Tôi có thói quen khi đặt chân tới mỗi vùng đất thường hay tìm hiểu cắt nghĩa về địa danh của nơi đến để tìm hiểu về cuộc sống và mọi sinh hoạt văn hóa của con người nơi đó.
1. Miên man bên tầng tháp cổ
Hẳn ai đã từng một lần đi qua dặm dài Trung Bộ thì không thể không biết đến và không thể không bị hút hồn bởi những cổ tháp của người Chăm để lại trên mặt đất suốt từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận. Những tháp Chăm được làm bằng gạch nung, trang trí bằng các chạm khắc đá vô cùng tinh xảo, duyên dáng và độc đáonay đã rêu phong nhưng hãy còn sừng sững giữa những cánh đồng tươi xanh, ngào ngạt hương thơm hoặc trên những đỉnh đồi ngập tràn nắng gió. Những cổ tháp có tuổi đời từ sáu trăm năm đến trên cả ngàn năm tuổi ấy chính là những dấu tích còn lại của một nền văn hóatừng có thời phát triển huy hoàng của vương quốc Chămpa. Đi qua dằng dặc năm tháng với những thăng trầm của bao cơn dâu bể những ngọn tháp phơi nắng phơi sương, trơ gan cùng tuế nguyệt, tựa như ánh hào quang hắt lên trên mặt nước trong buổi tà dương làm bao người bâng khuâng, luyến nhớ.
Những tháp cổ rêu phong ấy chính là đền thờ các vị thần theo tín ngưỡng của người Chăm, cũng có khi là nơi thờ cúng, lăng mộ của vua chúa Chămpa. Đồng bàoChăm tin sùng Hindu giáo cho nên nhìn ngọn tháp ta thấy thấp thoáng dáng hình của ngọn núi Meru với rất nhiều tầng, nhiều đỉnh. Theo truyền thuyết của Hindu giáo, Meru là một dãy núi thần thoại có nhiều đỉnh cao thấp khác nhau; là nơi ngự trị của các vị thần Hindu. Trong đó vị thần tối cao ngự ở đỉnh cao nhất, các vị thần khác, tùy theo đẳng cấp cao thấp khác nhau mà ngự trị trên các đỉnh núi cao thấp khác nhau. Ngắm nhìn những tầng tháp cổ với màu gạch đỏ hồng tươi (cũng có khi đỏ nhạt); gắn kết với nhau bằng một thứ keo vữa đặc biệt chứ không phải bằng mạch vữa thông thường; được chạm khắc trực tiếp vào thân gạch; mái có nhiều tầng, phần ngọn được thu nhỏ dần hoặc giật cấp từ miền đồng bằng lên đến vùng đồi cao chúng ta không khỏi thán phục trước những đôi bàn tay tài hoa vào bậc đỉnh cao của những người thợ Chăm. Ngắn nhìn các tháp Chăm được bố trí trên khắp các địa hình từ miền đồng bằng lên đến miền đồi núi như thế chúng ta có cảm giác, dường như đó là một ẩn ý về quan niệmsống của những chủ nhân ngọn tháp. Phải chăng người Chămpa tín sùng Hindu giáo nhưng tâm hồn vẫn rất thực tế và vô cùng lãng mạng. Họ vừa muốn vươn lên trời cao nhưng vẫn muốn bám chặt lấy đất mẹ.
Bình Thuận vốn cùng với Ninh Thuận, xưa kia từng là một tiểu quốc riêng của xứ Chămpa,Panduranga. Riêng Bình Thuận đã được xác định là quê hương của dòng tộc Pinang – bộ tộc Cau. Bộ tộc cau ở phía Nam Chămpa, bộ tộc Dừa ở phía Bắc Chămpa. Hai bộ tộc này trong lịch sử từng vừa liên minh với nhau vừa cạnh tranh với nhau để tranh giành quyền lực đứng đầu vương quốc. Hiện nay hậu duệ của dòng tộc Cauvẫn còn sinh sống trên mảnh đất này. Kể như vậy để thấy được Bình Thuận là vùng đất cổ nhất của vương quốc Chămpa. Nói thế cũng có nghĩa đây là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa - nhất là văn hóa Chăm pa. Dấu ấn ấy có thể thấy rõ nhất trên tháp cổ Pô Sah Inư (còn được gọi là tháp Chăm Phố Hài) hiện còn sừng sững trên đồi Bà Nài (phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết). Trải qua những nắng mưa của thời gian, những bom rơi đạn lạc của thời kỳ chiến tranh, Pô Sah Inư trầm mặc trên đồi cao và trở thành chứng nhân của lịch sử với nguyện vẹn vẻ đẹp nguyên sơ cùng những bí ẩn của thời gian.
