Hà Tiên: Vùng đất cực Tây Nam Bộ

Hà Tiên được người xưa đặt tên, theo nghĩa đây là vùng đất có “Tiên tắm trên sông”. Hà Tiên cũng được lý giải tên gọi nữa là từ âm “Tà Ten” của người Khơ- me. “Tà” là sông, “Ten” cũng là sông, phát âm trại giọng, líu lưỡi ra thành âm Hà Tiên.
240284247-4312454025537326-3965520988630820218-n-1632280150.jpg

  Các nhà nghiên cứu thì giải thích gọi tên cách này kia tùy theo góc độ của họ. Còn chúng ta hôm nay có được tên gọi là Hà Tiên, tên ấy thật đẹp, thật tuyệt vời, đầy ý nghĩa về vùng đất cuối trời Tây Nam. Trải qua bao biến cố tên gọi Hà Tiên vẫn không thay đổi, từ khi hình thành đến nay hơn 300 năm vẫn gọi là Hà Tiên. Hà Tiên hiển hiện trên bản đồ Việt Nam, nằm ở cực tây nam của Tổ quốc giáp biên giới Cămpuchia. Hà Tiên với bao cảnh vật hút hồn du khách, với ai đã đến đây họ sẽ thấy nhớ nhung, ấn tượng. Hà Tiên với những cây Thốt Nốt đặc trưng 2 quốc gia Việt - Miên, quả thốt nốt cho sản phẩm đường trong mát. Hà Tiên với Thạch Động sừng sững vút trời xanh,  lưng chừng núi có hang động xuống Thủy cung xưa. Nơi đây xuất xứ truyện Thạch Sanh, thời học sinh phổ thông ta được học. Thạch Sanh chém Chằn tinh, bắn Đại bàng cứu công chúa, rồi Lý Thông ngày trước và ngày nay cướp công nhau không thiếu trường hợp xảy ra và vẫn xảy ra.

Hà Tiên có con đường nhựa chạy sát biển, có cầu Tô Châu vượt eo biển. Xứ sở Hà Tiên có thập (10 cảnh) đẹp được văn nhân đời xưa Mạc Thiên Tích từ gần 300 năm trước đề vịnh: núi Tô Châu, Bình San, Đông hồ, Pháo đài, mũi Nai, hòn Phụ Tử, chùa Hang... Rồi có quần đảo Hải tặc được cướp biển xưa lấy làm sào huyệt đánh cướp tàu thuyền qua lại. Thậm chí mấy năm trước có chỉ điểm bên phía Việt Nam, từ người Việt Nam alo bằng điện thoại động, chờ tàu của ngư dân Việt mà nó biết nhà có máu mặt kha khá, xuất bến là báo tàu Miên bắt, cướp về bên kia biên giới đòi tiền chuộc. Rồi có Ximăng Hà Tiên sử dụng đá, clanhke tại địa phương làm nên thương hiệu trứ danh từ xưa, xây dựng nhà cửa khắp miền Nam và công trình các loại. Hà Tiên cũng nổi danh với thi sĩ Đông Hồ, từng là giảng viên Đại học Văn khoa Sài Gòn, rồi vợ ông là nữ sĩ Mộng Tuyết người được giải thưởng của Tự lực Văn đoàn 1942, cùng thời nữ sĩ Anh Thơ phía bắc. Nữ sĩ Mộng Tuyết người được Hoài Thanh giới thiệu trong Thi nhân Việt Nam, thời Thơ mới lên ngôi, muốn hiểu biết thêm về họ, nay còn nhà lưu niệm để lại. Trên bộ nếu Móng Cái là cửa khẩu giáp biển địa đầu sang Trung Quốc, đến cửa khẩu Tây Trang Điện Biên sang Lào, thì Hà Tiên có cửa khẩu biên giới Xà Xía giáp biển, là cửa khẩu cuối cùng của Việt Nam sang Cămpuchia. Hà Tiên là 1 đỉnh của “Tứ Giác Long Xuyên”, đây là vựa lúa của đồng bằng Tây Nam Bộ, gồm 4 đỉnh, mỗi đỉnh cách nhau khoảng 90÷100 km: Hà Tiên, Châu Đốc, Long Xuyên, Rạch Giá. Thời bộ đội Việt Minh gọi khu này là tỉnh Long Châu Hà, chính là Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên vậy. 

Hà Tiên còn là cửa ra của kênh Vĩnh Tế, tên một kênh đào mang tên bà Vĩnh Tế vợ ông Thoại Ngọc Hầu quan thống chế trấn thủ xứ ấy. Ngài lĩnh mệnh triều đình đào kênh từ Châu Đốc dài 90km dọc biên giới Cămpuchia, dẫn nước vào sông Giang Thành đổ về cửa biển Hà Tiên. Kênh đào vừa làm giao thông thủy, vừa tưới tiêu, vừa bảo vệ biên giới. Công trình thủy lợi vĩ đại này có cách đây khoảng 200 năm, dưới thời vua Gia Long, công lao to lớn của ông Thoại Ngọc Hầu đã được Vua ban cho dòng kênh mang tên vợ ông. Năm 1835 vua Minh Mạng cho đúc Cửu đỉnh bằng đồng ở Huế có khắc kênh Vĩnh Tế để làm quốc bảo. Hà Tiên còn đáng nhớ hơn với những người làm dự án phía Nam, về xây dựng, giao thông, thủy lợi,  thủy điện, trắc đạc... đó là có mốc quan trọng quốc gia cốt không không, ( code) + 0.00 đặt tại Mũi Nai, trong khi đó tại miền Bắc cốt +0.00 đặt tại hòn Dấu , Đồ Sơn, Hải Phòng. Hà Tiên còn cái nói là lạ nữa của dân vùng tây nam, đó là đi hay làm 1 mình thì nói “mình ên”, và không nói được vần “rờ R” , thịt heo rẻ thì nói “thịt heo gẻ”, rồi thì nói “gồi”...

242364575-4312454105537318-1146696581473753200-n-1632280150.jpg

Nói về vùng đất tây nam, nói riêng về vùng đất Hà Tiên, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng... phải nhớ đến công ơn 1 con người, ngài Mạc Cửu. Lịch sử Việt Nam phải ghi nhận ơn sâu đối với Mạc Cửu, người có công lao to lớn đưa đất vùng Hà Tiên trên nhập vào lãnh thổ cho diện tích Việt Nam mở mang bờ cõi ra rất nhiều. Mạc Cửu người được chúa Nguyễn ban phong chức Tổng Trấn Hà Tiên đầu tiên cai quản xứ này. Tất nhiên ngày trước ít được học về mảng này. Mạc Cửu người bán đảo Châu Lôi, Quảng Đông Trung Quốc, là một thương nhân. Khi người Mãn chiếm ngôi lập nên triều đình nhà Thanh, những người Hán còn trung thành với nhà Minh với ý đồ “phản Thanh phục Minh” đã âm ỉ chống lại nhà Thanh. Bỏ Trung Hoa ra đi, thương gia Mạc Cửu đã cùng hơn 400 gia nhân, con cháu lên thuyền vượt biển xuôi phương nam, họ đi mãi và cập vùng đất Hà Tiên. Vùng Hà Tiên xưa thuộc về đất của người Chân Lạp, tiền thân của đế quốc Khơ Me từ thế kỷ thứ 10 về sau. Khi Mạc Cửu tới đây nhận thấy nơi này đất tốt, vùng biển giàu hải sản, có đồng bằng phát triển lương thực, có núi đồi phong cảnh... với cái nhìn của Thương nhân từng trải, ông xin phép lãnh chúa Khơ- me lưu trú, ông được chấp thuận và chịu cống nạp. Lúc này ở đây có các sắc dân Khơme, một số người Hoa, rồi có cả những lưu dân người Việt dắt díu gia đình đi kiếm sống. Mạc Cửu phát triển buôn bán làm ăn giao lưu với các thương nhân các nước lân cận Đông Nam Á, rồi Ấn Độ, rồi Trung Hoa để biến Hà Tiên thành thương cảng trù phú lúc đó. Thấy vùng này sầm uất giàu có, người nước Xiêm nảy lòng tham, máu đế quốc Xiêm La trỗi dậy bèn tấn công xâm lược Hà Tiên và bắt Mạc Cửu về đất Thái Lan ngày nay, giữ hơn 10 năm trời. Sau lợi dụng sơ hở, Ngài trốn về Hà Tiên và gây dựng lại cơ đồ. Nhận thấy các vua chúa Khơ Me hay tranh giành quyền lực, không có chí lớn phát triển đất nước, người Xiêm La hay xâm phạm cướp bóc.

   Đầu thế kỷ 18, năm 1707 ông gặp chúa đời thứ 6 của nhà Nguyễn, là chúa  Nguyễn Phúc Chu (chúa này là cụ 4 đời của vua Gia Long Nguyễn Ánh), lúc này Mạc Cửu chịu thần phục và dâng nạp vùng đất rộng lớn Hà Tiên, không có ý tách ra làm vương quốc riêng. Hà Tiên chính thức thuộc về Việt Nam, tính đến nay là  314 năm. Chúa Nguyễn lập tức ban tặng chức Tổng trấn Hà Tiên, và kế tục về sau “cha truyền con nối”. Ông bắt tay vào xây dựng quân đội, pháo đài, mua sắm vũ khí, phát triển giao thương, nông nghiệp, thu thuế sòng bạc. Hàng năm họ Mạc triều cống cho nhà Nguyễn.

 Sơ lược là như vậy, còn giai đoạn lịch sử hơn 300 năm trước, trấn Hà Tiên hình thành và nhập vào Việt Nam, thời tôi đi học không được học kỹ. Nên chắc phải có những sử gia am hiểu viết thì hậu sinh chúng ta sẽ rõ rành, tường minh hơn. Khi viết những dòng này, tôi lại bất chợt nhớ đến bà chị họ Đinh Hằng một hoa khôi của quê hương, thời trẻ đã đến công tác ở Xi măng Hà Tiên, rồi một bạn phố thông làm ngân hàng cách đây mấy chục năm. Và một số nhà anh chị quen biết, ngày trước nghe nói từ Rạch Giá đi 95km, vô Hà Tiên phải đi ghe. Hôm nay vừa bầu cử Quốc hội xong, mời các bạn cùng đi du lịch trên giấy về vùng Hà Tiên cho vui. Cảm ơn các anh chị em và các bạn đã đồng hành.

 

Theo Chuyện Làng quê