1. Câu đố là những câu văn ngắn, có vần điệu, mô tả một sự vật hay hiện tượng nào đó, nhằm để thử người khác luận giải xem người đố định nói về cái gì. Dĩ nhiên, muốn làm được điều này, người đố không thể mô tả mọi sự vật một cách đơn giản như lối nói thông thường (theo cách giải nghĩa trong từ điển chẳng hạn). Cũng không thể nói “thật thà” quá. Thế thì còn gì là đố nữa. Đố là phải luôn tìm ra những cách nói mới lạ, “lắt léo” theo nhiều dạng, nhiều phương thức nhằm đánh lạc hướng người đoán. Song lắt léo mấy thì người đố cũng phải tuân thủ luật chơi, tức là hướng suy luận phải theo một logic nào đó của hiện thực (hoặc theo một “lẽ thường” vốn có ở đời), để cả hai bên đều chấp thuận theo “mẫu số chung”. Đây là một hình thức sử dụng ngôn ngữ rất hàm súc, rất độc đáo, uyển chuyển, phản ánh cuộc sống. Lời đố có vai trò như một kiểu “định nghĩa” sự vật theo lối dân gian (Cây cao muôn trượng/ Lá rụng tứ phương/ Nấu ăn thì được/ Nướng ăn thì đừng = Bầu trời và hạt mưa; Đi nằm, đứng nằm, ngồi nằm, nằm đứng = bàn chân; Vừa bằng hạt đỗ/ Ăn giỗ cả làng = con ruồi…). Trong bài này, chúng tôi chỉ bàn đến một thủ pháp khá quen thuộc và thú vị: Việc sử dụng hiện tượng đồng dạng khác nghĩa và đồng nghĩa khác dạng trong các câu đố dân gian.
2. Có lẽ ít người nông dân Việt Nam xưa lại không biết đến một câu đố về một vật dụng rất quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của mình: chiếc cối xay lúa:
Sừng sững mà đứng giữa nhà
Hễ ai động đến thì oà khóc lên.
Câu đố này đó đưa vào sách giáo khoa tiểu học, và dù hiện nay, chiếc cối xay tre “nặng nề quay” đang mất dần, nhường chỗ cho máy xay máy xát hiện đại thì chúng ta cũng dễ dàng nhận ra và giải nghĩa nhanh chóng câu đố trên. Cấu trúc của câu đố vừa ngắn gọn, vừa giản dị, dễ hình dung. Đó là: 1) một vật dụng vào loại lớn về kích thước (sừng sững); 2) thường có mặt trong gia đình, chiếm một không gian đáng kể (đứng giữa nhà); 3) khi có tác động của con người (kéo tràng xay lúa) thì gây nên tiếng động khá lớn, bất ngờ (oà khóc lên). Trong các đặc điểm đó, có một đặc điểm mà ta sẽ bắt gặp ở một loạt câu đố có cấu trúc đồng dạng khác:
- Sừng sững mà đứng giữa trời
Miệng như cánh phản nuốt người như không.
(cái nhà)
- Sừng sững mà đứng giữa nhà
Ai vô không hỏi, ai ra không chào.
(cái cột nhà)
- Sừng sững mà đứng cạnh nhà
Khi mưa khi gió, theo ra ngoài đồng.
(cái áo tơi)
Rõ ràng là trong một loạt câu đố trên có cùng một cấu trúc cú pháp như nhau, đều là hai câu lục bát, và câu đầu lặp lại gần như nguyên văn: “Sừng sững mà đứng...”. Lặp như vậy nhưng không dễ giải chút nào. Vì nếu không từng trải và không giàu liên tưởng (từ sự trải nghiệm) thì rất khó đoán. Ai đó từng ở nông thôn, ở những nhà cổ, thì mới hiểu cái gì “sừng sững đứng giữa nhà/ Ai vô không hỏi, ai ra không chào”. Đó là những cây cột cái đứng giữa gian nhà chính làm trụ. Những cây cột lim to im lìm, chắn lối đi chính là mấu chốt của hướng suy đoán. Hay những câu đố sau đây có hình thức gần như đồng dạng hoàn toàn:
- Trong nhà có bà to đầu. (cái bình vôi)
- Trong nhà có bà ăn cơm trước. (cái đũa cả)
- Trong nhà có bà hay la liếm. (cái chổi)
- Trong nhà có bà hay lạy. (cái cối giã gạo)
v.v.
Như vậy trong nhà có khá nhiều “bà” hiện diện, mỗi bà một đặc điểm, một chức năng và người nghe phải ngẫm xem cái đặc điểm chức năng ấy ứng với đồ vật gì (ai hay ăn cơm trước? ai hay la liếm? ai hay lạy?...). Tưởng đơn giản nhưng đoán ra cũng đau đầu ra phết và phải huy động khá nhiều tri thức hiểu biết mới lần ra được.
Hoặc các biển thể đồng dạng (đều bắt đầu bằng xưa kia) sau đây:
- Xưa kia em ở bụi tre
Mùa đông gấp lại, mùa hè mở ra.
(cái quạt)
- Xưa kia em trắng như ngà
Vì chàng quân tử em đà thâm thâm.
(cái chiếu)
- Xưa kia em ở trên rừng
Khi xuống hạ bản tuổi chừng sáu mươi
Làm cho lở đất long trời
Bao giờ chín chục thì người mới tra (giã)
(chày giã gạo)
Có thể tìm ra rất nhiều các cấu trúc lặp như vậy, thường là câu mở đầu: Mình đen như quạ... (4 câu, cái thoi) / Mình thì mảnh khảnh... (4 câu, cái xa kéo sợi)/ Mình bằng quả ớt... (2 câu, ngọn đèn) / Mình voi đuôi chuột... (6 câu, cái xa khi kéo sợi), v.v. Mỗi một câu đố lại có một cấu trúc khác nhau khác nhau tạo ra cảm nhận vừa quen, vừa lạ. Nếu giải mã được hướng này mà lại đem áp dụng cho câu đố khác thì sẽ ta bị nhầm ngay. Lúc đó, người giải lại phải tìm ra một “chìa khóa” khác mới hi vọng giải nghĩa được. Muốn vậy, ngoài kinh nghiệm, vốn sống, người giải phải thật tinh ý, nhanh trí, giàu óc phán đoán.
3. Lại có những câu đố chỉ cùng một sự vật nhưng lại được cấu tạo bằng các nội dung rất khác nhau. Đây là những câu đố về con chó:
- Đứng thì thấp, ngồi thì cao.
- Đầu làng đánh trống
Cuối làng phất cờ
Trống đánh đến mô
Cờ phất đến đó.
- Khen ai dạ sáng như đèn
Tối trời như mực, biết quen mà mừng.
- Trùng trục như con chó thui
Chín mắt, chín mũi, chín đuôi, chín đầu.
(con chó thui)
v.v.
Đúng là mỗi câu đối khai thác một đặc điểm của con chó giữ nhà (tư thế, đặc điểm cấu tạo cơ thể, năng lực (qua giác quan) phát hiện người lạ khác thường,...). Đặc điểm nào cũng độc đáo và được thể hiện qua lối nói đượm vẻ hài hước, dí dỏm, đọc nghe rất sinh động, thú vị. Học giả Ninh Viết Giao đã thống kê là riêng về miếng trầu người Việt đó có tới 11 câu đố khác nhau, còn chiếc điếu hút thuốc lào thì có tới 15 cách đố. Riêng câu đố về ngọn đèn, một vật dụng quen thuộc của người Việt thì được thể hiện rất lạ:
- Không có tui, đui cả nhà.
- Ngày búp, đêm nở.
- Bằng cái hạt cây
Ba gian nhà đầy
Còn toả ra sân.
- Vừa bằng hạt máu, sáng sáu gian nhà...
Hay câu đố cũng về chuyện “ăn cơm” cũng rất thú vị:
- Năm thằng vác hai cây tre
Đuổi đàn trâu bạch vào khe ào ào
- Thuyền sứ chèo tre
Hô quân ta hè, đút vô lỗ hổng
Rồi câu đố về hai bàn tay, có tới 7 kiểu đố:
- Một cây mà có năm cành
Nhúng nước thì héo, để dành thì tươi.
- Hai năm rõ mười
Còn người còn của.
- Có mười người thợ
Làm đủ mọi bề.
v.v.
4. Quả là có rất nhiều cách đố dựa trên sự liên tưởng trong tư duy người Việt. Cấu trúc câu đố theo những motif khá phổ biến và do đó có sức sản sinh cao. Người ta có thể căn cứ vào mô hình đã có để sáng tạo tiếp những cách đố mới, thường là lạ hơn, khó hơn, mới hi vọng “qua mắt” người giải. Dĩ nhiên, muốn hiểu cặn kẽ để mà giải đố, người nghe phải thể hiện trí thông minh nhanh nhạy, tài phán đoán. Trong những cuộc vui ngày xưa, cha ông ta cũng tổ chức các cuộc thi giải đố nhanh. Ai đoán trước mà đúng sẽ có giải thưởng. Ây vậy mà, nhiều câu đố trùng lặp “cấu trúc” tưởng chừng dễ giải, vẫn làm cho người giải lúng túng, có khi “mắc bẫy” làm lạc hướng suy luận. Câu đố chính là kho tàng folklore mang đậm tư duy và bản sắc dân tộc.