Tuân thủ đúng triết lý “phụ nữ độc bản” do bản thân khởi xướng, trong chị lúc nào cũng tràn đầy nguồn năng lượng trẻ trung, mới mẻ, thân thiện, đặc biệt là khát vọng vươn lên làm chủ cuộc sống của chính mình, tạo ra những giá trị tích cực và đích thực cho xã hội.
Phụ trách mảng Luật sư gia đình và Nhà sách di sản của Hệ sinh thái LP Group, nơi chị cùng chồng mình đồng sáng lập, điều hành và kinh doanh, luật sư Đậu Thị Quyên luôn cố gắng hết mình trên hành trình công lý, lấy lẽ phải làm căn cứ để đứng về phía phụ nữ và góp phần trong việc mang lại công bằng cho nhiều gia đình. Xã hội càng phát triển thì luật pháp càng giữ vai trò quan trọng. Đây cũng chính là lĩnh vực mà chị dành nhiều thời gian, tâm huyết nhất. Chị bộc bạch: “Tôi đồng hành với khách hàng chủ yếu là phụ nữ để tăng mức độ hiểu biết pháp lý cho họ và giải quyết các tranh chấp pháp lý trong cuộc sống mà nữ giới phải đối mặt”. Hành trình ấy đặt lên vai chị trọng trách của một luật sư và gửi gắm ở chị nhiệm vụ của một người tư vấn tâm lý, hòa giải, hàn gắn, xoa dịu những vết thương trong sâu thẳm trái tim những người phụ nữ yếu thế.
Là luật sư đã có gần 15 năm kinh nghiệm, hơn ai hết, chị hiểu rất rõ những khó khăn, thiệt thòi, tổn thương mà phụ nữ phải đối mặt trong các vụ tranh chấp, nhất là những người mẹ. Có những vụ việc khiến chị lặng người đi trong sự đau đớn, trăn trở. Đôi lúc, chị tự hỏi, cuối cùng, điều sót lại và quan trọng nhất của phụ nữ sau đổ vỡ hôn nhân là gì? Đa phần họ sẽ trả lời là được nuôi con và nhìn chúng khôn lớn, trưởng thành. Nhưng điều ấy hầu như trở nên rất đỗi xa vời, mỏng manh khi phụ nữ phải đối mặt với vấn đề ly hôn và tranh giành con cái với người đàn ông họ gọi là chồng”. Bởi vậy, chị luôn nỗ lực dùng pháp luật chân chính làm chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa công bằng cho phụ nữ được thực hiện đúng thiên chức cao cả của mình. Chị mạnh mẽ, kiên cường, sắc sảo, quyết đoán và có pha chút lạnh lùng nữa. Nhưng trước khoảnh khắc đoàn tụ thiêng liêng của tình mẫu tử, nhiều lần, chị không kìm được nước mắt.
Dù tuổi đời còn trẻ nhưng luật sư Đậu Thị Quyên đã đạt được những thành công viên mãn khiến nhiều người ngưỡng mộ. Ít ai biết rằng, để chạm tay tới điều đó, chị từng trải qua những gian nan, thử thách thế nào và phải đối mặt, vượt qua ra sao. Chị thổ lộ: “Nghèo khó chính là tài sản lớn nhất, là động lực để chị chiến thắng số phận”. Sinh ra trong một gia đình nông nghiệp có sáu chị em gái ở xã Tân Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), tuổi thơ chị là chuỗi tháng ngày chân lấm, tay bùn, bươn chải đủ thứ công việc từ cuốc thuê, cấy mướn cho đến việc lên rừng đốn củi, nhặt hạt dẻ. Chị còn nhớ những tinh mơ sáng mùa đông lạnh buốt, chị lóc cóc đạp xe hàng chục cây số đến trường trong cái bụng đói và những bộ quần áo phong phanh, mỗi vòng quay nặng nề của chiếc xe đạp cũ kỹ là một lần chị nhắc chính mình: “Quyên ơi hãy cố lên để tiến về tương lai phía trước”.Năm chị học lớp 8, cha chị đột ngột bị tai biến, mất khả năng lao động, gia cảnh vốn dĩ đã thiếu thốn đủ đường lại càng nghèo khó hơn.
Đã có lúc, Đậu Thị Quyên thầm nghĩ, nếu không kiên định với con đường giáo dục, thì cuộc đời mình có thể sẽ cùng chung đáp án như những cô gái thôn quê khác, học hết cấp hai, phụ giúp gia đình làm ruộng vài năm rồi lăn lộn vào nam làm thuê, kiếm một tấm chồng yên bề gia thất. May mắn, cha mẹ luôn động viên các chị em Quyên nhất định không được bỏ cuộc trên con đường học vấn. Từ điểm tựa đó, Đậu Thị Quyên tự tin vạch ra cho mình những mục tiêu cụ thể trong quá trình học tập. Thuở ấy, chị là cô trò nhỏ có năng khiếu văn chương vượt trội. Nhiều năm liền, chị luôn đạt giải trong các kỳ thi Học sinh giỏi môn Ngữ Văn. Lên trung học phổ thông, chị còn là cây bút chủ đạo của tờ nội san Tuổi trẻ Bắc Yên Thành với những truyện ngắn đẹp, tinh tế, thâm trầm, xúc động và luôn phảng phất một dư vị buồn man mác. Tuổi thơ chính là nguyên liệu đầy đủ nhất, dạt dào nhất để chị sáng tác. Chị viết như trút cả nỗi lòng vào từng câu chữ.
