Giáo sư Lê Thành Khôi – nguyên phó chủ tịch hội Việt kiều tại Pháp

Hồi 16h ngày 28/10/2021 tại Barcelona (Tây Ban Nha), Nhà đấu giá Invaluable đấu giá một chiếc mũ quan triều và một chiếc áo lễ phục Nhật Bình thuộc triều đại nhà Nguyễn Việt Nam. Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã biết thông tin nhưng không thể tham gia phiên đấu giá vì nhiều lý do, trong đó lý do quan trọng nhất là Trung tâm không đủ ngân sách để mua 2 cổ vật này.
image-1649509102.png
Ông bà Lê Thành Ý, anh chị Lê Thành Khôi cùng gia đình.

Chính vì vậy, tin Công ty CP Tập đoàn Sunshine thắng trong phiên đấu giá và hiến tặng 2 cổ vật này cho thành phố Huế khiến những người làm công tác bảo tồn bảo tàng và mọi người dân yêu lịch sử dân tộc vô cùng cảm kích.

Nghĩa cử và tấm lòng thiết tha với những giá trị lịch sử dân tộc của Tập đoàn Sunshine là sự tiếp nối những nghĩa cử của mọi con dân Việt, dù ở cương vị nào hoặc ở bất cứ nơi nào trên thế giới, đều một lòng một dạ hướng về Tổ quốc thân yêu.

Mùa thu năm 2015, một gia đình Việt kiều tại Pháp cũng đã hiến tặng Nhà nước Việt Nam hơn 330 cổ vật, được sưu tầm ở khắp mọi nơi trên thế giới. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã được Nhà nước ủy thác tiếp nhận số cổ vật này.

Đó là gia đình nhà khoa học – Phó Chủ tịch Hội Việt kiều tại Pháp Lê Thành Khôi – Giáo sư Luật và Kinh tế học ở đại học Paris, chuyên viên Viện khoa học kinh tế ứng dụng đại học Can, đại học Nanterre, chuyên viên Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội (IEDES). Từ 1963, giáo sư Lê Thành Khôi làm tư vấn cho các tổ chức quốc tế như tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hiệp quốc (UNESCO), phòng Quốc tế lao động CBIT Genève, Cục hợp tác văn hoá và kỹ thuật các nước Pháp ngữ (ACCT), trường đại học Tokyo, chương trình UNDF, năm 1971 ông lại được bầu làm giáo sư đại học Paris 5 (René Descartes).

Ông Lê Thành Khôi sinh ngày 03/05/1923 tại Hà Nội, sang Pháp năm 1947, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ kinh tế năm 1949, bằng cử nhân đại học Sorbonne, học Hoa ngữ trường Ngoại ngữ Phương Đông. Năm 1968, ông là người Việt Nam đầu tiên hoàn thành một lúc hai luận án tiến sĩ công nghệ giáo dục và khoa học giáo dục tại Paris – Pháp…

Ngoài hàng trăm luận văn khoa học trên các tạp chí ở Pháp và thế giới, ông có 25 công trình nghiên cứu đồ sộ về kinh tế, khoa học giáo dục, 33 công trình là đồng tác giả. Đặc biệt, có hai chuyên khảo nổi tiếng về lịch sử Việt Nam: “Việt Nam, lịch sử và văn minh, 1955 (Nhà xuất bản Minuit, Paris)” và “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến năm 1858, (Nhà xuất bản Sud est Asie Paris, 1982). Hai công trình này đã được Nhà xuất bản Nhã Nam Thế giới phát hành năm 2014 qua bản dịch của dịch giả Nguyễn Nghị. Đây là hai công trình có giá trị khoa học cao, ảnh hưởng sâu rộng trong giới trí thức không chỉ ở Pháp mà còn trên phạm vi toàn cầu, góp phần cho mọi người trên thế giới hiểu biết về lịch sử Việt Nam một cách chân thực. Giới Việt Nam học thế giới coi đây là hai công trình kinh điển về văn hóa và lịch sử Việt Nam, được sử dụng rộng rãi trong các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu về Việt Nam học. Pascal Bourdeau, nhà nghiên cứu lịch sử người Pháp đánh giá rất cao hai cuốn sách này, ông nói : "Đây là một cuốn sách vừa sử vừa không sử, có cách tiếp cận đa ngành gần như một cuốn tiểu thuyết Quốc gia. Các nghiên cứu lịch sử của ông Khôi đã phản bác những học thuyết sai lầm, những lập luận muốn bóp méo sự thật của thực dân".

Trong lời giới thiệu cuốn “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ 20”, giáo sư sử học Phan Huy Lê viết : "...Giáo sư Lê Thành Khôi là một nhà bác học về khoa học xã hội và nhân văn, một nhà văn hóa lớn của Việt Nam và thế giới...

Cụ thân sinh của ông Lê Thành Khôi là Lê Thành Ý (1893 - 1973), giáo sư trường Sinh Từ và trường Albert Sarraut tại Hà Nội. Em gái ông Khôi là bà Lê Nam Trân (1945) cũng là một nhà khoa học, tốt nghiệp khoa kinh tế đại học Paris, tiến sĩ kinh tế xã hội trường Đại học khoa học xã hội danh tiếng Science Po.

Một chiều cuối thu năm 2020 tại Paris, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp và nhà sử học người Pháp Pascal Bourdeau cùng tôi (Thẩm Hoàng Long) đã đến thăm giáo sư Lê Thành Khôi. Dù đã 97 tuổi, ông Lê Thành Khôi vẫn minh mẫn và mạnh khỏe.

Trên chiếc bàn nhỏ ở đầu giường ngủ là một viên sỏi to màu trắng to bằng quả trứng gà, đặt trên chiếc giá đỡ bằng pha lê. Đây là viên sỏi ông Lê Thành Khôi lượm trong sân Phủ Chủ tịch ở Ba Đình, sau buổi gặp mặt với Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong chuyến cùng Đoàn đại biểu Việt kiều về thăm Tổ quốc năm 1971. Viên sỏi của quê hương luôn ở sát bên ông.

Ông Lê Thành Khôi là anh rể cả của tôi (Thẩm Hoàng Long). Ông cưới chị Thẩm Thị Hồng Anh (1930 – 2018), con gái đầu của dược sỹ Thẩm Hoàng Tín – Nguyên Thị trưởng thành phố Hà Nội giai đoạn từ tháng 2 năm 1950 đến tháng 8 năm 1952.

image-1-1649508921.png
từ phải sang: Đại sứ Nguyễn Thiệp, ông Lê Thành Khôi, Lê Vân Dao con gái thứ 2, Thẩm Hoàng Long, Philipe Bourdeau, đứng sau: Thẩm Hoàng Việt.

Anh chị có ba cháu: Lê Thị Hương Du (1955), bác sĩ bệnh viện Pitié- Salpêtrière, Paris 13; Lê Vân Dao, (1957) tốt nghiệp đại học kinh tế Sorbonne; Lê Hồng Nguyên tức Nguyên Lê (1959), nhạc sĩ. Cả ba cháu đều sinh trưởng tại Paris nhưng trong các loại giấy tờ, cả ba người con của anh chị đều được đặt tên thuần Việt.

Năm 1977, anh chị và ba cháu về thăm quê hương. Anh chị khước từ việc ở khách sạn tiện nghi để về ở nhà tôi tại nhà số 13 phố Cửa Nam – Hà Nội. Anh chị ở tầng hai và các cháu ở các phòng của tầng một. Với anh Lê Thành Khôi thì đây là lần thứ 2 anh về thăm Tổ quốc nhưng với chị Thẩm Thị Hồng Anh và các cháu thì đây là lần đầu tiên. Gia đình tôi đã đưa anh chị và các cháu đi thăm vịnh Hạ Long, cố đô Huế, thành phố Hồ Chí Minh và rất nhiều ngôi chùa lớn nhỏ tại Việt Nam. Trang Wikipedia đã lưu tâm sự của chị Hồng Anh khi trả lời phỏng vấn của báo chí Việt Nam. Chị Hồng Anh nghẹn ngào kể lại ngày 2/9/1945 – khi đó chị 15 tuổi – đã xin phép bố đến quảng trường tham dự cuộc mít tinh và lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập.

Năm gia đình ông Khôi về nước, tôi đang công tác tại Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu. Anh em nói chuyện với nhau về tình hình chính trị, biết tôi đã ở Quảng Trị năm 1972 - 1973 (trung đoàn 66, sư đoàn 304), ông Khôi phân tích: “Sở dĩ Hà Nội mở chiến dịch Quảng Trị tháng 5/1972 vì trước đó, tháng 3 năm 1972 Ngoại trưởng H.Kissinger và Tổng thống R.Nison sang thăm Bắc Kinh”. Điều đó chứng tỏ ông Khôi theo rất sát tình hình Việt Nam.

Tôi may mắn được dự buổi lễ hiến tặng hơn 330 cổ vật cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam năm 2015. Đây là số cổ vật ông Lê Thành Khôi sưu tầm được từ khắp các châu lục trên thế giới trong cuộc đời làm khoa học của mình và khi làm cán bộ của tổ chức UNESCO (Liên hợp quốc).

Do già yếu, ông Lê Thành Khôi và chị tôi không về nước được nên ủy nhiệm cho con trai út Nguyên Lê thay mặt gia đình hiến tặng cổ vật cho bảo tàng.

image-2-1649508921.png
Nhạc sỹ Nguyên Lê, con trai út anh chị Khôi.

Cháu Nguyên Lê học ngành hội họa nhưng đặc biệt đam mê với nhạc cổ truyền Việt Nam. Từ lần về nước năm 1977, Nguyên Lê đã được con gái nghệ sỹ Sỹ Tiến là ca sĩ Lệ Quyên dạy đánh đàn bầu. Khi trở về Pháp, Nguyên Lê đã tìm cách kết hợp nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam với nhạc Jazz của Tây phương. Qua Nguyên Lê, nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam được thêm phong phú, đầy quyến rũ và ngọt ngào. Đài truyền hình Việt Nam (VTV 2) đã phát trực tiếp chương trình "Khai mạc năm du lịch lung linh sắc màu Yên Bái", bài "Chiếc khăn Piêu" do Nguyên Lê phối khí đã được khán giả cả nước yêu thích qua sự thể hiện của ca sĩ Tùng Dương. Cùng năm, Nguyên Lê đã được đề cử là "Nhạc sĩ của năm".

Chị cả tôi, dược sỹ Thẩm Thị Hồng Anh mất năm 2018. Tang lễ cử hành trang trọng tại nghĩa trang Père Lachaise, nơi có các danh nhân thế giới như Victor Hugo, Molière... yên nghỉ. Theo di nguyện của chị tôi, cháu Nguyên Lê đã cầm guitar tiễn biệt mẹ bằng bài dân ca Việt Nam. Giai điệu quê hương Việt Nam đã làm mọi người có mặt trong đám tang, cả người Việt lẫn bạn bè quốc tế không ai cầm được nước mắt.

Con cháu nhà họ Thẩm, cả con dâu con rể và các con cháu, dù đang ở bất cứ nơi đâu, ai cũng tự hào với truyển thống gia đình và luôn lưu giữ tình yêu quê hương trong trái tim mình.