Vĩnh Phúc “đất chuyển” thoát khỏi thuần nông: Những vấn đề đặt ra (Bài 3)

Vũ Xuân Bân - Nguyễn Tiến Dũng

10/02/2022 06:15

Theo dõi trên

“Đất chuyển” trong cơ cấu sản xuất ở Vĩnh Phúc đã thoát khỏi thuần nông, bước đầu trở thành tỉnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, nâng cao rõ rệt.

Những thành tựu kinh tế xã hội đạt được sau 25 năm tái lập tỉnh là không thể phủ nhận, trở thành tỉnh không những tự túc ngân sách mà còn đóng góp cho ngân sách Trung ương.  Nhưng những hậu quả do sự "nôn nóng" thuở ban đầu thu hút vốn đầu tư để CNH, HĐH đang đặt ra những vấn đề cấp thiết đối với Vĩnh Phúc cần phải  quan tâm giải quyết. Đó là "mặt trái của tấm huân chương" mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần lưu ý, nhắc nhở, nhất là trách nhiệm của những người  đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương: "Chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, thoả mãn; không say sưa với thành tích, thắng lợi, hay nói cách văn hoa là đừng ngủ quên trên vòng nguyệt quế. Bởi vì đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức".

ch-khucn-ba-thien-vp-22022-1644419907.jpg

Khu Công nghiệp Bá Thiện 1 - Địa chỉ 2 Xã Thiện Kế và Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc - Diện tích: 325,75 ha, là đất cấy 2 vụ lúa,  thuộc diện "thượng đẳng điền", hiện lấp chưa được 50% diện tích cho thuê làm nhà máy, xí nghiệp. Cả trăm ha đất lúa bị san lấp bỏ hoang cả chục năm nay, gây lãng phí rất lớn. Trong khi nhiều hộ nông dân ở đây bị thu hồi đất không tìm được sinh kế mới lâm vào khó khăn. Ảnh: Nguyễn Tiến Dũng chụp chiều 9/2/2022.

 

Vĩnh Phúc hiện có 14 KCN đã thành lập và Quyết định chủ trương đầu tư, trong đó có 8 KCN đi vào hoạt động. Tổng diện tích đất quy hoạch là 2.773,95 ha, trong đó đất công nghiệp theo quy hoạch 2.041,07 ha; diện tích đất đã bồi thường là 1.490,70 ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê, đăng ký thuê: 893,47 ha, tỷ lệ lấp đầy KCN đạt 50,72%. Là tỉnh có 3/5 diện tích đồi núi, lẽ ra nhưng khu công nghiệp nói trên phải là những vùng đất gò đồi nhưng hầu hết là đất canh tác 2 vụ lúa, gần các trục đường giao thông, mà chỉ mới lấp đầy được 50, 72%% (số liệu báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh Vĩnh Phúc cuối năm 2021). Trong khi đó, không ít hộ nông dân bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp, là tư liệu sản xuất chính, không chuyển đổi được nghề nghiệp, tìm được sinh kế mới, rơi vài tình cảnh khó khăn về đời sống  mà đất bị thu hồi làm các KCN lại bị bỏ hoang, lãng phí từ nhiều năm nay. “Tất đất tất vàng” từng là đất canh tác 2 vụ lúa, là những “thượng đẳng điền” đã chuyển đổi làm công nghiệp đến bao giờ mới được lấp đầy, vẫn đang là vấn đề nan giải đối với Vĩnh Phúc?

chuyenlac-1644421776.jpg
Rác thải sinh hoạt ùn ứ tại xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc. Ảnh: Nguyễn Tiến Dũng.

 

Đầu nhiệm kỳ trước Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI đã hứa đến năm 2018 sẽ có nhà máy xử lý rác thải với công nghệ hiện đại, không ô nhiễm môi trường. Nay lời hứa đó vẫn chưa thực hiện được. Ai cũng biết hứa mà không làm sẽ mất lòng tin với dân chúng, rất nguy hại.  Các cấp có thẩm quyền ở tỉnh đã họp đều thống nhất cho rằng, nguyên nhân của tình trạng hứa nhưng chưa và không làm được là do thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, có lúc cần quyết liệt thì không quyết liệt, lại chần chừ, rồi đình hoãn, không biết đến bao giờ hai dự án bức thiết đó mới thành hiện thực?

chukhu-xu-li-rac-thai-dong-van-yen-lac2-1644422204.jpg
Trong khi đó, nhà máy xử lí rác thải sinh hoạt xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc đã được đầu tư xây dựng nhưng công nghệ lỗi thời, không sử dụng được, đắp chiếu, gây lãng phí lớn. Dân ở đây vẫn phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường. Ảnh: Nguyến Tiến Dũng.

