Hậu liêu trai: Người đổi dép

Dũng đen làm nghề đổi dép, thường qua lại vùng Lập Thạch. Một hôm, trời tối lại bị hỏng xe. Dũng đi lạc vào một vùng đồi núi hoang vắng. Hai bên đường chả thấy có nhà cửa gì, toàn cây bạch đàn mọc ngút ngàn, kéo dài tới vài cây số.
239956420-1263930350710843-564111019946789109-n-1631980803.jpg

Dũng hoang mang không biết đi đâu để tìm nơi trú chân, chợt thấy phía trước có ánh đèn le lói. Bèn dấn bước dắt xe đi tới. Đang đi chợt nghe như có tiếng chân người ở đằng sau. Dũng giật mình quay lại. Thấy một người đàn bà mặc bộ quần áo màu sẫm. Không nhìn rõ mặt nhung Dũng đoán là người đã có tuổi. Chưa kịp hỏi người kia đã nói trước:

- Ai mà to gan vậy, trời tối như mực, còn mò mẫm nơi hoang vắng thế này?

Dũng trả lời :

- Cháu là người đi bán đổi dép, bị lạc đường, đang không biết đây là đâu.

Người đàn bà nói:

- Vùng này xa khu dân cư, hàng chục cây số chỉ có đồi núi với bạch đàn, lại hay có ma quỷ và trộm cướp hại người qua đường, buổi tối thường không ai dám qua lại.

Dũng hoảng sợ nói :

- Cháu là người đổi dép, tiền bạc không có, xin bác cứu giúp.

Người đàn bà nói:

- Bây giờ cũng đã muộn. Cháu không thể đi qua được vùng này. Nhà bác gần đây, nếu không cháu không chê có thể nghỉ tạm qua đêm.

Dũng mừng rỡ vội vàng dắt xe rảo bước nhanh theo người đàn bà đi về phía có ánh đèn. Đến nơi thấy một ngôi nhà tranh vách đất nằm trong rừng bạch đàn hoang vắng. Hoa dại đầy lối, cỏ lút bước chân chỉ có một lối mòn dẫn vào tận cửa. Bên trong bước ra một cô gái tuổi chừng mười tám đôi mươi mặt đẹp như hoa. Cô gái chào mẹ rồi quay sang lí nhí chào Dũng. Thấy cô gái đẹp mê hồn, Dũng ngẩn cả người quên không đáp lại. Bên trong ngôi nhà chẳng có gì, đồ đạc sơ sài, toàn làm bằng tre nứa.  Người đàn bà bảo con gái dọn mâm, mời Dũng ăn cơm. Thức ăn trong mâm toàn rau rừng và mấy loại côn trùng lạ, người mẹ nói:

- Ở đây rừng núi hoang vu chả có gì ngon toàn thức ăn đạm bạc.

Dũng nói :

- Không sao đâu cháu được bác, cho ăn cho ngủ thế này là tốt lắm, sao dám kén chọn.

- Nhà cháu ỏ tận đâu?

- Cháu quê Vĩnh Tường làng cũ Kim Xá.

- Ôi! Thật sao? Thế là đồng hương đấy, bác cũng quê ỏ đó.

Rồi Dũng nói chuyện đến người làng, nhắc đến ai, bà ấy đều biết cả. Lúc này trong chỗ sáng, Dũng mới nhìn rõ mặt người đàn bà, trạc ngoài năm mươi tuổi nước da trắng, hơi tai tái bên má trái có một nốt ruồi, khuôn mặt phúc hậu, nói cười tươi tắn rõ ràng không phải người xấu, nhưng ở cổ có một vết sẹo dài tới nửa gang tay. Còn cô con gái thì khỏi nói, da trắng như trứng gà bóc, đôi môi đỏ thắm như bôi son, nét mặt thanh tú vẻ tự nhiên hoang dã, không phô trương lòe loẹt. Cười nói thì ý tứ như trinh nữ nhà khuê các. Cơm nước xong, bà mẹ nói :

- Bác có việc đi một lát, cháu ở chơi chuyện trò với em, khi nào buồn ngủ có chăn màn sẵn.

Nói xong thoáng mất hút ngoài cửa. Cô gái pha nước mời Dũng uống, Dũng lân la trò chuyện. Nàng trả lời trôi chảy, không có vẻ gì ngượng ngùng nữa. Dũng lựa lời bảo :

- Em đẹp quá! làm tôi chẳng còn hồn vía nào nữa. Tuy vừa gặp nhưng đã yêu mến ngay, nếu em không chê, bảo cha mẹ lựa ngày lành tháng tốt đến cưới hỏi em làm vợ, chẳng biết ý em thế nào?

