học, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển chuỗi giá trị bền vững; tiếp cận thị trường, nhất là việc đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội. Qua đó góp phần xây dựng và quản lý đồng bộ, hiệu quả thương hiệu OCOP Việt Nam (nhãn hiệu chứng nhận); tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ, nâng cao hình ảnh, khả năng nhận diện và giá trị sản phẩm OCOP trên thị trường...
Các đại biểu tọa đàm với chủ đề "Giải pháp chuyển đổi số và xây dựng hệ sinh thái truyền thông, Marketing 4.0
Đồng thời, sự kiện góp phần thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương; Triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân” nhằm tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP. Tăng cường liên kết “5 Nhà”: Nhà nước - Nhà Nông - Nhà khoa học - Nhà Doanh nghiệp - Nhà Truyền thông trong phát triển sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững các đặc sản, sản phẩm truyền thống của Thủ đô gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn.
Sự kiện nêu trên sẽ góp phần quảng bá, tôn vinh và lan tỏa những giá trị văn hóa, lịch sử kết tinh trong từng sản phẩm của Hà Nội và một số tỉnh, thành trong cả nước hòa quyện vào văn hóa của người Tràng An để người tiêu dùng Thủ đô thưởng ngoạn và kết nối góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn, nhằm thúc đẩy Chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân theo hướng đi vào chiều sâu và thực chất đã được Chính phủ và thành phố Hà Nội đề ra.
---
BÀI VIẾT CÓ SỰ HỖ TRỢ CỦA VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI NÔNG THÔN MỚI HÀ NỘI