Cổ tháp Pô Sah Inư hiện nay là một cụm gồm có ba tháp chính phụ, ba tháp này còn tương đối nguyên vẹn. Cùng với ba ngọn tháp chính và phụ này người ta còn tìm thấy ở xung quanh có nhiều nền móng của những ngôi đền, tháp khác đã bị sụp đổ. Những chứng tích ấy đã nói cho chúng ta một điều rằng nơi đây, xưa kia có thể là một quần thể kiến trúc khá đồ sộ. Quần thể ấy đã bị mai một theo thời gian. Và đó cũng là dấu tích một thời kỳ hưng thịnh của vương quốc Chămpa trên vùng đất này.
Quá khứ vàng son của Chămpa đã một đi không trở lại. Bâng khâng bên tầng tháp cổ, lặng xem những gì còn lại của người xưa để cho dòng suy tưởng lạc trôi về một thời oanh liệt mà lòng không khỏi cảm phục, mến mộ cùng với trân trọng và thương yêu. Tháp chính vòi vọi giữa trời xanh. Tính từ mặt đất đến đỉnh tháp, chiều cao chắc cũng khoảng chừng mười lăm mét. Tháp cóbình đồ hình tứ giác, mỗi cạnh khoảng hai mươi mét. Cửa chính của tháp là nơi để mọi người đi ra đi vào được mở về hướng đông. Ba cửa phụ mở về hướng Nam, hướng Bắc, hướng Tây; đây thực chất là ba cửa giả dùng để trang trí. Thân tháp hình như có dấu hiệu từng bị hư hỏng nặng và đã được sửa chữa. Vòm cuốn trên cửa giả phía Tây vẫn còn khá nguyên vẹn những hoa văn hình cây lá. Thân tháp có bốn tầng. Nhìn toàn diện ta sẽ thấy tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới. Trong tháp có bệ thờ Linga – Yoni bằng sa thạchmàu đen. Ngoài tháp chính, tháp phụ thứ nhất nằm về hướng Bắc. Tháp thấp hơn tháp chính, cao khoảng mười hai mét. Kiến trúc và kiểu dáng gần giống như tháp chính, đơn giản hơn một chút. Nghe kể trước đây trong tháp phụ này có thờ bò thần Nandin nhưng hiện nay không còn. Tháp này cũng có dấu vết của sự trùng tu. Tháp phụ thứ hai nằm cạnh tháp chính, chỉ còn lại một phần tháp với chiều cao khoảng bốn mét, tháp thờ thần lửa. Cửa tháp cũng mở về hướng Đông. Bề mặt tháp đã bị hư hỏng nhiều, các hoa văn không còn. Tháp cũng có những dấu vết của việc trùng tu. Cổ tháp Pô Sah Inư mang phong cách Hòa Lai, nhóm tháp mang phong cách này gồm tháp Hòa Lai (Ninh Thuận) và tháp Po Dam, tháp Pô Sah Inư (Bình Thuận). Đó là những ngọn tháp mang phong cách kiến trúc cổ nhấtcủa người Chăm, được làm vào khoảng cuối thế kỷ thứ VIII đầu thế kỷ thứ IX với các vòm cửa có nhiều mũi tròn cùng các trụ bổ tường hình bát giác và trang trí hình lá uốn cong. Ngẫm ra tuổi đời của Pô Sah Inư cũng quãng trên dưới một ngàn ba trăm tuổi. Cứ nhìn từng ấy tuổi mà tính thì Pô Sah Inư chẳng những là tháp cổ mà còn là tổ tháp của những tháp cổ. Pô Sah Inư của riêng còn một chút này, năm 1991, cổ tháp Pô Sah Inư được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Hơn ngàn năm tuổi, ánh hào quang rực rỡ của Chămpa này vẫn còn tỏa sáng khiến bao người lưu luyến.
