
Cồng chiêng là một nhạc cụ truyền thống, được làm từ đồng hoặc hợp kim, có hình dáng giống như chiếc mâm, thường được sử dụng trong các lễ hội, nghi lễ và các sự kiện quan trọng của cộng đồng. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum, cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ, mà còn là linh hồn của những buôn làng. Tiếng chiêng vang lên, âm thanh trầm bổng, réo rắt như lời mời gọi, nhịp đập của trái tim đất trời hòa quyện với tiếng thác đổ, tiếng gió rừng tạo nên sức hút níu kéo mọi người đến với nhau, kết nối các thế hệ.
Mỗi âm thanh từ chiếc chiêng đều mang theo một câu chuyện, một truyền thuyết, ký ức của tổ tiên. Trong lễ hội, những nghệ nhân tài ba, với đôi tay khéo léo, cùng những nhạc cụ chế tạo đã thổi hồn vào từng giai điệu, khiến cho không khí trở nên sống động và thiêng liêng. Người dân Kon Tum thường tổ chức những buổi lễ lớn, như lễ hội mừng lúa mới, lễ bổn mạng, cúng tổ tiên,… để thể hiện lòng biết ơn và sự tôn kính đối với những điều thiêng liêng. Tất cả tạo nên bản hòa ca tuyệt diệu, đưa con người trở về với nguồn cội, với những giá trị văn hóa truyền thống.
Cùng với âm thanh của cồng chiêng, múa xoang là điệu múa truyền thống của người Ba Na, Xê Đăng, Gia Rai..., cũng là một phần không thể thiếu trong lễ hội. Điệu múa xoang thường được thực hiện theo hình thức tập thể, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong cộng đồng. Khi những người phụ nữ nhảy múa, họ không chỉ thể hiện vẻ đẹp của cơ thể mà còn truyền tải những thông điệp về tình yêu, hạnh phúc và sự đoàn kết. Những chàng trai cũng tham gia vào điệu múa, tạo nên một không khí vui tươi, hòa quyện giữa tiếng cồng chiêng và bước nhảy. Những bước nhảy uyển chuyển, những vòng tay vươn ra như ôm trọn không gian, đất trời, cùng với những bộ trang phục sặc sỡ, đã tạo nên một bức tranh sinh động, tươi vui. Điệu múa không chỉ thể hiện niềm vui, mà còn là cách mà người dân bày tỏ lòng biết ơn đối với thần linh, với đất đai, nguồn sống. Mỗi điệu múa đều mang trong mình ý nghĩa sâu sắc, là sự giao thoa giữa con người với thiên nhiên, giữa truyền thống với hiện đại.

Lễ hội cồng chiêng, múa xoang ở Kon Tum không chỉ đơn thuần là một sự kiện văn hóa, mà còn là cầu nối giữa các thế hệ. Mỗi lần nghe tiếng cồng chiêng, thấy điệu múa xoang, là mỗt lần cảm nhận được nhịp sống của núi rừng. Những thanh niên trẻ tuổi, mặc dù vẫn còn e ngại, nhưng khi hòa mình vào điệu múa, vào âm thanh của cồng chiêng, họ như tìm thấy nguồn cội, tìm thấy bản sắc của chính mình, đó là những khoảnh khắc thiêng liêng, khi con người tạm gác lại những lo toan thường nhật để hòa mình vào bản sắc văn hóa dân tộc. Các bậc cao niên, già làng với ánh mắt rạng ngời, tự hào truyền dạy những điệu múa, những điệu nhạc cho lớp trẻ, khiến cho văn hóa không bị mai một mà vẫn tiếp bước cha ông trong niềm vui, hạnh phúc. Nghe những tiếng cồng chiêng vang lên như nhắc nhở về sự đoàn kết, về tình yêu quê hương đất nước, về những giá trị văn hóa cần được gìn giữ và phát huy.
Khi màn đêm buông xuống, ánh lửa bập bùng, tiếng cồng chiêng càng thêm vang vọng, tiếng nhạc hòa quyện với tiếng cười nói, tiếng chúc tụng. Lễ hội trở thành nơi hội tụ của tình yêu, giao hoà giữa đất trời, vạn vật. Trong khoảnh khắc ấy, mọi lo toan, khó khăn như tan biến, chỉ còn lại niềm vui, sự hòa quyện và lòng tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc. Chính vì vậy, cồng chiêng, múa xoang không chỉ là những nét đẹp văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên mà còn là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Lễ hội cồng chiêng, múa xoang ở Kon Tum không chỉ là một dịp để người dân địa phương vui chơi, mà còn là dịp để mỗi người, mỗi du khách hiểu thêm về văn hóa, về con người nơi đây. Giữa nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, những giai điệu cồng chiêng, những điệu múa xoang vẫn vang vọng, nhắc nhở chúng ta về giá trị của nguồn cội, về những điều quý giá mà cha ông để lại. Đó chính là bản sắc, sức mạnh của văn hóa, là linh hồn của một cộng đồng, là niềm tự hào của mỗi người dân Kon Tum.