Định hình các sản phẩm văn hóa
Trong phát triển công nghiệp văn hóa, nếu chỉ đơn thuần dựa vào văn hóa truyền thống sẽ không thực sự giúp ích cho sự gia tăng sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường văn hóa để gia tăng sức mạnh mềm văn hóa. Theo nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam), sự thu hút của các sản phẩm văn hóa phải vừa đảm bảo tính mới, tính kế thừa, vừa gần gũi với các giá trị văn hóa chung mới có thể tạo nên sức thu hút với đông đảo quần chúng.
Tuy nhiên hiện nay, theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, các sản phẩm công nghiệp văn hóa Hà Nội còn thiếu sự độc đáo, tính ứng dụng và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa. Do đó, chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa ngày càng cao của người dân, chưa tạo nên làn sóng tiêu dùng của du khách tại các điểm đến du lịch. Điều này dẫn đến thực tế, thị trường văn hóa trong nước đang bị xâm lấn bởi các sản phẩm công nghiệp văn hóa từ các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.
Phát biểu tại tọa đàm “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 – thực trạng và giải pháp” ngày 9/7, ông Nguyễn Văn Phong – Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thì việc xây dựng sản phẩm công nghiệp văn hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng.
“Các ngành nghề như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế… đều phải có thêm những sản phẩm, ví dụ như nghệ thuật biểu diễn là những chương trình nghệ thuật mới; du lịch văn hóa là tour du lịch, sản phẩm dịch vụ; làng nghề là đồ thủ công mỹ nghệ… Các sản phẩm này phải dựa trên nền tảng văn hóa, ứng dụng khoa học công nghệ và gắn với thị trường, do thị trường quyết định, chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi 1 làng nghề hay 1 khu vực” - ông Nguyễn Văn Phong nói.
Nhà hát Kịch Hà Nội là một trong những đơn vị nhanh nhạy trong việc sáng tạo những sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của công chúng và đưa đến đúng đối tượng thụ hưởng. Nắm bắt được nhu cầu cao trong giáo dục học đường, Nhà hát Kịch Hà Nội đã xây dựng Đề án Sân khấu Kịch học đường nhằm tiếp cận và hướng đến đối tượng khán giả là học sinh các cấp. Trên thực tế, đó chính là những khán giả tương lai của Thủ đô và nguồn khán giả này cần được định hướng và chăm chút ngay từ trên ghế nhà trường. Các đề án về sân khấu kịch học đường được Nhà hát kịch Hà Nội nghiên cứu, xây dựng và đã bước đầu được triển khai, như các mô hình CLB Kịch nghệ, các chương trình trải nghiệm nghệ thuật thực tế…
NSND Trung Hiếu – Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho rằng ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô phải xây dựng được những sản phẩm đặc thù, thể hiện nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội: “Với nền văn hóa hàng nghìn năm, trải qua rất nhiều thời kỳ lịch sử, Thủ đô Hà Nội cung cấp kho tàng chất liệu khổng lồ để các nghệ sĩ, các ngành nghề sáng tạo ra sản phẩm văn hóa. Điều quan trọng là cơ chế, chính sách phải tạo điều kiện cho các nghệ sĩ được thăng hoa, sáng tạo nhiều hơn nữa”.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Trung Kiên - Bí thư Huyện ủy Đông Anh cho rằng, yếu tố quyết định trong xây dựng công nghiệp văn hóa là con người và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, phải có sự tham gia của doanh nghiệp, trong bối cảnh các sản phẩm công nghiệp văn hóa tại Thủ đô phần nhiều được đầu tư từ nhà nước chứ ít khi xuất phát từ khu vực tư nhân. Ông Lê Trung Kiên nhận định: "Chỉ khi không bận tâm đến những vấn đề khác thì người làm nghệ thuật mới có thể thực sự sáng tạo và tâm huyết. Nếu không kết nối được những nhà đầu tư, doanh nghiệp với người làm nghệ thuật thì không tận dụng hết được nguồn nhân lực này, công nghiệp văn hóa không thể phát triển".
Tìm thị trường cho sản phẩm
Dù là công nghiệp văn hóa hay bất cứ ngành công nghiệp nào, sau khi xây dựng sản phẩm thì phải có thị trường tiêu thụ, thụ hưởng các sản phẩm này. Đây cũng là 1 trong 7 nhóm giải pháp đưa ra trong dự thảo đề án về phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội trong giai đoạn tới.
Theo đó, Hà Nội cần đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao tham gia vào thị trường văn hóa trong nước và quốc tế; xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng. Ngoài ra, cần huy động các nguồn lực trong xã hội với mục tiêu xây dựng và phát triển Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa lớn của cả nước.
Tuy nhiên, PGS. TS Phạm Minh Anh (Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong) cho biết, trong bối cảnh thị trường văn hóa nội địa còn yếu, tình trạng vi phạm bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ còn phổ biến như hiện nay thì nhiều sản phẩm công nghiệp văn hóa chưa kịp ra thị trường đã bị vi phạm, khiến các nghệ sĩ, nhà sáng tạo “nản lòng”.
“Bây giờ chi tiêu cho sản phẩm văn hóa của người dân Hà Nội còn ở mức thấp, nếu muốn thương mại hóa, đưa sản phẩm ra thị trường thì phải có sự kích cầu của cơ quan nhà nước. Phải làm sao để người Hà Nội sử dụng giày Phú Xuyên, gốm Bát Tràng nhiều hơn, chứ không phải gốm Chu Đậu. Phải có nhiều hơn sự can thiệp, thúc đẩy thương hiệu từ phía Nhà nước và xã hội hóa các nguồn đầu tư. Ngoài ra, nên chăng phát triển sản phẩm công nghiệp văn hóa theo hướng xuất khẩu, xây dựng thương hiệu của Thủ đô không chỉ phục vụ thị trường Hà Nội, Việt Nam mà là cả thế giới” - PGS. TS Phạm Minh Anh đề xuất.
Liên quan đến thị trường, khách du lịch cũng là đối tượng quan trọng để “xuất khẩu tại chỗ” các sản phẩm du lịch văn hóa. Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng, ở Hà Nội, các chương trình nghệ thuật như Tinh hoa Bắc Bộ, múa rối tại Nhà hát Múa rối Thăng Long đã thu hút hàng trăm ngàn lượt khách hàng năm, là điểm đến không thể thiếu của bất cứ du khách nước ngoài nào khi tham quan Thủ đô Hà Nội. Các di tích và thiết chế văn hóa cũng là nơi thu hút khách du lịch, như Hoàng thành Thăng Long, đền Ngọc Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam…
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, trong thời gian tới, ngành du lịch Thủ đô sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, hấp dẫn; nâng cao chất lượng các khu, điểm du lịch gắn với di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề, làng cổ nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Thủ đô bền vững, có giá trị kinh tế cao.