Giáo sư Vũ Khiêu, một trí tuệ uyên bác, tấm gương sáng về lao động

Phạm Việt Long

05/10/2021 21:46

Theo dõi trên

Có thể nói, Giáo sư, Anh hùng Lao động, nhà văn hóa Vũ Khiêu có một trí tuệ uyên bác, một tấm gương sáng về lao động. Cho tới tận cuối đời, khi đã ở ngưỡng tuổi 100, Giáo sư vẫn minh mẫn, tham dự, tổng kết nhiều cuộc Hội thảo và vẫn làm nhiều công việc góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.

gs-vu-khieu-1633445079.JPG
 

Theo nhà báo Vương Xuân Nguyên, trải qua 106 tuổi đời, 70 tuổi Đảng, Giáo sư Vũ Khiêu được nhiều học giả, chính khách trong và ngoài nước đánh giá là một nhà văn hóa, trí thức tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh trong thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21, một nhân vật hội tụ nhiều phẩm chất cao đẹp của thời đại: Có tư duy uyên bác, tầm nhìn xa trông rộng, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng, khát vọng dân tộc chân chính, luôn gần gũi và gắn bó với các tầng lớp nhân dân…

Đã có hơn 100 đầu sách mang dấu ấn của Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu trên nhiều lĩnh vực: triết học, đạo đức học, văn học, nghệ thuật, văn hóa, xã hội, nghiên cứu và giới thiệu thơ văn và cuộc đời của một số thi hào, các tác phẩm về tư tưởng Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông là người đặt nền móng cho ngành xã hội học và mỹ học Việt Nam, đồng thời được đánh giá là người có biệt tài về cổ văn.

Một số tác phẩm của ông có giá trị về văn hóa gồm: Đẹp (năm 1963), Cao Bá Quát (1970), Anh hùng và nghệ sĩ (năm 1972), Ngô Thì Nhậm (1976), Cách mạng và nghệ thuật (năm 1979), Nguyễn Trãi (1980), Trường Sơn - Máu lửa Vạn đại anh hùng (2009), Từ văn  hiến Thăng Long đến hào khí Đồng Nai và thành đồng Tổ Quốc (2010), Hồ Chí Minh (2012) tác phẩm lớn nhất là bộ sách ba tập, dày gần 1.500 trang, cuốn Bàn về văn hiến Việt Nam (năm 2000)... Trong số tác phẩm này, “Đẹp” (1963) là cuốn sách gây tranh cãi một thời, bởi nó mang những tinh thần quá mới mẻ, tân tiến so với phong cách đương thời, ông viết: “Đẹp ơi! Em là gì mà bao người tìm em chẳng thấy? Bởi vì em sống giữa cõi đời, nên nhiều người đã từng có diễm phúc gặp em. Trong lịch sử loài người đã diễn ra những cuộc tranh cãi vô tận về em. Cái đẹp là một phạm trù có tính nhân loại. Đẹp chính từ sáng tạo của con người. Tài năng của con người là cái đẹp nhất trong mọi cái đẹp”.

Sinh ra tại Nam Định, nhưng cuộc đời Giáo sư Vũ Khiêu gắn bó với Hà Nội, ông có nhiều công trình nghiên cứu lớn về Thăng Long - Hà Nội. Ông chủ trì Hội đồng biên tập bộ sách Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long (bốn tập), Bách khoa thư Hà Nội (18 tập), Chủ tịch Hội đồng tư vấn Tủ sách Nghìn năm Thăng Long Hà Nội (giai đoạn 1 đã xuất bản 100 bộ sách). Ở tuổi 100, Giáo sư Vũ Khiêu vẫn tiếp tục làm việc để hoàn thành bộ sách Văn hiến Thăng Long gồm ba tập, dày 2.400 trang. Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, “Tình yêu Hà Nội nơi Vũ Khiêu còn bộc lộ qua những tuyệt bút ông viết về các danh nhân chốn địa linh này. Trong đó, tác phẩm viết về hai thi hào lừng danh đất Thăng Long: Nguyễn Trãi (Quê Thường Tín), Cao Bá Quát (quê Phú Thị, Gia Lâm) đạt đến độ “thần nhãn” khi phát hiện và lột tả vai trò trí thức - thi sĩ của họ trong vận động thế cuộc, khiến người đọc càng trọng bậc tiền nhân mà tự hào về bề dày văn hiến của Thăng Long. “Động mạch” linh khí Thủ đô chính là văn hiến. Hà Nội đã tôn vinh Giáo sư Vũ Khiêu là Công dân Thủ đô ưu tú.

Theo Lê Anh, “Những công trình nghiên cứu của ông góp phần tạo ra nền tảng nghiên cứu văn hoá so sánh phương Đông, trong đó so sánh văn hoá Việt Nam với các nước cùng khu vực. Đây là đóng góp rất lớn khi chỉ ra vai trò, vị trí của Việt Nam trong nền văn hoá Đồng Văn ở khu vực Đông Nam Á,… đặc biệt trong thời kỳ mở cửa hội nhập của đất nước. Các công trình của ông trong các lĩnh vực này không phải là những lý luận giáo điều, tư biện mà là những gì đã được kiểm nghiệm trong cuộc sống.”. Nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang, Giám đốc không gian văn hoá Phạm Văn Đồng, nhận định: “Đây là điều không phải nhiều người làm được bởi khi nghiên cứu về lý luận văn hoá, phải đi tìm nền tảng tư tưởng, để làm nên văn hoá đó, không phải biểu hiện qua hành vi giao tiếp, trang phục,… Những cuốn sách của ông chú trọng nghiên cứu đường lối, tư tưởng phát triển văn hoá Việt Nam để xây dựng nền tảng đủ vững để triển khai chính sách của Đảng và Nhà nước qua thực tiễn được hiệu quả. Đây là những đóng góp rất lớn của giáo sư Vũ Khiêu”.

vu-khieu-mich-quang1-1633445104.jpg
GS. Vũ Khiêu và nhà nghiên cứu Mịch Quang

Điểm độc đáo trong sự nghiệp nghiên cứu sáng tác văn học nghệ thuật của Giáo sư Vũ Khiêu là hệ thống cổ văn gồm các bài văn tế, văn bia, hoành phi, câu đối, bài minh tại hầu khắp đền thờ anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa và đài tưởng niệm liệt sĩ trong cả nước, ca ngợi khí phách anh hùng, tâm hồn cao cả của các anh hùng, chiến sĩ đã hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do của dân tộc. Từ thời trai trẻ, Giáo sư Vũ Khiêu đã viết Văn tế Truy điệu những nạn nhân vụ đói tháng 3-1945 trong niềm xúc cảm mãnh liệt, đau xót cho hơn hai triệu đồng bào lâm cảnh thê lương! Tiếp đến là Văn tế anh hùng liệt sỹ của Cách mạng Tháng Tám, văn tế Trần Hưng Đạo. Tới khi tuổi đã cao nhưng sức chưa yếu, Giáo sư viết tiếp những áng hùng văn ca ngợi Quốc tổ, ca ngợi truyền thống vẻ vang của dân tộc, trong đó có Chúc văn Lễ hội đền Hùng, các bài minh về các vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa tiêu biểu như: Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Chí Minh. Nhiều đền thờ anh hùng liệt sỹ, như: Đền thờ Ngô Quyền ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), Đài liệt sỹ Tây Ninh, Văn bia tưởng niệm Lý Thái Tổ (Hoa Lư)… cho tới bài minh trên chuông xã Bát Tràng, tất cả đều được thể hiện bằng ngòi bút điêu luyện của Giáo sư. Giáo sư Vũ Khiêu viết bài minh khắc trên Đại hồng chung ở khu tưởng niệm Côn Đảo: ''Ngày hôm nay: Chuông vang xa từ hòn đảo anh linh/ Chuông vang vọng giữa bầu trời đại nghĩa/ Tiếng chuông đồng mãi mãi vọng tiền nhân/ Gương Côn Đảo đời đời soi hậu thế''.

Việc viết câu đối, trong đó có những câu đối tặng các đơn vị, cá nhân, cũng thể hiện nét riêng của Giáo sư. Phương pháp của ông là tìm hiểu kỹ đơn vị, cá nhân đó rồi viết nên đôi câu đối phản ánh đúng hoạt động, bản chất của đơn vị, cá nhân được tặng. Không những vậy, trong ngôn từ của câu đối thường có tên của đơn vị, cá nhân đó. Ví dụ một số câu đối sau đây:

- Câu đối tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

Võ công truyền quốc sử

Văn đức quán nhân tâm

cau-doi-vu-khieu-tang-vng-1633450843.jpg
 

- Câu đối tặng ông Đỗ Phượng, TBT Tạp chí Hương Sắc, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam:

Hoa thảo vào xuân, Hương Sắc mới

Gió mây gặp Hội, Phượng rồng bay

cau-doi-vu-khieu-do-phung-1633450842.jpg
 

- Câu đối tặng nhà báo Quang Đạm:

Ngòi bút vinh Quang

Cuộc đời thanh Đạm.

- Câu đối tặng nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh:

Nửa mắt nhìn đời, thu cả tinh hoa trời đất lại

Tám tuần thưởng tết, bày đầy cảnh sắc cổ kim chơi

- Về làng Đại Bái thăm Từ đường dòng họ Lê Minh, Giáo sư Vũ Khiêu đề tặng:

Tổ tiên thắp sáng điều nhân nghĩa

Con cháu xin đền đạo hiếu trung

 

Một hôm, GS Vũ Khiêu ngồi cắt tóc trong một cửa hiệu. Qua hỏi thăm, GS Vũ Khiêu biết ông cắt tóc có hai con, người con trai làm công an xã, người con gái dạy học. Cắt tóc xong, GS Vũ Khiêu lấy bút viết: “Xem xét tóc tơ người lớn bé/Sửa sang mày mặt khách đông tây”.

Hôm khác, GS Vũ Khiêu đến chơi nhà một người bạn cũ là cán bộ, nay về nghỉ, làm thợ chữa đồng hồ. Nhân ngày tết, ông bạn muốn xin một đôi câu đối. GS viết: “Bảy mươi xuân, quay ngược thời gian, từng giờ từng khắc, từng phút từng giây, nghĩ mình chẳng thẹn/Mồng một tết, nhìn ngang thế lộ, ai chậm ai nhanh, ai sai ai đúng, rót rượu cùng say”.

Giáo sư Trần Quốc Vượng kể: Năm Kỷ Tị 1989, nhà tôi mất vì bệnh hiểm nghèo, nhanh và có phần đột ngột, chẳng kịp đưa tin lên báo. Ông (Giáo sư Vũ Khiêu) cùng các bạn hữu đem trướng đến viếng, đi đưa đám... Ông lại cài trên bàn thờ vợ tôi đôi câu đối nôm: “Chị ra đi, bát ngát Đông Tây, một cánh buồm son, làn gió cuốn/Anh ở lại ngậm ngùi Kim Cổ, nửa bình rượu trắng, ánh trăng soi”.

Giáo sư Vũ Khiêu có mối quan hệ đặc biệt thân thiết với Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, do Giáo sư Hoàng Chương làm Giám đốc mà ông làm cố vấn, bởi đây là một tổ chức hoạt động tự chủ, tự lực, không sử dụng một đồng ngân sách nhà nước mà làm việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc theo sát tinh thần chỉ đạo của nhà nước. Ông là một cố vấn thực sự chứ không phải là một cố vấn cho mượn danh. Hầu hết những sự kiện quan trọng mà Trung tâm tổ chức, đều tham vấn ý kiến của ông và được ông chỉ giáo tận tình, đồng thời tham gia với tinh thần trách nhiệm cao. Trong các cuộc Hội thảo do Trung tâm tổ chức, Giáo sư Vũ Khiêu thường đảm nhận vai trò tổng kết Hội thảo. Cho tới những năm gần đây, khi gần trăm tuổi, ông vẫn anh minh, và bài tổng kết nào của ông cũng có chất lượng cao. Ông tóm tắt những ý chính đã được thảo luận, rút ra những vấn đề quan trọng nhất và nêu lên khuyến nghị để giải quyết vấn đề. Với giọng nói sáng rõ, cách diễn đạt minh triết, ông giúp người dự Hội thảo nắm được những vấn đề cốt lõi của Hội thảo. Năm nào ông cũng viết tặng Trung tâm đôi câu đối, như là một lời tổng kết hoạt động của Trung tâm trong năm đó. Vào năm 2000, kỷ niệm 16 năm ngày thành lập Trung tâm, Giáo sư Vũ Khiêu viết: “Thu thập tinh hoa kim cổ lại/Phát huy truyền thống nước non này”.

 

Khi đã trăm tuổi mà vẫn minh mẫn, khỏe mạnh, Giáo sư Vũ Khiêu hay nói vui rằng ông không tập thể dục thân thể mà chỉ tập thể dục trí não, với thời gian lao động từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày, mà nhờ vậy, Giáo sư luôn luôn có sức khỏe vượt tuổi tác để tận hiến cho văn hóa nước nhà.

Chính vì thế, nhà báo Hồ Quang Lợi dành những lời vô cùng trân trọng với công sức của Giáo sư Vũ Khiêu: “Lịch sử đất nước như dòng chảy lớn mà mỗi thế kỷ đều được tiếp truyền phù sa bởi những sự kiện - nhân vật tiêu biểu. Là một đại trí thức Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, Vũ Khiêu là một hiền tài sống động, tỏa sáng uyên bác, tâm hồn giàu đẹp, cốt cách cao quý và trái tim nhân ái. Cuộc đời cống hiến đầy sáng tạo và sự nghiệp vinh quang của Giáo sư Vũ Khiêu toát ra sức hút của một trí tuệ và tài hoa hiếm biệt”.

Giáo sư Vũ Khiêu, tên thật là Đặng Vũ Khiêu, sinh năm 1916, tại "làng khoa bảng" Hành Thiện (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định). Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, giáo sư đã đảm nhận nhiều trọng trách, như: Giám đốc Sở Văn hóa khu 10 tại Việt Bắc, Phó Giám đốc Việt Nam Thông tấn xã giai đoạn 1957 – 1958 (nay là Thông tấn xã Việt Nam), Phó Chủ tịch Ủy ban Khoa học và Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam).

GS. Vũ Khiêu là nhà nghiên cứu văn hoá lớn, có kiến thức xã hội rộng lớn, thâm sâu, là người đặt nền móng cho sự phát triển của ngành xã hội học Việt Nam và là bậc thầy trong một số lĩnh vực nghiên cứu. Với những cống hiến lớn lao và đặc biệt xuất sắc cho đất nước, Giáo sư đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 1995), phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2000); Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2006), được nhận danh hiệu Công dân ưu tú của Thủ đô Hà Nội (năm 2010) và nhiều phần thưởng cao quý khác…

 

Bạn đang đọc bài viết "Giáo sư Vũ Khiêu, một trí tuệ uyên bác, tấm gương sáng về lao động" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn