Hành trình tìm lại anh

Anh là sinh viên trường Đại học Bách khoa, chỉ còn một năm nữa là anh ra trường. Người con trai hiền lành, học giỏi ấy đã thầm thương cô thôn nữ ở quê nhà. Đầu xuân năm 1972, đám cưới của anh chị được tổ chức tiết kiệm nhưng cũng không kém phần vui vẻ trong lời chúc phúc của bà con dân làng.
hoa-mua-quoc-toan-son-tay-1644068849.jpg
Ảnh: Quốc Toản Sơn Tây

        

           Ở bên nhau vỏn vẹn ba ngày, cô dâu mới tạm chia tay chồng để anh về Hà Nội tiếp tục đi học.

         Giặc Mỹ điên cuồng bắn phá Miền Băc, chúng leo thang với những lời tuyên bố hùng hồn hòng biến Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá. Cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc ta ngày càng khó khăn, gian khổ. Anh đã hăng hái đăng ký vào chiến trường như bao thanh niên yêu nước khác.

         Trước khi đi B, anh được về bên chị ba ngày. Ba ngày ân ái mặn nồng nhưng cũng không kịp để chị mang giọt máu của anh. Thế rồi anh lên đường mang theo hình bóng mẹ già và người vợ trẻ yêu dấu cùng tình yêu quê hương, làng xóm.

         Anh chịu khó viết thư về cho chị lắm. Anh kể về bom đạn ác liệt, cuộc chiến cam go gian khổ, kể về những người đồng đội của anh, người thì hy sinh dũng cảm, người thì bỏ lại một phần thân thể nơi chiến trường.

        Nơi quê nhà, chị hăng hái lao động sản xuất, đàn ông con trai ra đi cầm súng bảo vệ đất nước, đàn bà con gái tay súng tay cày ba đảm đang, chắt chiu hạt thóc củ khoai gửi ra tiền tuyến với lòng quyết tâm cao. Chị hy vọng một ngày chiến thắng không xa, vợ chồng xum họp, chị sẽ ngập tràn hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của anh.

         Thế rồi cái điều bất hạnh đã đổ xuống gia đình chị. Một năm sau khi anh đi, giấy báo tử anh hy sinh được gửi về xã. Mẹ già khóc ngất tưởng có thể chết ngay được. Bà cố gượng sống vì còn nghĩ đến con dâu. Mọi người giấu không cho chị biết tin dữ. Chị có linh cảm điều bất ổn, đêm đêm trằn trọc trong giấc ngủ chập chờn. Chị mơ thấy anh, hai người đứng gần mà chị không chạm tay được vào người anh. Nét mặt buồn rầu, anh như có điều muốn nói mà không nói được. Rồi bóng anh mờ dần, mờ dần.... Tỉnh dậy chị càng thêm lo lắng cho người chồng yêu dấu nơi mũi tên, hòn đạn.

        Thế rồi cái tin anh hy sinh, chị cũng được báo chính thức từ đồng đội của anh trong một chiều mưa. Chết lặng vì  nỗi đau đớn quá lớn, tim quặn thắt trong lồng ngực, chị không khóc nổi. Nuốt nước mắt vào trong, chị cần phải dũng cảm sống tiếp,  chị cần phải chăm sóc cho mẹ chồng già ốm đau, thay anh là chỗ dựa cho mẹ. Bao nhiêu nhớ thương anh, chị dồn hết cho mẹ, nâng giấc bà sớm tối. Thật là một người dâu thơm thảo! Năm năm sau ngày anh nhập ngũ, bà cụ đã ra đi thanh thản trong vòng tay yêu thương của chị.

        Lại nói qua về người chiến sỹ ấy và trường hợp hy sinh của anh. Anh là sinh viên năm thứ tư khoa Xây dựng cầu hầm nên được bố trí công tác chiến đấu, bảo vệ đưa bộ đội, hàng hóa qua sông Thạch Hãn an toàn.

        82 ngày đêm chiến đấu bên bờ sông Thạch Hãn, bộ đội ta đã vô cùng anh dũng chiến đấu. Mỗi một ngày một đại đội bơi  qua sông nhưng chưa có ai trở lại cả. Ngày thứ 77 của chiến dịch 82 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị ấy, anh đã viết cho chị một lá thư. Lá thư anh viết vội từ trang giấy xé từ quyển sổ tay. Lá thư anh chưa kịp gửi cho chị. Lá thư ấy chứa đựng bao tình cảm sâu nặng anh dành cho chị. Có một chi tiết rất lạ lùng, không sao hiểu được mà sau 30 năm người ta đọc lại vẫn không hết kinh ngạc.

la-thu-anh-huynh-1644069170.jpg
Lá thư anh Huỳnh gửi về quê

        Tôi xin được trích nguyên văn một phần bức thư đó (phải chăng anh biết trước được sự hy sinh của mình?!):

         "Anh chỉ mong một điều là em hãy đối với mẹ, với anh chị trong gia đình như khi anh còn sống để cho linh hồn anh được bừng nở trong giấc mơ trìu mến của em. Nếu em có điều kiện vào Nam lấy hài cốt của anh về  thì đường đi như sau:  đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã lần ngược lại hỏi vào thôn Nhan Biều 1. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Về đây sẽ tìm thấy tấm bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảnh tôn...".

       5 tháng trước khi nhận được giấy báo tử của anh, chị đã nhận được lá thư này tháng 11 năm 1972, nó báo trước một sự ra đi vào thế giới khác của anh.

      Cuộc đời chị thay đổi. Chị sống với đau đáu nỗi niềm tìm được hài cốt của người chồng yêu thương đưa về quê hương, nơi chôn nhau cẳt rốn, cho thỏa nỗi niềm ngóng trông của mẹ già. Trước lúc mất, mẹ gọi tên anh. Chị đã hứa với mẹ tìm được người con giai của bà.

       Gom góp nhặt nhạnh từng đồng, chị đã lên đường tìm anh, dồn hết tâm trí tiền bạc vào việc tìm mộ. Mọi cố gắng của chị không đem lại kết quả, mọi người nản chí, khuyên chị không nên đi tìm anh nữa. Đất Quảng Trị dọc ngang như thế nào, chị đã đi khắp. Hễ có manh mối của anh người ta mách, chị cũng lần hỏi tận nơi. Bạn chiến đấu, bạn học đi bộ đội cùng anh, chị cũng tìm đến để hỏi han, tuyệt nhiên không có thông tin gì,  như bóng chim tăm cá vậy.  Chị mệt mỏi và buồn lắm nhưng vẫn không buông ý định phải tìm bằng được chồng. Trong tầng đất sâu chắc anh cũng đang mong mỏi được gặp lại chị.  Chị không quên gương mặt và ánh mắt buồn thăm thẳm của anh trong giấc mơ. Anh đã nói điều gì đó, môi anh mấp máy mà chị không nghe được điều gì cả.

      Chị kiên trì trên đất Quảng Trị, hòng tìm được anh. Giời cũng không phụ lòng người, cho tới cái hôm ấy, chị đến đúng nơi chiến trường xưa, nơi anh đã ra đi vĩnh viễn. Đó là một bãi đất mênh mông trồng sắn củ của anh nông  dân tên Hậu. Khi biết chị đi tìm mộ chồng thì anh Hậu vào nhà mang ra hai tấm bia. Một tấm có tên anh. Mọi người đều mừng vui và hăm hở đào xới. Đào nát cả khu đất ba, bốn ngày ròng rã người đào cũng nản chí quá rồi nhưng chị vẫn không sờn lòng. Cho đến khi tưởng chừng hết hy vọng thì một chiếc thuốn đã chạm * kịch* một vật cứng. Cẩn thận đào lên được ba di hài. Chị ôm nắm xương của anh, mắt nhòa lệ

. Hơn 30 năm kiếm tìm, họ đã gặp lại nhau, người còn, người ở cõi giới khác. Chị đưa anh về Thái Bình, đưa anh về với quê hương , đưa anh về với mẹ.

      Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã bình thường trở lại, vạn vật sinh sôi và phát triển. Ký ức về chiến tranh với sự nhớ nhung chờ đợi, sự chia ly, mất mát đau thương vẫn hằn lên cuộc đời của người phụ nữ ấy. Được làm vợ của anh vỏn vẹn một tuần nhưng chị đã ở vậy thờ chồng  với tấm lòng son sắt, thủy chung, vượt qua bao khó khăn trong cuộc sống. Chị có cái tên bình dị Nguyễn Thị Xơ, vợ của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh. Ở quê hương chị xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương   tỉnh Thái Bình, mọi người đều yêu mến, cảm phục chị và ca ngợi tình yêu của anh chị!

      Lá thư của anh gửi cho chị trước lúc hy sinh, dự cảm của anh cho hành trình  trở về quê hương là một điều bí ẩn (dự cảm cho một cái chết được báo trước), hiện được trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị.

 

H.H.D

Chuyện làng quê