“Xa cách” theo kiểu Nguyễn Bính

Phạm Văn Tình

16/09/2021 00:06

Theo dõi trên

“Em van anh đấy, anh đừng yêu em” là câu thơ thứ tư (và câu cuối cùng) trong bài thơ “Xa cách” của Nguyễn Bính:

nha-tho-nguyen-binh-1631715315.jpg
Nhà thơ Nguyễn Bính. Ảnh internet

Nhà em cách bốn quả đồi

Cách ba ngọn suối, cách đôi cánh rừng

Nhà em xa cách quá chừng

Em van anh đấy, anh đừng yêu em!

Bài thơ rất ngắn nhưng có cấu tứ rõ ràng và chặt chẽ. Đã có khá nhiều cây bút văn chương viết lời bình. Vì vậy, trong bài này, tôi chỉ khai thác bài thơ ở một khía cạnh khác.

Toàn bài thơ là một lập luận 3 luận cứ: Nhà em (em: tức cô gái vào vai chủ thể phát ngôn) quá cách xa “nhà anh”. Cách ba mức với ba sự vật gây cản trở: 1) bốn quả đồi, 2) ba ngọn suối, 3) đôi cánh rừng. Có người lấy con số lùi (4, 3, 2) để làm căn cứ phân tích, rằng cô gái rút ngắn khoảng cách như thế là có ý “xích lại gần anh”, “làm cho anh bớt ngại”. Nhưng đó cũng chỉ là một suy đoán. Nhà thơ muốn có một “thứ tự thơ (theo ý đồ thuộc kĩ năng sắp xếp sự tình)” chứ không nhằm giảm “mức độ xa” (nói bớt dần đều). Bởi vần “đôi” (được coi là hai, chứ đôi có thể vài ba: đôi câu chuyện làm quà = dăm ba câu chuyện làm quà) nằm ở câu bát nên hai vế trên (câu lục) dùng từ “bốn” và “ba” đẹp hơn. Nếu ngẫu hứng có thể viết “…cách sáu quả đồi/ Cách năm ngọn suối, cách đôi cánh rừng” hay “…cách tám quả đồi/ Cách mười ngọn suối, cách đôi quãng rừng” hay “cách hai quả đồi/ Cách hai ngọn suối, cách đôi cánh rừng”… Nhưng trật tự đó lộn xộn quá, không có chất nghệ thuật. Sự liệt kê trên của nhà thơ mang tính ước lệ, là sự bổ sung cho các luận cứ đồng hướng: Thực tế, nhà em và nhà anh quả là cách xa nhau. → Vì vậy mà…

Đấy là cô gái nghĩ thế chứ nói chung người bình thường không nghĩ thế. Tưởng là xa cách gì, chứ “bốn quả đồi, ba ngọn suối, đôi cánh rừng” chưa là gì cả. Với mọi chàng trai cô gái thì “Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua”. Chàng sẵn sàng vượt qua tất cả để đi “cuối đất cùng trời” miễn là được bên nàng. Cách Nam cách Bắc, cách “Tây Nguyên, Công Tum, Đắc Lắc” hay tận “Khu Năm dằng dặc khúc ruột miền Trung” còn chẳng ngại chứ cách mấy cái núi cái suối kia đã là cái đinh gì.

Câu kết của bài thơ (Em van anh đấy anh đừng yêu em) thể hiện hành vi ngôn ngữ “khẩn cầu”. “Van” là “nói khẩn khoản, thiết tha và nhún nhường để cầu xin điều gì”. Đó là hành động của ai đó trong một tình cảnh khốn cùng, phải nhờ người khác động lòng trắc ẩn: Tôi van bác sĩ, hãy hết lòng hết sức cứu lấy con tôi; Con van ông, ông tha cho con lần này; Van thầy, cho em một cơ hội… Cô gái “van” chàng trai hãy dừng việc “yêu” mà lí lẽ thuyết phục chàng trai chỉ vì cái sự xa chẳng đáng gọi là xa ấy. Cứ cho là trong thời gian yêu em, anh phải xông pha lội suối băng rừng đi. Nhưng chỉ là sự vất vả nhất thời. Khi chúng mình thành thân thì em về nhà anh chứ đi đâu mà vất vả. Năm đôi ba bữa ta quay về thăm bố mẹ cũng được mà. Công chúa lấy thằng bán than, nó lên ngàn cũng phải theo. Em hãy đi theo anh theo tiếng gọi trái tim. Còn anh, vì em anh sẵn sàng “kéo non cao xuống thấp”, “Xé mây cho sáng trăng vàng/ Khai sông nối bến cho nàng về anh”.

Theo tôi nghĩ, câu này chắc cô gái muốn thử lòng chàng trai. Rằng tình duyên của chúng ta đang có sự ngăn cách không gian. Em cũng không muốn vì em mà anh phải vất vả nhiều bề. Anh hãy lường tới trở ngại đó mà liệu sao cho phải nếu anh chấp nhận đến với em.

Nếu đã “phải lòng” chàng trai mà cô gái khuyên “đừng yêu em” như thế thì cô quả là thiển nghĩ, chưa từng trải, chưa hiểu hết tình yêu của chàng và thực tế là chưa yêu hoặc chưa yêu hết lòng (nên mới khuyên chàng thôi đeo đuổi để mình “rảnh tay” tìm một “phò mã” xứng đáng hơn). Chứ nếu yêu tha thiết thì cô sẽ bất chấp mà khuyên chàng rằng: “Nhà em (và nhà anh) xa cách quá. Vậy nếu chúng ta thực bụng thương nhau, để cho anh (và cả em) đỡ vất vả thì cách tốt nhất là chúng mình lo chuyện yên bề gia thất càng nhanh càng tốt”:

Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng

Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?

Đan sàng, thiếp cũng xin vâng

Tre non đủ lá, cuối năm tre sẽ già.

 

Bạn đang đọc bài viết "“Xa cách” theo kiểu Nguyễn Bính" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn