Hà Giang chống rét cho gia súc

Nông dân Hà Giang tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho gia súc nuôi theo phương châm chủ động và linh hoạt.

Phương châm “3 đủ”

Từ trung tuần tháng 2/2022 đến nay, các địa phương trong tỉnh Hà Giang đã và đang trải qua đợt rét đậm, rét hại kéo dài, nhiều nơi xảy ra băng giá, sương muối, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất nông nghiệp, trong đó có hoạt động chăn nuôi.

cha-nuoi-hg-1646834682.jpg
Chuồng trại kiên cố ở Hà Giang bảo vệ đàn trâu khi nhiệt độ xuống thấp

 

Hà Giang có 106.553 hộ chăn nuôi trâu, bò, với tổng đàn đạt 277.770 con. Qua rà soát, có 81% số hộ chăn nuôi trong tỉnh có chuồng trại kiên cố; thức ăn tinh dự trữ khoảng 17.826 tấn; thức ăn thô xanh dự trữ 277.184 tấn; thức ăn qua chế biến khoảng 19.276 tấn; diện tích trồng cỏ đạt 28.460 ha.

Ông Trịnh Văn Bình - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Giang cho biết: Để giảm thiểu thiệt hại cho đàn gia súc trong những ngày giá rét, ngày từ tháng 9/2021 đơn vị đã chủ động tham mưu cho Sở NN&PTNT xây dựng và triển khai phương án phòng chống đói rét, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân chăn nuôi trên địa bàn xây dựng chuồng nuôi khô ráo, sạch sẽ, có chất độn chuồng sạch; đảm bảo số hộ chăn nuôi trâu, bò có dự trữ đủ thức ăn thô xanh để ủ chua thức ăn cho trâu, bò, đặc biệt là các mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo theo chuỗi liên kết.

Các địa phương đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống đói, rét cho đàn đại gia súc với phương châm “3 đủ” là đủ ấm, đủ no, đủ thuốc phòng dịch. Đây là những ưu tiên hàng đầu.

Quản Bạ là huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang, toàn huyện hiện có trên 24.500 con gia súc trâu, bò. Công tác phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi được 13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện quyết liệt thực hiện. Huyện cũng đã cử cán bộ thú y trực tiếp xuống thôn, bản hướng dẫn cho bà con những phương pháp phòng chống đói rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra trên đàn vật nuôi khi nhiệt độ xuống thấp. Nhờ vậy trong đợt rét đậm vừa qua, trên địa bàn huyện không có gia súc chết trong đợt rét đậm, rét hại. Thể trạng sức khỏe của đàn gia súc luôn được đảm bảo, không có gia súc chịu đói hay bỏ ăn do rét.

Không chủ quan lơ là

Trước diễn biến thời tiết có xu hướng cực đoan cùng với đặc trưng là tỉnh vùng cao. Thời điểm này, các địa phương tại Hà Giang tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống đói rét cho đàn gia súc, nhất là dự báo vẫn còn 1 đến 2 đợt rét trong tháng 3 này.

nong-dan-xa-tu-nhan-1646834736.jpg
Người chăn nuôi huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) bảo đàm nguồn thức ăn cho gia súc

 

Để chủ động ứng phó với điều kiện thời tiết bất lợi, nhiệt độ giảm sâu, mưa phùn, gió bấc, những ngày nhiệt độ xuống thấp vừa qua, gia đình ông Vương Ngọc Chương, thôn Bản Cậy, xã Tụ Nhân, huyện Hoàng Su Phì đã tăng cường chăm sóc đàn trâu, bò. Theo ông Chương, ban đêm và sáng sớm trời lạnh buốt, nhiệt độ thường xuống dưới 3°C, nếu không che chắn chuồng trại và áp dụng các biện pháp khác thì trâu rất dễ bị chết rét. Vì vậy, gia đình tôi thường xuyên vệ sinh nền chuồng khô ráo; dự trữ rơm rạ, cỏ voi, bổ sung thức ăn tinh, cho trâu, bò uống nước ấm pha muối loãng để tăng sức đề kháng. Không thả rông, sử dụng trâu, bò lấy sức kéo, tuân thủ tiêm phòng vắc xin định kỳ. Nếu thời tiết rét buốt kèm mưa, gia đình đốt củi sưởi ấm cho trâu, bò. Nhờ đó, đàn trâu bò của gia đình vẫn béo khỏe, không bị đói rét và dịch bệnh.

Thực tế cho thấy, vào mùa đông nhiệt độ chênh lệch giữa ban ngày và ban đêm rất lớn; kèm theo đó là sương muối, có khi còn có băng giá. Đây là những hiện tượng thời tiết rất có hại cho đàn gia súc. Mặc dù bà con đã chủ động chống đói, rét cho đàn vật nuôi, nhưng một số gia súc già yếu và con non không chống chịu được đã bị chết. Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đến nay, toàn tỉnh Hà Giang đã có 36 con trâu bị chết rét, chủ yếu là trâu già và nghé con.

Bên cạnh những hộ tự giác, chủ động chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi, ở nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa người chăn nuôi vẫn chủ quan, lơ là, bị động trong việc ứng phó với diễn biến của thời tiết; còn xảy ra tình trạng để chuồng lầy lội, mất vệ sinh, phân và nước thải ứ đọng dài ngày dẫn đến bị cước chân, mắc dịch bệnh. Không che chắn chuồng trại; không dự trữ sẵn và bổ sung thức ăn cho vật nuôi khi rét đậm, rét hại. Công tác chỉ đạo về tăng cường phòng, chống dịch bệnh, đói, rét cho đàn gia súc của một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn hạn chế; thiếu linh hoạt trong triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động người dân...

Ông Trịnh Văn Bình - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Giang cho biết: Với sự chủ động, sát sao của các cấp, ngành chuyên môn, ý thức bảo vệ đàn vật nuôi của người dân được nâng lên, có đến 99% số hộ chăn nuôi đã ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho trâu, bò. Tuy nhiên, trước tình hình rét đậm, rét hại, đặc biệt là băng giá và sương muối tại các huyện vùng cao, biên giới luôn hiện hữu. Do đó, địa phương và người dân cần chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống đói, rét cho đàn đại gia súc với phương châm đủ ấm, đủ no, đủ thuốc phòng dịch là những ưu tiên hàng đầu.