Hoài niệm một thời

Tôi ra trường tháng 9/ 1978. Nhận quyết định về tổ bổ túc văn hóa chuyên trách xóa mù lưu động trong toàn huyện.  Chuyến đi đầu tiên của tôi là xã Phan Thanh,  một xã vùng xa của huyện Lục Yên tỉnh Yên Bái.
hoai-niem-mot-thoi-1643378686.jpg
 

 

Lúc bấy giờ đường xá đi lại vô cùng khó khăn, trèo đèo lội suối bằng xe "Căng hải". Tôi và chị Nụ ra trường khóa trước đến bản Kẽo Kè mở lớp. Đối tượng học sinh 100% người dân tộc Dao trắng.  Độ tuổi từ 16  - 17 đến 25 - 27. Đa số đã có gia đình. Nhiều em già hơn cô giáo.

 Bà con dựng cho hai cô một cái lán ở mom đất giữa đồng, kê cây lên tảng đá, trên trải tấm phên, rồi trải chiếu lên ngủ. Bếp đun ngay cạnh bằng 3 hòn gạch.

Đời sống vô cùng thiếu thốn. Bản thân tôi chưa có lương. Hồi đó mới ra trường không có lương ngay vài ba tháng sau mới được. Bố mẹ thì nghèo. Tôi bảo chị Nụ:

- Chị mua gì ăn cứ ghi vào, có lương em gửi!

Ở đó cũng chả có gì mà mua mấy. Đâu có quán xá hàng họ như bây giờ. Gạo ăn thì ít.   Thức ăn chủ yếu là đu đủ, khoai môn học sinh cho, rau dớn (một loại rau rừng mọc ở khe suối).

Không có giếng, không nhà tắm. Nước ăn phải lấy nước nhà dân, gánh bằng hai ống bắng, làm bằng cây tre buộc dây vào, luồn đòn gánh để gánh.

Cứ mỗi chiều, hai cô dẫn nhau ra suối tắm. Con suối nhỏ nước trong, xung quanh rậm rạp. Phải thay nhau trông chừng người đi qua mới dám tắm.

Chúng tôi dạy trưa và tối, vì lứa tuổi này họ là lao động chính phải đi làm đồng, chỉ học tranh thủ.

Có hôm một cô về hay lên phòng có việc, còn một người ở lại, tối đến học sinh tới ngủ bạn vài ba em. Cứ nằm tất cả trên tấm liếp thay giường. Ôi, cái mùi chàm nồng nặc xộc vào mũi không tài nào chịu nổi, vừa ngủ vừa bịt mũi. Lâu dần cũng phải quen.

Thời trẻ tôi hát cũng tạm được nên học sinh rất thích nghe hát, học hát, học nói tiếng phổ thông, đồng thời họ dạy cho tôi tiếng dân tộc Dao. Đến bây giờ vốn tiếng Dao của tôi cũng đủ để giao tiếp thông thường....

Món lòng thối

Đó là một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi trong lòng. Hồi đó rừng già còn nhiều, thú rừng cũng nhiều. Dân ở đây hay đi săn. Có hai cách thức:  Đi một mình trong rừng rình bắn, họ gọi là đi mò. Đi từng đoàn có cả chó săn thì gọi là đi săn, thổi tù và ầm ĩ trên rừng.

Cứ vài ba hôm, một tuần họ lại săn được con lợn rừng to, bốn người khiêng. Cả làng hò nhau mổ thịt. Đến tối đốt đuốc sáng trưng gọi nhau: Nình nhín á (Đi ăn thịt). Dĩ nhiên hai cô giáo là khách mời danh dự.

Nói ăn thịt là toàn thấy thịt, các nhà gói cơm mang đến. Các món chế biến theo kiểu dân tộc. Tôi ấn tượng nhất là món thịt sống và món lòng thối: Thịt chỉ bóp chanh qua, vẫn đỏ nguyên. Lòng lợn tổng hợp không hiểu họ làm kiểu gì mà không hết mùi. Lỡ đưa vào miệng phải nhả ra vì mùi thum thủm đặc trưng không ăn nổi...

Tất cả đều bày ra lá dong (hoặc lá chuối) rải lên tấm phên nhỏ thay mâm. Chúng tôi chỉ ăn gọi là, chủ yếu chơi.

Vậy mà họ vẫn chén ngon lành. Mồi ngon, rượu tự nấu, đám trai làng hỉ hả vui vẻ đến tận nửa đêm. Tối hôm đó hai cô đành mất dạy vì học trò say rượu.

Đi chợ

Từ bản Kẽo Kè đến chợ huyện tầm 15 - 17 cây số gì đó, nhưng đường khó đi. Lúc bấy giờ đi chợ là một sự kiện lớn, phải bàn bạc kỹ và chọn ngày để đi. Hoàn toàn đi bộ. Vậy mà thi thoảng cô trò chúng tôi vẫn tổ chức nhau đi. Tiện thể tôi rẽ qua nhà luôn.

Dậy từ 5 giờ sáng. Nhóm năm bảy người đi, chỉ cần ba bó đuốc thật dài, bó cẩn thận từ hôm trước. Sáng ra chỉ việc châm lửa, xắn quần rồi đi. Có đoạn lội suối bì bõm... Có đoạn cành cây che lấp đường mòn phải phát đường đi. 

Đi được nửa đường thì trời sáng. Vừa đi vừa trò chuyện vui vẻ quên mệt mỏi, mà lúc đó còn trẻ cũng không biết mệt. Chẳng rệu rạo như bây giờ. 

Đến chợ mua bán xong, cả đoàn rẽ vào nhà tôi chơi một lúc. Toàn phát sóng ngang, bố mẹ tôi há hốc mồm không biết nghe.

Rồi cả đoàn cô trò kéo nhau về đến bản cũng nửa buổi chiều.

Chúng tôi mở hai lớp xóa mù ở đó. Mục tiêu chỉ cần học sinh biết đọc biết viết, nhưng nhiều khi cũng nan giải lắm. Cô đi khỏi là không ôn luyện gì nữa nên hiện tượng tái mù cũng rất nhiều. Xóa rồi lại tái, tái rồi lại xóa. Đó là bài toán khó của ngành giáo dục lúc bấy giờ.

Sát hạch xong lại điều  chuyển đi xã khác. Ngày chúng tôi đi các em gái quyến luyến khóc thút thít. Các em trai thì bơi thuyền đưa chúng tôi qua vùng hồ nước ngập sang tận xã Phúc lợi... khi chia tay cũng lưu luyến bịn rịn khó rời.

    "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

  Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn".

Trong cuộc đời mỗi con người thường đặt chân đến nhiều vùng đất khác nhau. Ở mỗi nơi ta lại có bao kỷ niệm, cả vui buồn gian khổ. Những kỉ niệm đó đã ghi sâu trong miền ký ức, là động lực nâng bước cho ta vững tin vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành sứ mệnh, ước mơ của cuộc đời mình.

Trên ba mươi năm trong nghề dạy học với tôi là khoảng thời gian đẹp nhất vì tôi đã được cống hiến cho sự nghiệp mà mình đã chọn. Giờ đây khi nghĩ lại những kỷ niệm xưa trong lòng vẫn thấy bồi hồi da diết.