Đứng bên Pô Sah Inư ngàn năm, chiêm ngưỡng đôi bàn tay tuyệt vời của người xưa trên những tầng tháp đang lở lói theo thời gian; lắng nghe câu chuyện tình của nàng công chúa tài đức hiếu hạnh cùng tiếng trốngtrống Baranưng, trống Ginăng, đàn Kanhi, đàn Xaranai... trong vũ điệu uyển chuyển của thiếu nữ Chăm mà lòng dạt dào cảm xúc. Tiếng kèn Xaranai réo rắt, trống Ginăng trầm hùng; lời ca thiết tha, bay bổng cùngnhững thiếu nữ áo trắng và các tràng trai rực rỡ sắc màudi chuyển trong những vũ điệu lúc lả lướt, nhịp nhàng lúc lại rộn ràng, náo nức mà làm mê mẩn bao khách phương xa. Từng điệu phất tay, phất quạt; cái quất roi, dáng dậm gót song hành theo tiếng nhạc khi khoan khi nhặt để hút hồn, quyến rũ muôn khách thập phương. Xem múa Chăm bên tháp cổ ta như được no nê trong bữa tiệc của thanh âm và sắc màu; đặc biệt cảm nhận được bao điều qua những đường nét trình diễn của cơ thể và tay chân. Thanh âm của những trống Ginăng, Baranưng, đàn Kanhi, chiêng, kèn Xaranai … làm thành một dàn hợp xướng giữa mênh mang đất trời lúc nỉ non lúc kể lể gợi nên những ưu tư, đợi chờ cùng bao hi vọng, ước mơ. Những đôi tay mềm dẻo, những điệu lắc uyển chuyển kết hợp với các động tác và tư thế của đôi chân với những đường cong căng tròn tràn trề nhựa sống làm cho người xem như thể đang bị thôi miên. Đặc biệt những ngón tay biết nói của vũ nữ Chăm còngợi lên bao điều sâu xa về thế giới nhân sinh trong cách cảm cách nghĩ của người Chăm theo tín ngưỡng Bà la môn. Vũ nữ Chăm, ngực căng tròn, tràn trề sinh lực đưa ngón tay trỏ hướng về mặt đất như muốn nói với mọi người rằng đất mẹ bao la và bao dung mãi mãi là điểm tựa cho chúng ta vươn tới những chân trời hạnh phúc; một cánh tay hướng lên trời cao là muốn nói tới con đường siêu thoát lên thiên đàng; cánh tay đưa ngang ngực dùng để diễn tả những nỗi niềm hạnh phúc; tay trái hướng ra phía sau và tay phải nắm lại trước ngực với ba ngón tay hướng lên, ngón trỏ chạm vào ngón cái là đang bắt ấn trừ tà; một ngón tay cong hướng lên trời thể hiện cuộc sống hiện tại ngày hôm nay trên mặt đất; hai bàn tay chuyển đổi lên xuống nhằm diễn tả hai trong bốn giai đoạn của vòng đời: sinh - trưởng - bệnh và chết. Cứ thế, những vũ điệu không lời chứa cả một thế giới nhân sinh của cõi người; xoay theo nhịp trống điệu kèn, vũ nữ Chăm thanh thoát và uyển chuyển đã làm cho các cặp mắt của người xem không thể rời xa, mê mải ngắm nhìn.
Tháp cổ Pô Sah Inư không chỉ thờ các thần Hindu. Ẩn trong ngôi tháp hơn ngàn năm tuổi còn có câu chuyện tình đẫm lệ dẫn đến cái chết của công chúa Pô Sah Inư - con gái đức vua Para Chanh, một người phụ nữ tài đức có công dạy dân dệt vải, trồng trọt, đánh cá và chăn nuôi, được người Chăm thần thánh hóa và thờ phụng để ghi nhớ công ơn. Câu chuyện tình cảm độngấy đã được người đời truyền miệng cho nhau và lưu lại trong nhân thế. Người ta kể rằng vua Chămpa có một nàng công chúa rất xinh đẹp tên là Pô Sah Inư. Nàng yêu say đắm một lãnh chúa theo đạo Hồi tên là Po Sahaniempar. Hai người đã vượt qua những khác biệt tôn giáo để đến với nhau trong sự vui mừng của mọi người. Nhưng rồi cuộc sống vui vẻ chẳng được bao lâu thì Po Sahaniempar phải trở về Ma Lâm. Ngày tiễn chồng về quê, công chúa Pô Sah Inư không khỏi buồn thương và nguyện ước sẽ đợi chờ chồng trở lại. Trong những ngày xa cách, em trai của công chúa là thái tử Po Dam vốn rất ghét những người khác đạo nên đã tìm cách chia rẽ mối tình của đôi uyên ương trước ngày tái ngộ. Sau chuyến hành hương về quê, Po Sahaniempar quay trở về nơi chia tay người vợ yêu quý nhưng không thấy nàng ra đón như lời hẹn lúc biệt ly. Chẳng những vậy, chàng lại được nghe những lời ác ý nên buồn bã bỏvề vùng núi Ông – Tánh Linh. Tại đây Po Sahaniempar đã gặp và yêu một người con gái khác. Đó là nàng Chargo kiều diễm người dân tộc Raglây. Còn Pô SahInư, sau khi biết chuyện em trai ác ý với anh rể nên đã vội vã đi tìm chồng. Nhưng đã quá muộn, tình yêu của Po Sahaniempar đã dành cho Chargo. Công chúa Pô Sah Inư buồn bã quay về quê hương sống và dạy cho mọi người cách trồng lúa nước, dệt vải thổ cẩm, chăn nuôi, đánh bắt hải sản. Sau khi Pô Sah Inư, nhân dân đã xây đền tháp thờ phụng để tưởng nhớ đến đức hạnh của nàng. Đó chính là tháp Pô Sah Inư nhày nay. Hàng năm cứ vào mùa vụ Katê - ngày mùng một tháng Bảy lịch Chăm, người ta tổ chức lễ hội ăn mừng và múa hát tại tháp Pô Sah Inư để tưởng nhớ đến nàng công chúa xinh đẹp, tài giỏi, nhân hậu và cầu xin bà che chở.
Đứng bên tháp cổ, ngậm ngùi cho mối oan tình ngoại đạo. Hồng nhan bạc phận, phải chăng cuộc đời Pô Sah Inư cũng giống như số phận của những nàng vọng phu trên khắp mọi miền đất nước. Những mối oan tình ngàn năm khôn rửa, chẳng chiến tranh giặc giã thì cũng bị những cổ tục, luật lệ hà khắc tàn phá, hủy hoại. Ôi, nước mắt và số phận!
2. Đôi bờ Cà Ty thương nhớ
Thành phố Phan Thiết có hai con sông chảy qua trước khi đổ nước ra biển. Đó là sông Phú Hài và sông Cà Ty. Người ta bảo, nếu ví phố biển Phan Thiết như nàng Pô Sha Inư yêu quý của quốc vương Parachanh thì hai con sông Cà Ty và Phú Hải tựa như hai bím tóc duyên dáng của nàng công chúa. Trong hai con sông ấy sông Cà Ty là con sông người ta thương nhớ nhất. Đó là sông thơ, sông nhạc, sông họa của bao đời văn nghệ sỹ. Hẳn người yêu thơ ở Phan Thiết ai chẳng đã một lần đọc những câu thơ của Lê Nguyên Ngữ viết về dòng Cà Ty: “Có dòng sông chảy mãi chẳng gặp cầu/ Để nước dỗi đôi bờ chao mặt sóng/ Về Phan Thiết, Cà Ty lòng chẳng rộng/ Lại nối bờ vui mấy chiếc cầu!/ Chẳng phải vô tình chia Phan Thiết ra đâu/ Bởi sóng vỗ ngoài kia mời mọc quá!/ Khao khát biển vội chồm qua thị xã/ Nên cầu hóa thành lời xin lỗi của sông/ Để hai bờ chín đợi, mười mong/ Dù tầm gọi chỉ "Đò ơi...!" chớ mấy/ Đứng bên này thấy bên kia tay vẫy/ Nhưng sông vẫn trềnh tràng mời mọc chuyến đò ngang.../ Ba chiếc cầu vạch mấy trường canh/ Chảy dòng nhạc Cà Ty bờ bến hát/ Cho mỗi câu thơ tôi viết về Phan Thiết/ Là nhịp cầu hò hẹn để em sang" (Phan Thiết Cà Ty chảy gặp cầu) hay như nghe bài vọng cổ của nhạc sỹ Lê Hoàng Chung và Việt Ngữ: “Anh đứng lại nơi đây bên dòng Cà Ty lộng gió, lặng nhìn tháp nước chiều nghiêng soi bóng mây trời/ Phố biển chiều xưa vang bước chân Người/ Đây trường Dục Thanh còn in chân Bác, kia lầu ông Hoàng nơi Hàn Mặc Tử đã qua./ Bình Thuận quê mình đẹp tựa bài ca, đường phố thênh thang nhà nhà rộng mở./ Dòng Cà Ty xanh trong nắng vàng rực rỡ, anh viết câu thơ cho đở nhớ quê mình” (Tình ca Phan Thiết).
“Quê tôi ai cũng có một dòng sông”, với người Phan Thiết, đó hẳn phải là dòng Cà Ty thương nhớ. Chưa đủ, Cà Ty còn là con sông thiêng của Phan Thiết. Dòng sông ấy còn có một tên gọi khác là Mường Mán, ở trên thượng nguồn. Đoạn sông Cà Ty chỉ là khúc cuối ở hạ nguồn, chảy qua thành phố Phan Thiết. Sông ấy bắt đầu từ dãy núi Ông, thuộc vùng rừng núi ở huyện Tánh Linh, có độ cao khoảng 1300 m. Sông dài trên 60 km, lúc đầu chảy theo hướng Bắc – Nam sau chuyển theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Từ nơi thượng nguồn đến cửa biển Cồn Chà (Phan Thiết) sông Cà Ty còn hợp lưu với con sông Cái chảy từ Hàm Minh, Hàm Cường và đi qua trung tâm thành phố Phan Thiết với chiều dài khoảng gần 10 km. Về tên gọi Cà Ty người ta có một giai thoại giải thích rằng, nước sông từ thượng nguồn chảy xuống là nước ngọt nhưng đoạn qua thành phố Phan Thiết (từ làng Phú Hội đến của biển Cồn Chà) đáy sông thấp hơn so với mực nước biển nên khi thủy triều lên nước biển tràn vào hòa lẫn nước sông trở thành nước lợ, có khi là nước mặn. Những người sinh sống ở đây thấy hiện tượng đó thì rất ngạc nhiên nên nói với nhau là “kỳ ta” rồi đọc trại thành Cà Ty. Còn cái tên Mường Mán của dòng sông có thể là cách gọi của người Kinh. Người Kinh gọi dòng sông chảy qua vùng đất của người dân tộc thiểu số. Trước đây từ Mường, Mán không phải chỉ dùng để gọi tộc người Mường, người Mán nói riêng mà dùng để gọi người dân tộc thiểu số nói chung. Điều này có thể thấy trong ca dao. Tỉ như, để ám chỉ về cuộc hôn nhân chính trị thời nhà Trần dân gian từng có câu ca dao: “Tiếc cho cây quế giữa rừng/ Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo” (cây quế là công chúa Huyền Trân còn Mường, Mán là vua Chế Mân).
Tôi thấy hình như người Phan Thiết rất yêu dòng sông Cà Ty. Buổi sáng và buổi chiều, hai bên bờ sông, các quán cà phê cóc chật kín người. Người ta ra đây không phải chỉ để uống cà phê mà còn để ngắm nhìn dòng sông; để lắng nghe nhịp sống của thành phố trên dòng sông; để nói chuyện với nhau về dòng sông. Còn những người Phan Thiết phải đi xa thành phố hẳn là lúc nào cũng nhớ về dòng sông. Con sông Cà Ty với đôi bờ thương nhớ dường như lúc nào cũng thường trực trong tiềm thức của họ. Họ nhớ về con sông với áng tóc trữ tình như nhớ về ngôi nhà thân yêu của chính mình. Cứ thế tôi lang thang trong chiều buông Phan Thiết, hòa mình vào dòng người bên sông; nhẹ nhàng trong những suy nghĩ miên man để nhìn những giọt nắng cuối ngày rơi xuống dòng sông tan vào làn nước biếc, nhè nhẹ du dương như một bản nhạc không lời xuôi dòng về biển. Bất giác lại thấy trong lòng rộn nên một nỗi niềm lâng lâng xao xuyến, phố biển bên sông sao mà thanh bình đến vậy. Ngắm nhìn dòng sông lơ đãng với ba cây cầu xinh xắn nối đôi bờ bến mộng, soi bóng dòng xanh lững lờ trong buổi hoàng hôn ta không khỏi nao lòng để sựcnhớ đến dòng Hương của xứa Huế với những Bạch Hổ, Trường Tiền, Kim Long. Cà Ty ơi, Hương Giang ơi sao mà giống nhau “kỳ ta”.
Không biết thủa xưa Cà Ty như thế nào còn giờ đây sông nước Cà Ty đã trở thành linh hồn của phố biển Phan Thiết. Chẳng biết từ khi nào Cà Ty đã trở chứng nhân của phố biển qua những trường kỳ lịch sử, từ hồi Chămpa lập quốc cho đến ngày nay. Những thăng trầm của thời cuộc và những phồn hoa của thành phố Phan Thiết dường như còn in dấu trên đôi bờ thương nhớ. Sông nước Cà Ty từng chứng kiến biết bao biến động của thời cuộc với những sự hợp tan Chiêm Thành một thủa. Nơi bờ sông ấy, khi tiếng súng đánh Pháp theo “Hịch Cần Vương” bị kẻ thù dập tắt thì các phòng trào yêu nước khác của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng lại bắt đầu nổi lên, Cà Ty có “Dục Thanh học hiệu” chẳng những là nơi tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước mà còn là nơi phát động phong trào Duy Tân: “… Trời đất hỡi! Dân ta khốn khổ!/ Đủ trăm đường thuế nọ, thuế kia/ Lưới vây, chài quét trăm bề/ Róc xương róc thịt còn gì nữa đâu…” và mái trường thân yêu ấy cũng là nơi in đậm dấu chân thầy giáo Nguyễn Tất Thành trước khi đến bến Nhà Rồng lên tàu vượt đại dương đi tìm đường cứu nước. Những nhà Ngư (nơi nội trú), Ngọa Du sào (nơi đọc sách), cây khế và giếng nước trong khuôn viên trường và cả bến Cồn Chà bên biển, đâu đó dường như còn phảng phất bóng Người; còn vang lên những lời giảng bài giọng Nghệ “L’oau là nước, Maison là nhà - Nước nhà là nước nhà ta…”. Và hẳn là dòng sông vời vợi con nước vẫn giữ trong mình những bóng hình thân thương của một ông đồ Nghệ dẫn học trò tham quan bến đò Cà Ty hay xem hát bội.
