Giao thông miền núi ở Vĩnh Phúc

Với Vĩnh Phúc, thời gian có lẽ là minh chứng rõ nét nhất cho sự nỗ lực vươn lên của con người trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế. Chỉ ít năm, từ một tỉnh nghèo sau tái lập, Vĩnh Phúc nhanh chóng vươn vai thành “gã khổng lồ” về thu ngân sách, phát triển công nghiệp không chỉ ở khu vực phía Bắc mà còn trên phạm vi toàn quốc.
giao-thong-mien-nui-1625953575.jpg
QL 2C (đoạn qua cầu Liễn Sơn) tạo thuận lợi giao thương giữa các huyện trong tỉnh với tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh miền núi phía Bắc. Ảnh: Khánh Linh

Kèm theo đó, các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội có những bước phát triển không ngừng, tạo diện mạo hoàn toàn mới cho “... một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta” như lời Bác Hồ từng căn dặn khi về thăm địa phương năm 1963.

Trong số này, hạ tầng giao thông nói chung, giao thông miền núi nói riêng đã tạo nên một dấu ấn riêng biệt, trở thành niềm tự hào của người dân Vĩnh Phúc với bạn bè trong nước. Trong đó, 100% các trục huyện lộ, trục xã, liên xã và trên 70% các đường thôn, xóm đã được cứng hóa.

Còn nhớ hơn chục năm trước, nhiều người dân vùng núi của Vĩnh Phúc hay nhắc đến câu ca: “Yêu nhau cho mật cho đường/Ghét nhau Bồ Lý, Yên Dương, Đạo Trù” để chỉ sự xa xôi cách trở của các vùng quê này với “phần còn lại” của tỉnh, huyện.

Giờ đây, đi từ trung tâm tỉnh lỵ Vĩnh Yên đến 1 trong 3 địa danh nói trên chỉ mất khoảng 30 phút xe chạy, nhưng hồi đó, việc di chuyển, nhất là vào mùa mưa lũ thì mất cả ngày là chuyện bình thường.

Ôn cố để tri tân, tôi nhớ mãi cái cảnh khắp cả vùng Lập Thạch cũ (nay chia thành 2 huyện Lập Thạch và Sông Lô) với 39 xã, thị trấn đều bốn bề là đồi sắn với ngút mắt những con đường đất đỏ bụi mù ngày nắng, nhão nhoét ngày mưa. Có việc phóng xe máy ra đường, chỉ dăm phút là khắp người lấm lem, đầu tóc đỏ quạch như râu ngô...

Thế mà đầu tháng 7 vừa rồi, có việc về thôn Tân Tiến, xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch tôi ngỡ ngàng vì thấy hầu hết nhà dân ở đây đều rất khang trang rộng rãi, đường làng ngõ xóm mênh mang và sạch như sân nhà. Đặc biệt, vì hiếu kỳ nên tôi dành thời gian thăm thú khắp nơi để cuối cùng đành kết luận là chịu không tìm được con ngõ nào chưa được cứng hóa!

Đó chỉ là một thôn dân cư nhỏ nhỏ. Rộng hơn nữa, khắp 2 huyện miền núi Lập Thạch, Sông Lô và một số xã khó khăn của huyện Tam Dương, hạ tầng giao thông đến nay đã cơ bản được hoàn thiện, đảm bảo cho các loại máy móc nông nghiệp và phương tiện cơ giới có thể vào được tận cổng nhà.

Mừng vì cảm nhận được “miền núi tiến kịp miền xuôi” là đây chứ đâu! Mừng vì hệ thống giao thông phát triển sẽ tạo lợi thế to lớn cho giao thương thêm nhộn nhịp. Nhờ vậy, cả nước có gì thì vùng núi có đó. Ngược lại, nông lâm sản của địa phương nhanh chóng lưu thông ra thị trường, đảm bảo cao nhất độ tươi ngon và đạt giá trị kinh tế tối đa.

Đặc biệt, từ khi cùng với cả nước bắt tay vào chương trình xây dựng nông thôn mới, đầu tư phát triển giao thông luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm và xác định vai trò quan trọng hàng đầu, vừa góp phần rút ngắn khoảng cách cuộc sống giữa vùng sâu, vùng xa và các vùng miền khác, vừa góp phần thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Chủ trương đầu tư phát triển hạ tầng giao thông miền núi còn tạo điều kiện cho người dân được hưởng lợi từ các dịch vụ như y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội… Chính vì thế, mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong những năm tới, cấp ủy và chính quyền các khu vực vùng núi, vùng sâu xa trong tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng hạ tầng giao thông bằng nhiều giải pháp như huy động tối đa, lồng ghép có hiệu quả mọi nguồn lực, nguồn vốn; sử dụng vật liệu tại chỗ; vận động nhân dân đóng góp, ủng hộ… để khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế của địa phương trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội.