Giã từ - Tiểu thuyết của Phạm Việt Long - Chương một - Đại Hoạ sĩ lếu tếu

Phạm Việt Long

02/08/2021 08:43

Theo dõi trên

Với hơn 400 trang sách, Giã từ là một tiểu thuyết có dung lượng khá lớn. Cuốn sách cho thấy một giai đoạn chuyển tiếp, tranh chấp quyết liệt giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tốt đẹp và cái xấu xa, giữa bảo thủ, trì trệ và cách tân, năng động, giữa đạo đức trong sáng và thói vụ lợi, tham lam, quỷ quyệt. Ðây là một trong 51 cuốn tiểu thuyết đã lọt vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam.

bia-gia-tu-1627524038.jpg

Chương một

NHỮNG HÌNH HÀI ĐEN ĐỎ

Đại Hoạ sĩ lếu tếu

 

Anh tên là Lãi Nguyên. Cái tên đã báo hiệu số phận của anh may mắn, cầu được ước thấy, nhất là làm ăn kinh tế, sẽ chỉ có lãi. Tuy là hoạ sĩ, Lãi Nguyên không nổi tiếng ở các tác phẩm, dù anh có một số bức chân dung sơn dầu khá ấn tượng, mà là ở khả năng thẩm định tranh tượng, khả năng biến chúng thành hàng hoá có giá trị kinh tế cao. Anh là người đầu tiên trong nước mở phòng tranh, tên gọi là Sơn Lam. Phòng tranh này chẳng mấy chốc mà nổi tiếng, đến mức được ghi vào danh mục các phòng tranh quốc tế, ghi vào địa chỉ cần tham quan của các tua du lịch quốc tế. Tranh nào được bầy bán ở Ga lơ ri Sơn Lam, ắt có giá trị, ắt được bán chạy. Nhưng không phải tranh nào cũng được bày bán ở đây. Lãi Nguyên rất ngặt nghèo trong việc thẩm định chất lượng. Anh quan tâm đặc biệt đến tranh sơn dầu. Đó là thể loại mang tính chất quốc tế, bất kỳ một nền hội hoạ nào muốn được khẳng định đều phải có những hoạ sĩ nổi danh và những tác phẩm có chất lượng cao trên chất liệu sơn dầu. Đề tài tranh cũng là điểm quan tâm đặc biệt của Lãi Nguyên. Tranh phải có chủ đề, chủ đề ấy phải mang hồn dân tộc, không sao chép hoặc học lỏm của nước ngoài. Một bức tranh có nội dung sâu sắc phải thể hiện được ý tưởng nghệ thuật nào đó, giống như thơ phải có tứ. Bút pháp phải có tính cách, tính cách thật sự, không phải là thứ giả tính cách kiểu như thơ tắc tị không ai hiểu là gì do mấy nữ thi sĩ trẻ thời nay sáng tạo ra. Tóm lại, tranh phải có giá trị quốc tế và tranh vào đây được bán theo giá quốc tế, được người quốc tế mua. Cũng cùng một khổ tranh, chất liệu, chủ đề, tác giả... nhưng nếu bày bán ở phòng tranh Sơn Lam, sẽ có giá đắt gấp chục lần phòng tranh khác, mà thời gian bày chỉ mất nhiều nhất là mươi mười lăm ngày. Sau chuẩn đó, tranh đã bay sang các phương trời khác. Cũng sau thời điểm đó, nếu không bán được, tranh phải quay về chủ cũ. Nhưng, rất hiếm trường hợp như vậy. Mức hoả hồng mà các tác giả trả cho Lãi Nguyên cao nhất nước, theo sát các phòng tranh ở Niu y oóc Mỹ: bốn mươi phần trăm. Xin lỗi các hoạ sĩ, phải nói ra một sự thật này: rất nhiều hoạ sĩ của chúng ta hơi hoang tưởng về tài năng của mình. Họ tin một niềm tin tuyệt đối rằng tranh của họ đạt trình độ quốc tế, cho nên ai bán được tranh của họ là một vinh dự cho người đó. Cũng chính vì vậy, rất nhiều hoạ sĩ chỉ đồng ý chi hoả hồng cho người bán tranh từ mười đến hai mươi phần trăm là mút cần câu. Tuy vậy, nói đến Lãi Nguyên thì mọi hoạ sĩ đều kính nể và đều mong tranh của mình được bày bán ở đây, với giá thù lao "cắt cổ'' như ta đã biết. Tự nguyện. Vui vẻ. Lại còn cảm ơn lễ độ. Có khi, bán được một bức tranh, hoạ sĩ còn mở cả chầu bia bọt chiêu đãi rộng rãi nữa.