Cô gái lặng thinh, vân vê tà áo một lúc rồi đáp:

- Em phận gái núi rừng, nào đâu dám kén cá chọn canh. Chỉ sợ cha mẹ anh chê em nghèo thôi.

- Cha mẹ tôi không nghĩ vậy đâu!

Chuyện trò với cô gái đầu mày cuối mắt thật tình tứ, tâm đầu ý hợp. Xem chừng đáng yêu quá Dũng ôm chầm lấy, hôn lên môi lên cổ. Cô gái dãy nảy lên bảo:

- Ông khùng này! Làm gì người ta thế?

Dũng cứ kệ càng ôm thật chặt. Một lát cô gái không dãy dụa nữa cứ kệ cho Dũng hôn thỏa thích. Cả hai đê mê đắm đuối, hương lòng rạo rực bèn cùng nhau đi vào ân ái.. Lạc thú đương nồng, bỗng bà mẹ đẩy cửa bước vào. Hai người sợ cuống cuồng, vội nhỏm dậy mặc quần áo. Cả cô gái và Dũng đều vừa thẹn vừa sợ, đành cúi đầu, tựa thành giường, im thin thít. Bà mẹ sấn vào chì chiết:

- Rõ dơ! Khôn ba năm dại một giờ, mẹ vừa vắng nhà đã làm điều nhơ nhuốc, xấu hổ hết nói!

Dũng quì xuống xin tha tội, bà mẹ cười nhạt nói :

- Đúng là ăn cháo đá bát, tưởng tử tế, cho ăn ngủ nhờ ai ngờ trả ơn vậy! Cơm no bò cuõi mà!

Dũng nói:

- Chúng cháu tuy mới gặp lần đầu nhưng yêu nhau thật lòng, chẳng phải ong, bướm nhị rụng hoa tàn bỏ đi. Lúc nông nổi không làm chủ được nên chót dại. Mong bác bỏ quá, lựa ngày lành tháng tốt, sẽ thưa chuyện với cha mẹ, đến cưới xin tử tế!

- Bỏ quá! Bỏ quá! Dễ chuyện gì cũng bỏ quá được sao!

Nét mặt hầm hầm tức giận giơ tay chỉ chỏ mắng nhiếc con gái. Dũng phải nói mãi mới nguôi nguôi. Dũng lên giường trằn trọc không sao ngủ được. Trời chưa sáng rõ đã trở dậy chào cô gái và bà mẹ rồi đi, cô gái mắt ngấn lệ, lén trao cho Dũng chiếc khăn sực nức mùi thơm. Dũng về nhà báo cho bố mẹ, lại kể rõ tên tuổi người đàn bà hình dáng ra sao, có nốt ruồi ở đâu. Nghe xong mẹ Dũng cả kinh nói:

- Mày tâm thần à, chuyện này không thể có thật!

Dũng càng khẩn khoản. Mẹ Dũng nói :

- Mày đúng là đầu óc có vấn đề, cô Tám, có nốt ruồi ở má đó, làm nghề đổi dép, bị cướp chém chết cách đây mười bảy mười tám năm rồi. Chôn ở ven rừng bạch đàn cạnh bên đường. Khi chết có mang ba bốn tháng gì đó, làm gì còn sống mà gả con cho mày.

Dũng đưa chiếc khăn làm vật chứng, rút cục vẫn không tin. Dũng giận bỏ nhà lên vùng Lập Thạch.Tìm đến chốn cũ, nhà của không thấy, chỉ có cây mọc ngút ngàn. Mồ mả chi chít không phân biệt được đâu là chỗ mình dừng chân hôm nọ. Dũng vã mồ hôi hột hoang mang không biết mình đã gặp người hay ma. Nhưng ngắm nhìn kỷ vật vẫn thấy nhớ nhung xao xuyến lạ. Ngẫm chuyện đời thật giả lẫn lộn, khó phân biệt, người hay ma không biết nữa.

Mấy lời tác giả: Tôi là người mê đọc văn học Trung Quốc, nhưng chưa bao giờ có ý định viết văn. Cách đây vài năm một đêm tôi ngủ mơ thấy một ông già râu tóc bạc phơ. Ông nói :

- Ta chính là Bồ Tùng Linh tác giả Liêu Trai Chí Dị. Bình sinh chỉ thích viết những chuyện về ma quỉ và những số phận của con người. Lúc ta chết vẫn còn nhiều điều dang dở chưa viết hết. Nay ta tìm thấy ngươi là người thích hợp, có thể thay ta làm việc đó.

Nói xong ông chỉ tay vào trán tôi rồi biến mất. Ngày hôm sau tôi giống như một người khác, ngồi vào bàn viết liền một mạch năm, sáu chuyện đúng theo kiểu Liêu Trai.

 

Theo Chuyện Làng quê