Hà Nội: Lùi di dời tài sản, đồ thờ cúng khỏi khu vực khuôn viên trạm y tế

Nhà thờ một dòng họ tại Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội dù có cơ sở pháp lý, vẫn bị yêu cầu phá bỏ, trả lại đất cho trạm y tế phường!

Theo đơn kêu cứu được gửi đi khắp nơi của dòng họ Công Xuân có nhà thờ tổ tại số 3, ngõ 143, đường An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, chúng tôi đã có mặt để tìm hiểu sự việc.

Qua ghi nhận sơ bộ, nhà thờ dòng họ còn giữ được nhiều nét cổ kính, nhiều điểm đã bắt đầu xuống cấp. Đặc biệt dòng họ vẫn còn giữ lại khuôn cổng được xây từ những năm trước 1930. Bản đồ phả hệ ghi rất rõ nhiều thế hệ tổ tiên dòng họ với nhiều chi, nhánh, nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó phải kể đến việc thờ cúng các liệt sỹ trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ cứu nước là con cháu, là cha, ông của dòng họ này.

Trao đổi với chúng tôi, cụ Công Xuân Vượng, gần 90 tuổi, đại diện dòng họ thông tin: “Thửa đất có nhà thờ này là của cha ông chúng tôi để lại, cả dòng họ không phải địa chủ hay tư sản dân tộc, không thuộc thành phần cải tạo xã hội chủ nghĩa, không thuộc hộ tư sản vào công tư hợp doanh. Nhà thờ có từ thời trước 1930. Năm 1962, chính quyền mượn nhà và một phần đất làm trạm y tế (có giấy tờ thể hiện sự cho mượn), Năm 2005, Trạm Y tế phường Phú Thượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) toàn bộ đất thờ, nhà thờ của dòng họ. Đến 2017 chúng tôi mới biết nhà thờ không còn đất nữa”.       

tric-luc-ban-do-phu-thuong-1723106020.jpg

Bản mục kê địa chính năm 1980 và văn bản xác nhận của UBND huyện Từ Liêm

Theo hồ sơ pháp lý dòng họ cung cấp, bản đồ mục kê năm 1960 ghi rõ thửa 95, tờ số 01 có diện tích 3.515m2, thửa 25 diện tích 180m2, thể hiện chủ sử dụng là bà Nguyễn Thị Thanh (cụ dâu trưởng họ, đã mất).

Năm 1975, bản đồ thống kê và sổ địa chính xã Phú Thượng (cũ) có ghi biến động: Thửa số 389 diện tích 72m2; thửa số 392 diện tích 1.881m2; thửa số 391:180m2; thửa 395: 290m2.

Tại bản mục kê ngày 7/5/1980 do ông Nguyễn Văn Sáo (cán bộ địa chính xã) lập cũng ghi rõ các diện tích này của bà Nguyễn Thị Thanh.

Bên cạnh đó, năm 1995, UBND huyện Từ Liêm xác nhận bằng văn bản diện tích 500m2 có nhà thờ của dòng họ Công Xuân là đất thờ tự thuộc chủ quyền của dòng họ Công Xuân (Văn bản số 05/TT-UB về việc giao lại nhà và đất thờ tự ngày 7/8/1995). Văn bản này là tờ trình của HĐND và UBND xã Phú Thượng trình UBND huyện Từ Liêm để trả lại đất thờ tự của dòng họ Công Xuân…

biet-thu-dong-ho-cong-xuan-1723165169.jpg

Khuôn cổng khu nhà và đất thờ dòng họ Công Xuân những năm trước 1960

Luật sư Hoàng Văn Hà - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, cho biết, với các căn cứ và hồ sơ được cung cấp nêu trên, dòng họ Công Xuân đủ điều kiện được cấp GCNQSD đất. Đồng thời luật sư chỉ rõ: "Gia đình nên có văn bản đề nghị chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng cần rà soát, thanh tra lại quy trình và hồ sơ đề nghị cấp GCNQSD đất của Trạm Y tế phường Phú Thượng từ năm 2005".

Sau nhiều lần gửi đơn tới chính quyền các cấp không được giải quyết theo đúng nguyện vọng, nhiều công dân thuộc dòng họ Công Xuân đã trực tiếp đến trình bày và gửi đơn, cung cấp hồ sơ, tài liệu tới Thanh tra Chính phủ.

Ban Tiếp Công dân Trung ương đã ra các văn bản số: 937/BTCDTW-TD1, số 2104/BTCDTW-TD1 ngày 25/6/2024 gửi UBND Thành phố Hà Nội, đề nghị chỉ đạo kiểm tra, xem xét và trả lời công dân theo quy định của pháp luật, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và dòng họ Công Xuân.

Tuy nhiên tới nay dòng họ Công Xuân chưa nhận được sự giải quyết thỏa đáng, vẫn tiếp tục gửi đơn đi kêu cứu nhiều nơi.

Theo Thông báo số188/TB-UBND ngày 29/7/2024 của UBND phường Phú Thượng về việc tổ chức di dời tài sản, đồ thờ cúng ra khỏi nhà cấp bốn trong khuôn viên đất Trạm Y tế phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, dòng họ Công Xuân phải di chuyển đồ thờ cúng ra khỏi khu vực đất của Trạm Y tế trước ngày 31/7/2024. Đúng 9h ngày 31/7/2024, UBND phường sẽ tổ chức cưỡng chế theo thông báo.

Ngày 31/7/2024, phóng viên đã có mặt để ghi nhận sự việc. Tại buổi làm việc, sau khi nghe gia đình trình bày, ông Trịnh Hoàng Long, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thượng cho biết, thành phố và quận đã có chỉ đạo yêu cầu di dời đồ thờ cúng của nhà thờ họ Công Xuân và có thông báo nhiều lần, tuy nhiên dòng họ liên tục xin trì hoãn với lý do cần thời gian để củng cố hồ sơ đề nghị các cấp xem xét. Đến nay, vẫn chưa có cơ sở nào xem xét giải quyết.

Ông Long cho biết thêm, do gia đình có nguyện vọng nhà thờ dòng họ có thờ cúng các liệt sỹ, tháng 7 là tháng tri ân các gia đình, người có công với cách mạng nên đoàn làm việc sẽ tạm dừng việc cưỡng chế di dời, và báo cáo xin ý kiến của cấp trên xem xét việc kéo dài 2 tháng sau.

thong-bao-phuthuong-1723105621.jpg

Thông báo số 188/TB-UBND của UBND phường Phú Thượng

 

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi có diễn biến mới!