Hơi ấm rừng Chò (2 -Tiếp)

Phạm Việt Long

08/05/2021 10:38

Theo dõi trên

Được đặt ở cuối và chiếm gần một nửa độ dày của “Phong Lan Về Trời” (Phạm Việt Long - NXB Dân trí, 2020), truyện vừa “Hơi Ấm Rừng Chò” chính là “hồn cốt” của cả tập truyện. (Mai Nhung)

phong-lan-ve-troi-1620412379.jpg
Chú thích ảnh

Nhanh thật, Hoài đã tham gia sản xuất được ba tháng rồi. Ba tháng qua đi với những ngày lao động khẩn trương vô cùng. Cuộc sống hối hả xốc tới như con tàu đã mở hết ga. Hầu như ngày nào cũng vậy, Hoài làm việc ít nhất là chín giờ đồng hồ, có khi tới mười, mười một giờ. Tối cũng ít nghỉ sớm - thường là hai mươi mốt giờ, vì còn dạy văn hoá, hoặc họp bàn kế hoạch sản xuất.

Những ngày dọn rẫy thật đáng nhớ. Hoài cùng anh chị em phơi mình dưới cái nắng lửa suốt ngày, không một bóng cây nhỏ. Gom cây, lá thành từng đống và châm lửa đốt. Hừng hực, hừng hực, từng đống lửa bùng lên, bùng lên ràn rạt, hơi nóng bốc lên, cuốn theo tro bụi. Hoài và mọi người vác những cây gỗ cháy nham nhở vứt khỏi rẫy hoặc xếp gọn lại. Dùng rựa cào cây nhỏ, dây dợ cho sạch. Chao, lúc ấy tro bụi tung lên mù mịt, thộc vào mồm, mũi nồng nặc. Đến ngột lên vì tro, vì nắng, nóng. Rồi trỉa (gieo) lúa, ngô. Tất nhiên là với phương thức rất nguyên thuỷ: dùng gậy thọc lỗ trên rẫy rồi tra hạt vào, lấp đất. Kể cũng lạ thật, làm như thế mà lúa ngô vẫn vươn lên xanh tốt - đặc biệt là ngô.

Hôm ấy, Hoài và Hải được phân công đi coi rẫy. Với phương thức xen canh để tăng hiệu suất của đất, Đội trồng ngô xen lúa. Ngô gieo trong lúa của Đội rất tốt, cây vươn cao, ngọn phất phơ đùa gió. Mỗi cây ngô đứng thẳng, ôm trên mình một, hai trái mập mạp. Hoài nghĩ tới câu hát “Dòng sông đưa nước về xuôi mang bóng nương ngô cùng bồng con phất cờ” trong bài hát “Vui mùa chiến thắng” mà thấy lòng chộn rộn, vui với thành quả lao động bước đầu mà anh cùng anh chị em trong Đội sản xuất Làng Tuyên tạo dựng nên. Khi ngô mẩy hạt, bắp căng tròn, cũng là lúc lũ sóc tới phá. Bọn này khôn ranh và phàm ăn vô cùng. Từ trong rừng, chúng nhảy phóc ra rẫy, leo lên cây, ôm lấy trái ngô, gặm lấy gặm để. Hải lấy cục đất, dang tay ném mạnh, lũ sóc nhảy phóc vào rừng. Chúng không chạy xa, mà cứ thập thà thập thò ở cửa rừng, gọi nhau sọc sọc, hễ thấy vắng bóng người là nhảy phóc ra rẫy ăn ngô liền. Hoài dương súng định bắn, nhưng chúng thoăn thoắt di chuyển, không tài nào cho chúng vào vòng ngắm được. Phá rẫy ngô, còn có bọn đồi, có vẻ tinh ranh hơn cả bọn sóc. Hải chỉ cho Hoài nhìn ở góc rẫy, có những con vật bé nhỏ đang nhảy nhót. Hải thì thào: “Bọn đồi đấy anh ạ. Chúng lanh lắm, em chịu thua luôn!”. Theo hướng tay Hải chỉ, Hoài nhìn thấy một con đồi. Nó chỉ to hơn con chuột nhắt một tý, lông màu xám, có ba sọc đen dọc sống lưng. Nó nhảy qua nhảy lại, thoăn thoắt như thoi đưa. Nhãng đi một cái đã thấy con đồi bám vào trái ngô, gặm lấy gặm để. Nó bé quá, chẳng bắn được - phí đạn. Nhưng cũng không có cách nào để bắt nó. Thôi, hai anh em đành đuổi nó vậy. Hoài chỉ vừa động tay một cái, con đồi đã nhảy phắt vào rừng.

