“Giấc người” – Nỗi niềm đau đáu “món nợ” cuộc đời của Quang Hoài

Được Nhà thơ Quang Hoài tặng tập Thơ “Giấc người” vào dịp đầu Xuân Nhâm Dần do NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành, là niềm vui nho nhỏ, khích lệ văn hóa đọc.
img-20220215-102059-1644915517.jpg
Lưu bút tặng sách Xuân Nhâm Dần của Nhà thơ Quang Hoài.

 

Rất cảm ơn Nhà thơ Quang Hoài. Mấy năm gần đây, cứ mỗi lần xuất bản được sách mới, Nhà thơ Quang Hoài đều có lưu bút ký tặng rất trang trọng, làm tôi rất cảm động, nể trọng, không thể không đọc để cảm thụ, học cách tư duy, tiếp cận, sáng tác của ông.

Đây là tập thơ thứ 12 của Nhà thơ Quang Hoài gồm 50 bài thơ sáng tác trong 2 năm 2020 – 2021. Theo Nhà thơ Đặng Huy Giang trong bài viết  “Lay ta bừng tỉnh giấc người trăm năm” thay lời giới thiệu tập thơ ‘Giấc người” thì: “Khi đọc “Giấc người”, tôi hơi giật mình vì thấy Nhà thơ Quang Hoài còn đau đáu một món nợ khác mà bao năm nay ông mang trong người, ghìm nén trong người, những mong có một ngày trả nợ, những mong có một ngày được giải thoát. Món nợ ấy có tên là ‘nợ sự thật’. Hay nói một cách đầy đủ hơn: ‘Nợ sự thật’ tức là nợ những gì có liên quan đến cái bản chất của sự thật, cái vốn có của sự thật và phải nói thật về nó, phải có câu trả lời về nó. Nói theo Nhà thơ Pháp A-ra-gông thì ‘Hãy gọi sự vật với đúng tên gọi của nó’. Và Quang Hoài đã hướng sự chuyển động thơ và cái đích thơ trong “Giấc người” của mình theo dòng chảy của tinh thần ấy”.

chqhoaif1-1644915656.jpg
Nhà thơ Quang Hoài.

 

Đúng vây, tác giả đau đáu suy tư "món nợ" cuộc đời mang tính triết lý sâu sắc trong bài “Giấc người” là bài  “đinh” được tuyển chọn làm tiêu đề tập thơ:
 …
Ánh sáng và bóng tối
Trật tự và hỗn mang
Sông trổ doc
Núi đâm ngang
Một tôi
Một cõi

Dở giang
Giấc người !
(Ngày 15-8-2020)

Ở vào tuổi gần chạm ngưỡng U80, Nhà Thơ Quang Hoài luôn chiêm nghiệm, có lúc trăn trở về cuộc đời, có lúc vui có lúc buồn. Vui đấy! Buồn đấy! Tuy không còn phải lo với miếng cơm manh áo như trước, nhưng ngày nào ông cũng tất bật với bộn bề cuộc sống. Ông bộc bạch: Bất kỳ ai khi sống trên cuộc đời cũng đều phải trải qua niềm vui và nỗi buồn. Niềm vui khi được ở bên gia đình, niềm vui khi được cùng bạn bè, hay niềm vui đôi khi chỉ đơn giản là làm “bà đỡ” mát tay giúp cho những bạn viết xuất bản được tập thơ tâm huyết, một tiểu thuyết mang hơi thở cuộc sống, được bạn đọc mến mộ, lòng thấy thảnh thơi, cống hiến công sức thầm lặng, bé nhỏ cho đời. Lòng nhiệt thành có thừa nhưng cũng có lúc ông bất lực trước “sự thật” phũ phàng  là những kẻ rao giảng “đổi mới” nhưng lại “bảo thủ, trì trệ”, vì "lợi ích nhóm", vì sợ "sự thật" với những vết nhơ dơ bẩn mà ông tạm phải lùi bước, chờ ngày thái lai. Những suy ngẫm, trăn trở đó được ông thể hiện trong bài “Tâm sự cùng người biên tập” (Ngày 7-5-2021) đã giúp chúng ta hiểu được vì sao:

“Những cuốc sách nào là sách không nhạt nhẽo, tầm thường
là sách ‘nằm đắp chiếu và chờ vào nhà nghiền’ đợi ngày thành cám”.

Tình trạng sách xuất bản nhiều nhưng ế ẩm, không có người tìm đọc,  ông xót xa trước hiện thực đó, tự đặt câu hỏi:

“Có thể nào sách chềnh ềnh vỉa hè nhan nhản
Những con chữ thẹn thùng phơi mặt vô duyên?
Lỗi tại ai, lỗi tại trái tim?...

Rồi chính ông lại tự đặt câu hỏi lý giải hiện tượng ngược lại:
“Mối chúa”, “Đất mồ côi” bao người đang tìm đọc
Ơi nhà văn, anh muốn ‘mách” điều gì?”

 Song hành với niềm vui cũng có lúc là nỗi âu lo về thế sự, những khó khăn thử thách trong cuộc sống mà Nhà thơ Quang Hoài trải nghiệm như bài “Địch ở trong ta”

Địch nào ở trong ta(*)
Mà phe ta, phe nó?

Nó “nghịch” thì ta phế bỏ
Nó  “thuận” thì ta dắt chăn?!

Giáo đâm không thủng
Gươm chém không quăn
“Lật thuyền mới biết dân là nước”(**)
(Ngày 19-5-2020)

Dù vui hay buồn thì đó mới chính là cuộc đời. Chỉ cần tin vào chính bản thân mình thì sẽ vượt qua được tất cả. Những bài thơ vui buồn với cuộc đời ý nghĩa của Quang Hoài, góp phần xua tan đi lo lắng, muộn phiền, giúp hiểu được cái bản chất sự thật như bài “Một giuộc”:

Đã
Bè cánh
Đã
Nhóm băng…
Thì
Sau trước
Vẫn là thằng
Lưu manh !
(Đêm 20-5-2020)

Lục bát vẫn là thể thơ sở trường trong sáng tác của Quang Hoài. Điểm qua tập “Giấc người” có hơn chục bài về thể loại này với những câu thơ tình đắm đuối, cảm xúc nao lòng:  

“Cúi xin ngọn gió heo may
Đừng se sắt thổi những ngày không nhau…
(Ngày không nhau –Ngày 30-1-2020)

Hoăc:
“ Anh thèm một ánh lửa nhen
Xua ta cái lạnh đêm đen nhạt tình

Nhớ ngày hai đứa chúng mình
Đang cơn muối mặn thình lình nhat nhau!
(Nhạt – cuối đông 2020)

Đúng như Nhà thơ Đặng Huy Giang nhận xét: “Cũng có thể coi ‘Giấc người’ là sự tỉnh thức của một bản lĩnh thơ. Qua tỉnh thức, Quang Hoài càng ngày càng nhận thức lại hoặc nhận thức ra chân sự thật mà cả đời ông đã theo đuổi và hòa mình trong đó, có lúc có thể đã sống với nó và chết vì nó. Đọc ‘Giấc người’, ta càng hiểu: Nhận thức luôn là một quá trình, không phải lúc nào cũng bất biến và hoàn toàn nhất quán”.

---------------------

(*) Điều đầu tiên trong 14 điều Phật dạy là: Kẻ thù lớn nhất của chúng ta là bản thân chúng ta. Trong "Lão tử đạo đức kinh” lại có câu:”Ta có họa lớn vì ta có thân này”. Đó là quan niệm về “địch nhân” (kẻ thù) ở tầm vĩ mô, còn ở tầm vi mô thì “địch nhân” có nghĩa cả trong ta và ngoài ta khi xử lý các mâu thuẫn xã hội

(**) “Phúc chu thủy tín dân do thủy” – Thơ Nguyễn Trãi (Quan hải).

