Khoảng 1976, mỳ tôm theo ô tô, theo tàu biển rồi khi có tàu Thống Nhất thì theo tàu ra miền Bắc. Quê tôi Yên Bái, mậu dịch Quốc doanh cũng có sản phẩm này để bán thử.
Ngày chủ nhật, được đại đội trưởng Đặng Hải Đăng cho về tranh thủ một ngày. Đương nhiên lúc về, gặp C trưởng tôi bảo:
- Mẹ em gửi biếu anh đôi pin con thỏ và dăm bao thuốc lá Tam Đảo( để lần sau xin là được về ngay) Đại đội trưởng trừng mắt:
- Vẽ chuyện! Rồi hất nhanh món quà vào ngăn kéo:
- Lần sau không được thế nhé!
Hì hì! lần sau lại xin về và đương nhiên lại thế. Khi đó quà là đôi dép nhựa Tiền Phong, hay chai mật ong miền núi hoặc cái áo thun " mua hộ ". Tình cảm giữa tôi và cán bộ C vì thế mà rất " dễ chịu"
Một lần trở về trường, mẹ tôi đút vào ba lô cho mươi gói mỳ tôm và dặn cách ăn:
- Khi con đói thì cho vào cái bát, đổ nước sôi vào. Úp cái đĩa lên. Để 5 phút là ăn được! Nhớ cắt và cho vào bát, gói mỳ chính, gia vị có sẵn trong gói mỳ nhé!
Tôi ậm ừ vâng dạ vì khi đó tôi thích mua thuốc lá tam đảo, Điện Biên bốn, năm hào một bao, pin con thỏ 4 đồng/ đôi, mang về chợ Vĩnh Yên, đưa cho mấy chị hàng khô là có 1 đồng/ bao thuốc lá( gấp đôi). 10 đồng/ đôi pin... với lời dặn ân cần:
- Có cái gì, cứ mang ra đây chị bán hộ cho!
Tôi thấy " tình quân dân" ở đây sao mà thắm thiết thế!
Mẹ tôi là phó cửa hàng trưởng một cửa hàng Bách hóa tổng hợp của thị xã Yên Bái. Bà phụ trách duyệt lệnh mua hàng nhu yếu phẩm thiết yếu. Chỉ một mảnh giấy nhỏ do chính mẹ tôi ghi: Trường Quân sự Thuốc lá 20 bao, pin đèn con thỏ 10 đôi, vân vân là tôi ra quầy, trả tiền, mang về.
Lại nói về mỳ tôm. Ngày đó mới có loại miliket một tôm, hai tôm. Hoặc đây là loại thực phẩn mới, dân Bắc chưa quen dùng, hoặc là còn quý hiếm, chỉ nhà cán bộ mới có. Riêng tôi, khi về tranh thủ, trong túi đã có chục gói.
Đêm mùa đông giá lạnh. Đến phiên gác. Tôi mặc áo, miệng làu nhàu khi thằng ca trước gọi dậy. Vị trí gác là khu bếp ăn đại đội. Mỗi ca gác hai học viên. Hôm đó, tôi và em Long là học sinh phổ thông vào học. Mỗi thằng khoác một khẩu AK đi đi, lại lại quanh khu bếp, nhà ăn.
Gió đông thổi ù ù, len vào tóc, vào cổ. Mưa phùn lâm thâm càng làm cho cái rét tái tê. Xiết thêm một nấc cái xanh tuya rông vào bụng áo K74 cho ấm. Tiếng ếch nhái, côn trùng ở ruộng xung quanh hòa tấu, nghe rợn người. Lượn một vòng quanh bếp, tôi thấy chảo nước bốc hơi. Cái đói, cái rét ở đâu bỗng nhào tới. Tôi bảo thằng Long:
- Mày xem chừng trực ban, để tao vào xem còn cơm cháy hay cái gì ăn được không nhé! Thằng Long gàn:
- Thôi anh ạ! Trực ban bắt được thì chết!
Nó là học sinh phổ thông, nên non gan, cái gì cũng sợ bị phê bình, kỷ luật. Tôi lính già, đã từng lấy trộm dồi lợn luộc của bếp, từng ăn vụng mít chín trên cây, từng xả gạo cho dân khi đi lấy gạo đổi lấy nồi cháo gà, từng tu trộm hộp sữa, khi đứng gác trên sông Thạch Hãn Quảng Trị thì chả có gì làm tôi sợ cả.
Lục khắp các nơi trong bếp, chẳng có gì ăn được. Của đáng tội có một ít cháy cơm, độn bo bo trong nồi quân dụng, nhưng khi thò tay định lấy thì mới biết là ngâm trong nước. Có lẽ đó là cách anh nuôi chống chuột và chuột đầu đen( lính ) chúng tôi không lấy được, hoặc giả để mai nấu cám nuôi lợn. Thất vọng, tôi văng ra một câu, cũng là giải thích, trả lời thằng Long:
- Éo có gì măm được! Thừ ra một lúc, bỗng tôi nghĩ đến lời mẹ dặn về ăn mỳ tôm:
- Cho mỳ vào bát, đổ nước sôi, đậy kín, 4 đến 5 phút. Ha ha! nước sôi đây rồi! Bát, đũa trong phòng ăn của cán bộ khung. Mỳ tôm trong ba lô của ta. Tôi vỗ vai Long:
- Có cái ăn rồi! Thằng Long tròn mắt không hiểu:
- Anh tìm thấy ở đâu?
Tôi bảo:
- Mày chú ý gác, tao về lấy! Thằng Long nói với theo: Thôi sắp hết ca rồi. Em ở một mình, sợ lắm!
Kệ! tôi rảo bước về khu nhà ngủ cách nơi gác hơn trăm mét. Trở lại, với bản mặt bí hiểm, tôi sai nó lấy hai cái bát to, hai cái đĩa và hai đôi đũa. Dựa súng vào cửa bếp. Tôi từ từ xé bao bì gói mỳ hai tôm Miliket ra. Tôi làm như mẹ dặn, rồi sai thằng Long mở nắp chảo. Lúc này chắc quá nửa đêm, nước trong chảo đang lăn tăn, không hiểu đã sôi chưa? Tôi ra lệnh:
- Múc nước đổ đầy hai bát! Thằng Long lóng ngóng cầm cái gầu múc nước, làm bằng cái thau quân dụng, được buộc ngang vào cái gậy dài khoảng 1,5 đến 2 m. Đổ nước vào bát, rồi đậy đĩa lên. Hai thằng ngồi xổm cạnh bếp chờ đợi. Chắc chỉ 3, 4 phút, sốt ruột tôi bảo:
- Chín rồi! Ăn đi!
Thằng Long chăm chú nhìn tôi thao tác vì nó chưa bao giờ nhìn thấy, được ăn món mỳ tôm này. Những sợi mỳ vàng óng, lượn sóng như mái tóc phi dê của thiếu nữ Hà Thành. Sợi mỳ suôn đều, được bàn tay khéo léo, dùng đôi đũa đưa vào mồm. Hơi nóng từ bát mỳ bốc lên. Mùi tôm, mùi gia vị thơm hấp dẫn, cứ thế trôi tuột vào giữa hai hàm răng, vỗ về cái bụng lép kẹp đói mọp trong đêm đông. Loắng một cái, bát mỳ đã hết. Vị đậm đà của sợi mỳ, vị ngọt nóng của nước mỳ, mùi thơm của gia vị giống như hành, cay như ớt, lại phảng phất mùi hồ tiêu, beo béo như nước ninh xương, ngấm từ từ vào thành dạ dày, ngấm từ từ vào ruột non, đi vào mạch máu, làm chúng tôi rạo rực, ấm người, khỏe lên như được bơm sức mạnh. Hai thằng bê bát húp roạt một cái, bát sạch bong nước. Thở " hắt ra " thỏa mãn, thằng Long hồ hởi:
- Mỳ gì mà ngon thế anh? Lần đầu tiên em được ăn đấy!
Tôi vênh váo:
- Cả Yên Bái chỉ mỗi nhà tao có.
Thằng Long sẽ sàng nói: Bát mỳ nhớ đời anh ạ, ngon quá! Em cảm ơn anh! Cánh mũi tôi nở ra, phập phồng vì được khen và được cảm ơn. Thằng này ngoan, biết điều! Tôi cao giọng bắt nạt nó:
- Phải gả chị mày cho tao nhé!
Tôi biết nó có một chị, một em gái. Bọn lính chúng tôi hay hồn nhiên, nhận vơ như đúng rồi.
Hai thằng khệch khạng ra cửa bếp. Bỗng thằng Long kêu:
- Chết cha! Súng đâu rồi anh?
Tôi cũng rùng mình: Bỏ mẹ! Mất súng là kỷ luật nặng lắm, thấy bảo có khi phải đi tù. Tôi lạc giọng:
- Có đúng để đây không? Thằng Long mếu máo:
- Chính tay em dựng hai khẩu súng vào đây mà!
- Chết rồi! Tôi gằn giọng trong họng:
- Tìm quanh đây xem nào?
Phải mươi phút lục tìm khắp nơi, không thấy súng. Tôi nghĩ:
- Ai dám vào khu học viên lấy trộm súng nhỉ? Một ý nghĩ chợt lóe lên:
- Hay ca tiếp mình, đến đổi ca lấy trộm nhỉ? Thằng Long bỗng kêu lên thảng thốt:
- Bị trực ban thu rồi!
Đúng rồi! Tôi đồng tình. Đêm nào trực ban cũng đi tuần, giám sát, kiểm tra các vọng gác.
- Chuyến này toi rồi! Nhẹ cũng bị cảnh cáo trước tiểu đoàn. Nặng có khi bị đuổi học, đưa về đơn vị cũ. Tôi chợt tưởng tượng ra khuôn mặt thất vọng của bố tôi, khi biết tôi bị đuổi học. Thời ấy con cán bộ đều phải đi chiến đấu và đó là niềm kiêu hãnh, tự hào của các cụ. Con đại tướng Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Chí Thanh, con của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đều nhập ngũ ra chiến trường.
Thấy thằng Long thút thít, tôi động viên:
- Mày cứ đổ hết tội cho anh, nói là bị anh lôi kéo, rủ rê ăn mỳ, bỏ súng.
Hai thằng thất thểu về nhà đại đội. Trực ban trưởng, thượng úy Bùi Côn hằm hằm chỉ hai khẩu súng trên bàn. Gay gắt một tràng, nào là:
- Các đồng chí đi gác, bỏ súng một nơi. Nếu địch tới, không những đồng chí không có vũ khí đánh trả, mà còn hy sinh, vân vân và vân vân. Rồi dẫn dắt tới công lao của đảng, nhà nước, quân đội, gia đình, bố mẹ... cho các đồng chí ăn, học...
Thôi thì có tội phải chịu, tôi tự an ủi mình.
Hai bản kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật của chúng tôi kín trang giấy. Hai anh em về đến phòng ngủ cũng là lúc kèn báo thức tò te te tò vang lên...
Gói mỳ tôm tai hại, đã làm tôi không được kết nạp đảng năm đó, dù đang là bí thư chi đoàn. Thành phần gia đình cơ bản.
Sau đó khoảng một tuần, trong buổi chào cờ sáng thứ hai, hai thằng chúng tôi bị gọi lên trước hàng quân, đại đội trưởng dõng dạc đọc quyết định kỷ luật của tiểu đoàn. Lâu rồi tôi nhớ không chính xác, hình như bị cảnh cáo, hạ quân hàm từ hạ sỹ xuống binh nhất thì phải.
Chúng tôi ra trường, mang theo kỷ niệm sâu sắc về gói mỳ tôm ăn trong đêm và vụ mất súng.
Tôi chuyển ngành khi mang quân hàm đại úy. Em Long bằng sao, nhưng hơn tôi một vạch. Nghỉ hưu nguyên là Chủ nhiệm chính trị của một viện khoa học trong quân đội.
Gặp nhau, đầu đã bạc, răng đã rụng vài chiếc, chúng tôi vẫn cười vui, khi nhắc lại kỷ niệm đêm ấy.
Đêm cuối thu Hà Nội 2022.
Trái tim người lính