Trong tình cảm “máu mủ” của người cha đối với các con, chắc chắc dành cho con gái trìu mến nhất, bởi con gái thực sự là “công chúa” trong con mắt những người cha. Có lẽ vì điều này, nên những nhà thơ nữ thường viết về người cha của mình nhiều hơn và thành công hơn chăng?
Chưa có ai thống kế để khẳng định điều này. Tuy nhiên, tiếp cận với thơ Hồ Minh Thông, có thể xem đó là nhận định, có cơ sở.
...
Tuổi thơ tôi lấm lem hồn nhỏ
Ríu ríu theo cha lạc giữa mùa
Tay níu lá, tay giữ cha chếch choáng
Men rượu nồng ướp ngập cả lòng tay
(Tuổi thơ tôi)
Từ bé, nhà thơ Hồ Minh Thông đã được nũng nịu, “nương tựa” vào cha. Ngược lại, người cha đã dành cho chị với tất cả bao la. Ký ức về những ngày còn bé bên cạnh cha mình chảy vào tâm hồn chị. “Đêm trở dạ”, NXB Văn học năm 2019 gồm 83 bài thơ, trong đó có nhiều bài thơ viết về cha, hoặc nhắc đến cha. Cha từ hiện thực đời sống khúc xạ qua tâm hồn chị trở thành nhân vật của của thi ca. Đó là “Tuổi thơ tôi”, “Tháng chạp của con”, “Tháng giêng”, “Tìm cha”, “Khi tôi tỉnh giấc”.
Với Hồ Minh Thông, trong ký ức còn nguyên đó hình ảnh người cha tần tảo, lo lắng cho con vô điều kiện: “Tháng Chạp về / Cha đi tìm những cọng cỏ vàng khô / Đốt lên thành hơi ấm / Cho con hong mình”, (Tháng Chạp của con). Tháng Chạp thường mưa rét, nhất là vùng đất Xứ Nghệ, rét ngọt ngào, căm căm vào từng thớ thịt. “Thôi đừng tìm nữa cha / Sương muối trắng trên mái đầu tóc trắng / Bàn tay cha chai sạn / Đóng kín những ưu tư”, những dòng thơ xa xót, xúc động. Người cha của nhà thơ đại diện cho những người cha miền Trung, một thời nghèo khó.
...
Tháng tư về, trắng xóa bức tường vôi
Cha lặng lẽ tựa mình vào sương khói
Chén rượu lẫn nỗi sầu thương uống vội
Vẫn nhói lòng khi mùa đã vừa sang
Tháng tư về như một chuyến đò ngang
Trôi âm thầm qua bên kia bến đợi
Chẳng hay biết mắt mẹ buồn rười rượi
Đò có kịp quay về trong nắng ấm ngày sau?
(Tháng tư về)
Qua thơ Hồ Minh Thông, hình ảnh người cha được khắc họa thành một thân phận với nhiều day dứt, đau xót của người con khi nghĩ về. Đó là một nỗi ám ảnh lặp đi lặp lại trong nhiều bài thơ… “Cha ríu chân không đuổi kịp từng mùa bão gió / Gió theo gió bay đi, tháng giêng sẽ quay về” (Tháng Giêng).
Không ai sống mãi trên cõi đời này. Trong kiếp nhân sinh, mỗi người sinh ra và lớn lên, già cả bệnh tật rồi mất đi. “Sinh, lão, bệnh, tử ” âu cũng là quy luật của tự nhiên. Vẫn biết như vậy, nhưng khi phụ thân, phụ mẫu mất đi, nỗi đau của những người con, nhất là con gái, khó nói hết thành lời.
...
Khi tôi tỉnh giấc cha tôi đã đi xa
Nắng cuối hạ, gió Lào lùa rát mặt
Con đường xưa bỗng nhiên xa ngút mắt
Giữa thăm thẳm muôn trùng, tôi biết níu vào đâu?
(Khi tôi tỉnh giấc)
Người cha nào cũng vậy, họ có thể chưa hoàn hảo nhưng luôn yêu thương những đứa con theo cách hoàn hảo nhất. Mất cha là mất sự chở che, mất tình yêu thương. Những câu thơ của Hồ Minh Thông là sự thảng thốt, đớn đau đến ngằn ngặt. “Giữa thăm thẳm muôn trùng, tôi biết níu vào đâu?”, đó là một câu hỏi? hoặc “Con lê bước giữa dặm đường xa lạ / Tìm bóng ca giữa đơn độc bóng mình” (Tìm cha). Khoảng trống mênh mông hiện ra khi người cha nằm xuống.
Ngoài thơ viết về cha, dành cho cha; Hồ Minh Thông có nhiều bài thơ lắng sâu về mẹ. Nói đến thơ về người cha, phải nói đến thơ viết về mẹ của chị. Những bài thơ đề tài về người thân của Hồ Minh Thông xác tín thêm thiên tính nữ trong thơ chị, góp phần tạo nên “vân chữ” mang phong cách Hồ Minh Thông.
...
Con bé bỏng như bình minh bừng thức
Như dòng sông mát rượi chảy quanh hồn
Mẹ sẽ là ngọn gió chiều lặng lẽ
Suốt một đời thổi mãi cánh buồm con
(Cho con)
Về đề tài người mẹ, ngoài “Tháng giêng” trong “Đêm trở dạ”, trong tập thơ “Ngồi tựa vào trăng”, NXB Văn học năm 2020, Hồ Minh Thông có bài thơ “Vết sẹo nơi bụng mẹ” khá ám ảnh. Vết sẹo nơi bụng mẹ (do đẻ mổ) khúc xạ qua tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ trở thành thi ảnh, thi tứ.
...
Ngày con sinh ra
Mẹ nhận được món quà từ cuộc đời
Là một vết sẹo chạy dài trên da thịt
Tiếng con òa khóc
Ngân như sóng biển
Vỗ nhẹ vào những cơn đau
(Vết sẹp nơi bụng mẹ)
Sinh ra những đứa con, người mẹ không chỉ “mang nặng đẻ đau”, mỗi lần sinh nở là một lần hy sinh vẻ đẹp đàn bà và đối mặt với nguy hiểm. Người mẹ nào cũng hạnh phúc từ khi phát hiện ra mình đã được mang mầm sống; tiếp đó “mẹ tròn con vuông” và chứng kiến con lớn khôn rồi cùng đồng hành với con trên chặng đường đời.
Thế nhưng không phải người mẹ nào cũng được hạnh phúc như vậy. Chúng ta từng biết đến, những người mẹ khi thụ thai cũng là lúc phát hiện ra bệnh nan y, họ cắn rang chịu đựng, không tiêm thuốc kháng sinh vì sự an toàn của thai nhi. Không ít bà bà “chiến đấu” với bệnh tật, khi bệnh viện mổ “bắt con” thì họ cũng phải từ giã cuộc đời.
“Vết sẹo nơi bụng mẹ” của Hồ Minh Thông, do vậy tạo nên dư ba; hay nói cách khác, tạo ra trường cảm xúc cho người đọc, cho người đọc một lần ngẫm thêm về tình mẫu tử thiêng liêng trên cõi đời.
Đọc những bài thơ về cha, về mẹ của Hồ Minh Thông, càng thấy nâng niu tình phu tử, mẫu tử; trân trọng giá trị của chữ hiếu trong văn hóa Việt Nam. Dẫu Hiếu đạo (đạo Hiếu) có nguồn gốc từ Nho giáo, nhưng nó là luân lý cơ bản nhất trong đạo đức Nho gia đã và đang có sức sống trường tồn. "Một lòng thờ mẹ kình cha / Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con" (Ca dao Việt Nam).
Con người sống trong xã hội luôn có nhiều mối quan hệ, nhưng mối quan hệ gần gũi, thiêng liêng nhất, ân nghĩa sâu nặng nhất là mối quan hệ với cha mẹ. Mỗi một con người đều có một người cha, người mẹ sinh thành, có một mái nhà hạnh phúc để trở về. Đó là gia đình, thành tố cơ bản của một cộng đồng, một xã hội .
Theo Từ điển tiếng Việt, thì hiếu là có lòng kính yêu, hết lòng chăm sóc cha mẹ. Với nghĩa đó, hiếu được thể hiện ở thái độ, hành vi quan tâm, chăm sóc chu đáo hết lòng của con cái đối với cha mẹ - người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng con cái thành người. Những bài thơ viết về cha, mẹ của Hồ Minh Thông, vì thế là tiếng nói thổn thức; góp phần làm đẹp thêm mỹ tục Việt Nam, có giá trị nhân bản, thức tỉnh về đạo hiếu./.