Nhà thơ Quang Hoài họ tên đầy đủ là Nguyễn Quang Hoài, còn có bút danh Hoài Phương, Đào Hoài Phương, sinh ngày 8 tháng 4 năm Ất Dậu tức 19.5.1945. Quê quán: thôn Đôn Lương, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Hiện thường trú tại: số nhà 20, ngõ 93, phố Vương Thừa Vũ, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Từ năm 1965-1968, ông là quân nhân, làm trợ lý phiên dịch tiếng Trung Quốc. Năm 1969-1973: trợ lý biên dịch và thông tin tư liệu tại Phòng Nghiên cứu khoa học và Phòng Tư liệu - Thư viện Học viện Chính trị. 1974-1976: Chính trị viên phó đại đội, Trợ lý tuyên huấn, Trợ lý văn hoá địch vận Sư đoàn 308 Quân đoàn 1. Từ 1977-1978: Tham gia Đoàn xây dựng đơn vị cơ sở của Tổng cục Chính trị ở biên giới Tây Nam. 1979-2007: Thư ký Toà soạn Tập san Nghiên cứu, Tạp chí Nghiên cứu; Trưởng ban Biên tập - xuất bản Học viện Chính trị quân sự; Phó tổng biên tập Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự. Từ năm 2007, ông nghỉ hưu; cộng tác viên của Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Nhà xuất bản Văn học; Uỷ viên Ban biên tập Tạp chí Văn nghệ Thủ đô Tản Viên Sơn và tham gia biên tập một số báo, tạp chí, bản tin khác

Tác phẩm đã xuất bản (theo Thống kê cuối tập thơ "Giấc người"):

I. TÁC PHẨM THƠ - VĂN IN RIÊNG:
Đến đầu năm 2022; 16 TẬP

iI. TÁC PHẨM THƠ - VĂN IN CHUNG:
Đến đàu năm 2022:  63 TẬP

III. TÁC PHẨM BIÊN SOẠN, TUYỂN CHỌN VÀ THAM GIA BIÊN SOẠN, BIÊN TẬP, TUYỂN CHỌN:
Đến đầu năm 2022: 50 TẬP

IV. TÁC PHẨM VIẾT BẰNG TIẾNG TRUNG 
Có thơ, ký, truyện ngắn, tạp văn, bình thơ viết bằng tiếng Trung Quốc trên các báo xuất bản ở Việt Nam và Trung Quốc như Báo Tân Việt Hoa, Báo Vân Nam, Báo Giải phóng quân..., bút danh Hoài Phương, Đào Hoài Phương từ năm 1965 đến năm 1971.

V. GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC:
01. Giải A cuộc thi thơ về bác Hồ do Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng tổ chức, bài thơ "Bắc Hồ sống mãi", năm 1969.
02. Giải A bài tấu "Câu chuyện vợ tôi", Hội diễn văn nghệ sư đoàn 308, Quân đoàn 1 năm 1974.
03. Giải thường bình thơ "Tự tình" của Hồ Xuân hương, Báo Giáo dục và Thời đại, năm 2001.
04. Giải B (không có Giải A) cuộc thi thơ về Cổ Loa, Nhà Văn hóa Đông Anh Trung tâm văn hóa TP hà Nội tổ chức, bài thơ " Trước am thờ Mỵ Châu", năm 2002.

05. Giải thưởng thơ hay Tạp chí Nhà văn năm 2012 vowi 2 bài: Trưa Lũng Cú và Vai diễn đời tôi.

06. Giải thưởng thơ hay do ban tổ chức Đêm thơ Văn Miếu - Quốc tử Giám Nguyên tiêu năm 2019 của Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng, bài thơ Lục bát "Một đêm Hà Nội tôi về".
 

V.X.B