Giá trị lâu bền của sách Thi nhân Việt Nam

Thi nhân Việt Nam là cuốn phê bình văn học nổi tiếng của hai anh em nhà văn Hoài Thanh – Hoài Chân. Cuốn sách đến nay còn hấp dẫn người đọc.
thi-nhan-viet-nam-1642344890.jpg
Thi nhân Việt Nam. Ảnh internet

 

Thi nhân Việt Nam được coi là cuốn sách vừa phê bình, vừa là tổng tập lại những bài thơ sáng tác trong phong trào Thơ Mới. Qua cuốn sách này, nhiều gương mặt nhà thơ mới được xuất hiện.

Với những lời bình sâu sắc, chủ quan, Hoài Thanh – Hoài Chân đã tạo ra dấu ấn riêng của bình trong nền phê bình văn học Việt Nam. Cuốn sách viết năm 1941, hoàn thành năm 1942, in lần đầu năm 1942 tại nhà in tư nhân Nguyễn Đức Phiên.

Giả hoặc không có cuốn Thi nhân Việt Nam, có lẽ nền thơ của chúng ta còn đang rời rạc, chưa có sự hợp nhất, định hình. Nhờ cuốn sách này, đến hôm nay, chúng ta có cái nhìn tổng quát hơn về những nỗi niềm của người thơ khi ấy. Họ như là đại diện để nói lên nỗi lòng, cảm tác của thanh niên Việt Nam thời bấy giờ.

Thi nhân Việt Nam đưa vào những gương mặt thơ, mà đến hôm nay đọc lại thơ họ, vẫn thấy cái hay khó rời mắt. Những nhà thơ thời đó đã dựng nên cho nền thơ ca Việt Nam đang trên đà đổi khác.

Nhờ cuốn sách, chúng ta biết tường tận hơn về Thế Lữ, Vũ Đình Liên, Lan Sơn, Thanh Tịnh, Thúc Tề, Huy Thông, Nguyễn Vỹ, Đoàn Phú Tứ, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Yến Lan, Phạm Hầu, Xuân Tâm, Thu Hồng, Bàng Bá Lân, Nam Trân, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, J.Leiba, Thái Can, Vân Đài, Đỗ Huy Nhiệm…

Nhà thơ Bùi Giáng nhận định về cuốn Thi nhân Việt Nam “có những lời bất hủ”. Có thể nói, Thi nhân Việt Nam là cuốn sách của Việt Nam đọc hấp dẫn nhất trong thể loại phê bình văn học, mà đến nay khó cuốn nào ở thể loại này có thể vượt qua.