Hoài niệm khóm tre nhà

Tản văn của Ngô Đức Hành

15/05/2021 16:48

Theo dõi trên

Tre trong vườn làm cán cuốc, cán xuổng, đòn gánh...và các nông cụ nhà nông khác. Cha tôi là người rất khéo tay. Từ khóm tre trong nhà, cha tôi đẵn, tay tre làm lạt buộc khi mùa đến, thân tre cha tôi đan thành rổ, rá, thúng, mủng, dần, sàng... Bàn, ghế, mưng, mẹt đều làm bằng tre. Tre gắn với tiếng ve mùa hè, tôi nhìn ngọn tre để biết hướng gió nam, nồm.

lang-que-1621071960.jpgTre là hình ảnh làng quê Việt

         Mỗi lần về quê tôi đều đứng trước khoảng đất trống trước ngôi nhà xưa. Nơi đó, ngày xưa có khóm tre lớn, nơi bà tôi vẫn ngồi trên chõng, tay cầm quạt, nghe chiều hè ví giặm. Tôi chắp tay trước gió, như cầu nguyện linh hồn tre. Cách đây không lâu, chú em ruột làm nhà, khóm tre được coi là “vườn tạp”, chú thuê máy cẩu đến, bứng lên. Khi tôi về, bụi tre chỉ còn những thân xác, xếp chồng giữa mưa nắng.

Vườn ông bà tổ tiên để lại, có hai khóm tre trước và sau. Khi tôi lớn lên đã có. Bố tôi kể, khi bố tôi lớn lên đã có. Có nghĩa là tuổi đời của khóm tre có đến hàng trăm năm, dẫu tre già măng mọc, lớp này kế tiếp lớp khác. Khóm tre sau vườn, cũng vì nguyên nhân xây dựng nhà cửa đã bị bứng đi cách khóm tre trước nhà hơn chục năm.

Tre trong vườn làm cán cuốc, cán xuổng, đòn gánh...và các nông cụ nhà nông khác. Cha tôi là người rất khéo tay. Từ khóm tre trong nhà, cha tôi đẵn, tay tre làm lạt buộc khi mùa đến, thân tre cha tôi đan thành rổ, rá, thúng, mủng, dần, sàng... Bàn, ghế, mưng, mẹt đều làm bằng tre. Tre gắn với tiếng ve mùa hè, tôi nhìn ngọn tre để biết hướng gió nam, nồm.

Khi tôi được đến trường, thầy giáo tôi trầm bổng đã đọc trên lớp “Cây tre Việt Nam” của nhà báo Thép Mới. “Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất vẫn là cây tre nứa. Tre Đồng Nai, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, luỹ tre thân mật làng tôi... đâu đâu ta cũng có nứa tre làm bạn. Tre, nứa, trúc, mai, vầu mấy chục loại khác nhau, nhưng cùng một mầm non măng mọc thẳng. Vào đâu tre cũng sống, ở đâu tre cũng xanh tốt. Dáng tre vươn mộc mạc, màu tre tươi nhũn nhặn. Rồi tre lớn lên, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc. Tre trông thanh cao, giản dị, chí khí như người”.

Đúng thế, tre là hình ảnh của nông thôn Việt Nam, tre là hình ảnh Việt Nam. “Tre xanh/ Xanh tự bao giờ?/ Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh”, (Tre Việt Nam, thơ Nguyễn Duy). Tôi được học lịch sử từ trang sách phổ thông, tre là hình ảnh ông Gióng, tre là hình ảnh chiếc gậy Trường Sơn những năm đánh Mỹ. Tôi không thuộc lắm, nhưng nhớ, kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam mượn rất nhiều hình ảnh cây tre để nói về tình yêu, đạo lý, nhân nghĩa ở đời.

Chặt tre cài bẫy vót chông / Tre bao nhiêu lá thương chồng bấy nhiêu”, có lẽ không người Việt Nam nào không tự hào về câu ca dao này. Nó là lịch sử đấu tranh của dân tộc, là đạo lý thủy chung vợ chồng.

Quê tôi đang trên đường tới phố, bây giờ đã là đô thị loại 4. Người sinh, đất không đẻ, là quy luật muôn đời. Hồi tôi còn bé, chui từ vườn nhà này sang nhà khác, thấy vườn nhà ai cũng rộng mênh mông. Gần như trong thôn, vườn nhà ai cũng có những khóm tre, bụi tre. Bụi trước nhà ông Mậu Lụn, bụi chạy dài trước cửa nhà ông Mịch, tới nhà ông Mính....tre bạt ngàn, “bóng tre trùm mát rượi”. Những năm gần đây, nông thông Việt Nam, trong đó có quê hương tôi làm công nghiệp hóa, hiện đại hóa bằng cuộc “cách mạng” nông thông mới vĩ đại. Thành tích là huyện thứ hai ở Can Lộc, Hà Tĩnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận về đích nông thôn mới. Một trong các tiêu chí là làm giao thông nông thôn. Những con đường đất đã trở thành ký ức. Thay vì những hàng cây xanh, bụi tre, cây duối...giữa nhà này, nhà khác đã được thay bằng tường rào bê tông.

Làm nông thôn mới, vườn tạp, tre là “nhân khẩu” trong “gia đình vườn tạp” được bứng hết. Dịp này về quê hơi lâu, do dịch bệnh Covid, tôi có dịp đi khắp hang cùng ngõ hẻm của làng xưa – bây giờ được thay tên bằng các khối phố. Tre quanh làng đã “tuyệt diệt”, duy nhất chỉ còn khóm tre trước cửa nhà ông Mịch, thuộc khối 2. Làng quê tôi bây giờ thật nhiều xe ô tô cá nhân, nhà lầu 2 – 3 tầng, cuộc sống đã thay đổi theo nhịp điệu phố. Bọn trẻ lớn lên đã không còn nhìn thấy hình ảnh cây tre. Bố tôi ngày xưa hay nhìn lên trời, chỉ cho anh em chúng tôi sao nào là Bắc đẩu, sao nào là Thần nông..... Câu chuyện của bố mẹ, thế hệ sau này với trẻ con không còn là đọc lên ca dao, tục ngữ. Có lẽ vì thế, cây tre ký ức mãi mãi không được bảo tồn trong tâm tưởng.

lang-que1-1621071959.jpg

“Tre già măng mọc”, tục ngữ Việt

        Người lớn tuổi thường sống bằng hồi ức. Với tôi mỗi lần về thăm lại quê hương, tha thẩn trong khu vườn, tôi như gặp bóng ông bà, cha mẹ. Năm 2019, huyện Can Lộc, tổ chức kỷ niệm 550 năm danh xưng Thiên Lộc – Can Lộc, tôi có in tập thơ “Câu hát tìm anh”, NXB Hội Nhà văn, gồm 99 bài thơ về quê hương. “Mình thơ thẩn suốt chiều trước khi về Hà Nội / loanh quanh khu vườn /nơi này mẹ khi xưa trồng chuối, trồng chanh / nơi này cha vun vồng khoai, luống lạc / tháng ba chuyển mùa gió mát / tre đằng ngà ví giặm, đò đưa”. Đây chỉ là khổ đầu trong bài thơ “Chiều ở quê” in trong tập.

Tôi có người bạn là một nhà văn hóa. Anh cứ ôm ấp một hoài bão lập “Bảo tàng làng Việt”. Tôi đã từng đi thăm “Bảo tàng Hoa cương” của tiến sỹ văn học Nguyễn Quang Cương ở huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh. Đây là bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Bắc Trung Bộ. Trong Bảo tàng này, nhà giáo Nguyễn Quang Cương dành trọn vẹn tình yêu cho văn hóa dân tộc. Thúng, mủng, dần, sàng, đòn gánh, kể cả những chiếc thuyền cổ đan từ tre cũng có mặt trong bộ sưu tập. Tôi dành cho ông sự kính trọng đặc biệt.

Bảo tàng làng”, cần lắm chứ. Cơn lốc thị trường, cơn lốc lên phố đã làm biếc thái các làng quê Việt từ vật thể đến phi vật thể, từ miền xuôi đến miền ngược. Nếu có “Bảo tàng làng” sẽ không thiếu khóm tre, bụi tre.

Với riêng tôi, từ ngày em trai bứng khóm tre; tôi đã đứng bao lần trên khu đất trống, nơi khóm tre đã bị “hóa vàng”. Nén hương lòng, không nhớ thứ bao nhiêu tôi đã thắp lên. “Mai sau, / Mai sau, / Mai sau…/ Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh”, (Tre Việt Nam, thơ Nguyễn Du), chỉ còn trong hoài niệm./.

Hà Tĩnh, ngày 15/5/2011 - NĐH

 

Bạn đang đọc bài viết "Hoài niệm khóm tre nhà" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn