Hà Giang: Quang Bình điểm sáng vùng cao huy động trẻ đến lớp học

Đình Thơm

29/09/2021 20:52

Theo dõi trên

Do phòng chống dịch CoVid 19 có hiệu quả, học sinh các cấp ở huyện Quang Bình (Hà Giang) được cắp sách đến trường học trực tiếp. Năm học 2021- 2022 đã học thực hiện được hơn ba tuần, ngành Giáo dục và Ðào tạo huyên Quang Bình đã thực hiện nhiều giải pháp vận động  phụ huynh đưa trẻ đến trường đạt tỷ lệ cao.

Về sự chuẩn bị của ngành Giáo dục và Ðào tạo huyện cho năm học mới, cô giáo Hoàng Thị Phiến, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Quang Bình cho biết: Ngay từ giữa tháng 7/2021, phòng Giáo dục và Ðào tạo đã có những chuẩn bị cho năm học mới. Trong đó, ngành đã chú trọng bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, hướng dẫn thầy, cô giáo tiếp thu các nội dung để triển khai ở cơ sở. Xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục trực thuộc và gửi công văn phối hợp với các xã để huy động toàn hệ thống chính trị chuẩn bị về mọi mặt cho năm học mới. Huy động các nguồn lực để bổ sung, sửa chữa các hạng mục cho phù hợp, xây dựng cơ sở vật chất nhằm đáp ứng yêu cầu cho năm học mới. Chỉ đạo các nhà trường tiến hành rà soát, kiểm tra các hạng mục cơ sở vật chất để kịp thời bổ sung, sửa chữa, phục vụ việc dạy và học được tốt nhất… Về công tác huy động học sinh ra lớp, đối với một huyện miền núi vùng cao Quang Bình thì vẫn còn rất nhiều khó khăn nhưng đội ngũ giáo viên ở các trường trên địa bàn huyện, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa đã không quản ngại gian nan, vất vả, huy động các em đến trường để kịp năm học mới.

dt1-61-1632923035.jpg
Cô giáo Diệp Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường PTDTBT tiểu học Tiên Nguyên kiểm tra học sinh ăn bán trú

 

Các thầy, cô giáo Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Nà Khương, xã Nà Khương (huyện Quang Bình) trở lại với công việc giảng dạy trong tâm thế đầy lo lắng. Tại những bản vùng thuận lợi, hầu hết học sinh đã đến trường; song ở những bản vùng sâu, vùng xa, các thầy cô giáo phải lặn lội đến từng nhà dân để vận động học sinh đến trường. Ðồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương, các bản trong việc huy động trẻ ra lớp. Cô giáo Phạm Thị Nga, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nà Khương, cho biết: Năm học 2021 - 2022, Trường có 14 lớp, 346 học sinh; trong đó có 237 học sinh ở bán trú tại trường. Các thầy, cô giáo vẫn nỗ lực đến vận động cha mẹ học sinh đạt chỉ tiêu 100%, chuyên cần đạt 99%.

dt2-37-1632923137.jpg
Công tác phòng, chống dịch tại trường PTDTBT tiểu học Nà Khương

 

Với Trường mầm non Nà Khương, việc vận động học sinh ra lớp được Ban giám hiệu trường phân công cụ thể cho từng giáo viên. Do vậy, ngoài nắm rõ điều kiện hoàn cảnh từng học sinh, giáo viên địa bàn còn là người nắm rõ tâm tư của phụ huynh, học sinh để có cách động viên, thuyết phục phù hợp.

Cô Hoàng Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường mầm non Nà Khương cho biết: 100% học sinh trên địa bàn là con em đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện sống hết sức khó khăn. Các bản vùng cao, xa trung tâm thì không chỉ đường đi khó mà điều kiện sống của bà con càng khó hơn nhiều. Tại những bản này, 100% tỷ lệ hộ nghèo, nhiều em có bố mẹ mắc tệ nạn xã hội không được chăm sóc, nuôi dạy bình thường như bao trẻ khác. Đầu năm học hay sau những kỳ nghỉ dài ngày, giáo viên nhà trường phải về từng gia đình thăm hỏi, giúp đỡ các em. Nhiều cô giáo dùng cả tháng lương của mình để sắm quần áo mới động viên các em đến lớp. Với cách làm cụ thể, trách nhiệm và nghĩa tình của đội ngũ giáo viên, năm học 2021-2022, trường mầm non Nà Khương đã hoàn thành chỉ tiêu huy động trẻ mầm non ra lớp đạt 98,9%; tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt 99%.

Theo thầy giáo Bùi Huy Tuân, Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Nà Khương chia sẻ: Đối với những trường vùng sâu, vùng xa,việc huy động duy trì số lượng học sinh và nâng cao chất lượng dạy học có quan hệ biện chứng với nhau. Có huy động duy trì được số lượng thì mới nâng cao được chất lượng giáo dục. Ngược lại, trường có chất lượng, có uy tín, người dân mới tin tưởng đưa con đi học. Ý thưc được điều đó, nhà trường luôn quan tâm phụ đạo cho học sinh yếu kém; ưu tiên, tạo điều kiện, có chế độ đãi ngộ, động viên liên tục, kịp thời cho các giáo viên được giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi. Các giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn tìm hiểu phong tục tập quán, nét văn hóa truyền thống riêng của các dân tộc trên địa bàn, tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh giao tiếp với nhân dân.

Năm học mới, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần 3 cấp bậc học ở các xã vùng đặc biệt khó khăn Tiên Nguyên luôn đạt bình quân trên 98%. Có được kết quả này là sự vào cuộc quyết liệt của Ban Giám hiệu các nhà trường phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương và những cố gắng không ngừng nghỉ, vượt khó của đội ngũ thầy, cô giáo đam mê với nghề, yêu thương học sinh.

Chúng tôi đến thăm Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trường PTDTBT Tiên Nguyên vào ngày thứ 4 của tuần học thứ 3 sau khai giảng. Từ sân trường, đã nghe những tiếng đồng thanh đọc bài trong trẻo, ngộ nghĩnh của các em lớp 1, lớp 2, 6,8. Ghé qua một số lớp, chúng tôi thấy các lớp đều đông đủ học sinh, khuôn mặt bạn nào cũng vui tươi, rạng rỡ. Các em học sinh Trường mầm non đang tung tăng trong lớp học mới được chính bàn tay của các cô giáo tô vẽ và trang trí khuôn viên trường lớp luôn được vệ sinh an toàn, xanh, sạch, đẹp. 

dt3-31-1632923196.jpg
Sinh hoạt chuyên môn tại Trường mầm non Tiên Nguyên

Cùng chung vui với các trường ở xã Tiên Nguyên, các trường của xã Tân Nam cũng đang được đầu tư xây dựng nhiều phòng học mới khang trang. Cô giáo Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tân Nam cho biết: Trước đây, việc huy động học sinh ra lớp trên địa bàn xã cũng gặp không ít khó khăn. Trong đó có nhiều điểm bản xa, mà thời điểm vận động học sinh ra lớp lại là mùa mưa, việc đi lại hết sức vất vả. Trong đó, việc vận động học sinh ra lớp ở điểm bản cũng rất khó vì ở đây hầu hết là dân tộc Dao. Việc học tập của con em không được quan tâm đúng mức. Cùng với đó là học sinh trong trường là con em hộ nghèo nên để vận động học sinh ra lớp, nhiều khi các thầy, cô giáo phải giải thích rõ cho phụ huynh hiểu về các chính sách học sinh được hưởng thì phụ huynh mới đồng tình cho con em mình đến trường. Ðồng thời, nhờ các trưởng thôn, bản thông báo lịch học cho phụ huynh cùng các đoàn thể (phụ nữ, đoàn thanh niên…) đón các em đến trường, chuẩn bị tốt điều kiện về cơ sở vật chất cho học sinh bán trú.

dt4abc-1632924188.jpg

Một góc trường PTDTBT THCS Tiên Nguyên.

 Trường PTDT Nội trú THCS huyện Quang Bình  đạt chuẩn Quốc gia mức độ II, đạt kiểm định chất lượng cấp độ 3, có 249/250 học sinh các dân tộc thiểu số, có hộ khẩu cư trú tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của các cấp chính quyền, các em được tuyển về đây để cùng học tập và tu dưỡng rèn luyện, sinh hoạt tập trung dưới một mái trường. Thầy giáo Vũ Đức Thảnh, Hiệu trưởng chia sẻ: Các em đến trường được sự quan tâm, dạy dỗ của các thầy cô giáo, được tạo điều kiện về mọi mặt, được các thầy cô hướng dẫn không chỉ về mặt học tập mà rèn luyện các kỹ năng sống để các em dù xa nhà, xa bố mẹ vẫn phát triển một cách toàn diện. Ngoài giờ học các em được lựa chọn và tham gia các câu lạc bộ để bộc lộ các năng khiếu và phát triển hơn các sở thích của mình. Từ đó, các em ra sức học tập, rèn luyện, tu dưỡng, sống chan hòa, xây dựng được khối đoàn kết giữa các dân tộc, chất lượng học tập ngày một nâng cáo, tỷ lệ học sinh giỏi các cấp năm sau cao hơn năm trước. Từ những kết quả đã đạt được trong những năm qua, nhà trường đã được phụ huynh tin tưởng khi gửi con về sinh hoạt và học tập tại trường. Đây là động lực để thầy và trò nhà trường tiếp tục phấn đấu, hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ cấp trên giao cho.

dt542d-1632923262.jpg
Ăn cơm bán trú của học sinh trường PTDTBT tiểu học Hương Sơn

Vẫn biết việc huy động học sinh đến trường ở vùng cao không dễ dàng, song bằng nhiệt huyết, trách nhiệm và nhất là tình yêu đối với học sinh nên các thầy, cô giáo vẫn từng ngày “trèo đèo, lội suối” đến những bản, làng xa xôi, vào từng gia đình vận động học sinh đến trường, “gieo mầm” cho những ước mơ của các em từ nơi gian khó.

Bạn đang đọc bài viết "Hà Giang: Quang Bình điểm sáng vùng cao huy động trẻ đến lớp học" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn