Viếng thăm thành cổ Quảng Trị

Chúng tôi 5 cán bộ chiến sỹ c8- d5 đi thăm chiến trường xưa Trảng Bom, Đồng Nai, kết hợp đi du lịch từ thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Đồng Xoài, Nha Trang và thành phố Huế.

Sau khi tham quan các danh lam thắng cảnh, đi thuyền rồng thưởng thức các món ăn đặc sản Huế vừa về đến nhà đêm đã về khuya thì nhận được điện thoại của phó giáo sư tiến sỹ luật Hà Thị Mai Hiên" sáng ngày mai em từ Hà Nội bay vào Huế, em mời các anh đi thăm thành cổ Quảng trị mọi việc em lo tất tần tật- và mời các anh dùng bữa sáng tại khách sạn trước lúc đi, em trân trọng mời các anh đó". Rất ngưỡng mộ tấm lòng và nhiệt tình của Mai Hiên đối với anh em chúng tôi. Là người viết bài cũng rất xúc động không thể viết- diễn tả hết được cảm xúc dâng trào của các thành viên trong đoàn, chỉ biết cảm ơn- cảm ơn Mai Hiên thật nhiều. Nhưng vì bận công việc ở quê nhà, đêm hôm đó anh Trí, Sơn, Tuệ lên xe ra Hà Tĩnh, trước khi đi các anh nhờ chúng tôi gởi lời cảm ơn Mai Hiên.

ch1quang-tri-1658569434.jpg
Mai Hiên lúc tốt nghiệp đại học ở Liên Xô

 

Sáng mai đúng hẹn tôi và Võ Tá Nam đến dùng bữa sáng cùng với Mai Hiên ở khách sạn sau đó lên đường ra thành cổ Quảng Trị thắp hương cho các anh hùng liệt sỹ đã chiến đấu dũng cảm và anh dũng hy sinh trong 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ, thả hoa trên trên bến sông Thạch Hãn, viết đến đây tôi nhớ bài thơ của Lê Bá Dương:

" đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi 20 thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm".

Gần đến thành cổ chúng tôi vào chợ mua hương và chọn những hoa đẹp và tươi thắm nhất. Trước cổng thành cổ hàng đoàn xe dài chở các đoàn khách của nhiều tỉnh thành đến dâng hương và thả hoa trên sông Thạch Hãn.

ch2quangtri-1658569549.jpg
Hình ảnh ở thành cổ Quảng Trị.

 

Những ngày này dòng người vẫn đổ về thành cổ Quảng Trị đến bên bờ sông thắp những nén hương thơm, dâng những đóa hoa tươi thắm tri ân các anh hùng liệt sỹ và nhắn nhủ nhau:

" nhẹ chân và nói khẻ thôi

Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ

Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió

Ru mãi bài ca bất tử đến vô cùng".

( thơ Phạm Đình Lân)

Các nhà khoa học quân sự ước tính trung bình mỗi chiến sỹ quân giải phóng ở đây phải hứng chụi trên 100 quả bom và hơn 200 quả đạn pháo. Bom đạn Mỹ trút xuống chiến trường Quảng Trị khoảng 328 nghìn tấn, sức công phá tương đương với 7 quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống vào 2 thành phố của Nhật Bản năm 1945.

Tham gia bảo vệ thành cổ Quảng Trị có rất nhiều đơn vị thuộc các trung đoàn và sư đoàn khác nhau. Đơn vị vào trước chiến đấu thương vong nhiều được rút ra đơn vị khác vào thay, cứ thế mỗi đêm có khoảng một đại đội vượt sông Thạch Hãn, đồng thời đưa thương binh tử sỹ ra. Bến sông Thạch Hãn trở thành tọa độ mà các trận địa pháo địch đã tính phần tử sẵn, máy bay của địch sẵn sàng trút bom xuống các bến sông này khi thấy có dấu hiệu bộ đội ta vượt sông. Bởi vậy hy sinh của bộ đội trên bến sông là rất nhiều. Tuy vậy các đơn vị được lệnh vượt sông Thạch Hãn đã cố gắng tìm mọi cách vượt sông để vào chi viện cho lực lượng bảo vệ thành cổ.

Hôm chúng tôi vào dâng hương và thả hoa xuống sông Thạch Hãn thì có rất nhiều đoàn, đặc biệt hơn cả có đoàn khoảng 5- 7 CCB chiến đấu bảo vệ thành cổ năm xưa được đài VT1 phỏng vấn quay phim trực tiếp. Một CCB khoảng 69- 70 tuổi đang kể từng vị trí của tiểu đội của mình chiến đấu, trong đó có lao xá. Lao xá địch xây nữa chìm nữa nổi rất kiên cố, đồng chí ấy kể đại ý" lao xá địch xây dựng nếu bắt được bộ đội ta chúng giam vào đó, có lúc biến thành lô cốt rất kiên cố. Hôm đó một mình tôi( đồng chí ấy) tiêu 3 tên địch trong lô cốt dã chiến sau đó dựa vào lô cốt này tôi( đồng chí ấy) chiến đấu rất dũng cảm đã tiêu diệt nhiều sinh hỏa lực của địch".

Sau khi thắp hương xong chúng tôi vào phòng trưng bày hiện vật. Nơi đây từng đoàn khách đến rất đông, một không khí trầm mặc- lặng như tờ chỉ nghe tiếng các hướng dẫn viên đang thuyết minh cho các đoàn. Xúc động nhất là hình ảnh mô phỏng các anh giải phóng quân ngồi với nhiều tư thế khác nhau đang cầm súng. Là người lính chiến, tôi hình dung được sự cam go, ác liệt của các anh trong 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị.

Chúng tôi lên xe để đến bến sông thắp hương và thả hoa xuống dòng sông Thạch Hãn. Vâng cách đây 50 năm- năm 1972, trong 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ, cứ đợi đêm xuống các anh lại anh dũng vượt sông dưới mưa bom bão đạn của địch để vào thành cổ. Các anh bất chấp sự ác liệt, hiểm nguy và hy sinh- máu thịt các anh hùng liệt sỹ hòa quyện cùng sông nước.

Các đơn vị bảo vệ thành cổ Quảng Trị có rất nhiều sinh viên, giảng viên các trường đại học Hà Nội, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh. Cảm động nhất và linh thiêng nhất là bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh viết giử về cho mẹ, anh chị em ruột và người vợ mới cưới 7 ngày. Bức thư anh viết vào ngày thứ 77 trong 81 ngày đêm".........con viết mấy dòng cuối cùng trước khi đi nghiên cứu bí mật dưới lòng đất....." đặc biệt anh dặn người vợ mới cưới" ngày thống nhất em hãy vào Nam tìm anh, đường đi như sau: đi tàu vào Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh hy sinh. Từ thị xã qua cầu ngược trở lại hỏi thăm Nhân Biều 1. Nếu tính xuôi dòng sông thì mộ anh nằm cuối làng". Không ai ngờ rằng làng xóm bị bom đạn Mỹ tàn phá như vậy nhưng 30 năm sau gia đình liệt sỹ theo hướng dẫn trong bức thư họ đã tìm mộ anh. Xúc động quá- xúc động không cầm được nước mắt. Liệt sỹ Lê Văn Huỳnh quê xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Anh là sinh viên năm thứ 4 khoa xây dựng trường đại học bách khoa Hà Nội.

Sau khi viếng thắp hương và thả hoa xuống sông Thạch Hãn để tri ân các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị, chúng tôi lên đường về Huế và dùng bữa trưa tại Huế.

Tối hôm đó Mai Hiên mời gia đình tôi cùng Tá Nam qua ăn tối tại khách sạn và cũng là chia tay để ngày mai- Mai Hiên bay ra Hà Nội, còn Tá Nam về tp Hà Tĩnh. Cuộc gặp mặt thật vui, đêm đã gần khua chúng tôi tạm chia tay.

Tạm biệt Mai Hiên, tạm biệt Tá Nam- cảm ơn Mai Hiên thật nhiều- hẹn ngày gặp lại nhé!