Hiếu tử

Lúc bà còn thì ông được bà săn sóc chu đáo từ miếng ăn đến giấc ngủ, rồi bà lâm bệnh và đột ngột qua đời khiến ông hẫng hụt, chới với đau đớn!
chu-lg-que-1-1633310524.jpg
Ảnh minh họa do tác giả tuyển chọn.

Đám tang bà, ông như người mất hồn, ngồi lặng lẽ nước mắt từng giọt khó nhọc lăn trên gò má nhăn nheo của ông.

Sau đám tang các con trai ông bàn bạc để ông ở nhà xong 49 ngày bà rồi sẽ đưa ông vào Nam vì các con ông sống trong đấy cả.

Ông không nói gì chỉ lặng lẽ thắp hương cho bà và ngồi nhìn ra sân đau đáu!

Ông được đưa vào nhà con trai cả sống, nhưng không hiểu vì lý do gì sau đó mâu thuẫn xảy ra, nghe đâu con dâu thứ của ông tỵ rằng:

- Ông ở nhà bác cả, mà bác chả mất tiền nuôi ông.

(Bởi tiền các con, cháu biếu nhiều quá!..)

Bà dâu cả nghe thế thì nổi máu tự ái:

- ừ, nuôi ông có lợi thì đến mà rước về mà nuôi.

Lời qua tiếng lại thế là vở kịch chia tháng nuôi cha trên tivi được thực thi ngoài đời. Ông được đưa luân phiên từng nhà. Thế cho thoải mái còn gì? ai cũng có trách nhiệm và ai cũng được báo hiếu nhá.

Ở từng nhà rồi cũng vẫn xảy ra mâu thuẫn. Là bởi ông già quá rồi, hơn 80 rồi đầu óc lú lẫn, ngày đêm lẫn lộn.

Đêm ông không ngủ, dậy bật đèn ngồi lù lù giữa nhà, ý thức của ông mất dần, ông như đứa trẻ lên ba, Ông thả rông sau khi tắm xong. Con dâu thứ ông không chịu nổi. Cô đay nghiến chồng cớ sao lại rước cái "của nợ" vào làm xáo trộn cuộc sống vốn sang chảnh của cô ta. Con trai ông không chịu được sự dày vò của vợ ...

Đùn đẩy mãi cuối cùng đến ngày giỗ hết của bà thì ông được năm con trai, năm con dâu tống tiễn về quê.

Họ nhờ gửi anh con bác ở gần nhà nuôi giúp, mỗi thằng con chi một triệu, tổng năm triệu trong đó ba triệu công chăm sóc ông và hai triệu tiền ăn uống của ông. Nhẽ thế là hợp tình hợp lý quá còn gì nữa.

Rồi họ kéo nhau đi hết, họ đinh ninh cha mình sẽ được chăm sóc chu đáo.

Ai dè, những chuỗi ngày sau này của ông nó mới cơ cực lắm thay!

Bát cháo thịt băm ăn dở để trên nóc tủ cho ruồi bâu, đói ông lại lấy mà ăn.

Ông bà có hai chiếc giường chân cót rất đẹp, nhưng anh cháu kia không cho ông nằm hai chiếc giường đó mà cho ông nằm trên cái giường rẻ quạt cũ, giát giường cái gãy cái còn (anh cháu bảo ông sắp chết rồi, nằm giường đẹp chết đốt phí đi. Để hai cái giường ấy con cháu về chơi còn có cái mà nằm chứ).

Ông không chịu nằm vì đau lưng và đòi nằm võng. Ừ thì nằm võng, anh cháu họ đáp ứng liền.

Thế là từ đó cái võng làm bạn của ông cả ngày lẫn đêm.

Càng ngày ý thức của ông càng hỏng hẳn, ông chỉ nhìn khi có người hỏi đến mà không hề nói chuyện với ai.

Các con trai ông thi thoảng về thăm, ông cũng không nói chuyện với đứa nào. Chỉ đưa đôi mắt đục ngầu mệt nhọc nhìn đăm đắm vào mặt chúng ánh nhìn đầy hoài nghi, vô hồn!

Một lần nhà anh cháu có đám cưới, con cháu về khá đông đủ. Ánh mắt ông lơ đãng nhìn mọi người ra vào tấp nập. Ông đỡ đẫn gật gật cái đầu khi ai đó hỏi: ông có nhớ con không?

Cô cháu ngoại ở xa nay có dịp thể hiện tình cảm với ông, cô bưng bát cơm chan canh có đủ thức ăn xé nhỏ bước đến bên võng. Cô ngọt ngào: ông ơi, ông dậy ăn cơm nhé.

Vừa nói cô vừa luồn tay định nâng ông dậy.

Bỗng, một giọng nói lạnh lùng vang lên;

-Mày cứ để đấy tự ông ý ăn, ông ý vẫn tự xúc được. Mày làm thế ông ý hư, sau này ai hầu được!

Vừa nói anh ta vừa cúi xuống, một tay túm cổ áo pizama của ông đang nằm trên võng lôi dậy.

Ông đã ngoài 80 gầy gò vẻ mặt ngơ ngác, ánh mắt mờ đục như ngấn nước.

Đúng lúc đó có người bước tới nói :

-Cậu đừng làm thế, cứ để cháu nó đút cho ông ăn . Hôm nay con cháu về đông , ông nũng một tý cũng được mà.

Anh ta nghe tiếng cô nói thì buông tay ngẩng lên nhìn cô ngượng ngùng làu bàu vài câu rồi bỏ đi .

Cô kéo ghế ngồi xuống bên võng :

-Ông ăn đi. Ông có nhận ra con không?

Cụ nhìn cô một lúc rất lâu và gật gật đầu. Cô cháu gái tay bưng bát tô cơm đã chan canh và có giò, thịt luộc, thịt gà đã xé xúc từng thìa bón cho ông.

Cụ đưa bàn tay gầy guộc nổi những đường gân xanh ngoằn nghèo nắm lấy tay cô. Nhìn cụ mà nước mắt trong cô cứ chực trào ra, cô thủ thỉ mấy câu động viên cụ rồi bước ra ngoài khi có người tìm cô vào mâm cỗ.

Bước chân đi mà lòng cô cứ thắt lại, cô biết ánh mắt cụ đang dõi theo cô đau đáu!

Thi thoảng cô ghé thăm ông , hỏi ông có nhớ con không? Ông lại gật gật và ngân ngấn nước mắt!

Gần ba năm sau ngày bà mất thì ông đi ( nghĩa là ông về nhà được một năm). Ông đi nhẹ nhàng lắm, cứ ngàn dần như người ngủ vậy! Và tất nhiên, con trai con dâu ông lại về làm lễ báo hiếu rất to. Cỗ vài chục mâm ăn suốt ba ngày đêm, đội khóc kèn thi nhau tấu những khúc ca ai oán, xót thương .

Các con dâu hờ bố rằng :

'Nhà cao cửa rộng bố không ở, bố đi nằm sương gối đất một mình bố ơiiii...

Từ nay chúng con biết gọi ai là bố, bố ơiiiii...

Thương thế!

Cô lại lặng lẽ đi tiễn ông , lại thầm niệm Phật cầu mong linh hồn ông sớm gặp bà và siêu thoát !

Ông mất được bốn năm thì cậu trai thứ về xây ban thờ , vì nghe đâu con gái cậu ta càng lớn càng đơ đơ. Thế là cậu về chi vài chục triệu xây Củng lập bàn thờ, rồi còn đúc tượng để thờ, xây xong lễ to lắm mời các già trong làng đến dự, mỗi người ăn xong ra về đều được biếu một túi quà to tướng .

Ai cũng nức nở khen cậu ta là có Hiếu !