Thời đất nước ta chưa mở cửa, hoạt động văn hoá nghệ thuật còn bị bó hẹp trong nhiều khuôn phép và định kiến bất thành văn cho nên sự sáng tạo nhiều khi bị hạn chế. Trên lĩnh vực hội hoạ, các triển lãm thời ấy gần như chỉ trưng bày các tác phẩm thuộc một trường phái, đó là trường phái hiện thực. Nhưng, cuộc sống vốn phong phú, đa dạng, thì nghệ thuật cũng đòi hỏi được mở rộng phương pháp phản ánh. Bên cạnh trường phái hiện thực, các hoạ sĩ Việt Nam đã vung bút vẽ sang các trường phái khác, như trừu tượng, ấn tượng... Nghĩ rằng Nhà nước ta không phân biệt đối xử với các trường phái, cho nên Lãi Nguyên ta tập hợp tranh của năm hoạ sĩ thuộc trường phá ấn tượng tổ chức một cuộc triển lãm khá hoành tráng ở ngay phố Tràng Tiền. Lập tức dư luận sôi lên. Mấy nhà báo, nhà phê bình thuộc loại bảo hoàng tung liền mấy bài phê phán cuộc triển lãm kỳ quặc này. Còn trong dân chúng, có người dè bỉu: "Vẽ người cho thật, cho đẹp mới khó chứ vẽ người thành ngợm thì ai chẳng vẽ được, thế mà cũng triển lãm". Riêng mấy ông khách Tây thì lộ vẻ ngạc nhiên và thú vị thành lời: "Ồ, hoá ra hoạ sĩ Việt Nam cũng tài, vẽ được cả tranh ấn tượng!". Các ông bạn Tây này nói thật lòng, bởi vì ngay sau đó họ móc túi quăng đô la ra mua về nước hàng chục bức tranh trong phòng triển lãm ấn tượng ấy. Lãi Nguyên ta biết người biết của, đặt giá các loại tranh này đắt gấp ba các loại tranh trước đây vẫn triển lãm. Thế là thu về cho các hoạ sĩ đồng nghiệp một khoản tiền tương đối xôm. Tiến thêm một bước, Lãi Nguyên tổ chức triển lãm tranh khoả thân, một loại tranh vốn bị cấm kỵ thời ấy. Dư luận lại sôi lên một lần nữa. Nhưng các vị khách Tây chỉ xem qua, chẳng thấy hó hé khen chê gì. Chỉ có khách ta mua một số bức, giá vào loại trung bình. Mở cửa có ba ngày, khách đến xem đã vãn. Thế là Lãi Nguyên cho đóng cửa. Anh vừa cười vừa nói với anh em trong cơ quan: "Làm cái nghề này cứ như đi câu. Phải biết làm nhiều loại thính, loại mồi, rồi mạnh dạn vãi ra, quăng ra. Có thế mới câu được nhiều cá, mới vớ được con cá lớn. Khi cá không đớp mồi, thì ta lại thu cần về, mất gì đâu!". Nhờ có hai cuộc triển lãm mang tính đột phá như vậy mà phòng tranh Sơn Lam nổi danh như cồn như ta đã biết ở trên.

Ngoài phòng tranh, nhiều khi đi đến nhà người này người khác chơi, Lãi Nguyên còn phát hiện giúp chủ nhân những bức tranh treo trong nhà họ có giá trị như thế nào. Hôm ấy, Lãi Nguyên đến chơi nhà một vị Lãnh đạo, thấy ông này treo bức tranh chủ đề Phố của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái ở phòng ăn. Liếc qua, Nguyên biết ngay đây là bức nguyên bản. Hỏi ra mới rõ, bức này do con vị Lãnh đạo mua tận bên Đức từ một Việt kiều. Nguyên Râu hỏi đùa vị Lãnh đạo: "Ông có bán bức tranh này không?". Vị Lãnh đạo cười: "Bán làm gì, được mấy đồng, để treo cho đỡ trống trải phòng ăn!". Nguyên Râu cười rung cả bộ râu đen láy của mình, ràn rụa cả nước mắt: "Ông quê ơi, bức này ông phải treo trang trọng tại phòng khách. Nó có giá cao ngất ngưởng. Phải giữ cẩn thận, kẻo có kẻ lấy cắp đấy!".  Vị Lãnh đạo chỉ cười. Ít lâu sau đến chơi, không thấy bức tranh đâu, hỏi thì Nguyên Râu được vị Lãnh đạo này khai thực rằng đã đem lên treo ở phòng thờ - nơi đó kín đáo, dễ bảo vệ...

Làm ăn sành sỏi như vậy, nhưng phong cách sống của Lãi Nguyên lại lếu tếu vô cùng. Nói tục như hát hay. Ngồi chuyện trò cùng một loạt Lãnh đạo, vẫn nói tục. Lạ một điều, cũng lời nói tục ấy, nếu phát ra ở miệng người khác, thì nghe rất chướng tai, nhưng nếu phát ra từ cái miệng đầy râu của Lãi Nguyên lại nghe vẫn... êm tai. Chuyện tiếu lâm cũng rôm rả hả hê. Lãi Nguyên hay dùng bản thân mình làm nhân vật tiếu lâm. Tự chỉ trích, tự phê phán những thói hư tật xấu của nhân vật Nguyên Râu. Cứ tỉnh bơ. Mặc mọi người cười như nắc nẻ. Tuy thế, đặc sản trong tài vặt của Nguyên Râu là bắt chước giọng nói mọi người (Nguyên có bộ ria, chòm râu khá rậm và đẹp nên mọi người hay gọi anh là Nguyên Râu). Anh mà nói giả giọng cán bộ lãnh đạo thì mọi người phải nghiêm trang lại, kính cẩn như đang đứng trước mặt cấp trên thật. Hôm ấy, trong một tiệc chiêu đãi các Lãnh đạo, một vị Lãnh đạo chủ trì bữa tiệc do có việc đột xuất phải đến muộn. Khi vị Lãnh đạo vừa chớm chân vào cửa thì Nguyên Râu cất giọng: "Này chú Quý!". Chỉ nghe thấy thế thôi, chú Quý đã đứng im phăng phắc. Giọng nói tiếp tục cất lên: "Này chú Quý. Chú làm ngành giữ tiền mà để lãng phí như vậy sao. Trong bữa tiệc này, tôi thấy các chú toàn dùng rượu ngoại, tốn kém tiền của của nhân dân...". Chú Quý đứng chết trân. Mãi khi "nhà lãnh đạo" ra lệnh cho vào, Chú Quý mới dám bước tới. Khi cuộc vui lên đến cao trào, người ta thích hát. Không phải là hát Karaôkê, mà là hát thực sự những bài vui vẻ không có trong đĩa. Lãi Nguyên cũng là dân anh chị trong làng hát vui này. Anh biết chọn những bài hát vốn bình thường của thời trước để hát trong thời này, biến nó thành bài hát vui, chọc cười một cách tinh tế, làm người ta vui nổ trời. Bài hát mà anh hay biểu diễn nhất là bài không nhớ tên. Khi hát bài này, anh đứng trước cử toạ, quần xắn cao quá gối, tay làm động tác minh hoạ:

Sáng hôm nay anh tôi vác cuốc

Vác cuốc ra thăm đồng

Anh cuốc như thế này

Rồi cuốc như thế kia

Như thế này rồi như thế kia

Hỡi anh ơi

Anh chăm cuốc đất

Cuốc đất cho hăng vào!...

Bài hát có nhiều lời, mỗi lời nói về một thành phần giai cấp hoặc lực lượng trong nhân dân ta như nông dân, công nhân, bộ đội. Khi hát đến các đoạn sôi nổi như "Cuốc đất cho hăng vào", "Bắn súng cho hăng vào", "Đánh búa cho hăng vào", "Như thế này rồi như thế kia", Râu ta hăng tiết vịt quai hai tay theo nhịp cuốc hoặc nhịp búa, nét mặt trông ngây thơ đến đáng yêu. Dáng cao cao, da hồng hào, tóc dầy hơi quăn, mũi cao... trông anh như một người châu Âu. Ông Tây An Nam này xắn quần móng lợn, hát múa hồn nhiên càng làm cho mọi người cười, cười lý thú và bổ ích. Phong thái hồn nhiên yêu đời tếu táo của Đại Hoạ sĩ có sức lôi cuốn lạ kỳ. Đến nỗi trong nhiều cuộc gặp mặt doanh nghiệp toàn quốc, nhiều Tổng Giám đốc, Chủ tập đoàn kinh tế to đùng của đất nước oai như cóc tía gặp Đại Lếu tếu là lao vào cùng vui, cũng nhảy lên sân khấu hát hò. Khốn nỗi, các vị này không có duyên pha trò cho nên các động tác cứ cứng đơ đơ, vụng dại, mặt lại thuỗn ra, bên cạnh một anh có máu hài hước, tinh tế và nhuần nhuyễn trong từng động tác, tạo nên bức tranh tương phản sinh động khiến cả hội trường náo nhiệt như vỡ chợ. Cả hội trường reo lên ầm ầm: "Hoan hô! Hát lại! Hát lại! Hát lại!". Nhìn xuống cử toạ, toàn là những vị tai to mặt lớn, thấy ai nấy sôi lên ào ào, Đại Lếu tếu nghiêm nét mặt, ôm lấy mi crô hô lớn: "Im lặng, nghe lệnh đây!".  Cả hội trường im bặt. Đại Lếu tếu túm lấy hai đại gia Chủ tịch hai  tập đoàn lớn nhất nước Nam, kéo xềnh xệch lên phía mép sân khấu, tuyên bố dõng dạc: "Các chú chưa thành thạo nghề nghiệp! Pha trò cũng là một nghề, phải tập, phải luyện. Từ nay, các chú phải chịu khó tập luyện rồi mới được nhảy lên sân khấu cùng ta mua vui cho các đại gia!". Hai đại gia gập mình vâng dạ trước cơn hứng khởi bất chợt của cử toạ, rào rào lên trong tràng pháo tay kéo dài. Hai đại gia đồng thanh: "Xin vâng! Vinh dự lắm!", rồi nhìn Râu với con mắt khâm phục và trìu mến. Lạy trời, thế mới biết trời cho gì là được nấy, cái năng khiếu hài hước trời cho Râu quý giá vô cùng. Hai đại gia chủ hai Tập đoàn to đùng ngã ngửa thế mà phải quy phục tiểu gia Đại Hoạ sĩ, tuân lệnh mỗi tuần một buổi tới học cách pha trò của Đại Lếu tếu. Râu vênh râu lên tự hào. Râu càng tự hào khi biết tin một Tập đoàn khổng lồ đã lên lịch tổ chức Hội nghị tổng kết toàn Tập đoàn nhưng khi nghe tin Râu vắng Hà Nội không tới dự được đã ra lệnh hoãn lại, bởi nếu không có anh Râu dự thì hỏng hẳn, lấy đâu ra mà vui, phải xin lịch anh Râu, anh Râu có đến thì mới tổ chức tổng kết.

Đại Hoạ sĩ mà đặt lời hai thì tác giả ca khúc cũng phải bái phục. Đặt lời rồi tự hát luôn. Đại Hoạ sĩ có giọng ba ri ton ấm áp, dầy dặn rất hấp dẫn, kiến trong lỗ cũng phải bò ra nghe. Hôm họp tổng kết Ngành, nhân cuộc vui có vị Lãnh đạo đầu ngành cùng dự, Râu liền hát tặng bài hát "Lời người ra đi" của Trần Hoàn mà Lãi Nguyên đặt lời hai:

Một chiều anh Sáu Dân

Têlêphôn cho anh Trần Hoàn

Anh bảo rằng dù kinh tế nhiều thành phần

Thì văn hoá chỉ một thành phần không thể nào  chia ra!...

Dân cần vui

Ta chiều dân

Ta tiếc gì giọng hát câu ca.

Hát vang lừng trời Việt Nam ta...

Cũng là nhạc sĩ, tính tình vui vẻ, vị Lãnh đạo đầu ngành hấp háy mắt, cười vang và cổ vũ: "Hay lắm, cậu hát tiếp đi". Vị Lãnh đạo đầu ngành thích kiểu đặt lời hai thật sự chứ không hề giả vờ thích để động viên Râu, bằng chứng là nhiều khi đi công tác địa phương, ông vẫn triệu Lãi Nguyên cùng đi. Đi với tư cách nhạc sĩ đặt lời hai kiêm ca sĩ, chứ không phải với tư cách Đại Hoạ sĩ hoặc tư cách Giám đốc tí hin. Cũng nhờ các chuyến đi hầu vui như vậy, bả lả như vậy, Râu ta kết thân được với bao nhiêu Giám đốc địa phương. Kết thân vô tư. Không vụ lợi. Không tính toán. Vậy mà rất hiệu quả. Nhiều hợp đồng trang trí nội ngoại thất, xây dựng tượng đài... được bắt nguồn từ những chuyến đi vui vẻ ấy.