 

Nghiêm túc kiểm điểm, những người có trách nhiệm của tỉnh Vĩnh Phúc không nên tránh né mà cần thẳng thắn nhìn nhận việc triển khai thực hiện mục tiêu xây dựng công viên nghĩa trang và nhà máy xử lý rác thải không chỉ thiếu quyết tâm, quyết liệt mà triển khai chưa bài bản, thiếu đồng bộ. Khâu tuyên truyền còn hời hợt dẫn đến dân chúng chưa hiểu sự cần thiết để xây dựng công viên nghĩa trang và nhà máy xử lý rác thải. Đây là việc hiếu lo hậu sự nơi an nghỉ cho người qua đời, rất nhân văn, trong bối cảnh các đô thị trong tỉnh cùng nhiều làng xã rơi vào cảnh đất chật người đông, nghĩa trang chật cứng, khó tìm nơi địa táng, “cực chẳng đã” lại phải lên “Nghĩa trang Thiên Đức Vĩnh Hằng Viên” ở Phú Thọ... Đồng thời, tỉnh cũng chưa có chính sách hỗ trợ hợp lý cho người dân khi giải phóng mặt bằng xây dựng công viên nghĩa trang và nhà máy xử lý rác thải. Khi có thông tin phản hồi hoặc thắc mắc chưa có bộ phận đứng ra giải đáp, giải quyết kịp thời cho người dân vùng dự án cũng như cung cấp thông tin chính thống, đầy đủ, rõ ràng cho giới truyền thông để chuyển tải tới công chúng, tạo sự đồng thuận triển khai các dự án bức thiết liên quan tới dân sinh. Đây là yếu tố chủ quan, là thể chế, là do con người, trong bộ máy còn bị “vướng người nhà”… thiếu năng lực thực tiễn, trì trệ, muốn làm mà chưa làm được ?

chunghia-trang-nui-trong-khai-quang-vinh-yen2-1-1644422597.jpg
Nghĩa trang núi Trống phường Khai Quang nằm giáp Khu Công nghiệp Khai Quang, Tp Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) chen chúc, hầu như không còn đất để địa táng. Ảnh: Nguyễn Tiến Dũng chụp ngày 8/2/2022. 

 

Sự chậm trễ này dẫn đến hậu quả rất nặng nề cho Vĩnh Phúc. Các đây chưa lâu, có nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Vĩnh Phúc đặt vấn đề đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện máy bay, tức là công nghệ cao. Lúc đầu họ đồng ý đầu tư xây dựng nhà máy. Nhưng khi biết tỉnh không có nhà máy xử lý rác thải nguy hại đạt chuẩn, họ đã rút bỏ chuyển tìm địa phương khác để đầu tư.

nghia-trang-thuong-trung-vtvp-822022-1644423057.jpg
Nghĩa trang Chổ Vũng, xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường tương tự như nghĩa trang Khai Quang (Tp Vĩnh Yên) chen chúc quá tải. Ảnh: Nguyễn Tiến Dũng chụp ngày 8/2/2022.

 

Tuy đã là tỉnh công nghiệp nhưng Vĩnh Phúc vẫn đang đứng trước nguy cơ “tụt hậu” . Cách đây 5 - 7 năm, các tỉnh lân cận còn đứng rất xa về thu hút vốn đầu tư, nhất là thu ngân sách trên địa bàn. Nay có tỉnh đã vươn lên vượt Vĩnh Phúc. HONDA và TOYOTA là hai nhà đầu tư FDI lớn tại Vĩnh Phúc, được ví là hai con gà đẻ “trứng vàng” đóng góp đáng kể cho ngân sách của tỉnh. Câu hỏi đặt ra tại sao HONDA không mở rộng cơ sở sản xuất tại tỉnh mà họ lại xây dựng cơ sở 2 tại tỉnh khác ở đồng bằng Bắc Bộ. Vĩnh Phúc  ở vị trí thuận lợi về giao thông nhưng tại sao SAMSUNG GROUP không vào đầu tư mà lại chọn đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên? Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tiếp tục tụt giảm, không còn hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là đầu tư FDI như trước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 chưa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố. Nhưng trên trang tin https://pcivietnam.vn ( 4/10/2021) đăng tải (trích nguyên văn): “Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020, tỉnh Vĩnh Phúc đạt 63,25/100 điểm, xếp vị trí thứ 29/63 tỉnh thành, giảm 2,9 điểm và tụt 12 bậc so với năm 2019.