Những tưởng với nền tảng văn chương vững chắc như vậy, Đậu Thị Quyên sẽ chọn một nghề nghiệp liên quan đến viết lách. Nhưng tốt nghiệp trung học phổ thông, chị bất ngờ rẽ hướng sang chọn luật, nghề mà nhiều người nghĩ sẽ không phù hợp với một cô gái hiền lành, ít nói, hồn nhiên như chị. Chị đã chứng minh được thực lực của bản thân bằng việc đỗ thủ khoa khối C của hai trường: Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và Cao Đẳng Bách Việt. Sự kiện đó đã tạo ấn tượng mạnh mẽ cho vùng quê nghèo của chị. Chị trở thành “con nhà người ta” trong mắt mọi gia đình quê lúa. Vào đại học, chị càng quyết tâm phấn đấu và liên tục giành được học bổng, đủ để lo liệu chi phí học tập và sinh hoạt giữa thành phố phồn hoa, đắt đỏ. Bên cạnh đó, chị còn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, thiện nguyện. Từ một cô gái hướng nội, Đậu Thị Quyên nhanh chóng nhập cuộc, hòa mình vào dòng chảy sôi nổi, nhiệt huyết của tuổi trẻ thời sinh viên.
Tất cả những điều đó đã được chị gói ghém trong “Để thời sinh viên không nhạt”. Cuốn sách trước hết là những trang tản mạn mang đậm màu sắc nhật ký, hồi ức của riêng chị, sau nữa là cẩm nang sống quý giá mà sinh viên nào cũng nên sở hữu. Hóa ra, nghiệp chữ vẫn âm thầm cháy trong chị, đợi một lúc thích hợp sẽ bật ra theo cách này hay cách khác. Để rồi, tiếp nối dấu mốc ấy, chị liên tục cho ra đời những cuốn sách được bạn đọc và giới chuyên môn đánh giá cao như: “Phụ nữ độc bản - Bí quyết tạo dựng di sản dành cho nữ giới”, “Hôn nhân độc bản - Hành trình có 1-0-2”, “Tay hòm chìa khóa - Bí quyết quản lý tài sản cho người chưa giàu”. Cả ba ấn phẩm trên đều được vinh danh “Cuốn sách cuộc đời” bởi những “bí kíp”, kinh nghiệm sống hạnh phúc, tự chủ dành cho phụ nữ và cả những tâm tư đau đáu chị gửi gắm trong từng trang sách.
“Phụ nữ độc bản” - tự tin, bản lĩnh, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm. Quan tâm sâu sắc các vấn đề xã hội ở nước ta nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng, chị thấu hiểu rằng, ở quê cũng có nhiều vụ tranh chấp pháp lý cần người luật sư đứng ra giải quyết và đồng hành với người dân. Vậy nên, chị đã quyết định làm việc đa khu vực, mở thêm chi nhánh luật ở Nghệ An. Song song với sự nghiệp luật sư, chị đầu tư khai thác hiệu quả hoạt động của Nhà sách di sản - nơi đã đỡ đầu cho rất nhiều cuốn sách của các tác giả Việt Nam và nước ngoài, có những ấn phẩm đặc sắc đi sâu vào tư duy và thay đổi cuộc đời của hàng nghìn người. Nhà sách di sản là một thương hiệu đặc biệt trong làng xuất bản. Chị chia sẻ: “Tôi yêu sách và muốn đầu tư phát triển dòng sách thuộc về di sản của mỗi người. Sách không chỉ là nơi chưng cất sự hiểu biết và trí tuệ của mỗi tác giả, mà đó còn là nơi ghi dấu giá trị và di sản trong sự nghiệp của mỗi người”. Như một thứ quy luật, muốn tạo được giá trị cho xã hội, mỗi người chúng ta phải tạo được giá trị cho chính mình trước đã.
Đằng sau hào quang thành công trong vai trò luật sư hay tác giả viết sách là một Đậu Thị Quyên âm thầm với những hoạt động thiện nguyện như trao học bổng cho sinh viên vượt khó, hỗ trợ bệnh nhân hiểm nghèo... Mười năm qua, chị luôn tâm huyết với sứ mệnh “gieo hạt từ tâm, nảy mầm hạnh phúc”. Hiện tại, chị đang là “người mẹ thứ hai”, nhận đỡ đầu hai cháu nhỏ mồ côi. Chị bùi ngùi xúc động: “Ai đã từng làm mẹ, đều mong muốn làm điều tốt nhất cho con của mình. Kể cả khi nhắm mắt xuôi tay vẫn luôn mong con mình sẽ gặp được người nào đó yêu thương, quan tâm, che chở, coi như con của họ”.Không những thế, chị còn rất chú trọng vào sự nghiệp giáo dục qua việc đầu tư xây dựng thư viện với hàng nghìn đầu sách có giá trị cho trường Trung học cơ sở Tân Thành, nơi chị từng theo học. Trong tương lai, chị muốn được góp một phần công sức bé nhỏ, cống hiến nhiều hơn cho mảnh đất quê hương Xứ Nghệ.
Có thật nhiều danh xưng cao quý đính kèm vào cái tên Đậu Thị Quyên. Nhưng đối với chị, là ai không quan trọng bằng việc làm được gì. Nguyên tắc “phụ nữ độc bản” không chỉ dừng lại ở việc sống tích cực, thiết thực, tự chủ… dành cho phụ nữ, mà điều cần thiết hơn hết là biết nhìn nhận những hạn chế của bản thân để không ngừng hoàn thiện từng ngày như cách người ta đặt những viên sỏi nhỏ xây dựng một con đường lớn. Bởi lẽ, hoàn hảo là khi nhìn ra khuyết thiếu.