Hồ Minh Thông, lá chưa chịu khởi vàng khi mùa thu vừa tới

Trong bài thơ mới nhất “Tháng mấy có người thương?” của nhà thơ Hồ Minh Thông có hai câu: “Tháng tám này có phải có người thương/Lá chưa chịu khởi vàng khi mùa thu vừa tới”, tôi để ý đến nhịp điệu thời gian và dừng lại ở mùa thu. Trong tôi vang lên câu hỏi: V sao mùa thu là mùa của tâm trạng?
danh-hoa-3466-1723984277.jpg
Hồ Minh Thông xác tín chị thuộc về mùa thu. Ảnh: NVCC

Đọc các tập thơ gần đây của chị, tôi để ý đến biểu tượng thời gian. Các mùa trong thơ chị gắn với tâm trạng và cảm xúc khác nhau. Tần số chỉ mùa trong thơ chị xuất hiện khá nhiều ở tên các bài thơ, trong các bài thơ. Chị ưu ái hơn với mùa thu, hay nói cách khác mùa thu là biểu tượng mùa nổi bật nhất.

Trong "Đêm trở dạ", NXB Văn học năm 2019, có “Phố mùa đông”, “Đuổi bắt mùa thu”, “Mùa đã vào thu”, “Mắc nợ mùa xuân”, “Mùa thu tiễn em”, “Mùa đông đang về trong thành phố”.

Trong "Ngồi tự vào trăng", NXB Văn học năm 2020 có bài “Người còn nhớ mùa thu”. Gần đây, chị công bố trên trang cá nhân hoặc in rải rác trên các tạp chí văn học nghệ thuật “Hạ”, “Xuân bất ngờ”, “Mùa xuân bỏ lại”, “Bốn mùa trái chín”, “Mùa đông chưa từng rời đi”... 

Trong bốn mùa ấy, Hồ Minh Thông xác tín chị thuộc về mùa thu. Thu không thuộc về ai, thuộc về đất trời, thuộc về lòng người. Nắng thu ươm vàng, những cơn gió nhè nhẹ, lá vàng rơi xao xuyến... là những dấu hiệu của mùa thu đã đến. Trong không gian thu ấy, cái gì cũng đẹp, lung linh huyền ảo. Những người ở phố dễ bắt gặp mùa thu từ khi chiếc lá bàng đang xanh rì giật mình uốn cong chuyển vàng rồi sang sắc đỏ. Những người ở Hà Nội, nghe hương hoa sữa chan trên những con phố thân quen, đấy là thu rồi đấy. Thu sang! Câu hỏi luôn đặt ra với những người yêu mùa thu là tại sao thu trong thi ca lại đa sắc, đa dạng, lại vui, buồn, sầu đến vậy?

Mùa thu là mùa trong năm dễ “sang chấn” cảm xúc. Với nhà thơ Hồ Minh Thông, người sinh ra tháng 7 - hè bắt đầu “gối” thu. Thế giới ngoại cảm và thế giới nội tâm của chị hòa quyện, tương thông, tương cảm nhẹ nhàng. Hồ Minh Thông từng viết: “Ta lạc lối giữa tháng năm mê đắm/Suốt bốn mùa sao chỉ thấy mùa thu” (Người còn nhớ mùa thu).

...

Người có về kịp đuổi bắt mùa thu
Sương nức nở mùa thu đi mất
Chiếc lá rơi trong một chiều rất thật
Mùa đi rồi hay vừa chớm qua tay?
(Đuổi bắt mùa thu)

Khổ trên là khổ đầu của bài thơ có 4 khổ. Các nhà phê bình thường “đọc chậm” lại ở khổ cuối - vốn có sứ mệnh “thắt lại” tứ bài thơ và là nơi “ngưng tụ” ý thơ, tư tưởng mà tác giả gửi gắm. Tuy nhiên, tôi ấn tượng với khổ đầu bài thơ. “Chiếc lá rơi trong một chiều rất thật”, câu thơ có giá trị như một “điểm nhìn” - theo cách gọi của nhà thơ Đoàn Văn Mật, hoặc có giá trị “đơn vị câu” - theo quan niệm của nhà thơ Đặng Huy Giang. Đó là câu thơ hay, thi ảnh đẹp, gợi dư ba. Bản thân khổ thơ nếu được “nhấc ra” khỏi bài đã có “đời sống” của một bài thơ. 

...

