Cũng giống như các năm trước, vụ Đông - Xuân năm 2020 - 2021, gia đình ông Trần Nhơn Thuẫn (thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) tiếp tục bỏ hoang gần 3 sào ruộng của gia đình vì không có nước để sản xuất. Do không trồng lúa được nên 3 sào ruộng của ông Thuẫn cỏ mọc đầy khiến ông tốn thêm tiền mua thuốc diệt cỏ.
Ông Thuẫn cho biết, cả tổ dân phố Lương Viện lẫn Viễn Trình của thị trấn Phú Đa nhiều năm nay làm ruộng theo kiểu “nhờ trời”, năm nào có mưa nhiều thì làm được 1 vụ, không có mưa phải bỏ không một vụ.
Người dân ở 2 tổ dân phố này đa phần sống bằng nghề nông, nên khi “cần câu cơm” không còn phát huy tác dụng nữa họ sẵn sàng bỏ ruộng để làm nghề khác. Trong đó, có hướng chuyển đổi sản xuất thay lúa bằng các loại rau màu ngắn ngày hoặc nuôi trồng thủy sản.
Việc làm nông phụ thuộc vào nguồn nước trời nên nhiều năm qua sản lượng bình quân của thị trấn Phú Đa hầu như không cao, tất cả nông dân tại đây đều mong muốn có một công trình thủy lợi để thoát khỏi cảnh đợi nước từ trên trời rơi xuống.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Văn hóa và Phát triển, ông Đoàn Văn Sĩ - Chủ tịch UBND thị trấn Phú Đa nói rằng, so với các địa phương khác trong huyện thì thị trấn này có diện tích trồng lúa khá lớn. Tuy nhiên, bài toán đặt ra đối ngành ngành nông nghiệp của địa phương này chính là phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nước tự nhiên (nước mưa) trong khi thiếu các công trình tưới tiêu. Khi biết được tỉnh Thừa Thiên - Huế quan tâm đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi bà con ở đây ai cũng phấn khởi và mong chờ công trình được tỉnh phê duyệt.
Theo đó, công trình được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đầu tư để “giải cứu” hơn 200 ha lúa tại Phú Đa là Dự án hệ thống tưới Thanh Lam - Phú Đa.
Dự án do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư, với ngân sách đầu tư 32,67 tỷ đồng, bắt đầu khởi công từ năm 2015, do 2 đơn vị gồm Công ty TNHH Xây dựng Thiên An Hải và Công ty TNHH Hằng Trung làm nhà thầu thi công.
Với 3 giai đoạn, mục tiêu của dự án sẽ cải thiện hoàn toàn nguồn nước tưới tiêu bằng việc xây lắp kênh dẫn, hệ thống đầu mối trạm bơm, các công trình trên tuyến với tổng quy mô hơn 7km bao gồm các nhánh rẽ. Với dự án này khoảng 216 ha chuyên canh cây lúa và cây hoa màu tăng số lượng canh tác lúa nước từ 1 vụ lên 2 vụ/năm cho người dân trong khu vực.
Đáng nói rằng, bắt đầu thi công từ năm 2015 đến nay nhưng hiện dự án hơn 32 tỷ đồng này mới chỉ hoàn thành hệ thống đấu nối trạm bơm (do công ty Hằng Trung thi công), hệ thống kênh dẫn nước vẫn đang thi công. Đối với những đoạn kênh đã thi công xong do lâu ngày không sử dụng hiện cỏ đã mọc um tùm giữa dòng và hai bên mái taluy dương.
Lý giải cho sự chậm trễ của dự án, phòng Kỹ thuật - Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, hiện công tác đề bù giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành là nguyên nhân khiến dự án chậm bàn giao (hiện đã bàn giao 95% mặt bằng thi công). Hơn nữa, do đây là công trình sử dụng vốn trung hạn 5 năm nên số tiền giải ngân phải theo hàng năm, vốn về chậm nên công trình thi công chậm, hiện cả công trình đang đợi bố trí gần 4 tỷ đồng trong năm 2021 để tiếp tục thi công.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, do ảnh hưởng của Covid-19 năm 2020 và ảnh hưởng bởi mưa bão, ngập úng kéo dài của năm 2020 đã ảnh hưởng đến tiến độ công trình.
Hiện gói thầu số 1 đã hoàn thành vào tháng 8/2019, gói thầu số 2 hoàn thành tháng 9/2020, đối với gói còn lại dự kiến hoàn thành dự án vào tháng 9/2021 và đưa vào sử dụng.
Được biết, liên quan đến công trình này, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã nhiều lần thị sát và đề nghị đưa dự án hoàn thành đúng thời hạn, giải quyết việc tưới tiêu cho người dân./.