Không chỉ chứng kiến “Dục Thanh học hiệu” một thời, Cà Ty còn in bóng biểu tượng gần trăm tuổi của thành phố biển. Có lẽ, đến Phan Thiết mà không đi dọc đôi bờ Cà Ty và ngắm tháp nước trong công viên vườn hoa phường Bình Hưng thì chưa phải là về Phan Thiết. Anh bạn tôi bảo vậy. Tháp nước Phan Thiết là điểm đến không thể thiếu được khi về Phan Thiết. Ngọn tháp một thời là nhà máy nước, từng vượt qua đạn bom của hai cuộc kháng chiến và khắc nghiệt của môi trường khí hậu, sừng sững vươn lên trời xanh và trở thành cột cờ Tổ quốc đêm ngày phần phật tung bay trong gió. Có lẽ duy nhất trong cả nước chỉ có một tháp nước trở thành cột cờ linh thiêng. Tháp nước ấy giờ đây còn là cây cầu hữu nghị của mối tình Việt – Lào: “Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Chẳng là, bản thiết kế tháp nước đó là do Hoàng thân Xuphanuvong (Chủ tịch nước cộng hòa dân chủ nhândân Lào giai đoạn 1975 – 1991) vẽ khi còn là du học sinh trường Albert Sarraut ở Việt Nam. Bản thiết kế đó được Sở Công chánh Hà Nội duyệt và đưa ra đấu thầu. Lần thầu ấy, Ưng Du (nhà thầu Việt Nam) đã thắng cuộc. Theo bản thiết kế, tháp nước được làm theo hình trụ bát giác đều, cao ba mươi hai met. Tháp chia làm ba phần: thân tháp, bầu đài, mái. Thân tháp làm hình trụ bát giác, một cạnh rộng ba mét chín, càng lên cao càng thu nhỏ lại. Đường kính chân tháp dài chín mét, chu vi dài hơn ba mươi mốt mét, tổng diện tích sàn lên tới hơn bảy mươi ba mét vuông. Dọc theo các cạnh của thân tháp có bố trí năm ô thông gió, trang trí hoa văn chữ triên: Hỷ, Phúc, Thọ, Kiết, Lộc (với ý nghĩa cầu chúc muôn người vui vẻ, hạnh phúc, sống lâu, thịnh vượng, ấm no), trong đó cạnh phía Tây ô thông gió chữ Lộc được làm bằng thép để làm cửa ra vào tháp. Phần bầu đài là bồn nước, làm theo hình bát giác, cao năm mét, đường kính chín mét, chứa được ba trăm năm mươi khối nước. Xung quanh bầu đài có tám hình tròn đắp nổi bằng mảnh sành cách điệu bốn chữ U.E.P.T (Usine des Eaux de Phan Thiết) có nghĩa là nhà máy nước Phan Thiết. Nóc của bầu đài có ba tầng mái, mỗi tầng rộng một mét, cách nhau nửa mét; cũng làm theo hình bát giác, lợp bằng ngói móc. Đặc biệt, hằng năm, vào thời khắc giao thừa, từ nơi tháp nước này vang lên một hồi còi báo hiệu Phan Thiết vào xuân.
Thế đấy, dấn ấn của Cà Ty với đất và người Phan Thiết quả là sâu lặng.
3. Mũi Né, thiên đường du lịch
Những năm gần đây khi ngành công nghiệp không khói ngày càng phát triển, phố biển Phan Thiết, đặc biệt là Mũi Né được người ta rủ đến khá nhiều. Có lẽ du lịch Mũi Né bùng nổ mạnh mẽ cho nên vùng biển này bỗng chốc được gắn với những tên gọi vốn xưa nay chưa từng có, như thể “thiên đường nghỉ dưỡng” “thủ đô của resort” … Và thực tế, giờ đây biển Mũi Né đã “trở thành một điểm đến không thể bỏ qua trong đời” với những điểm chơi, điểm ngắm làm say đắm lòng người bởi những cảnh đẹp hoang sơ của biển như thể mới lần đầu nhìn thấy.
Tôi có thói quen khi đặt chân tới mỗi vùng đất thường hay tìm hiểu cắt nghĩa về địa danh của nơi đến để tìm hiểu về cuộc sống và mọi sinh hoạt văn hóa của con người nơi đó. Theo thói quen ấy, cái tên gọi Mũi Né của thiên đường du lịch xem ra khá hấp dẫn và sẽ là công đoạn đầu tiên của quá trình khám phá. Theo giải thích của người dân làng chài nơi đây chúng tôi được biết “Mũi” là doi đất nhô ra trước biển, “Né” có nghĩa là tránh. Do có phần đất nhô ra biển, có thể chặn được sóng gió mà mỗi khi biển có bão các ngư dân thường đưa tàu, thuyền đến đây để tránh bão. Như vậy tên gọi Mũi Né được bắt nguồn từ đặc điểm địa lý tự nhiên của vùng biển và công việc lao động trên biển mỗi khi gặp phải thời tiết không như mong muốn. Ngoài ra địa danh Mũi Né còn có một cách giải thích khác bằng huyền tích. Tương truyền vua Chăm có một người con gái út thường gọi là công chúa Chuột (Né) bị mắc bệnh nan y năm mười sáu tuổi. Bởi vậy nhà vua đã cho xây một ngôi miếu tại Hòn Rơm cho công chúa tu tập, miếu này lấy tên là Nà Né. Trải theo thời gian miếu Nà Né được người dân đọc trại thành Mũi Né. “Mũi” là doi đất nhô ra biển “Né” là tên gọi của nàng công chúa út. Hai cách giả thích về tên gọi Mũi Né xem ra đều có phần hợp lý. Một tên gọi gắn liền với đời sống hiện thực. Một tên gọi gắn với lịch sử văn hóa của một vùng đất mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa khiến cho phố biển càng nên thơ. Tuy nhiên xem ra cách giải thích thứ nhất có vẻ hợp lý và thực tiễn hơn.
Có lẽ Mũi Né nói riêng và Bình Thuận nói chung (nơi ven biển) gắn liền với văn hóa biển. Nét văn hóa ấy chúng ta có thể nhận ra trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày vì luôn gắn cùng nghề đi biển. Bởi thế mỗi buổi sớm mai bãi biển của làng chài tấp nập như một buổi chợ phiên khi thuyền ngoài khơi xa cập bến. Mặt biển bao la có hàng ngàn chiếc thuyền đánh bắt cá từ khắp mọi nơi đổ về. Những chiếc thuyền với đủ kích cỡ, màu sắc tạo cho làng chài một nét đẹp riêng chẳng thể nào lẫn vào đâu được. Trên bãi biển người đợi tàu thuyền trở về cũng đông vui tấp nập không kém gì cảnh đoàn thuyền đánh cá lũ lượt kéo nhau về. Những khoang thuyền đầy ắp hải sản là kết quả của một chuyến ra khơi; những tay chèo quần áo ướt sũng khiêng vác những thúng cá, tôm hay những thùng cua, ghẹ, mực …tươi ngon roi rói. Tiếng kẻ mua người bán ồn ào, huyên náo, râm ran dường như đã phá tan đi cái nhịp sống nguyên sơ vốn có để rồi khi hết chợ, những "Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm/ Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ" thì nhịp sống thanh bình của làng chài lại trở lại như những gì ban đầu, như thể yên bình trong biển xanh, cát trắng mịn màng, du dương sóng hát… Đến với làng chài Mũi Né hẳn chúng ta sẽ có được một trải nghiệm tuyệt vời về nghề chài lưới của ngư dân làng biển. Chẳng những thế, thả bộ vào trong làng chài ta sẽ có những trải nghiệm khác về nghề làm khô cá, khô mực và chế biến nước mắm. Như thế há chẳng phải thích thú lắm sao.
Bãi biển Mũi Né chẳng những là nơi cho ta cuộc sống trải nghiệm của một làng bên biển mà còn là một nơi ngắm biển vô cùng thú vị. Sáng sớm, đón bình minh từ bãi biển làng chài, ngoài được hít thở không khí ban mai sạch sẽ của biển khơi chúng ta còn đượcthấy một bức tranh phối màu diệu kỳ của tự nhiên và con người. Trước lúc mặt trời ló rạng, đất trời là một màn đêm mờ ảo, chỉ có tiếng sóng xô ôm bờ cát. Khi ánh bình minh bé xíu xuất hiện trên mặt biển từ phía chân trời xa và nhô lên cao dần thì bầu trời là cả một không gian đỏ rực tỏa xuống mặt biển xanh lam tạo thành một bức tranh thủy mặc diều kỳ. Ánh bình minh ấy trùm lên hàng trăm chiếc thuyền với những sắc màu sặc sỡ còn đang nồng say trong giấc ngủ trên mặt nước khiến cho Mũi Né càng trở nên sinh động chẳng khác gì một bức tranh tĩnh vật làm người xem đắm chìm, thích thú. Cũng trên biển làng chài, nếu ban sớm không gian kỳ ảo trong sắc lam thì khi hoàng hôn buông xuống không gian ấy lại bàng bạc trong muôn ngàn con sóng khiến cho buổi chiều hôm trong tầm mắt trở nên lãng mạn, thơ mộng đến vô cùng. Bắt đầu là khi ánh tà dương dần buông trên mặt biển, bầu trời Mũi Né chuyển từ màu vàng rực rỡ sang màu cam ấm áp hòa với những làn mây lãng đãng tạo thành hiệu ứng ánh sáng lung linh làm cho cảnh biển trở nên thần tiên hơn bao giờ hết. Khi ánh mặt trời xuống biển, những sợi sáng cuối cùng hắt lên yếu ớt cũng là lúc Mũi Né chìm dần vào trong màn đêm, chỉ để lại những tiếng sóng ru bờ êm đềm làm cho người ta dễ dàng nhận ra cảm giác thanh bình, thư thái mà tạo hóa ban tặng cho Mũi Né.
Chưa đủ, đến với biển Phan Thiết người ta còn được chứng kiến một “đặc sản” hiếm có mà dường như tạo hóa biệt đãi riêng cho xứ sở phên dậu của người Chăm. Đó là nắng, gió và cát, trong đó Mũi Né là một trong hai nơi có những đồi cát đẹp nhất nước (một nơi khác là Bàu trắng - huyện Bắc Bình) và cũng là nơi có nhà máy điện gió. Có lẽ, những đặc sản này mới thực sự làm nên sức hút của du lịch Bình Thuận nói chung và Phan Thiết nói riêng. Các nhà khí tượng thủy văn đã đo được năng lượng gió và năng lượng mặt trời ở Bình Thuận và xếp vào loại cao nhất nước. Số giờ gió, số giờ nắng trung bình cao hơn so với các tỉnh phía Nam. Tốc độ gió và bức xạ mặt trời khá cao và ổn định. Tốc độ đo gió trung bình là 6,8 m/s, số giờ trung bình để sản xuất điện khoảng 3.800 giờ/năm; số giờ nắng trung bình là 2.728 giờ/năm, thời gian có nắng để trực tiếp sản xuất điện hầu như có quanh năm, tổng bức xạ trung bình hàng năm là 1.961 kWh/m2, trung bình hàng ngày là 5,37 kWh/m2. Chẳng những thế Bình Thuận rất ít bão và đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển các nhà máy điện gió. Có lẽ bởi sự biệt đãi của tự nhiên như vậy mà nơi đây đã có những cánh đồng quạt gió (nhà máy điện gió) khổng lồ. Cánh đồng quạt gió ấy không chỉ bổ sung nguồn điện sạch cho lưới điện quốc gia mà còn là một nơi sống ảo của không ít người. Những chiếc “chong chóng” (cánh quạt) khổng lồ hướng ra biển, quay tròn bất kể đêm hay ngày, mưa hay nắng; và lúc nào cũng là điểm đến check-in “cực chất” của nam thanh nữ tú, nhất là các cặp đôi chuẩn bị kết lễ tơ hồng. Đặc sản gió là vậy, đặc sản cát cũng có một sức hút ghê gớm. Người ta ví đồi cát ở Mũi Né là một tiểu sa mạc ở Sahara (châu Phi). Giữa cái nắng chói chang nhìn những đồi cát óng ánh ta sẽ thấy Mũi Né được khoác trên mình bộ trang sức kỳ ảo không kém gì mặt nước biển xanh. Những triền cát cao vút, rộng mênh mang trải ra ngút ngàn con mắt với đủ sắc màu: trắng, vàng, cam, hồng, đỏ … trộn lẫn vào nhau. Cái huyền ảo của những đồi cát ở Mũi Né là sự thay đổi liên tục theo hướng gió. Với sự biệt đãi về gió nên đồi cát khi thì phẳng lỳ, lúc lại xếp ly như những con sóng khổng lồ, trập trùng như những ngọn đồi bát úp, nhiều khi đồi cáttưởng chừng như chuẩn bị dựng đứng như bức tường thành. Cứ thế, cát óng ánh và biến hình liên tục với muôn hình vạn trạng, chẳng thế mà người ta gọi là những đồi cát bay. Bạn hãy đến một lần để trải nghiệm những trò chơi trên cát (trượt cát, đi ô tô trên cát …) hay check-in với cát trong chiều hoàng hôn buông xuống hẳn sẽ thấy rất khoan khoái, thích thú … và nhất là sẽ thấy mình trẻ hơn rất nhiều. Trong ráng chiều hoàng hôn, những vệt nắng cuối ngày ngả nghiêng trên mặt cát mặc cho gió cuốn bụi mờ gợi lên buổi chiều hôm hiện trong khuôn hình của máy ảnh những bức tranh đẹp đến mê hoặc về đồi cát và những cánh quạt điện gió khổng lồ.
Mũi Né, biển xanh dạt dào sóng nước, mênh mông cồn cát trắng, cát hồng, cát vàng… mềm mại, mịn màng và liên tục thay đổi theo nắnc, theo gió như thế bảo sao người ta chẳng thích thú? Bảo sao người ta chẳng phải lòng đến mê mẩn và rủ nhau tìm đến bất kể đường xa.
Phan Thiết, ngày 12 tháng 8 năm 2023