Trưa, hai anh em không ăn cơm. Buổi sáng, trước khi ra rẫy, Hải bảo Hoài không cần đem cơm theo. “Em sẽ đãi anh một bữa đặc biệt của núi rừng!” - Hải ra vẻ bí mật, nói nhỏ với Hoài rồi nhoẻn miệng cười. Bây giờ, Hải bảo Hoài đi gom cành cây khô, còn cô tiến vào rẫy, lựa bẻ tám trái ngô. Hai anh em cặm cụi nhen lửa. Khi ngọn lửa bùng lên, dần dần loang ra, tạo thành một bếp lửa, Hải bảo: “Bây giờ em làm món đãi anh đây!”. Hải lột bớt bao lụa xanh của các trái ngô, để lộ ra lớp lụa bên trong nõn trắng, thả vào đống lửa. Cô dùng que củi khơi khơi để cho những trái ngô xếp dựng lên nhau, rồi chất thêm củi vào, khơi khơi tiếp cho lửa bốc lên cao. Hoài ngồi im, quan sát. Lửa vẫn cháy bừng bừng, hắt vào gương mặt Hải, làm cho má cô ửng hồng lên. Đôi mắt đen, lúc này càng sáng. Một tiếng nổ “bép” từ trong đống lửa, khiến mấy bụi than bắn vào mặt Hải. Cô hơi ngả người ra phía sau, lấy tay dụi dụi mắt. Hoài vội đứng lên, rút chiếc khăn mặt đang vắt vai, đỡ lấy đầu Hải. “Để anh lau cho!” - Hoài khẽ khàng nói. Bàn tay trái của Hoài đỡ vào mái tóc đen, dày của Hải, mái tóc sao mà êm, mướt quá! Hải ngồi im một lát, như cũng cảm thấy sự êm ái từ bàn tay Hoài. Chỉ một lát thôi, Hải đã đứng dậy: “Em hết bị bụi rồi anh!”. Xong, Hải lại ngồi xuống, khời nốt bốn trái ngô ra. Cả tám trái ngô, lớp vỏ đã cháy gần hết. Hải cầm trái ngô có lớp vỏ mới cháy vàng, lột vỏ, để lộ ra những hạt ngô mẩy căng, trắng ngà, thơm phức. Đưa cho Hoài, Hải nói, giọng ngọt ngào: “Đây, đặc sản của núi rừng đây, anh từng biết chưa?”. Cô giục Hoài ăn trước để kiểm nghiệm món ăn đặc biệt mà cô hứa với anh sáng nay. Hoài cắn vào trái ngô, răng chạm vào thứ hạt deo dẻo, ngòn ngọt, thơm ngầy ngậy. Ở Hà Nội, anh cũng đã ăn ngô luộc, ngô nướng, nhưng đó là những trái ngô được hái từ hôm trước, hoặc gần nhất cũng là từ sáng. Bây giờ, anh mới được ăn trái ngô hái từ trên cây, thả thẳng vào bếp lửa. Ngọn lửa bao phủ, làm cho ngô chín từ bên ngoài vào. Bao nhiêu tinh túy của núi rừng đọng trong trái ngô được giữ lại, tạo hương vị thơm, ngọt mộc mạc mà đậm đà; không món thức ăn nào của thành thị có thể so sánh được với nó. Nhấm nháp một lúc để thưởng thức vị ngon ngọt đặc biệt của nương rẫy, Hoài bảo Hải: “Nào, em cũng thưởng thức đi chứ!”. Hải lột tiếp một trái ngô, đưa cho Hoài: “Em ra sức lột. Anh ra sức ăn. Xem tiệc của em có ngon không?”. Thế là hai anh em cùng nhau ăn hết trái ngô này đến trái ngô khác, làm một bữa thay cơm, ngon lành. Mà Hải tài thật, tính toán khớp quá, mỗi người chỉ cần ăn bốn trái ngô là đủ bữa rồi! Thật là sung sướng khi được hưởng thành quả lao động do chính tay mình làm nên.

Ăn xong, Hải nhìn mặt Hoài, cười: “Ôi, anh Hoài có râu rồi!”. Vốn nhạy cảm, Hoài hiểu ngay là mình bị nhọ mặt vì than dính trên vỏ trái ngô bám vào. Anh gãi gãi đầu, cười trừ. Hải lấy chiếc khăn mặt của cô, bảo: “Anh ngồi im, để em lau cho!”. Bây giờ, một bàn tay êm ái của Hải lại đỡ lấy đầu Hoài, để tay kia cầm khăn lau nhè nhẹ trên gương mặt dính nhọ than của Hoài. Rồi Hải bảo: “Hết râu rồi, anh!” và bước ra, ngồi xuống chiếc rễ cây trước mặt Hoài. Hoài vẫn còn lâng lâng trong cảm giác êm ái từ Hải đem lại, nên cứ ngồi im như tượng. Chỉ đến khi tiếng con sóc kêu “sọc, sọc...” ở đầu rẫy, Hoài mới đứng phắt dậy...

Ngô đã chín đều, lá vàng đi, rũ xuống, để lộ ra những trái bắp hình trụ múp đầu tròn căng, vỏ héo, râu đen. Đội tập trung đi thu hoạch ngô. Mỗi người một gùi đeo sau lưng, hai tay thoăn thắt bẻ từng trái ngô quăng vào gùi. Rẫy thưa bớt cây ngô đi bao nhiêu, thì nhà đầy những gùi bắp ngô lên bấy nhiêu. Chả mấy chốc, ngô đã chật nhà chật cửa. Mọi người lột bao rồi chất các trái ngô lên dàn, tối đốt lửa sấy. Lẽ ra có thể phơi, song lũ máy bay lượn dữ quá, sợ chúng phát hiện ra. Tối nào cũng vậy, mùi khói lửa quện với mùi ngô sấy tạo thành một mùi thơm nồng nồng, ngai ngái, ghi đậm dấu ấn trong tâm trí Hoài.

Hoài, Hải cùng toàn đội vừa thu hoạch ngô vừa làm cỏ lúa. Trời hay mưa chiều - cứ xế trưa là trời chuyển mình, mây dồn lại đen kịt, rắc mưa xuống ào ào. Có khi mưa suốt buổi, ủ ê, buồn tẻ. Lúc mưa lớn quá, không thể làm rẫy, Hoài lại tranh thủ dạy cho Hải, Giáo, Nhơn những bài văn, bài toán lớp bốn. Hải rất ham học và hay hỏi. Mặc dù học mới lớp bốn, nhưng do ham đọc sách, những cuốn sách từ Ban mà anh Bá đem vào, Hải thường đặt những câu hỏi về văn học Liên Xô: “Anh Hoài ơi, chuyện về anh Pa ven là chuyện có thật không anh?”. Hoài giải thích: “Truyện này dựa trên sự thật, nhưng nhà văn có sáng tạo thêm, em ạ!”. Hải thủ thỉ: “Thật hay không thật thì em vẫn quý mến anh Pa ven. Anh ấy làm gì cũng say mê, có lý tưởng!”.

Trong những ngày làm rẫy này, Hải và Hoài lại có chung một niềm vui giản dị. Đó là chuyện, một hôm đi rẫy, Hải phát hiện một chú sóc con bị bỏ rơi. Chú mới mở mắt, nằm trơ trọi trên một tấm thảm lá rụng ngay dưới gốc cây kơ nia mọc ở góc rẫy. Hải gọi Hoài tới xem chú sóc. Tuy rất giận lũ sóc phá rẫy, nhưng thấy chú sóc con tội nghiệp này, Hoài nhẹ nhàng cầm lên, bảo: “Thân nó còn ấm. Ta phải tìm mẹ cho nó!”. Hải băn khoăn: “Mình cầm vào nó, có hơi người, không biết mẹ nó có nhận nó không?”. Hoài giải thích: “Loài sóc không sợ hơi lạ trên cơ thể con nó đâu, em ạ!”. Vuốt nhè nhẹ trên thân hình bé bỏng của con sóc, Hoài nói tiếp: “Bây giờ, mình đem con sóc này để vào chỗ vắng, xem mẹ nó có đến tìm không. Nếu sau hai giờ mà không thấy mẹ nó tới với nó, coi như nó đã bị bỏ rơi hẳn!”. Hải ngạc nhiên: “Sao anh rành về loài sóc thế?”. Hoài cười: “À, thời học sinh, anh rất thích nuôi chim, thú nhỏ nên hay tìm hiểu về chúng thôi mà!”. Hai anh em đem con sóc để ở một hốc cây cách xa rẫy rồi tiếp tục nhổ cỏ lúa. Chiều muộn, trước khi nghỉ làm, tới thăm con sóc, thấy nó vẫn nằm im, Hải liền lấy cỏ khô lót gùi, rồi nhẹ nhàng đặt con sóc vào.

Chuyện nuôi con sóc cũng thú vị làm sao. Nó nhỏ quá, chưa ăn được hạt, phải cho nó “bú”! Hải lấy ngô non giã, chắt ra những giọt nước trắng đục giống như sữa, cho nó mút qua cái ống sậy nhỏ do Hoài chọn lấy từ bãi sậy. Con sóc lớn dần, quấn quýt hai người. Tiếng kêu “sọc... sọc...’’ và những điệu nhảy như khiêu vũ của nó làm vui cả Đội. Tới khi thấy con sóc đã đủ lớn và hoàn toàn khỏe mạnh, Hải bàn với Hoài thả nó vào rừng. Hai người đem con sóc tới gốc cây kơ nia, đặt nó vào hốc cây, nhắn nhủ: “Sóc ơi, mày về với đàn. Nhớ bảo các bạn vào rừng kiếm quả thông, hạt dẻ, chứ đừng phá bắp của anh chị nghe!”. Con sóc nhảy qua nhảy lại một hồi, rồi phóc vào rừng. Thế nhưng, chỉ hai hôm sau, Hải đã thấy tiếng sóc kêu “sọc... sọc...” ở đầu hồi nhà bếp. Thấy Hải, nó nhảy xuống đất, chạy tới sát chân cô rồi nhảy vòng tròn, đầy hứng khởi. Hải vui mừng, reo gọi: “Anh Hoài ơi, sóc về thăm chúng ta đây này!”. Từ đấy, cứ cách khoảng dăm, bảy ngày là con sóc lại tới thăm, làm cho cả Đội thêm niềm vui, quên bớt những gian khổ, nhọc nhằn mà mọi người đang gắng vượt qua!

 

Bạn đang đọc bài viết "Hơi ấm rừng Chò (2 -Tiếp)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn