Hình tượng người lính thành cổ Quảng Trị trong văn chương

Chiến dịch phòng ngự Thành cổ Quảng Trị là bản hùng ca bất diệt về sự kiên cường, lòng dũng cảm của Bộ đội Cụ Hồ. Bản tráng ca hào hùng ấy đã trở thành đề tài, nguồn cảm hứng cho các nhà văn, nhà thơ sáng tác với nhiều thể loại như tiểu thuyết, nhật ký chiến trường, thơ... để lại một dấu ấn khó phai trong nền văn học cách mạng thế kỷ 20.

quangrr-1658575753.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Khắc họa tinh thần người lính kiên cường, quả cảm

Chiến dịch phòng ngự Thành cổ Quảng Trị hội tụ nhiều nhà văn, nhà thơ qua các thời kỳ. Ngay trong chính cuộc chiến, đất lửa Quảng Trị đã có cho mình một thế hệ nhà văn, nhà thơ mặc áo lính. Nhiều tác giả từng xuất hiện trên chiến trường này đã trở thành những gương mặt tiêu biểu của thế hệ văn chương chống Mỹ, có thể kể đến như Anh Ngọc, Nguyễn Thụy Kha, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Trung Thu, Nguyễn Đức Mậu, Phạm Đình Lân, Trần Lê An, Nguyễn Hồng Hà... Sau này, đề tài về chiến dịch phòng ngự Thành cổ Quảng Trị còn trở đi trở lại trong văn chương, mang đến những góc nhìn chi tiết, nhiều ám ảnh về cuộc chiến như các tiểu thuyết: “Mưa đỏ” của Chu Lai, “Quảng Trị 1972” của Nguyễn Quang Vinh...

Nhắc đến văn xuôi là nhắc đến những ưu thế lớn trong việc xây dựng và tái hiện bối cảnh không gian, tạo điểm nhấn qua những tình tiết, diễn biến của cốt truyện. Cũng vì vậy, văn xuôi viết về chiến dịch phòng ngự Thành cổ Quảng Trị đã khắc họa chân thực chân dung người lính trên cái nền bao quát của hiện thực chiến tranh. Tái hiện chiến dịch phòng ngự Thành cổ Quảng Trị, các tác giả có chung những nét khái quát về hình tượng người lính trong một khoảnh khắc, lát cắt đặc biệt của lịch sử dân tộc.

Cảm hứng chủ đạo được các tác giả viết về cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị sử dụng là ngợi ca lý tưởng cống hiến, lên đường của những người lính tuổi đôi mươi. Trong số đó, những người lính sinh viên mang đến màu sắc đặc biệt cho cuộc chiến. Ngày 6-9-1971 trở thành dấu ấn lịch sử của sinh viên Hà Nội khi hơn 30 trường đại học, cao đẳng đã chia tay gần 10.000 sinh viên lên đường. Sau thời gian huấn luyện, đa số các sinh viên ấy được chi viện cho tuyến lửa Quảng Trị.

Thời khắc thiêng liêng đó đã được Nguyễn Văn Thạc ghi lại qua dòng nhật ký: “Mình đã khóc, nước mắt giàn giụa, khi các bạn đến tiễn mình đi, khi buổi lễ kết thúc, khi bài Quốc ca rung bầu không khí trong lành trên trường Tổng hợp. Bản nhạc này đây, bao lần mình đã nghe, đã cúi đầu suy nghĩ. Nhưng hôm nay mới thực hiểu, thực cảm một điều giản dị: Bài Quốc ca của ta, của ta! Khóc, không phải vì hèn yếu, không phải vì buồn bã, mà vì xúc động. Vì buổi chia tay này thiêng liêng quá”(1) .

Tại Thành cổ Quảng Trị, những người lính phải đối diện với hiện thực chiến tranh khốc liệt. Họ bắt đầu bằng những đêm vượt sông Bến Hải đầy trắc trở trong tầm đạn pháo ken dày của giặc. Những người lính vượt sông bằng đủ các loại phương tiện: Xuồng cao su, thuyền dân, phao ni lông, dây cáp chằng ngang sông của lính công binh... Họ phải đối diện với các loại pháo, B52 rải thảm, bom, súng 12 ly 8 hỏa lực địch bắn chéo cánh sẻ trên mặt sông. Giữa hiện thực chiến tranh khốc liệt ấy, những người lính được khắc họa với vẻ đẹp trong chiến đấu mang màu sắc hào hùng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nổi bật hơn cả là những người chỉ huy gương mẫu, sáng suốt và trách nhiệm. Với bút pháp ngợi ca quen thuộc, Chu Lai đã xây dựng hình ảnh Trung đoàn trưởng Vũ Thành trong “Mưa đỏ” là người đã sát cánh cùng bộ đội từ ngày đầu đến giây phút cuối cùng 81 ngày đêm ác liệt. Ngay trong ngày đầu họp cùng Tư lệnh mặt trận Lê Trọng, dù biết nhiệm vụ giữ Thành cổ là vô cùng khó khăn nhưng ông vẫn kiên quyết: “Trung đoàn Sông Hương anh hùng xin hứa với Tư lệnh và Quân ủy sẽ giữ được thời gian lâu nhất có thể”.