Như vậy, trong năm 2020, chỉ số PCI của tỉnh chứng kiến sự sụt giảm cả về điểm số và thứ hạng. Trong tổng số 10 chỉ số thành phần, có đến 5/10 chỉ số giảm điểm và thứ hạng, một số chỉ số có thứ hạng thấp, chưa được cải thiện trong nhiều năm như: Chỉ số Tiếp cận đất đai, chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (DN), chỉ số Cạnh tranh bình đẳng, chỉ số Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự, chỉ số Chi phí không chính thức. Theo thống kê, giai đoạn 2016-2020, thứ hạng PCI của tỉnh liên tục có sự sụt giảm, từ vị trí thứ 9/63 (năm 2016) xuống vị trí 29/63”.

Vĩnh Phúc được coi như là trung tâm công nghiệp sản xuất ô tô - xe máy của cả nước nhưng bắt đầu mòn mỏi. Hai con gà lâu nay “đẻ trứng vàng” là HONDA và TOYOTA đã có dấu hiệu mệt mỏi, bắt đầu thu hẹp sản xuất. Với đà hội nhập ngày càng sâu rộng, hàng hoá các nước xâm nhập thị trường trong nước ngày càng nhiều, cạnh tranh quyết liệt và theo quy luật, “hai con gà” đó sẽ già cỗi không đẻ “trứng vàng” nữa mà nếu Vĩnh Phúc không tìm “nuôi” con gì thay thế thì cũng sẽ cạn kiệt nguồn thu, rất có thể trở lại thời kỳ “ăn đong” phải điều tiết từ ngân sách Trung ương như trước. Cơ hội và thách thức đan xen đang đặt ra đối với Vĩnh Phúc.

ban-do-du-lich-tam-dao-1-1644424051.gif
Biển mây Tam Đảo. Đây là Khu du lịch quốc gia hấp dẫn du khách.

 

Cái khó nhất hiện nay của Vĩnh Phúc là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế tiếp tục tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ mà trọng tâm là dịch vụ phát triển du lịch là thế mạnh chưa được khai thác xứng với tiềm năng để trở thành mũi nhọn kinh tế, giảm hơn nữa tỷ trọng nông nghiệp. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đó phải gắn liền với chuyển dịch lao động, giải quyết việc làm tại chỗ để “ly nông bất ly hương”, tiếp tục tạo bước đột phá mới trong phát triển kinh tế xã hội của Vĩnh Phúc theo hướng nhanh và bền vững. Có như vậy mới thực hiện được  lời căn dặn của Bác Hồ khi về thăm tỉnh Vĩnh Phúc năm 1963: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”. Đó cũng là mục tiêu Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành một tỉnh CNH, HĐH vào cuối thập niên thứ 3 của thế kỷ này và trở thành thành phố Vĩnh Phúc trong tương lai gần, được xác định tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII trở thành hiện thực.

Vĩnh Phúc hiện có 8 khu công nghiệp đi vào hoạt động với 328 doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh, thu hút gần 110.000 lao động, mức thu nhập của lao động phổ thông tại các khu công nghiệp từ 6 triệu đến 8 triệu đồng/người/tháng. Điển hình như khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên thu hút hơn 40.000 lao động; khu công nghiệp Bá Thiện II, huyện Bình Xuyên thu hút khoảng 21.000 lao động. Các khu công nghiệp này đã hình thành, đi vào hoạt động.

 

(HẾT)

V.X.B - N.T.D

Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Phúc “đất chuyển” thoát khỏi thuần nông: Những vấn đề đặt ra (Bài 3)" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn