Đua thuyền độc mộc là một trong những hoạt động sôi nổi, mang nét đẹp truyền thống của đồng bào Giơ Rai vùng biên giới được huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai tổ chức hàng năm. Đây là hoạt động văn hóa thể thao thể hiện sức mạnh của tinh thần đoàn kết, không chỉ tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi, cầu mong cho trời đất mưa thuận gió hòa, làm ăn khấm khá, cuộc sống của người dân ấm no, hạnh phúc, mà còn góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của bà con dân tộc dân tộc thiểu số.
Phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Đến nay, Hội đua thuyền độc mộc ở vùng biên giới, trên dòng sông Pô Cô tuy mới được UBND huyện Ia Grai (Gia Lai) tổ chức lần thứ 3 tại bến đò làng Dăng, xã Ia O, nhưng đã thu hút hàng ngàn lượt khách, người dân tham quan cổ vũ nhiệt tình.
Là một trong những người “bám làng”, sống với bà con đồng bào dân tộc thiểu số, nắm chắc địa bàn, nhất là các vùng chiến địa quyết liệt trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các di tích lịch sử và am hiểu văn hóa truyền thống của bà con địa phương, ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, nguyên Bí thư Huyện ủy Ia Grai chia sẻ: Dòng sông Pô Cô huyền thoại nối nhịp đôi bờ giữa Gia Lai và Kon Tum, nơi thượng nguồn là biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia, vùng đất này đã sinh ra A Sanh (tên thật là Puih San). Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, A Sanh người con anh hùng của dân tộc đã dùng con thuyền độc mộc của mình làm từ một thân cây để chở bộ đội, vật tư tham gia chiến đấu chống lại kẻ thù.
Xác định: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực và là mục tiêu của sự phát triển kinh tế; là linh hồn, cốt cách của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Văn hoá được hình thành cùng với lịch sử hình thành và phát triển của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, là bản sắc, là tâm hồn của mỗi dân tộc. Nên việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc nhất là các dân tộc ít người như Giơ Rai, Ba Na… luôn là nhiệm vụ được chúng tôi chỉ đạo cho các ngành chức năng, các cấp đặc biệt quan tâm và triển khai thực hiện.
Việc tổ chức Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô cùng với các hoạt động phụ trợ đặc sắc, hấp dẫn như: Liên hoan Văn hóa cồng chiêng, thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên, thi nhảy dân vũ và văn hóa ẩm thực của bà con dân tộc thiểu số Giơ Rai…, nhằm bảo tồn nét đẹp văn hóa độc đáo của cư dân sống lâu đời trên địa bàn huyện. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, những chiếc thuyền độc mộc đã trở thành phương tiện vận chuyển lương thực, đưa hàng ngàn bộ đội ta cùng vũ khí đạn dược qua sông đánh giặc, góp phần làm nên thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày nay, những chiếc thuyền độc mộc vẫn được người dân dùng làm phương tiện đi lại và đánh bắt thủy sản trên sông. Hội đua thuyền là để bảo tồn, phát huy giá trị di sản thuyền độc mộc và không gian văn hóa cồng chiêng của người Gia Rai ở xã biên giới Ia O, là một giải pháp hữu hiệu, tạo động lực cho đồng bào DTTS vùng biên giới gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Khơi dậy và phát huy sức mạnh đoàn kết
Hội đua thuyền độc mộc ở vùng biên giới Ia Grai (Gia Lai) đã đem đến những cái mới lạ, hấp dẫn, nên đã thu hút hàng ngàn người dân khắp các thôn làng và du khách thập phương đến tham quan. Một không khí vui vẻ, đoàn kết, thân tình. Họ cùng nhau đi ngắm những nghệ nhân tạc tượng, làm thuyền độc mộc và thưởng thức những món ăn đặc sản như cơm lam, gà nướng é, dê rừng đốt lồ ô và những sản phẩm cây nhà vườn do bà con địa phương làm ra.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Quý, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai – tỉnh Gia Lai chia sẻ: Dòng Sê San chảy ngang qua địa bàn bên này là xã Ia O (Ia Grai), bên kia là xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum. Với mênh mông sóng nước, sông Sê San không chỉ đem lại nguồn năng lượng để phát triển thủy điện mà còn tạo ra nguồn lợi thủy sản cho người dân khai thác. Từ ngày xây dựng công trình Thủy điện Sê San 4, dòng Sê San qua đây đã trở thành hồ tích nước, lòng hồ rộng, đẹp, nằm giữa núi rừng tạo nên “bức tranh thủy mặc” hút hồn du khách. Cùng với Lễ hội đua thuyền độc mộc, Liên hoan văn hóa cồng chiêng, tạc tượng dân gian, ẩm thực địa phương... huyện Ia Grai tiếp tục quan tâm đến khai thác tiềm năng lợi thế của vùng đất biên giới đa dạng về sinh thái, chiều sâu về văn hóa để tạo ra những sản phẩm du lịch giá trị, kích cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Chúng tôi xác định chiến lược du lịch, đã và đang nỗ lực mời gọi các nhà đầu tư dự án phát triển du lịch. Định hướng chung của du lịch Ia Grai là đa dạng hóa sản phẩm, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch để có thể kết nối với vùng miền, tăng khả năng thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, Ia Grai cũng chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, có nét độc đáo riêng, trong đó đua thuyền độc mộc, du lịch lòng hồ, làng nổi Sê San, các di tích lịch sử, cồng chiêng tụ hội… là điểm nhấn khởi đầu. Với tiềm năng du lịch dồi dào cùng sự nỗ lực của chính quyền địa phương, tin tưởng rằng, du lịch Ia Grai sẽ ngày càng phát triển, là điểm đến hấp dẫn trong lòng du khách thập phương.
Trên mặt hồ rộng mênh mông, dấu tích của ngày xưa vẫn còn đó: Những ngọn núi cao giờ thành cù lao xanh giữa hồ, những ngọn cây rừng khô nổi lên trên không trung như bức tranh thủy mặc; những làng chài, những ngôi nhà nổi tạo nên cảnh quan thật thơ mộng. Khi bình minh đánh thức một ngày mới, các hộ dân ở làng nổi thu về những mẻ cá trong đêm, rồi tiếp tục chuẩn bị lưới, xuồng cho một ngày làm ăn mới. Ngoài không khí vui tươi, hấp dẫn của lễ hội đua thuyền độc mộc, ở đây còn âm thanh lưu giữ của những chiếc thuyền máy và những tiếng hò reo, cười đùa vui vẻ của lũ khách đến tham quan. Cái đẹp tự nhiên để lôi cuốn du khách đến với Ia Grai là đó. Nói rồi ông Lê Ngọc Quý - Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cười rất vui, như thầm hứa một kết quả khả quan về phát triển du lịch văn hóa, du lịch xanh ở vùng đất biên giới.
Nắm chặt tay chúng tôi như gười thân lâu ngày gặp lại, ông Rơ Lan Kai, già làng Jrăng Krái, xã Ia Krai (Ia Grai) bộc bạch: Để làm ra chiếc thuyền độc mộc dân làng phải mất rất nhiều thời gian và cũng rất công phu, từ việc chọn cây, ra kích thước, làm mũi thuyền, đuôi thuyền, khoét lòng thuyền, làm thân thuyền, đáy thuyền, cân chỉnh thuyền, làm mái chèo thuyền. Cây pô ma và bằng lăng là 2 loại cây gỗ làm thuyền bền nhất, gỗ không bị nứt, rất nhẹ, thả xuống nước sẽ không bị chìm. Sau khi đẽo xong, chiếc thuyền được lật úp và dùng sức nóng của lửa làm mịn máng thuyền. Thớ gỗ đẽo ra từ thân cây phải được dùng để nấu nồi cơm tỏ lòng thành với Yàng (Thần linh). Một chiếc thuyền độc mộc có tuổi thọ từ 5 - 10 năm, có chiếc “thọ” đến 20 - 30 năm. Trước đây thuyền độc mộc là một phần tài sản như con trâu, chiếc ghè, bộ chiêng quý vậy.
Theo phong tục của người Giơ Rai tại địa phương, những chiếc thuyền độc mộc mục nát, hư hỏng sẽ được bà con thả trôi theo con nước. Do đó, số lượng thuyền độc mộc còn lưu giữ đến ngày nay chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Bà con dân làng, ngoài trồng mì (sắn), trồng cây công nghiệp, sáng nào đàn ông trong làng cũng chèo thuyền độc mộc đi đánh bắt cá trên dòng Pô Cô. Vì vậy việc UBND huyện Ia Grai tổ chức Hội đua thuyền độc mộc vào thời điểm này dân mình thấy rất hay, rất ý nghĩa. Không những bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của bà con DTTS mà còn thắt chặt tình đoàn kết anh em Kinh - Thượng, nhắc nhở nhau nhớ về truyền thống chống giặc ngoại xâm, bảo vệ làng quê và mở ra cơ hội lớn để người dân địa phương tiếp tục trồng rừng, lấy cây làm thuyền đánh bắt hải sản, giao thương, đi lại giao lưu hàng hóa để phát triển kinh tế.
Không giấu được niềm vui trên khuôn mặt, chị Nguyễn Trâm Anh, một du khách đến từ thành phố Nha Trang cho hay: "Lên phố núi chơi, nghe tin “đua thuyền độc mộc trên núi” hay quá, thế là tôi đã đưa gia đình đến xem. Qua xem Hội đua thuyền, hội cồng chiêng, hội tạc tượng dân gian…, các con hiểu hơn của cuộc sống của bà con DTTS địa phương, về lịch sử của cha ông, đã góp phần giữ gìn, xây dựng mảnh đất Tây Nguyên đại ngàn như thế nào. Cái hay, cái hấp dẫn của con thuyền độc mộc là được làm ra trên một thân gỗ dài, nhỏ, nhưng không bao giờ bị lật, bị chìm, lại chạy rất nhanh trên dòng nước. Nghe tên dòng Pô Cô đã lâu, nay mới có điều kiện chiêm nghiệm, dòng sông đẹp, hấp dẫn, huyền thoại đã trở thành dòng sông năng lượng với nhiều thủy điện như Sê San 4, Sê San 4A, Sê San 3A.
Bà Lê Thị Phương Loan - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Ia Grai chia sẻ: Tổ chức lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô, liên hoan cồng chiêng; triển lãm ảnh về thuyền độc mộc và không gian văn hóa cồng chiêng; giới thiệu các sản phẩm truyền thống đặc sắc của địa phương... là hoạt động văn hóa, thể dục thể thao được tổ chức nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết các dân tộc, truyền thống thượng võ trên quê hương người anh hùng A Sanh. Ngoài bảo tồn, phát huy giá trị thuyền độc mộc, văn hóa công chiêng, văn hóa ẩm thực… bà con địa phương còn cầu cho mưa thuận, gió hòa, lúa bắp, cà phê, cao su xanh tốt bội thu; thi thố sức trai trẻ để chuẩn bị vật lộn với mùa mưa bão, chế ngự thiên nhiên.
Để có được kết quả như ngày hôm nay, cấp ủy, chính quyền địa phương đã thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con DTTS giữ gìn, nâng cao ý thức tự bảo quản cồng chiêng, thuyền độc mộc. Cùng với đó, tăng cường vận động xã hội hóa để sửa chữa các thuyền độc mộc đã hư hỏng theo thời gian. Đồng thời, tạo sinh kế cho dân làng khi gắn văn hóa truyền thống với du lịch qua các hoạt động. Đây là dịp để bà con DTTS nói chung, người Giơ Rai nói riêng cùng hướng về quê hương xứ sở, tưởng nhớ công ơn của bao anh hùng liệt sĩ, trong đó có A Sanh đã hy sinh giành độc lập cho dân tộc. Và cũng là dịp để mỗi người dân vùng biên giới Gia Lai cùng ôn lại truyền thống văn hóa, phát huy tinh thần đoàn kết quân dân để xây dựng vùng biên giới bình yên, phát triển về kinh tế, mạnh về quốc phòng an ninh.
Ngày dần tàn, chỉ còn những giọt nắng đu mình trên đỉnh các ngọn núi xa xa, cuộc vui nào rồi cũng kết thúc, thời gian trôi theo những âm hưởng từ những hình ảnh và những giá trị mà lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô; liên hoan cồng chiêng; triển lãm ảnh về thuyền độc mộc và không gian văn hóa cồng chiêng; giới thiệu các sản phẩm truyền thống đặc sắc của địa phương... được huyện Ia Grai - Gia Lai tổ chức. Bông lửa bay réo rắt, tiếng cồng, tiếng chiêng cuộn chặt những những bàn chân trần của bao cô gái, chàng trai Giơ rai nhịp nhàng bên vòng Xoang… cứ ẩn hiện, ẩn hiện mãi trong tâm thức của mỗi con người…