Đó còn là Đại đội trưởng kiêm Chính trị viên đại đội Đặng Huy Cường thể hiện rõ sự nhanh nhẹn, chiến đấu kiên cường dưới lưới bom hủy diệt và những trận đột kích bất ngờ của kẻ địch. Trong trận giáp mặt với kẻ thù lần đầu, Huy Cường đã phát huy tố chất thông minh bằng việc vận dụng lối đánh trận hồi nhỏ. Những quả lựu đạn được ném vòng có chủ đích làm kẻ địch co cụm lại như cá trong bẫy, chỉ chờ tiểu đội của Huy Cường tiêu diệt. Huy Cường cũng đã chặn đứng đợt cắm cờ của Đại đội Hắc Báo do Nguyễn Văn Quang chỉ huy.

Đến với cuộc chiến này, mỗi người lính đều có số phận riêng, cuộc đời riêng. Họ là những con người tài năng, nhiều hoài bão, ước mơ, hào hoa và lãng mạn trong chiến đấu. Các độc giả đã tiếp cận cuốn nhật ký của Trần Quốc Hưng đều có chung cảm nhận về những người lính với khát khao, mơ ước về tương lai hạnh phúc. Đó là những điều ước giản dị giữa cuộc chiến khốc liệt mà họ đang tham dự: “Tôi chỉ muốn cho ngày thống nhất đến nhanh hơn nữa để tôi được trở về trường học tiếp cùng với các bạn tôi hoàn thành sự nghiệp của mình. Và rồi tôi sẽ xây dựng hạnh phúc-sống hạnh phúc. Khi đó có lẽ tôi cũng không đòi hỏi gì cao hơn là chúng tôi được sống cùng nhau trong một căn phòng ấm cúng. Khi đó vợ tôi ngày ngày sẽ tới viện làm việc, còn tôi cũng sẽ làm việc trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, cái mà tôi vẫn ôm ấp từ lâu”(2).

Còn trong tiểu thuyết “Quảng Trị 1972”, Nguyễn Quang Vinh đã dành nhiều trang viết để nhớ về những người lính tuổi đôi mươi đầy mộng mơ. Họ đã từng chiến đấu, hy sinh ngay trên mặt trận ác liệt nhất. Những người may mắn lành lặn rời chiến trường trở về quê hương tiếp tục học tập, cống hiến như Lê Thanh Bình tốt nghiệp Đại học Bách Khoa làm giám đốc công ty, Ngô Duy Minh mang quân hàm Đại tá, Trưởng khoa Bệnh viện 198, Bình “cống” tốt nghiệp Đại học Kinh tế Kế hoạch làm trưởng phòng tổ chức công ty may...

"Có tuổi hai mươi thành sóng nước"...

Nếu như văn xuôi mang đến cho độc giả những bình diện lớn của thời cuộc thì thơ ca viết về hình tượng người lính trong chiến dịch phòng ngự Thành cổ Quảng Trị lại lựa chọn những lát cắt cảm xúc riêng biệt. Điểm nổi bật nhất ở những người lính tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị xuất phát từ việc số đông là trí thức, sinh viên hồ hởi lên đường tham gia tiếp viện cho chiến trường.

Cũng chính vì vậy, hình tượng người lính trong thơ ca cũng mang trong mình dáng dấp, suy tư của những trí thức trẻ đầy nhiệt huyết khi bước vào cuộc chiến khốc liệt. Đó là Trần Lê An với “Mùa hè đỏ lửa” được sáng tác ngay trên chiến trường: “Từ Cổ Thành lửa chia về mọi ngả/ Mang hồn lửa cầu vồng từ ngọn súng tay ai/ Lửa học trò phượng nghiêng nghiêng cửa sổ/ Lửa tình yêu nhóm nhen từ lửa hoa/ Cùng lửa cờ múa reo cùng lửa nắng/ Bừng cháy giữa miền đất đai chiến thắng”. Hay màu “Cát trắng” trong mắt Nguyễn Thụy Kha ánh lên hình hài của người lính tuổi đôi mươi: “Có một mùa hè/ Mùa hè 1972/ Cát trắng Quảng Trị in bóng những người lính trẻ măng trinh trắng/ Những người lính đôi mươi, mười tám/ Từ những miền quê phương Bắc tụ quần/ Họ nói cười họ hát vang vang/ Những hành khúc ra trận”.

Giữa xáo trộn của cuộc chiến, người lính vẫn chọn cho mình những góc nhỏ bình yên. Khoảnh khắc ấy được Nguyễn Đức Mậu khắc họa trong “Chép lại một chân dung” với hình ảnh: “Người binh nhất ngồi trong hố cá nhân/ Mồm nhai lương khô/ Mắt dần khép lại/ Anh vừa ăn, vừa ngủ/ Khẩu súng tựa vào bờ vai thảnh thơi/ Trước mặt anh dòng sông Thạch Hãn/ Sau lưng anh đám cháy lan tràn/ Riêng giấc ngủ quá chừng êm ả/ Mắt khép vào cho trời đất bình yên”.

Hình tượng người lính trong thơ ca viết về cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị là bản tráng ca hào hùng của cuộc chiến tranh vệ quốc. Những người lính bước vào cuộc chiến với tư thế của người viết nên lịch sử cho dân tộc. Những mất mát, đau thương của cuộc chiến, cũng vì vậy mang màu sắc trân trọng, đồng cảm, hào hùng hơn là bi lụy, sợ sệt.

Hoàng Trần Cương trong “Quặng lửa” nhắc đến khoảng trống mênh mông giữa hai trận đánh: “Con run run vuốt xuôi đôi mắt/ Đồng đội con chưa kịp nhắm/ Bỗng chạm phải/ Một vệt sáng long lanh nóng hổi/ Nước mắt của chính mình bỏng rát trên môi/ Cái khoảng trống giữa hai trận đánh/ Thường được lấp đầy như thế mẹ ơi/ Bao nhiêu khoảng trống qua rồi/ Bao nhiêu đồng đội con nằm lại”. Không thể kể hết những người lính đã hóa thân vào đất đai, cây cỏ, núi sông của Tổ quốc. Xúc động nhất là những dòng thơ khắc tạc nên tượng đài bình dị của người lính trong thơ Lê Bá Dương: “Đò xuôi Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”.

Xây dựng những hình tượng làm lay động người đọc

Có thể thấy, văn chương viết về chiến dịch phòng ngự Thành cổ Quảng Trị đã phản ánh, đúc kết và xây dựng hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn gian khó, khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Văn chương viết về cuộc chiến đấu đã tái hiện không gian chiến trường tàn khốc với bút pháp tả thực khiến người đọc đôi khi không tránh khỏi những ám ảnh. Khuynh hướng thiên về ký sự đã bộc lộ những thuận lợi trong khắc họa không gian chiến trận.

Theo nhận định của Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội: “Văn học gần đây có khuynh hướng thiên về ký sự, mô tả sự thật như nó vốn có. Trong đó, sự thật cuộc chiến đấu Quảng Trị năm 1972 hào hùng và tiêu biểu đến nỗi không cần tới hư cấu. Và cũng bởi không cần đến hư cấu nên văn học viết về cuộc chiến đấu đã tạo dựng những hình tượng có sức lay động sâu sắc tới người đọc”.

Văn chương viết về người lính chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị như một lát cắt ngắn trong hành trình văn chương kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cũng vì vậy, nó không đủ dài để mang đến sự đồ sộ, lớn lao khắc họa hoàn cảnh, số phận của người lính trong suốt một thời kỳ lớn. Dù vậy, hình tượng người lính giai đoạn này vẫn tạo nên sức hấp dẫn với người đọc khi đặt họ đối diện khoảnh khắc có đầy đủ những âm vang khốc liệt và căng thẳng của cuộc chiến.

Điểm nổi bật của văn chương viết về cuộc chiến đấu Thành cổ Quảng Trị là khắc họa ấn tượng, giàu sức gợi về hình tượng những người lính sinh viên mang trong mình bao ước mơ, lý tưởng chiến đấu. Họ mong muốn được đóng góp mình trong sứ mệnh chiến đấu giải phóng dân tộc thiêng liêng. Những người lính còn trẻ, rất trẻ ấy đã tự nguyện lên đường hiến dâng mình cho lý tưởng cao đẹp. Văn chương đã khai thác sâu những góc trạng tâm lý, hành động với những rung cảm nhạy bén của những người lính trẻ trong cuộc chiến.

Cũng vì thế, người đọc có thể bắt gặp ngay trong vẻ kiên gan, kiêu hùng là nỗi nhớ mẹ, nhớ người yêu, tình cảm đồng đội, quân dân trong sáng. Giữa tiếng gầm rú của máy bay phản lực, tiếng ầm ì của bom đạn còn là tiếng cười trong trẻo của cô du kích, tiếng chim kể chuyện trên chốt... Đó là những khoảng lặng vá lại vết thương nơi chiến trận khốc liệt.

Với đặc trưng và sức mạnh riêng của văn chương, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đã được lan tỏa sâu rộng và bền vững qua sáng tạo nghệ thuật độc đáo viết về cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Những tượng đài đầy quả cảm, kiêu hãnh của thế hệ người lính thời “trang giấy thép” đã tạo nên dấu ấn sâu đậm, không thể trộn lẫn, khó phai mờ trong lòng người đọc.

-------------

(1) Đặng Vương Hưng, Mãi mãi tuổi hai mươi, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2005, tr.33.

 

(2) Nhiều tác giả, Một thời hoa lửa - câu chuyện về một thế hệ đã làm nên huyền thoại, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, 2012, tr.199

Trái Tim Người Lính