Mùa thu tiễn em hôm nào
Con đò còn xuôi bến cũ
Buồn nhớ dáng xưa quay lại
Dòng sông cạn tự bao giờ?
(Mùa thu tiễn em)

danh-hoa-3636-1723984327.jpg
Mùa thu Hà Nội gắn với hình ảnh thân thương như quả sấu, cốm Vòng, bánh cốm đậu xanh... Nguồn: Internet

Tâm hồn Hồ Minh Thông dường như được “ký thác” vào mùa thu? Đọc thơ chị viết về mùa thu, người đọc dễ liên tưởng đến hiện thực tự nhiên lẫn hiện thực huyền ảo. Hay nói cách khác, đó là một “dị bản” của mùa thu, nơi chất chứa ký ức, hoài niệm của mỗi người, kể cả những nhối nhức bật dậy trong tâm hồn. Có thể đó là tình yêu, lời hứa, hy vọng, thất vọng; lòng tin, đổ vỡ từng xẩy ra trong mùa thu. Thơ trước hết là hiện thực, sau là thơ và còn phải thơ nữa (Xuân Diệu). Đọc thơ Hồ Minh Thông, người yêu thơ đồng cảm, đồng hiện tâm thức mình, kích hoạt đồng sáng tạo. Đó chính là vẻ đẹp của thi ca.

Thi nhân là những người tâm hồn đầy ắp cô đơn, sở hữu vẻ đẹp run rẩy. Đó chính là lý do, từ cổ chí kim, các nhà thơ đều sáng tác về bốn mùa; đặc biệt thu đi vào thơ ca, âm nhạc với tất cả sự nâng niu. “Tâm hồn xáo động ngẩn ngơ/Tơ lòng run rẩy, mộng chờ đợi ai”, thi hào Nga Aleksandr Pushkin từng có bài thơ “Thu vàng” (bản dịch của Hồ Quốc Vỹ), xác tín điều này. Ở Việt Nam, các nhà thơ từ trung đại đến hiện đại đều sáng tác về mùa thu, có những tác phẩm “để đời”.

Với thơ của các nhà thơ nữ, điều được họ “cất giấu” sau bốn mùa trong năm, nhất là mùa thu thường là hoài niệm về tình yêu, về cố nhân; hoang hoải xa xăm. “Chân người như lá rơi / tiếng người mỏng như mây trôi/Mắt người xa như núi đồi/Nụ cười như gió thổi” (Người còn nhớ mùa thu?). “Người” trong bài thơ của Hồ Minh Thông là ai? Chắc chắn đó là “Bóng thời gian” như tên một bài thơ quá đỗi ngọt ngào, mê đắm của chị.

...

Người đàn bà tưởng mình là mùa thu
Chờ hoàng hôn về một mình ngồi hong tóc
Vặt từng giọt sương thu nơi nhành cây bật khóc
Chiếc lá vàng rơi xuống tựa hư vô
(Người đàn bà tưởng mình là mùa thu)

dhoa-6346-1723984266.jpg
Ở Việt Nam, các nhà thơ từ trung đại đến hiện đại đều sáng tác về mùa thu, có những tác phẩm “để đời”. Nguồn ảnh: Internet

Mùa thu đến, đất trời xao xuyến, nhưng cũng có khi làm “bật dậy” những tan vỡ, mất mát, nuối tiếc... Nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau được nhà thơ Hồ Minh Thông “gói gém” và mở ra vào mùa thu. Mùa thu trong thơ Hồ Minh Thông vừa cổ điển, vừa tao nhã. 

Với Hồ Minh Thông, thu trở thành “người bạn” tâm giao để chị sẻ chia, ru những cô đơn, muộn phiền, trống vắng... trong cõi lòng. Hay nói cách khác, chị “níu” vào mùa thu, nhờ mùa thu “cứu rỗi”. “Suốt bốn mùa sao chỉ thấy mùa thu?”, Câu hỏi trong thơ vang lên vẻ đẹp trắc ẩn.

Sau tất cả, người phụ nữ hơn ai hết mong muốn, khát khao bình yên. “Em tìm mùa trái ngọt/Giữa nhân thế vô biên/Mắt anh đợi bên thềm/Thơm bốn mùa trái chín” (Bốn mùa trái chín). Tôi gọi “mùa trái chín” là mùa khát khao mang vẻ đẹp nhân tính.

Tâm hồn tinh tế của Hồ Minh Thông đã và đang gọi mùa.