Chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5-1954 theo nhiều học giả và các nhà phân tích chính trị quốc tế - là một chiến thắng có ý nghĩa toàn cầu, không chỉ thể hiện bản lĩnh và khí phách của dân tộc Việt Nam mà còn lần đầu tiên sau gần 100 năm chế độ thực dân Pháp bị xóa sổ trên bán đảo Đông Dương, kéo theo sự rạn nứt, lung lay và sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.
Nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới đã dành cho nhân dân Việt Nam sự khâm phục, nể trọng và ngưỡng mộ, vì chỉ bằng tình yêu nước, lòng quả cảm và lý tưởng chính nghĩa mà một nước nhỏ đã đánh thắng một đế quốc to, là tấm gương sáng cho mọi dân tộc bị áp bức noi theo. Điện Biên Phủ vì vậy là nguồn cảm hứng lan tỏa rộng lớn cho không những giới chính trị và nghiên cứu quốc tế mà còn cho giới văn học nghệ thuật trong và ngoài nước. Hàng loạt tác phẩm đã ra đời sau sự kiện này.
Sau ngày quân ta về tiếp quản Hà Nội (10/10/1954), nhân dân miền Bắc đã hào hứng đón nhận một ca khúc quốc tế đầu tiên ca ngợi Việt Nam chiến thắng, đó là bài "Sao vàng đất Việt" của Muradeli. Nhà soạn nhạc Vano Muradeli người Gruzia (một nước cộng hòa nằm trong Liên bang Xô Viết), năm 1931 ông tốt nghiệp Nhạc viện Quốc gia Tbilisi (thủ đô Gruzia), sau thời gian làm việc tại Nhạc viện Moskva, ông về làm Hiệu trưởng trường Nghệ thuật Hải quân Liên Xô và Giám đốc Đoàn văn công Hải quân Liên Xô, được giải thưởng Stalin và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân Liên Xô. Là nhà soạn nhạc chuyên nghiệp, sở trường sáng tác của ông là những bản giao hưởng, khí nhạc thính phòng, những vở opéra & ballet… Khi phụ trách đoàn văn công, ông cũng viết một số ca khúc như: "Nước Nga - tổ quốc tôi", "Đảng là tay lái của chúng ta", "Tôi - hành tinh trái đất", :Chúng ta lên đường các bạn ơi", "Hồi chuông cấp báo Buchenwald", "Hành khúc Biển Đen"... Muradeli đã viết ca khúc "Sao vàng đất Việt" với đầy đủ sự bề thế cả phần giai điệu và phần hòa âm piano, thể hiện sự tôn trọng thực sự đối tượng mà mình ca ngợi. Khi ca khúc này gửi sang Việt Nam, để kịp phổ biến, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát (lúc đó là trưởng ban Nhạc Vũ của Hội văn nghệ Việt Nam) đã giao cho nhạc sĩ Thái Ly dịch và đặt lời Việt cho ca khúc này.
Nhạc sĩ - nghệ sĩ múa Thái Ly tên thật là Nguyễn Đình Thái sinh năm 1930, quê quán thành phố Hải Dương, hoạt động văn nghệ nhạc múa từ thời kháng chiến chống Pháp, nhiều điệu múa do ông tự sáng tác cả múa và nhạc. Ông đã sáng tác hoặc phối hợp sáng tác một số ca khúc như: "Sản xuất chiến đấu" nhạc Thái Ly lời Đào Vũ (nhà văn Đào Vũ là chồng nữ nhạc sĩ Hồng Hạnh), "Nông dân vùng dậy đấu tranh" nhạc và lời viết chung với nhạc sĩ Chu Minh, "Mừng chiến thắng Tây Bắc" nhạc Đặng Đình Hưng, lời Đào Vũ, Thái Ly v.v….
Năm 1959 Thái Ly tốt nghiệp đại học biên đạo múa tại Học viện Múa Bắc Kinh, về nước, ông chuyên tâm giảng dạy nghệ thuật múa và sáng tác những tác phẩm tiêu biểu như: "Cánh chim và ánh sáng mặt trời", "Mâm vàng Cửu Long" (solo múa), "múa Katu", "Hái hoa dâng Bác" (thơ múa) "Được mùa" (tổ khúc múa), "Bà mẹ miền nam", "Võ Thị Sáu" (kịch múa), "Bả Khó" (kịch múa lớn) v.v… Ông đã được giải thưởng Hồ Chí Minh, được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và học hàm Phó Giáo sư.
Thái Ly rất thành công trong việc chuyển ngữ ca khúc "Sao vàng đất Việt" với lời ca chân thành tha thiết đậm chất dân tộc Việt Nam. Ca khúc này được đăng trang trọng trên báo Văn Nghệ (Cơ quan ngôn luận của Hội văn nghệ Việt Nam) số 58 ra ngày 15 tháng 11 năm 1954 tại Hà Nội với lời giới thiệu của Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát:
"GIỚI THIỆU MỘT BẢN NHẠC LIÊN - XÔ
Liên Xô và Việt Nam muôn vàn xa xôi nhưng mối tình anh em làm cho Liên-xô vĩ đại và dân tộc chúng ta vô cùng gần gũi.
Nhạc sĩ Muradeli chưa có dịp tới thăm nước Việt-nam chúng ta. Nhưng thông cảm mãnh liệt với tâm hồn và ý chí chiến đấu anh dũng của dân tộc chúng ta, nhạc sĩ đã biểu hiện sự thông cảm ấy trong tác phẩm "Sao vàng đất Việt", và với tất cả tấm lòng xây dựng tình hữu nghị thắm thiết anh em giữa hai dân tộc, chính tác giả đã tự mình trình bày bài hát "Sao vàng đất Việt" trước hàng vạn công chúng ở Mạc-Tư- Khoa và đặc biệt trước Đài phát thanh. Tiếng hát "Sao vàng đất Việt" từ trời Liên-Xô xa xôi, ấm áp bay tới Việt Nam, tới tai những chiến sĩ và nhân dân Việt Nam anh dũng.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu qua nhạc sĩ Muradeli với các bạn:
Nhạc sĩ Muradeli là người đã trưởng thành trong quá trình phục vụ quần chúng lao động và chiến đấu để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên-Xô. Nhờ vậy, nhạc sĩ đã tiến một bước dài trên con đường phục vụ nhân dân Liên-Xô, phục vụ công cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội.
Trong tác phẩm "Sao vàng đất Việt", sự thành công của nhạc sĩ là đã phát triển được những rung cảm trong sáng, uyển chuyển - tinh hoa của dân ca Việt Nam, kết hợp với tư tưởng mới - tinh hoa của đạo đức cách mạng. Hai yếu tố tốt đẹp ấy đã dựng nên "Sao vàng đất Việt" không bay bướm lả lướt, mà trái lại khỏe mạnh chắc nịch đầy tin tưởng, và điều này thực không ngờ: đầy mầu sắc dân tộc Việt Nam.
Qua nét nhạc rắn chắc và lời ca chân thành, những người Việt Nam chúng ta cảm thấy nhạc sĩ đã nói hộ mình những điều mình muốn nói với nhân dân Liên-Xô. Chúng ta thành thực hoan nghênh và thừa nhận sự cống hiến của nhạc sĩ đối với công cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc và bảo vệ hòa bình ở Việt Nam cũng như đối với sự nghiệp phát huy tinh thần quốc tế trong nhân loại.
Noi gương nhạc sĩ Muradeli, anh em nhạc sĩ chúng ta quyết sáng tác nhiều bản nhạc ca ngợi chế độ tươi sáng của chúng ta, ca ngợi các nước bạn, đấu tranh cho hòa bình thống nhất, thắt chặt tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam, Liên-Xô và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới ".
(có thông tin phần lời nguyên bản tiếng Nga ca khúc này là của E.Iodkovski nhưng chưa có bản nhạc để kiểm chứng).
Cùng thời kỳ này ở nước Anh, lấy cảm hứng từ chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam, nhạc sĩ Ewan MacColl đã sáng tác ca khúc "The ballad of Ho Chi Minh" (Bài ca Hồ Chí Minh). MacColl là một nghệ sĩ đa tài, hoạt động trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật: là nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên kịch, nhà viết kịch, nhà thu âm và nhà hoạt động xã hội. Năm 1929 tham gia phong trào tranh đấu của công nhân Anh, đã viết trên 300 ca khúc chính trị và phản chiến.
Khi sáng tác "Bài ca Hồ Chí Minh", ông đã dựa trên làn điệu dân ca của người Saxon, với tiết tấu rock và 9 đoạn lời, ca ngợi Hồ Chí Minh là người đã dẫn dắt Việt Nam đến thắng lợi. Từ 1954, ca khúc này đã lưu truyền trong các tổ chức phản chiến trên khắp thế giới, với sự trình diễn của MacColl và nhiều nghệ sĩ khác như: Tomoya Takaishi (Nhật Bản), Francesca Solleville (Pháp), Bruno Pianta (Ý), Rolando Alarcon (Tây Ban Nha)….. Tất cả đều trình diễn với tiết tấu rock, chỉ riêng ban nhạc Thụy Điển của nữ ca sĩ Knutna Navar (Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Thụy Điển) là trình diễn theo tiết tấu pop vô cùng du dương và truyền cảm. Giai đoạn này do hoàn cảnh Việt Nam đang trong tình trạng đất nước chia cắt, tin tức quốc tế còn hạn chế nên chưa có điều kiện tiếp xúc với ca khúc này. Phải đến năm 1967, trong Trại hè liên hoan ca khúc quốc tế phản chiến tổ chức tại Cuba, Đoàn nghệ thuật Việt Nam tham dự gồm các nghệ sĩ: Quang Hưng, Dương Phú, Hoàng Tín, Anh Đào… mới được nghe và xem vợ chồng MacColl trình diễn "Bài ca Hồ Chí Minh". Với niềm xúc động và cảm phục, nghệ sĩ Quang Hưng đã đề nghị nghệ sĩ MacColl dạy và cho "Bài ca Hồ Chí Minh" mang về Việt Nam. Khi về Việt Nam, nghệ sĩ Quang Hưng và Phú Ân được Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc Vũ kịch Việt Nam giao biên tập "Bài ca Hồ Chí Minh" thành tiết mục của Nhà hát.
Là nghệ sĩ biểu diễn guitar và kèn tuba của Nhà hát, nhưng với năng khiếu văn học và tư duy của nhạc sĩ sáng tác, nghệ sĩ Phú Ân đã được lãnh đạo Nhà hát giao phỏng dịch và đặt lời Việt cho nhiều ca khúc quốc tế tiết mục của Nhà hát như: "Lênin sống mãi với chúng ta" (hợp xướng Liên Xô), "Những người lính thủy BaiKal" (ca khúc Liên Xô), "Cuba tươi đẹp" (ca khúc Cuba), "Bông hồng đỏ" (ca khúc Ba Lan), "Bài ca mục đồng" (ca khúc Ba Lan) v.v… với "Bài ca Hồ Chí Minh", căn cứ trên bản dịch nghĩa 9 đoạn lời tiếng Anh của MacColl, nghệ sĩ Phú Ân đã rút gọn thành 4 lời nhưng vẫn giữ được tinh thần, nội dung và sắc thái của bản gốc, lời ca Việt vẫn thể hiện rõ tiến trình lãnh tụ Hồ Chí Minh dẫn dắt nhân dân Việt Nam giành thắng lợi cũng như lòng thành kính mà nhân dân Việt Nam và thế giới dành cho Người.
Kể từ 1968, với giai điệu hay, tiết tấu sôi động, lời ca hàm súc và thành kính, hai nghệ sĩ Quang Hưng và Phú Ân đã trình diễn ca khúc này thành tiết mục thường xuyên tại Nhà hát và trên các Đài phát thanh và Truyền hình, nội dung và tinh thần "Bài ca Hồ Chí Minh" đã khắc sâu trong tâm khảm của nhiều thế hệ người Việt Nam cho đến tận hôm nay và điều đặc biệt là ca khúc này vẫn đang sống trong lòng nhân dân, trở thành ca khúc chính trị quốc tế đi cùng năm tháng với nhân dân Việt Nam.
Hai ca khúc "Sao vàng đất Việt" và "Bài ca Hồ Chí Minh" ra đời gần 70 năm với cùng một mục đích ca ngợi chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, hai ca khúc này đã được nhân dân Việt Nam trân trọng đón nhận và truyền bá - thực sự là hai ca khúc quốc tế có giá trị, khởi đầu cho hàng loạt ca khúc quốc tế ca ngợi Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh sau này.