"Hết chiến tranh nhưng chưa hề hết chiến tranh"

Tôi gặp anh Lê Bình lần đầu trong chuyến hành hương “Mùa Thu Hà Giang” cùng các anh chị K15 khoa Vật lý, Đại học tổng hợp Hà Nội. Anh Bình nguyên là sinh viên K15 Vật lý và là cựu sinh viên - chiến sỹ 6971 đã từng tham gia mặt trận Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Tôi ngồi cùng mâm với anh, cảm nhận ban đầu trong tôi về anh là một người đàn ông thành phố có phong cách nhà giáo, tự tin trong giao tiếp, được các bạn học cùng lớp nể trọng. Tôi lại có ấn tượng về vợ anh Lê Bình nhiều hơn, chị Quý – một phụ nữ đôn hậu, thùy mị luôn có nụ cười thân thiện với mọi người. Chị Quý thường ngồi mâm với các chị trong đoàn, nhưng cuối bữa bao giờ cũng ghé qua mâm chúng tôi với anh Bình để xới thêm cho anh Bình bát cơm, gắp thêm cho anh chút thức ăn vì chị biết tính anh hay vui với bạn bè nên chỉ uống nhiều chứ ít ăn. Đặc biệt là tôi không thấy chị tỏ vẻ khó chịu khi chồng cụng ly kiểu gần gũi với mấy bạn nữ trong nhóm TP. Hồ Chí Minh cùng đi với đoàn. Buổi tối chị Quý, anh Bình cùng tham gia hát Karaoke với chúng tôi và nhóm TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên chị không hát mà chỉ ngồi nghe mọi người hát, không bao giờ tỏ vẻ sốt ruột hoặc giám sát hành động của chồng. Anh Bình thường khoe với chúng tôi là anh có người vợ tuyệt vời và chúng tôi cũng thấy như vậy. Một bạn nữ tp. Hồ Chí Minh nhận xét một cách hóm hỉnh “Bình Quý tức là Bình cổ, là có giá trị cao”. Tôi thấy nhận xét đó đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

dh1ac1q-1666918749.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Sau hơn một tuần chia tay nhau, tối hôm qua tôi được Vũ An Ninh thông báo tới dự tiệc sinh nhật của hai đồng đội, Vũ Anh Ninh và nhạc sỹ Quý Lăng được tổ chức tại nhà anh Lê Bình. Thật ra ở tuổi chúng tôi, tổ chức sinh nhật chỉ là cái cớ để các đồng đội được ngồi bên nhau, để tâm sự, để chia sẻ, để nhớ về những ngày tháng gian khổ, nhớ về những người đã nằm xuống chứ chẳng phải để thổi nến, để cắt bánh sinh nhật. Thật may, lần này tôi được ngồi bên Lê Bình, được nghe anh kể “khúc dĩ vãng” đời anh, ông đại tá hưởng lương tướng – người chiến binh của thành cổ Quảng Trị.

Lê Bình nhập ngũ năm 1971, cùng lứa với Ngọc Dũng, Lê Minh, Tiến Tài, Đình Phú (cùng Vật Lý K15). Sau mấy tháng huấn luyện ở Cầu Gồ, Yên Thế, Hà Bắc (Bắc Giang); Lê Bình, Ngọc Dũng, Văn Phú nằm trong đoàn quân của sư đoàn 308 hành quân về chảo lửa Quảng Trị. Cả ba anh đều là lính hữu tuyến thuộc c18, e88, có lẽ vì vậy mà cả ba anh đã được trở về sau chiến tranh.

Thành cổ Quảng Trị với diện tích bốn cây số vuông, trong 81 ngày đêm đã hứng chịu hơn ba trăm nghìn tấn bom đạn của Mỹ tương đương với bảy quả bom hạt nhân Mỹ ném xuống Hiroshima đã minh chứng cho sự khủng khiếp của chiến tranh. Hơn mười nghìn cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh trên mảnh đất này, trong đó có không ít là lính sinh viên. Lê Bình nói “vì có nhiều sinh viên tham chiến, nên cũng có nhiều sáng tạo trong tác chiến”. Lính sinh viên đã tạo ra kiểu ném lựu đạn chùm, buộc bốn quả lựu đạn chày (loại lựu đạn của Liên Xô), sau đó giật nụ xòe từng quả rồi quăng cả chum lựu đạn về phía địch. Từng quả lựu đạn thứ tự nổ, ba quả sau được quả đầu tiên nổ văng ra các phía mới nổ tiếp nên bán kính sát thương rộng. Quân Việt Nam cộng hòa rất sợ lựu đạn được ném kiểu này, sợ cả tiếng nổ vang theo loạt của nó giống như sợ cách bắn AK điểm xạ (hai hoặc ba viên một lần) của quân Giải phóng. M79 là loại cối cá nhân rất nguy hiểm của quân đội Mỹ và quân đội Việt Nam cộng hòa, cũng đã được các anh lính sinh viên của bộ đội ta cải tiến để đánh lại địch. Nguyên lý của đạn cối M79 là trong quá trình bắn đi, quả đạn phải xoay đủ vòng mới bị kích nổ. Nếu bắn ở cự ly gần dưới 70 mét, quả đạn nhiều khi không nổ. Có anh chiến sỹ giải phóng quân, lĩnh trọn quả đạn cối M79 vào người mà thoát chết vì quả đạn không nổ. Lính sinh viên đã nhét nhiều quả đạn cối M79 vào một ống nứa có đường kính lỗ hơn 4 xăng ti mét, dùng hai tay phẩy mạnh cho những quả đạn M79 trong ống nứa văng ra theo hình vòng cung về phía địch. Cả loạt đạn cối M79 nổ liên tiếp và gây sát thương như mình định hướng nên làm cho địch hoang mang, hoảng sợ vì không biết bộ đội ta sử dụng loại vũ khí gì. Cũng vì có lính sinh viên tham gia trận chiến 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị nên mới có tác phẩm “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc. Hình ảnh các liệt sỹ nằm xuống lòng sông Thach Hãn đã tạo cảm xúc cho cựu chiến binh, nhà báo Lê Bá Dương viết nên những dòng thơ bất hủ:

“Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ

Dưới sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”

Tối hôm trước, VTV có phát một chương trình về cuộc chiến thành cổ Quảng Trị năm 1972, nhà báo, lính sinh viên Phùng Huy Thịnh có nói đại ý: Chỉ có ở chiến tranh Việt Nam, chỉ có ở thành cổ Quảng Trị mới có một Nghĩa trang liệt sỹ nằm ở dưới lòng sông – sông Thạch Hãn.

“Mái nhà tam giác, ba đứa ngủ ôm nhau”, Lê Bình tả lại cảnh sinh hoạt của những người lính ở chảo lửa Quảng Trị thời đó. Mỗi hầm chữ A được đào âm dưới mặt đất là nơi tránh bom đạn của kẻ thù của một tổ ba người cho bộ đội ta. Mặt hầm được lót bằng tăng hoặc bằng dát gỗ, dát tre. Ba anh bộ đội trong hầm muốn nằm được phải tráo trở đầu chân, chân còn phải gác lên nhau trong đêm để tìm giấc ngủ chập chờn,

“Đến giờ này, sau năm mươi năm rồi mà mình nằm ngủ vẫn phải bắc chéo chân mới ngủ được”, Lê Bình nói và tôi thấy nghẹn lòng – dư âm chiến tranh là vậy. Hầm chữ A của Lê Bình cũng bị bom B52 đánh xập, anh bị thương ở chân và bị đất đá vùi đến ngang cổ. Đồng đội đã bới đất đưa anh lên, anh trở thành thương binh và được cho ra Bắc để về Đại học quân sự học. Thật không may là khi anh ra đến trạm giao liên ở Hà Tĩnh thì bị sốt rét ác tính. Nhân dân khu vực anh nghỉ chân đã chăm sóc anh chu đáo, bắt được con cua con cá ngoài đồng về cũng dành nấu cháo cho anh ăn trong khi gia đình họ chỉ ăn cơm với mắm ruốc và rau. Con gái gia đình anh nghỉ thấy anh rét run, đắp chăn vẫn run đã không nề hà nằm ôm anh để truyền hơi nóng cơ thể của cô cho anh. Tình quân dân thời chiến tranh luôn vậy, đúng là như cá với nước. Lê Bình đã thoát chết vì sốt rét ác tính nhờ tấm lòng người Hà Tĩnh, nhưng khi anh hồi phục sức khỏe để ra đến miền Bắc thì anh đã lỡ đợt chiêu sinh của trường đại học quân sự, anh được đưa về học viện chính trị quân đội để học. Chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ, sỹ quan Lê Bình được điều động lên mặt trận Lạng Sơn. Quân Bành trướng rút quân khỏi biên giới phía Bắc thì Lê Bình được điều động về dạy ở Trường Sỹ quan chính trị ở Bắc Ninh. Để chuẩn bị hành trang cho mình, Lê Bình xin phép và được tổ chức cho tham dự thi vào khoa Sử, đại học tổng hợp Hà Nội. Lê Bình đã có giấy báo đỗ khoa Sử nhưng anh lại không được về trường học mà lại được điều động lên mặt trận phía Bắc lần hai. Mấy năm sau anh trở về làm giảng viên tại học viện chính trị, anh đã học và bảo vệ tiến sỹ tại học viện Nguyễn Ái Quốc. Anh nghỉ hưu với quân hàm đại tá, phó Giáo sư, giảng viên cao cấp. Anh hiện là Chủ tịch hội giáo chức, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Lê Bình là trai phố cổ Hà Nội, Bố anh từng là lãnh đạo quận Hoàn Kiếm. Ý chí vươn lên về mặt trí thức và kinh tế luôn có trong anh. Anh đã không ngại ngần mang theo hai can đằng sau xe đạp khi làm giảng viên ở học viện chính trị để sau giờ làm việc đi lên ngõ Cấm Chỉ xin thức ăn thừa về chăn nuôi lợn cho gia đình. Đó là một cách lao động kiếm tiền trong thời kỳ kinh tế đất nước gặp khó khăn vì cấm vận và bao cấp. Anh lại rất ham đọc sách vật lý, những cuốn sách được anh “lấy trộm” từ thư viện nhà trường trước khi nhập ngũ. Các kiến thức đó đã giúp anh làm kinh tế trong thời kỳ mở cửa, anh đã đầu tư xây dựng nhiều trạm thủy điện cỡ nhỏ và thu lời hợp pháp khá nhiều tiền. Kinh tế gia đình anh ổn định khá sớm nhờ sự căn cơ của cả anh lẫn chị.

Chiến tranh tưởng như đã ở sau lưng cựu chiến binh, đại tá Lê Bình, nhưng không phải vậy. Hai anh chị Bình – Quý có ba cô con gái xinh xắn, ngoan ngoãn, học giỏi. Cháu gái thứ hai đang học lớp chín, trường Marie Curie, Cháu vừa đạt giải nhì cuộc thi toán toàn quốc thì bị bệnh ung thư máu (máu trắng). Anh chị đã dồn công của vào để cứu con gái nhưng y học đã bó tay, cháu đã rời cõi tạm ở tuổi đẹp nhất – tuổi Thiên thần. Hai vợ chồng anh Lê Bình bị sốc nặng sau sự ra đi của con gái thứ. Lê Bình chợt nhớ mình đã từng sống nhiều tháng ngày trong vùng quân đội Mỹ rải chất diệt cỏ (chất độc da cam), đồng đội anh cũng có người bị nhiễm chất độc màu da cam và sinh con dị tật nhưng anh không bao giờ nghĩ mình nằm trong số những nạn nhân đó. Nỗi sợ hãi bắt đầu ám ảnh Lê Bình, mặc dù anh không bao nhờ nói nỗi lo đó cho vợ biết. Hai cô con gái còn lại của vợ chồng Lê Bình lần lượt báo tin sẽ lấy chồng. Với trách nhiệm của một cựu chiến binh, Lê Bình đã chủ động nói chuyện với hai chàng rể tương lai về rủi ro có thể xảy ra khi các cháu lấy nhau và sinh con. Thật may, cả hai chàng rể tương lai đều không bỏ cuộc. Ông đại tá đã ôm hai chàng rể và nghẹ ngào cám ơn sự dũng cảm của họ. Hai cuộc hôn lễ của hai cô con gái đã diễn ra trong niềm vui và hạnh phúc.

Nhưng nỗi lo lắng, sợ hãi chưa buông bỏ đại tá Lê Bình, khi con gái đầu của anh mang thai, vợ anh và hai vợ chồng cháu mừng bao nhiêu thì anh lo bấy nhiêu. Nhiều đêm Lê Bình mất ngủ vì chỉ sợ chất độc da cam làm hại cháu mình, anh đếm từng ngày, lo sợ từng ngày cho đến ngày con rể đưa vợ vào bệnh viện để sinh nở. Lê Bình không dám vào bệnh viện mà ngồi chờ bên điện thoại. Chuông điện thoại reo, Lê Bình nín thở chờ tin.

“Bố ơi! Mẹ tròn con vuông rồi bố ạ”, tiếng con rể vang lên trong điện thoại. Lê Bình như kiệt sức sau khi nghe được cái tin mong đợi đó. Mẹ tròn con vuông với anh sao mà là tin vui lớn đến vậy, anh đâu cần biết cháu mình là trai hay gái.

“Thôi con về uống rượu với bố đi, bố chờ con đấy”. Lê Bình lệnh mà cũng là nài nỉ cho con rể, anh cần người hiểu anh và chia sẻ tâm trạng với anh ở thời khắc lịch sử đó. Những năm tiếp theo, Lê Bình còn phải chịu đựng thêm bốn cuộc thử thách tâm lý như vậy nữa. Hai anh chị đến nay đã có năm đứa cháu ngoại và chúng đều ngoan ngoãn khỏe mạnh.

Tôi mừng cho đồng đội của tôi, mừng cho vợ chồng anh Lê Bình vì niềm vui, hạnh phúc đang đến với gia đình của anh chị ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, nỗi lo vẫn còn ở đâu đó trong anh, trong tôi, trong những cựu chiến binh.

Trên trang zalo nhóm K15 Vật lý, đại học tổng hợp Hà Nội, sau chuyến đi “Mùa Thu Hà Giang”, có ai đó đưa ra một vế đối khó để mọi người trong nhóm làm vế đối lại. Vế đối được đưa ra là “TỐN TÀI CHÍNH mà không phải TỐN TÀI CHÍNH”, chẳng là trong lớp K15 có ba anh tên là Tài, Chính và Tốn. Vũ An Ninh đã ra vế đối lại khá chỉnh “TRÈO LÊN ĐỈNH mà không phải TRÈO LÊN ĐỈNH”, vì đỉnh đèo còn thấp hơn đỉnh núi. Tôi nghe xong câu chuyện của anh Lê Bình chợt tìm ra một vế đối cũng chỉnh không kém:

“HẾT CHIẾN TRANH mà không phải HẾT CHIẾN TRANH” hoặc “HẾT CHIẾN TRANH nhưng chưa hề HẾT CHIẾN TRANH”.

Trái tim người lính