Hội thảo Văn học, nghệ thuật với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay

Sáng nay 15-12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay”.
hoi-thao-1-1639554738.jpg
 

 

Hội thảo có sự tham gia của 180 đại biểu với 93 tham luận của các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cả nước; đại diện cơ quan quản lý văn học, nghệ thuật; các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành, văn nghệ sĩ.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh, hội thảo là hoạt động ý nghĩa mừng thành công của Hội nghị Văn hóa toàn quốc, thiết thực đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống. 

Theo ông Nguyễn Thế Kỷ, đất nước ta cũng như nhân loại đã và đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi và những thách thức, khó khăn từ quá trình toàn cầu hóa, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cơ chế thị trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh… Trước bối cảnh ấy, văn học, nghệ thuật với thế mạnh đặc thù riêng có, với tư cách là một lĩnh vực “rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa” đã làm gì và đã hiện diện như thế nào? Những vấn đề nào trong đời sống xã hội đương đại đã trở thành sức hút, sức hấp dẫn đối với văn học, nghệ thuật? Làm thế nào để văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ ý thức rõ hơn vai trò, nhiệm vụ, sứ mệnh của mình trước đất nước và nhân dân? Làm thế nào để văn nghệ sĩ sẵn sàng dấn thân, nhập cuộc bằng tâm huyết, trí tuệ, tài năng, bản lĩnh để nắm bắt và chuyển hóa sự ngổn ngang, bề bộn, nhiều mặt phức tạp của hiện thực đổi mới đất nước thành tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, chân chính? Đó chính là cơ sở để tổ chức hội thảo chủ đề “Văn học, nghệ thuật với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay".

Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn nhận định, yêu cầu đánh giá đúng vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật, tình cảm, tâm huyết, trách nhiệm của văn nghệ sĩ trước những vấn đề lớn lao, quan trọng của đất nước, con người Việt Nam hôm nay đã và đang được đặt ra cấp thiết và rốt ráo hơn bao giờ hết, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng của đội ngũ các nhà hoạt động văn học, nghệ thuật, để đi đến thống nhất nhận thức và hành động đúng đắn, hiệu quả. Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, phê bình, văn nghệ sĩ và đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý cùng nhau bàn thảo, phân tích, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, đánh giá thực trạng, nhận định xu hướng vận động, phát triển và đề xuất những giải pháp để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, đóng góp của văn học, nghệ thuật nước nhà, hướng tới mục tiêu hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Báo cáo đề dẫn hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương cho biết, hội thảo tập trung làm rõ vai trò, đóng góp của văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ ở 5 vấn đề quan trọng và cấp thiết của đất nước. Đó là văn học, nghệ thuật với nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; phòng, chống dịch Covid-19; bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo; quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Cũng theo PGS.TS Phan Trọng Thưởng, một số tham luận đi sâu vào vấn đề như xây dựng hệ giá trị văn học nghệ thuật cho thời kỳ mới, vấn đề tổ chức sắp xếp lại các đơn vị nghệ thuật, vấn đề cơ chế chính sách để nền văn học nghệ thuật của chúng ta phát triển lành mạnh theo quy luật bình thường của nó.

Hội thảo đã nhận được hơn 93 bản tham luận, trong đó có gần 20 ý kiến phát biểu trực tiếp. Các tham luận cho thấy thực trạng, sự gắn bó của văn học, nghệ thuật với những vấn đề lớn lao, cấp thiết, nóng bỏng của đời sống xã hội, chính trị, văn hóa của đất nước và hướng phát huy thế mạnh của văn học, nghệ thuật đóng góp để giải quyết những vấn đề của đất nước hiện nay.

Trong đó, Giáo sư Phong Lê cho rằng, phải xác định thế hệ trẻ là lực lượng chủ công dấn thân vào những vấn đề thời sự của đất nước để sáng tạo những tác phẩm chất lượng. Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đề cập những đóng góp to lớn, nhanh nhạy, vận dụng hiệu quả công nghệ, nền tảng số của lực lượng văn nghệ sĩ để đóng góp vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 thông qua những tác phẩm văn học, nghệ thuật đa dạng, phong phú…

Có nhiều tham luận ngắn gọn, súc tích nhưng nêu được vấn đề và đặt được câu hỏi đáng quan tâm đó là hiện tượng những người tốt, những nhân vật tích cực gần như vắng bóng hoặc bị lôi ra khỏi trung tâm của văn học hiện nay thay vì là những kiểu nhân vật phản diện suy thoái về tư tưởng đạo đức…

Kết quả hội thảo dự kiến sẽ góp phần bổ sung luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn về vai trò, đóng góp của văn học, nghệ thuật để Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương báo cáo, tư vấn cụ thể giúp Đảng, Nhà nước đổi mới phương thức lãnh đạo, có những chính sách phù hợp để phát triển lĩnh vực văn học, nghệ thuật Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Đồng thời, đây cũng là tài liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ, cập nhật tri thức và thông tin cho đội ngũ công tác trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ…

Sau hội thảo, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương sẽ tổ chức kỳ họp thứ 10 để thảo luận, đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và toàn nhiệm kỳ 2016-2021; cho ý kiến về các nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng dự kiến triển khai trong năm 2022 và nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 16/12./.