Lếu tếu, vô tư như vậy, Lãi Nguyên trở thành niềm vui của các nhà chính trị. Tiếp xúc với anh, không phải cảnh giác, giữ miếng, bởi vì anh không hề có tham vọng chính trị. Quan hệ với anh, không phải từ chối những lời nhờ vả, bởi vì anh không bao giờ ỉ thế thân quen mà đòi giúp đỡ. Chỉ vui. Vui và vui. Vui như hội. Lãi Nguyên tự nhận mình là hề của vua. Thế nhưng các vị lãnh đạo lại phong cho anh danh hiệu cao quý là Nghệ sĩ cung đinh. Cho nên, tuy chỉ là Giám đốc một doanh nghiệp nhỏ, Lãi Nguyên vẫn được sinh hoạt với những doanh nghiệp lớn. Các cuộc họp giữa Nhà nước với doanh nghiệp, Lãi Nguyên đều được mời. Các chuyến đi nước ngoài của các Đại Lãnh đạo đều có chân Nguyên Râu. Lần nào anh cũng từ chối. Doanh nghiệp của tôi nhỏ lắm, không có tiền cho Giám đốc ngao du nước ngoài. Khỏi lo đi. Không phải đóng tiền. Các doanh nghiệp khác có trách nhiệm bao. Đi nước ngoài với một bầu đoàn thê tử như vậy, cần có người làm tổ chức. Nguyên Râu chứ ai. Trong các chuyến tháp tùng đoàn cấp cao ra nước ngoài, Lãi Nguyên có khả năng điều hành sinh hoạt của cả một tập thể các Giám đốc đã đành, lại còn điều hành được sinh hoạt của cả một lô xích xông những vị Lãnh đạo oai phong lẫm liệt quen điều hành người khác. Chuyến đi này những ai được tháp tùng. Bao giờ khởi hành. Địa điểm tập trung là đâu. Được đem theo những gì. Phải quan hệ như thế nào... Chỉ Nguyên Râu là được phổ biến chu đáo để rồi điều hành cả một đội quân Lãnh đạo mang chuông đi đánh nước người. Sang đến nơi, ăn ở thế nào, lúc nào phải họp, lúc nào được tự do đi mua sắm... đều do Nguyên Râu điều khiển. Còn ngoài ra, là vui. Vui và vui. Nhiều khi, trên chuyến bay xuyên lục địa xa lắc, buồn buồn, một Đại Lãnh đạo bảo thư ký đi tìm thằng Râu về đây chuyện chơi. Thư ký xuống buồng khách phổ thông gọi: Này ông Râu ơi, lên Đại Lãnh đạo gặp. Giám đốc các doanh nghiệp cỡ bự ngồi xung quanh thằng Râu trợn tròn mắt thán phục. Phải là nhân vật quan trọng thế nào mới được sếp sòng quan tâm như vậy. Có khi là Cá chìm cũng nên. Cá chìm loại chiến lược ấy chứ.

Trong cuộc đời, nhiều khi chăm chắm vào mục đích gì, thì không đạt được. Nhưng nhiều khi vô tư, hững hờ, không mưu đồ, lại đạt được nhiều kết quả mĩ mãn. Lãi Nguyên nằm trong trường hợp thứ hai. Vì hay sinh hoạt với các Giám đốc cỡ bự, Lãi Nguyên đem về cho Công ty của mình nhiều hợp đồng kinh tế, lớn có, bé có. Nhiều nhất là các hợp đồng trang trí nội ngoại thất cho cơ quan. Rồi hợp đồng làm tượng đài. Việc nào cũng được Lãi Nguyên thực hiện chu đáo. Bản tính của Râu là như vậy. Không thích qua loa, đại khái. Không thích lèm nhèm tiền nong. Sòng phẳng. Chất lượng. Lãi ít cũng được. Miễn là tạo dựng được uy tín cho thương hiệu. Dần dà, Râu được Nhà nước chỉ định thầu làm những việc mang tầm cỡ quốc gia.

Trong nhóm ba người bạn học thủa phổ thông vẫn thường xuyên quan hệ với nhau, thì hai đã là Lãnh đạo. Chỉ có mỗi Râu là anh Giám đốc lếu tếu của một doanh nghiệp tý hin. Nhưng, đã là bạn thì không phân bì đẳng cấp. Vẫn mày tao chí tớ, hồn hậu như thủa thiếu thời.

Bạn đang đọc bài viết "Giã từ - Tiểu thuyết của Phạm Việt Long - Chương một - Đại Hoạ sĩ lếu tếu" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn
Lê Thị Hạnh Hòa

Lê Thị Hạnh Hòa

09:43 05/08/2021

Vui và rất thú vị.

Hung Tran

Hung Tran

15:13 03/08/2021

PVL khắc họa rất đúng chất “ thằng cha” này. Rất vui khi đc gặp lại nhg ô Bạn đã từng cộng tác qua sách của PVL. Cảm ơn và chúc tác giả MK, sáng tác nhiều.