Dương Thị Xuân Quý - Nhà báo, Nhà văn liệt sĩ           

Nhà báo, nhà văn liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý vừa là tên khai sinh vừa là bút danh, bà còn có bút danh khác Dương Thị Minh Hương, sinh ngày 19 tháng 4 năm 1941, tại Hà Nội, hy sinh tại chiến trường miền Nam ngày 08 tháng 3 năm 1969, tại xã Xuyên Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, trong khi đang tác nghiệp tại mặt trận.
ch1duong-thi-xuan-quy-1659148704.jpg
Dương Thị Xuân Quý.

                                                              

Bà ngã xuống ở tuổi 28 phơi phới thanh xuân, đã để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị cùng tấm gương ngời sáng của một nhà báo, nhà văn – người chiến sỹ quả cảm. Liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý quê quán thôn Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Dương Thị Xuân Quý xuất thân từ một dòng tộc yêu nước, gắn với hoạt động báo chí, văn chương. Ngôi nhà 195 Hàng Bông Hà Nội, nơi bà cất tiếng khóc chào đời, chính là trụ sở tờ Văn học tạp chí  trong những năm 1932 – 1934 và cũng là báo quán tạp chí Tri Tân (1941 – 1945), nơi qua lại của các nhà báo, nhà văn, trí thức có tên tuổi như Nguyễn Văn Tố, Trần Văn Giáp, Nguyễn Tường Phượng, Nguyễn Huy Tưởng, Chu Thiên…Cả hai tạp chí này đều do thân phụ bà ông Dương Tụ Quán chủ trương. Ông nội bà là cụ Dương Trọng Phổ tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, bị thực dân Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Bác ruột của Xuân Quý là nhà văn Dương Bá Trạc, một trí thức duy tân, yêu nước, chống Pháp, cũng bị thực dân Pháp bắt đày đi Côn Đảo, trước cả cụ Dương Trọng Phổ. Một người bác ruột nữa của Xuân Quý là nhà văn Dương Quảng Hàm, nổi danh với cuốn Việt Nam Văn học sử yếu lược, được giới nghiên cứu đánh giá cao. Hai người anh con bác ruột của bà là hoạ sỹ Dương Bích Liên và hoạ sỹ Dương Cẩm Chương.

ch2cuon-nhat-ky-chien-truong-1659148783.jpg
Cuốn sách Nhật ký chiến trường.

 

Từ cái nôi văn hoá ấy, nhà văn nhà báo Dương Thị Xuân Quý đã đến với văn nghiệp báo chí một cách tự nhiên.

Trước khi trở thành phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam năm 1959, Dương Thị Xuân Quý lúc còn là học sinh phổ thông đã là công tác viên của báo Tiền phong, Thiếu niên Tiền phong. Sau khi tốt nghiệp Phổ thông Trung học, Dương Thị Xuân Quý vào học lớp Trắc địa mỏ, Trường Trung cấp Kỹ thuật II, Quảng Ninh. Tại đây, Xuân Quý đã nổi tiếng là một nữ sinh văn hay chữ tốt và là thông tín viên của báo Tiền phong và Lao động.

Lúc này Xuân Quý chưa có tác phẩm nào đặc sắc, nhưng nhờ lối giao tiếp nhẹ nhàng, chân tình, cởi mở và hiểu biết rộng, Xuân Quý đã làm cho không ít trái tim thanh niên vùng mỏ thổn thức. Nhờ sự động viên khích lệ cúa anh Khắc Lượng, Thư ký Toà soạn báo Văn nghệ vùng mỏ lúc đó, Xuân Quý bước đầu đã có một số bài báo sắc sảo và một số truyện ngắn, đáng đọc.

ch3nha-bao-duong-thi-xuan-quy-1659148875.jpg
Nhà báo Dương Thị Xuân Quý.

 

Giữa lúc Xuân Quý đang miệt mài học tập năm thứ hai, báo Phụ nữ Việt Nam cử người xuống xin Dương Thị Xuân Quý về công tác tại báo và cử đi học nghiệp vụ báo chí.

Sau nhiều đêm mất ngủ, vì phải xa vùng mỏ thân yêu mà bà đã từ đầu quyết định sống và viết lâu dài ở đây. Nhưng cuối cùng Dương Thị Xuân Quý quyết rời vùng mỏ về Hà Nội theo học lớp báo chí, rồi trở thành phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam năm 1960 đến năm 1968. Là một phóng viên năng nổ, với cá tính mạnh mẽ, Xuân Quý đã có mặt ở nhiều vùng nông thôn miền Bắc. Có bầu đến tháng thứ 6, bà vẫn về vùng Quảng Nạp (Thái Bình), đi cày, đi gặt cùng bà con xã viên để vừa viết báo, viết văn. Những đồng nghiệp báo Phụ nữ Việt Nam  biết một Xuân Quý cứng cỏi, xông xáo, đã định đi đâu, để tìm hiểu thực tế, thì dù có mưa to gió lớn cũng đi. Đi về là miệt mài viết, không có điện, thắp đèn dầu, mặc cho muỗi đốt, viết xong mới đi ngủ.

 Bảy năm làm phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam,tháng 4 năm 1968, Dương Thị Xuân Quý vác ba lô vượt Trường Sơn vào chiến trường Trung Trung Bộ, để lại đứa con đầu lòng và duy nhất mới 16 tháng tuổi cho thân mẫu chăm nuôi (trước đó 1 năm chồng bà cũng đã vào chiến trường chiến đấu).

Một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của lực lượng Văn nghê. Giải phóng Trung Trung Bộ đã nói về Dương Thị Xuân Quý: “Được đi đồng bằng chuyến đầu, chị lao ngay xuống vùng sâu, rất sâu (…), Quý đến Xuyên Tân, Duy Xuyên thì gặp địch (…), một loạt đạn của quân Nam Hàn quật ngã chị (…). Cho tôi nói điều này: Thật bất công nếu không gọi chị là một người anh hùng”.

Nhà văn Võ Khắc Nghiêm, một bạn học cũ của Dương Thị Xuân Quý có một nhận xét về nhà báo, nhà văn liệt sỹ: “Ở đâu Dương Thị Xuân Quý cũng sống hết mình vì bạn bè, vì đồng đội, cũng viết hết mình và cũng nổi tiếng”.

Ngoài những bài báo có thép, Dương Thị Xuân Quý còn có một số tác phẩm văn học: “Chỗ đứng” (truyện và ký, 1968); “Hoa rừng” (truyện và ký, 1970); “Nhật ký chiến trường” (nhật ký, 1970); “Dương Thị Xuân Quý” (nhật ký và tác phẩm , 2007)…

Sự nghiệp văn chương báo chí đang độ chin, Dương Thị Xuân Quý đã ra đi, để lại bao tiếc nuối của bạn bè đồng đội. Trang viết của bà tuy chưa dày, nhưng với những gì bà để lại, nhà thơ Thanh Quế đã có nhận định khá chính xác, khách quan về cuộc đời và văn chương của bà: “Tôi biết không có gì lại dẫn dắt những người còn sống chúng ta tới gần bản chất của sự sốngbằng cái chết của những người như chị. Chị đã dạy cho chúng ta cách sống đúng đắn hơn, dũng cảm hơn”.

Nhà báo nhà văn Dương Thị Xuân Quý đã hy sinh, bà còn để lại những dòng nhật ký, trong đó có trang ghi: “15 – 12- 1968, đến hôm nay Ly của mẹ đã nói hai tiếng (Ly là tên con gái của bà) và khi đã nói được hai tiếng một thì con đã phải trả lời hai tiếng này: Bố đâu? Đi Nam. Mẹ đâu? Đi Nam. Ôi thương Ly vô hạn. Cứ nghĩ vậy, mình lại khóc. Khổ thân con quá! Đẻ ra vừa biết cười là bom đạn. Vừa biết cười lên tiếng là xa bố. Vừa nhú răng là sơ tán. Vừa biết gọi mẹ là mẹ đi xa”. Và trong lá thư cuối cùng Dương Thị Xuân Quý gửi cho nhà văn Chu Cẩm Phong (Trần Tiến) ghi ngày 02 tháng 3 năm 1969, tức là trước lúc hy sinh 6 ngày ( bà hy sinh ngày 08 tháng 3 năm 1969), Xuân Quý viết: “May mắn tôi được có mặt, Xuyên Hoà kiên cường lắm, tôi bắt gặp nhiều điều rất xúc động, gặp nhiều nguy hiểm, nhưng vui kỳ lạ…”.

Có lẽ chẳng cần bình luận nhiều, trong cuộc chiến tranh giải phóng, những người mẹ để lại con thơ phía sau, để ra chiến trường vì sự tự do, độc lập, thống nhất đất nước. Có sự hy sinh nào cao cả hơn thế! Tuy vậy, đối với Xuân Quý nỗi nhớ con nhọc nhằn hơn cả bom đạn, thiếu thốn…Vì thế, nhật ký của Xuân Quý không ngày nào không nhắc đến con:

Ôi con cười con cười,

Môi lần đầu hé mở,

Là lúc bom thù rơi,

Tiếng rung xô bật cửa. (Nụ cười của con)

hay:

Thương con vừa đầy tuổi,

Đã xa cả mẹ cả cha,

Đêm đêm trong giấc ngủ,

Nhớ mẹ ôm cổ bà. (Bài thơ tặng con)

Về sự nghiệp văn học, báo chí của Dương Thị Xuân Quý, theo nhà nghiên cứu văn học Thiếu Mai: “… Mục đích của Xuân Quý là viết, đi để viết nhưng không phải chỉ để viết mà trước hết là để được sống, sống cuộc sống có ý nghĩa”. Bà cảm thấy  “chưa bao giờ mình được sống hạnh phúc như những ngày này. Đường ra trận vui ghê lắm. Trăm ngàn gian khổ không thể nào ngăn cản nổi bước chân ta. Hãy không ngừng phấn đấu để cho mỗi ngày của chúng ta đều đẹp và tràn đầy hy vọng như thế”.

Xuân Quý đã hy sinh. Cuộc đời ngắn ngủi của bà thật đẹp đẽ, trong sáng như những bông hoa hướng dương luôn luôn vươn tới ánh sáng mặt trời chói sáng. Bà yên tâm vì mình đã sống đúng, sống đẹp: “Mình cảm thấy sung sướng vì đời mình trong trẻo quá (…)”. Đọc lại những gì bà để lại, ta càng đau đớn, xót xa tiếc về bà. “Cuộc đời và tác phẩm của chị  là những bằng chứng hùng hồn để chúng ta tin rằng nếu còn sống, Xuân Quý sẽ sáng tác được nhiếu và sẽ có nhiều truyện có giá trị về cuộc sống con người trong cuộc chiến đấu  chống Mỹ nói chung, trong đó thế nào chị cũng dành cho chị em phụ nữ những trang viết trong sáng nhất, rung động nhất” (Chân dung các nhà báo liệt sỹ).

Đọc tập “Hoa rùng” của Xuân Quý, nhà văn Ngô Thảo khẳng định: “…Điều có thể thấy rõ qua tất cả phần tư liệu là sự nhất quán giữa con người tác giả với những gì tác giả muốn khẳng định qua tác phẩm. Đó là một người sống có nguyên tắc, có lý tưởng, giàu tình cảm, nhưng không hề yếu đuối. Quý vốn thích một vẻ đẹp kín đáo và luôn bằng tác phẩm phát hiện cho người đọc  nhận ra vẻ đẹp đó…”.

Sau cái chết của Dương Thị Xuân Quý, Ngô Thảo viết: “Đọc lại “Hoa rừng” với những trang viết nóng hổi tính thời sự và sâu nặng tình người, tôi cứ cảm thấy chị đang có mặt ở một nơi nào đó trong một chuyến đi công tác mới, bởi như chị tâm sự với bạn “Đời tao như một cuộc hành quân dài, nhưng cuối cùng tao về tới đích””.Tập truyện ngắn “Chỗ đứng”, viết khi còn là phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam, bà chưa sinh bé Ly và đã được Nhà Xuất bản Văn học ấn hành. Nhưng tiếc thay Xuân Quý mãi mãi chẳng bao giờ được thấy mặt đứa con tinh thần đầu lòng của mình, bởi sách in xong gửi vào chiến trường, thì Xuân Quý đã hy sinh.

Truyện ngắn “Chỗ đứng” không chỉ là câu chuyện cô Thanh, Bí thư Xã đoàn được đề bạt lên Huyện Đoànchỉ để làm chân sai vặt, mà chính từ cảnh ngộ riêng của mình Xuân Quý đã sớm phát hiện những định kiến cố hữu trọng nam khinh nữ đã có từ ngàn xưa ở ta, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách cán bộ của Đảng. Quan điểm đó đã được Xuân Quý đưa vào truyện ngắn “Hoa rừng”. Nhân vật tiêu biểu là Phước, cô gái miền Nam cứng cỏi, kiên trung mang đầy sức sống kỳ lạ của cái đẹp nữ tính đang cố vươn lên để khẳng định mình trong những hoàn cảnh nghiệt ngã nhất . Vì vậy, trong phần kết tác phẩm, Xuân Quý viết: “… Những bông hoa thường mọc xuyên lên từ khe đá khắc khổ, lẫn khuất thầm lặng dưới những gốc cây rễ xù xì. Những bông hoa nom rất đỗi mảnh mai chẳng có bão mưa nào vùi dập nổi… ”.