Gặp lại thủ trưởng năm xưa

 Đại tá bác sỹ Nhà văn Trần Thanh Chương/Thành Đô ( tổng hợp- giới thiệu)

26/05/2023 08:30

Theo dõi trên

Hôm qua, nhân kỷ niệm 57 năm ngày thành lập Trung đoàn đặc công Hải Quân 126 (13/4/1966- 13/4/2023), tôi tìm gặp lại được người thủ trưởng từng chỉ huy và huấn luyện chúng tôi 51 năm về trước. Anh là Phạm Hồng Xuyên, hiện cư ngụ tại quê nhà xã Đô Thành, huyện Yên Thành , tỉnh Nghệ An.

Anh em gặp lại nhau sau 51 năm xa cách thật cảm động và hạnh phúc. Tôi rất mừng khi thấy anh đã 84 tuổi mà vẫn minh mẫn và mạnh khỏe. Hằng ngày anh vẫn phóng xe máy vài ba cây số ra ngoài trang trại của anh con trai để giúp con nhiều việc. Nhắc đến chuyện huấn luyện và chiến đấu từ thời chống Mỹ hơn nửa thế kỷ trước mà anh nhớ từng chi tiết, rành mạch như mới xảy ra gần đây…

b1td1qd-1685064492.jpg

CCB Trần Thanh Chương (bên phải)

 

Tháng 7/1971, khi những người lính đặc công Hải Quân chúng tôi đang huấn luyện những ngày cuối cùng trên dòng sông Bạch Đằng (Quảng Ninh) trước khi đi chiến trường miền Nam thì có lệnh hành quân vào Nghệ An. Hồi đó theo dự kiến, có thể Mỹ sẽ đổ bộ ra miền Bắc. Bộ tư lệnh quân chủng Hải Quân cử 3 Phân đội đặc công nước vào chốt 3 cửa sông là sông Mã, sông Lam và sông Gianh. Phân đội P51 chúng tôi (20 người) có nhiệm vụ vừa huấn luyện vừa chốt giữ Cửa Hội (sông Lam). Anh Phạm Hồng Xuyên, chuẩn uý giữ chức phân đội trưởng , còn tôi là y tá phân đội. Khi ấy, tôi mới 19t, anh Xuyên 32t.

Chúng tôi đóng quân ở huyện Nghi Lộc, hằng ngày ra ra sông Lam huấn luyện. Quảng đường bơi lặn của chúng tôi hồi đó là từ chân núi Quyết (chỗ cầu Bến Thuỷ mới bây giờ) đến cửa biển. Những ngày Đông lạnh giá vẫn huấn luyện bình thường. Anh Xuyên tuy người không cao lớn nhưng rắn chắc, nhanh nhẹn không những bơi lặn rất giỏi mà võ nghệ của anh cũng rất cao cường. Những bài võ tay không, võ chống dao găm, chống súng ngắn anh huấn luyện cho chúng tôi rất thành thục. Chúng tôi rất kính nể anh bởi anh từng là lính nhảy dù của quân chủng Không Quân chuyển sang đặc công Hải Quân từ năm 1963, trước khi thành lập Trung đoàn 126. Chính anh là một trong những người lính đặc công Hải Quân đầu tiên trong đơn vị tiền thân Trung đoàn 126. Nhiệm vụ của các anh lúc đó là vừa huấn luyện, vừa nghiên cứu tìm ra các kỹ thuật bơi và đi ngầm dưới nước cũng như cách đánh đặc công nước mà binh chủng này sử dung về sau để đánh chìm trên 700 tàu chiến Mỹ - Nguỵ.

Không thấy Mỹ đổ bộ ra Bắc, chúng tôi huấn luyện ở Cửa Hội đến tháng 2/1972 thì hành quân vào chiến trường Cửa Việt (Quảng Trị). Anh em chúng tôi mỗi người được bổ sung vào một đơn vị khác nhau và xa nhau từ đó.

Gặp lại nhau sau nửa thế kỷ xa cách, anh em trò chuyện thật say sưa. Bên ly rượu quê trong căn nhà hai tầng khang trang, anh như trẻ trung trở lại. Bốn người con của anh đều thành đạt, kinh tế khá giả. Anh đã lên chức cố - tức là đã có chắt. Thế hệ anh, những người từng trải qua những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt mà đến bây giờ có được cuộc sống như vậy không nhiều.

Tôi mừng cho anh.

Khi chia tay, tôi tặng anh 3 tác phẩm của tôi gồm một tập thơ và hai tâp văn xuôi, trong đó có 4 bài ký sự và truyện ngắn tôi viết về Đặc công Hải quân. Anh nhìn tôi vô cùng ngạc nhiên. Không ngờ cái thằng Binh nhất, y tá năm xưa “mặt búng ra sữa” mà bây giờ đã trở thành Đại tá bác sỹ, nhà văn, nhà thơ như thế.

Cuộc đời những người lính không ít bất ngờ!

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Gặp lại thủ trưởng năm xưa" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn