Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Giữ bằng được khu vực an toàn, siết chặt phòng tuyến chống dịch. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Sáng 30/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) họp trực tuyến với tỉnh Bình Dương về công tác phòng chống dịch COVID-19, nhấn mạnh tinh thần phải cố gắng “khoanh gọn, dập dịch ngay từ đầu, không để COVID-19 lan rộng trên địa bàn”.
Chuẩn bị cho tình huống dịch phức tạp hơn nữa
Báo cáo Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà cho biết, từ đầu đợt dịch thứ tư đến nay Bình Dương ghi nhận 326 ca mắc COVID-19. Trong đó có 24 ca phát hiện qua khám bệnh tại các cơ sở y tế. Những ngày gần đây tỉnh ghi nhận trung bình 20 ca đến 40 ca/ngày. Các ca nhiễm đa số xuất hiện ở các khu nhà trọ công nhân, doanh nghiệp, khu công nghiệp đan xen với nhau, với 32 DN ghi nhận 204 ca nhiễm.
Dù đã cố gắng kiểm soát mật độ trong các khu cách ly tập trung, tuy nhiên, lãnh đạo Bình Dương vẫn lo ngại về nguy cơ lây nhiễm chéo. Ảnh VGP/Đình Nam |
Bình Dương dự báo mỗi ngày đều có F0 nguồn gốc từ TPHCM. Các chuỗi lây nhiễm tiếp tục diễn biến phức tạp. Nếu tỉnh không kiểm soát tốt khả năng rất cao là dịch bệnh sẽ bùng phát trong các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, dù đã cố gắng kiểm soát mật độ trong các khu cách ly tập trung, nhưng lãnh đạo Bình Dương vẫn lo ngại về nguy cơ lây nhiễm chéo.
Tại cuộc họp, đại diện Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phục vụ phòng chống dịch bệnh của Ban Chỉ đạo lưu ý tỉnh Bình Dương một số vấn đề liên quan đến truy vết, khoanh vùng đối với một số ca F0, thời điểm dịch bùng phát tại một số khu vực trọng điểm, để tập trung vào các “điểm nóng”, khoanh vùng chặt, tập trung truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức cách ly hợp lý.
Từ kinh nghiệm của tỉnh Bắc Giang, Bình Dương cần khẩn trương lập danh sách công nhân đang làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, điện thoại, địa điểm lưu trú,… để khi xuất hiện tình huống có thể nhanh chóng truy vết, khoanh vùng, dập dịch.
Ảnh VGP/Đình Nam |
TS. Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lưu ý tỉnh việc tuyên truyền cho công nhân trong các khu nhà trọ thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, tránh lây nhiễm chéo; chỉ đạo xét nghiệm nhanh chóng phát hiện F0 để cách ly, tránh lây nhiễm ra cộng đồng; triển khai các phương án phòng chống dịch trong khu công nghiệp theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế…
PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng dịch bệnh trên địa bàn Bình Dương lây lan giữa công nhân với dân cư, giữa dân cư với công nhân; giữa công nhân nhà máy này với công nhân nhà máy khác, lây lan giữa người ở Bình Dương với các địa phương lân cận;… Do đó Bình Dương cần xác định đúng địa điểm để tập trung ngăn chặn, tổ chức xét nghiệm sàng lọc hợp lý. Chỗ nào nguy cơ cao phải làm rất chặt, “cửa đóng then cài”, không làm nửa vời,… Đồng thời xây dựng các mô hình ngăn chặn phù hợp như: Dừng các dịch vụ không cần thiết, chợ dân sinh, quán bar, nhà hàng, karaoke, các hoạt động, sự kiện tập trung đông người…
“Công nhân trong khu công nghiệp nguy cơ lây nhiễm cao nên chăng cần được coi là đối tượng F2 để hạn chế việc giao lưu, đi lại trong tình hình dịch bệnh hiện nay”, PGS.TS Trần Đắc Phu đề xuất.
Vừa qua, Bình Dương cố gắng thực hiện phong toả, giãn cách khoanh vùng hợp lý, tỉnh kiểm tra thường xuyên, tuyên truyền người dân thực hiện đúng quy định giãn cách xã hội. Tỉnh dự kiến triển khai xét nghiệm tầm soát trên các địa bàn trọng điểm, dự kiến lấy mẫu xét nghiệm khoảng 1 triệu người trong vòng 15 ngày.
Chuẩn bị cho tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn nữa, Bình Dương đã tăng năng lực các khu cách ly tập trung từ mức 5.000 dự kiến ban đầu lên 20.000 đến 30.000 chỗ; đảm bảo khả năng xét nghiệm 5.000 mẫu đơn/ngày (tương đương 50.000 mẫu gộp); nâng số giường điều trị từ 250 giường lên 1.000 giường
Tỉnh Bình Dương kiến nghị Trung ương, đặc biệt là Bộ Y tế, Viện Pasteur TPHCM hỗ trợ về nhân lực, trang thiết bị, ứng dụng, truy vết, dự báo… để dập dịch.
Vừa truy vết thần tốc, vừa sàng lọc tầm soát định kỳ
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bình Dương phải xem xét, đánh giá mức độ nguy cơ dịch bệnh ở từng khu vực. Trong đó, tỉnh phải giữ cho được những khu vực hiện vẫn còn an toàn, còn sạch, và tiến hành xét nghiệm tầm soát định kỳ tại những nơi có nguy cơ cao, tập trung đông người như chợ, bến xe, bến tàu, khu công nghiệp. Đối với những khu vực có chuỗi lây nhiễm phức tạp phải tiếp tục siết chặt “phòng tuyến chống dịch”, nhất là các cơ sở y tế.
Đặc biệt tỉnh phải siết lại tinh thần chống dịch trong trạng thái “bình thường mới”, tập trung vào những khu vực nguy cơ cao, các hoạt động tập trung đông người, dịch vụ giải trí, các dịch vụ không thiết yếu,… Khi công bố ổ dịch, Bình Dương cần tiến hành đồng bộ các biện pháp kiểm soát chặt người di chuyển (nhất là công nhân làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp), tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K, tổ chức các dịch vụ thiết yếu hợp lý đảm bảo an toàn dịch tễ như triển khai các giải pháp bảo đảm đi chợ an toàn…
Trong khu công nghiệp, cùng với việc yêu cầu các DN có phương án phòng chống dịch, tổ chức lại ca, kíp sản xuất theo nơi ở của công nhân, thực hiện khai báo y tế điện tử, Bình Dương phải chỉ đạo các khu công nghiệp, DN khẩn trương lập danh sách công nhân đang làm việc bao gồm điện thoại, địa điểm lưu trú,…
Phó Thủ tướng đặc biệt chú ý tới 2 điểm “cốt tử” trong chống dịch là truy vết, xét nghiệm hợp lý. Theo đó, tỉnh phải chia 2 mũi xét nghiệm, truy vết ở khu vực có dịch và khu vực còn an toàn, còn sạch.
Mũi thứ nhất tập trung lực lượng có sự chỉ đạo, điều phối thống nhất, đồng bộ giữa truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, khớp nối kết quả, đảm bảo trả kết quả chậm nhất trong vòng 24 giờ. Kết quả xét nghiệm, nhất là ca F0, phải thông báo kết quả nhanh nhất đến các địa phương liên quan.
Mũi thứ hai triển khai xét nghiệm sàng lọc, tầm soát đánh giá nguy cơ tại những khu vực an toàn, với địa điểm, tần suất hợp lý trên cơ sở khuyến cáo của ngành y tế như các khu nhà trọ công nhân, chợ, bến xe, khu công nghiệp…
“Bình Dương hết sức chú ý kết hợp hài hoà giữa xét nghiệm Realtime-PCR mẫu gộp (tuỳ tình huống cụ thể) và xét nghiệm nhanh; tăng cường xét nghiệm tầm soát tại bệnh viện, nhà thuốc, phòng khám, siết chặt phòng dịch tại các cơ sở điều trị, không để bị thủng bệnh viện”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Về khoanh vùng cách ly, Bình Dương phải dựa trên các dữ liệu khoa học, lúc đầu chưa đủ căn cứ có thể khoanh rộng sau đó tập trung truy vết, xét nghiệm bên trong thật nhanh, để sớm có căn cứ, chia ra các mức độ nguy cơ khác nhau để khoanh gọn lại, kiểm soát chặt hơn, phù hợp với điều kiện thực tế cơ sở, nhất là những khu nhà trọ đông công nhân thì vừa khoanh chặt nhưng có phương án giãn, giảm mật độ hợp lý.
Tỉnh cũng cần khẩn trương thí điểm cách ly F1 tại nhà với quy mô phù hợp, để chuẩn bị cho phương án nếu dịch bùng phát mạnh.