Lễ hội đền Bà Chúa: Linh thiêng, thơ mộng và cổ kính

Trước đây, tại đền hàng năm vào ngày 3 tháng 3 Âm lịch, nhân dân xã Thanh Đồng long trọng tổ chức lễ giỗ Mẫu Liễu Hạnh và cứ 5 năm 1 lần, địa phương lại tổ chức lễ hội với nhiều hoạt động văn hóa thể thao sôi nổi. Sau khi sáp nhập xã Thanh Đồng vào thị trấn Dùng (huyện Thanh Chương, Nghệ An), đây là lễ hội đầu tiên do thị trấn tổ chức.

Đắm mình trong dòng chảy lịch sử, văn hóa, đền Bà Chúa ẩn sau bức tranh thủy mặc, được ôm ấp bởi làng mạc trù phú. Nơi đây cất giấu những giá trị hàng trăm năm, những truyền thuyết về Thánh Mẫu và huyền ảo trong lối kiến trúc thời Lê. Tất cả đã góp nhặt tạc tạo nên một bức tranh đền đài linh thiêng, thơ mộng và cổ kính.

z6460820065056-976d75e0d6a5a7b67ae8eedb5174a5ee-1743430046.jpg
Đền tọa lạc trên khu đất rộng 2.565m2 nằm ven bãi sông Lam. Ảnh: Nguyễn Diệu

Đền Bà Chúa là ngôi đền thiêng của xứ Nghệ, được khởi dựng từ thời Lê. Đền thờ Tam tòa Thánh Mẫu (Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải),  phối thờ thần Cao Sơn - Cao Các và Lê Quý Công. Đây là một trong những ngôi đền hiện có vị trí địa lý và cảnh quan vào đẹp nhất xứ Nghệ, có bến nước, có làng quê, bãi mía, bờ dâu… Tất cả quyện hoà vào nhau thành một bức họa thuỷ mặc hữu tình, dân dã.

Hiện tại các công trình kiến trúc của đền gồm cổng đền, sân đền, hạ điện, trung điện, tả vu, hữu vu và thượng điện, là kết quả của quá trình xây dựng, trùng tu, tôn tạo đền dưới triều nhà Nguyễn.

Đền Bà Chúa được coi là một mẫu mực điển hình của phong cách kiến trúc truyền thống, đăng đối, có tiền, có hậu, có thượng, có hạ, có tả, có hữu được bố cục trải dài theo chiều sâu nên đã tạo cho di tích một không gian thoáng đãng, nhưng vẫn giữ được nét đẹp cổ kính, linh thiêng của chốn đền đài, miếu mạo.

487462377-3559726577665867-6654163987896385595-n-1743430153.jpg
Ngày 31/3 (tức ngày 3 tháng 3 năm Ất Tỵ), nhân dân đã long trọng khai hội và tổ chức lễ giỗ Thánh mẫu Liễu Hạnh

Đặc biệt, đền Bà Chúa còn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị về lịch sử - văn hoá như sắc phong, câu đối, đại tự… giúp hậu thế có thêm nhiều tư liệu quý trong việc nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc đời sự nghiệp của các nhân vật được thờ tại đền.

Năm 2009, đền được công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. 

Đền còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của xứ Nghệ nói chung và huyện Thanh Chương nói riêng.

Đêm 15/7/1945, Uỷ ban Khởi nghĩa được thành lập và tổ chức hoạt động tại đền.

Năm 1947, đền trở thành nơi tổ chức sản xuất vũ khí thuộc xưởng quân khí Quân khu IV.

Thời kỳ 1953 - 1954, Trường Quân chính Trung ương về đóng quân và huấn luyện tại khu vực đền.

Đến năm 1965 - 1966, đền là nơi tập trung cất giấu của cải vật chất, vũ khí đạn dược của quốc phòng vận chuyển bằng đường sông Lam để vào chiến trường miền Nam…

z6460820138722-2694e22ab99f26f39e0a319326012232-1743430308.jpg
Năm 2009, đền được công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

Trong khuôn khổ Lễ hội đền bà Chúa năm 2025, ngày 31/3 (tức ngày 3 tháng 3 năm Ất Tỵ), nhân dân đã long trọng khai hội và tổ chức lễ giỗ Thánh mẫu Liễu Hạnh hay còn gọi là lễ tế thần tại đền Bà Chúa. Lễ tế thần là điểm nhấn quan trọng trong chương trình Lễ hội, được tổ chức long trọng, trang nghiêm với nhiều nghi thức truyền thống (đánh trống chiêng, dâng hương, dâng rượu, bái lạy, đọc chúc...). 

20211229-122418-1640755682-1743430239.jpg
Đền thờ Tam tòa Thánh Mẫu (Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải) và phối thờ thần Cao Sơn – Cao Các, tạ kiểm điểm Lê Quý Công. Ảnh: Nguyễn Diệu

Cùng với lễ tế thần, trong 3 ngày diễn ra lễ hội từ ngày 29/3 đến ngày 31/3 (tức ngày 1 đến ngày 3/3 Âm lịch), tại đền Bà Chúa đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao hấp dẫn thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham gia, cổ vũ như kéo co nam, kéo co nữ, đẩy gậy nam, nữ và các trò chơi dân gian.

Một số hình ảnh tại Lễ hội đền Bà Chúa: 

z6460820091964-759420f2420aec13ef02e88ae6469b20-1743430437.jpg
Đông đảo người dân về dự lễ. Ảnh: Nguyễn Diệu
z6460820095562-95612c43b070d09644020d64f5544165-1743430488.jpg
Đền được khởi dựng từ thời Lê. Ảnh: Nguyễn Diệu
487210625-3559726770999181-6522082976988736286-n-1743430606.jpg
487839249-3559731600998698-1079962928384671399-n-1743430648.jpg
Các trò chơi dân gian tại Lễ hội.