Giá trị của sự chân thực

Phạm Văn Tình

20/04/2022 23:14

Theo dõi trên

[Lời bạt tôi viết trong cuốn sách “Ký ức chiến trận (Quảng Trị 1972-2022)” của Nguyễn Xuân Vượng, NXB Dân Trí 2022 (Phạm Thành Hưng viết Lời giới thiệu).

278483006-2081119955398494-6053696888349953696-n-1650470549.jpg
 

Sự ra đời của cuốn sách thật bất ngờ: Bắt đầu từ những bài đăng tải trên facebook. Sau mấy tháng phối hợp rất chặt chẽ giữa “Hà Nội – Sài Gòn” cuối cùng sách đã in xong (13-4-2022), kịp vào dịp Kỉ niệm ngày Chiến thắng 30-4 sắp đến. Tôi đã nán chờ để đưa lên FB bài này, sau khi biết chính xác 3 cuốn phát chuyển nhanh (ngay từ chiều 13-3) đã đến tay tác giả (tại quận 1, TP Hồ Chí Minh) cách đây ít phút].Tôi đã đọc khá nhiều những trang nhật ký viết về cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mặc dù chiến tranh và chiến trận xảy ra ở cả hai miền Nam Bắc, nhưng ác liệt, cam go nhất vẫn là những sự kiện chiến trường xảy ra ở “phía Nam”, tức là từ Vĩ tuyến 17 trở vào. Chắc nhiều người còn nhớ tới cuốn Mãi mãi tuổi hai mươi (vốn có tên là “Chuyện đời”) của chàng binh nhì Nguyễn Văn Thạc (NXB Thanh Niên, 2005). Cũng năm đó, NXB Thanh Niên lại cho ra mắt một cuốn khác (tác giả là một nữ bác sĩ Quân Giải phóng ở chiến trường Đức Phổ - Quảng Ngãi): Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Hai cuốn nhật ký đã làm xúc động bao trái tim người Việt. Sau này, vào năm 2020, NXB Hội Nhà văn đã công bố 4 tập của bộ Nhật ký thời chiến Việt Nam (Đặng Vương Hưng sưu tầm, biên soạn). Đó là “tập đại thành” nhật ký chiến trận mà những tác giả góp mặt trong đó là những chiến binh quả cảm, có người là liệt sĩ: Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Trần Mai Hạnh, Phạm Quang Nghị, Triệu Bôn, Phạm Việt Long…

Gần đây, tôi được đọc những trang viết của Nguyễn Xuân Vượng, chưa được tập hợp trong một nhật ký tương tự như vậy mà đọc những bài lẻ tẻ của anh (đăng trên facebook). Anh viết như một sự giải tỏa nỗi lòng, như anh tâm sự: “Những câu chuyện được viết rải rác ở những thời điểm khác nhau dựa trên nội dung có thật trích xuất từ cuốn sổ ghi chép cá nhân của tôi, đã bị thủng lỗ chỗ từ những mảnh bom bi Mỹ”. Và cũng theo anh “Đó là chuyện kể của một người lính bình thường như trăm ngàn người lính bình thường khác khi tham gia chiến trận”. Ai cũng biết, một người lính chia tay gia đình, người thân, bạn bè lên đường vào tiền tuyến thì chuyện bao giờ trở về, thậm chí có trở về hay không là điều không ai có thể nói trước. Vì vậy, những hồi ức, chiêm nghiệm của người lính chiến bao giờ cũng quý giá. Nguyễn Xuân Vượng chỉ “hồi tưởng và kể lại” từ trong tâm tưởng và một phần dựa vào một số trang ghi chép. Những trang viết đã lôi cuốn tôi (một người chỉ quen biết anh một cách gián tiếp – qua một số bạn bè và chỉ tình cờ gặp anh duy nhất một lần). Tôi ngỡ ngàng vì những tình tiết, sự kiện tại mặt trận Quảng Trị cách đây 50 năm (1972-2022) được tác giả kể lại một cách chân thực, sống động. Tôi đọc hầu như không sót một chữ nào và qua đôi lần trò chuyện cùng anh (qua messenger), tôi mong anh tập hợp các bài viết để in thành sách (nhân dịp kỉ niệm ngày 30-4 sắp tới). Đấy cũng là một “cú hích” để anh quyết tâm in tập sách này.

Cũng bởi tôi muốn những câu chuyện anh kể về cuộc chiến đấu của anh và đồng đội trên chiến trường, bắt đầu từ “Đêm vượt qua Vĩ tuyến 17” để vào “Chặng đường mới” – chặng đường đối mặt với sự khốc liệt của chiến cuộc. “Quân ta” (bộ đội miền Bắc) đối đầu với quân địch (Mỹ và Việt Nam Cộng hòa với sức mạnh và ưu thế quân sự vượt trội hơn nhiều lần) được đồng đội, bạn bè, thế hệ sau biết được những khoảng khắc của cuộc chiến tranh một mất một còn.

Sau khi giải ngũ, Nguyễn Xuân Vượng là sinh viên “Tổng hợp Sử” (khoa Sử Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội). Vì vậy, anh đã kể lại “đúng chất Sử học” những sự kiện liên quan tới cuộc đời, từ khi còn là một học trò Trường Cấp III Lam Sơn (Thanh Hóa) đến một chiến sĩ Kế toán Pháo binh tham gia Mặt trận Quảng Trị và chiến đấu cùng đồng đội. Ở nơi ấy, cách đây nửa thế kỷ, mọi gốc cây ngọn cỏ đều phải hứng chịu không biết bao nhiêu bom đạn của quân thù.

Cái đáng sợ nhất của lịch sử là sự thêu dệt. Nguyễn Xuân Vượng đã nhẩn nha kể lại mọi chuyện với tinh thần một nhà Sử học đúng nghĩa: chân thực, không tô vẽ. Và chính điều này làm nên giá trị của cuốn sách.

Bài “Chặng đường mới – Những ngày lâm chiến trên đất Quảng Trị” (bắt đầu từ ngày 2-4 đến 19-9-1972) là một “bức tranh thu nhỏ” Mặt trận Quảng Trị (mà trận chiến 81 ngày đêm đã đi vào lịch sử). Tác giả viết “Đó là một chặng đường mới trong cuộc đời tôi”. Qua anh, ta gặp rất nhiều những gương mặt đồng đội: Trung đội trưởng Văn, Ngô Việt Trung, Lê Châu Hải, Trần Huy Thông, Lê Anh Tuấn, Lê Cự, Nguyễn Ngọc Nhạ, Trịnh Văn Kiểm, Tiến Hùng, Hoàng Hải, Lê Phòng, Nguyễn Văn Nghịch, Thảo Nguyên, Phan Phúc Thiêm, Nguyễn Duy Thắng, Nguyễn Công Lý, Lê Hồng Cư, Đỗ Chu Bỉ,… Không ít những sự kiện hào hùng của những người lính can trường, dũng cảm. Chẳng hạn, trang nhật ký ngày 20-4 và 5-1972 “Những trận chiến ác liệt đã xảy ra. Số tàu chiến địch cháy càng nhiều thì quyết tâm tiêu diệt những trận địa pháo ở Bắc Cửa Tùng của Hải quân và Không quân Mỹ càng cao”. “Gần 2 tháng trời đánh nhau với Hạm tàu Mỹ, Tiểu đoàn I chúng tôi với nhiệm vụ bảo vệ sườn của chiến dịch Quảng Trị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 12 tàu chiến Mỹ đã bốc cháy, nhiều chiếc mất khả năng chiến đấu buộc phải huy động đồng bọn liều chết xông vào dưới làn đạn pháo 130 ly để giải cứu. Những trận đấu pháo ngoạn mục giữa những khẩu pháo mặt đất 130 ly đặt cố định dọc theo bờ biển Vĩnh Linh và một bên là Hải quân Hạm đội 7 Mỹ với sức cơ động tối ưu trên một không gian biển cả rộng lớn đã xảy ra liên miên”. Nhưng còn có biết bao những tổn thất, hy sinh của đồng đội. Đây, Nguyễn Xuân Vượng chứng kiến sự hy sinh hết sức đau xót của đồng đội – chiến sĩ Ngô Việt Trung: “Máy bay Mỹ đã phát hiện đội hình hành quân của chúng tôi, chúng bổ nhào nhằm chiếc xe đi đầu xả đạn. Anh Trung bị trúng một viên đạn 20 ly phía sau gáy, hy sinh ngay tại chỗ. Chiếc xe ô tô bốc cháy dữ dội. Chúng tôi dập tắt lửa kéo anh ra khỏi xe. Người anh cháy nham nhở. Chúng tôi bọc xác anh vào tấm tăng nilon rồi chạy suốt đêm, đưa anh về chôn cất. Bận rộn suốt hai ngày trời, không thể nào thắp cho anh một nén hương và nói lời chia tay với Trung được”. Sự kiện này lại được Nguyễn Xuân Vượng nhớ lại (trong bài “Đỗ Chu Bỉ - người Anh hùng trên biên giới phía Bắc”): “Tắt nắng mặt trời, xe chúng tôi mới nổ máy quay trở lại đón trung úy Phiệt và anh em trong tốp thứ nhất. Mọi người ngồi im như thóc xung quanh xác anh Trung với tâm trạng buồn không tả xiết. Nước trong cơ thể anh Trung vẫn không ngừng đổ ra, ướt nhem nhép dưới chân chúng tôi… Tôi và Bỉ vẫn ngồi bên nhau ở cuối xe. Chúng tôi nắm chặt tay nhau không nói câu gì. Xe chạy suốt đêm trong ánh trăng bàng bạc của ngày cận rằm tháng bảy năm đó. Xe về đến đơn vị cũng vừa lúc kẻng báo thức vang lên, lúc đó là 5 giờ sáng”. Không chiến thắng nào mà không phải đổi bằng xương máu, sinh mạng con người, như Hữu Thỉnh từng viết: “Tự do lớn quá, mênh mông quá/ Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi”.

Tôi đã đọc và biên tập cuốn sách này với tâm trạng một đồng tuế (tôi gần tuổi anh Vượng), một đồng môn (cùng Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội) và cao hơn là một đồng ngũ (tôi là lính Binh chủng Radar năm 1975). Đọc một mạch không nghỉ, cứ như đọc tiểu thuyết. Nhưng đây không phải là một cuốn tiểu thuyết được hư cấu cho li kỳ, hấp dẫn. “Ký ức chiến trận” của Nguyễn Xuân Vượng, như tôi nói, hấp dẫn ở tính chân thực của nó. Tác giả quả là có trí nhớ rất đáng nể. Sau 50 năm mà vẫn không quên những tên đất, tên người, tên sự kiện… đến từng chi tiết. Tác giả còn theo dõi những đồng đội của mình mãi đến sau này, khi Chiến tranh chống Mỹ đã kết thúc và tiếp đó là Chiến tranh Biên giới phía Bắc - chống Trung Quốc xâm lược. Qua lời anh, ta thấy thêm một “chân dung” Nguyễn Xuân Vượng, thật nhân ái và nhân văn.

“Không có ai bị lãng quên, không có gì bị quên lãng”. Cuốn “Nhật ký chiến trận” của Nguyễn Xuân Vượng nhắc chúng ta “hồi tưởng và suy ngẫm” về quá khứ oanh liệt một thời. Với tôi, đây là một trong những trang viết hay nhất về chiến trận Quảng Trị “Mùa hè đỏ lửa” - Một địa danh không thể quên trong cuộc đọ sức Địch – Ta và là một phần của Lịch sử Chiến tranh chống Mỹ: Khốc liệt và Hào hùng.

Bạn đang đọc bài viết "Giá trị của sự chân thực" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn