Hội thảo về giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch

Ngày 7-7, tại Hà Nội, đã diễn ra hội thảo khoa học: “Giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh (Công viên hữu nghị Việt - Nhật) và các thiết chế văn hóa, hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch”.

 

hoi-thao-1657208946.jpg
Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, Công ty cổ phần Tập đoàn môi trường Nhật Việt (JVE Group) và Trung tâm dịch thuật, dịch vụ văn hóa và khoa học - công nghệ tổ chức.

Dự và phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, các sông nội đô của Hà Nội, như: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống thoát nước chung của thành phố, có giá trị lịch sử, cảnh quan, kiến trúc và môi trường.

Hiện các sông này đều đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, đến nay, Hà Nội chưa có giải pháp mang tính toàn diện để khắc phục, xử lý hiệu quả triệt để. Do vậy, trong công tác cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị đặt ra nhiệm vụ cấp thiết đối với thành phố là phải phục hồi, làm “sống lại các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét nhằm nâng cao giá trị lịch sử, văn hóa, cảnh quan, kiến trúc, môi trường và hạ tầng kỹ thuật cho khu vực đô thị nội đô”.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng nêu rõ, sông Tô Lịch đã gắn bó với mảnh đất Thăng Long - Hà Nội cả nghìn năm nhưng hiện nay đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đứng trước thực trạng này, nếu không có quyết tâm chính trị cao với những giải pháp đúng đắn, khoa học để cải tạo thì sông Tô Lịch có khả năng trở thành dòng sông chết. 

Tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn môi trường Nhật Việt đã giới thiệu tóm tắt dự án đề xuất “Giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh (Công viên hữu nghị Việt - Nhật) và các thiết chế văn hóa, hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch” của công ty.

Theo đó, dự án có tổng chiều dài 12,6km, bắt đầu từ nơi hợp lưu của 5 trục đường giao nhau là: Hoàng Quốc Việt - Lạc Long Quân - Võ Chí Công (đường trên cao) - Hoàng Hoa Thám - Chợ Bưởi (thượng lưu), chạy dài dọc theo sông đến điểm cuối là đập Thanh Liệt (hạ lưu).

Quy mô dự án gồm 2 hạng mục: Hợp phần hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm (ở phía dưới mặt đất) và cải tạo sông Tô Lịch thành “Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh” (ở phía trên sông Tô Lịch).

Mục đích của dự án là hồi sinh lại dòng sông Tô Lịch đã bị ô nhiễm, cải tạo sông Tô Lịch thành một điểm đến của lịch sử, văn hóa, một công trình mang dấu ấn nghìn năm văn hiến Thăng Long gắn với lịch sử của Thủ đô Hà Nội và đất nước; phát huy, nâng cao giá trị lịch sử, văn hóa, cảnh quan, kiến trúc, môi trường và hạ tầng kỹ thuật cho khu vực nội đô.

Phương án tài chính dự kiến đề xuất chủ yếu sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và một phần vốn đối ứng trong nước...

Các đại biểu đã tập trung thảo luận về dự án với mục tiêu không chỉ làm hồi sinh dòng sông lịch sử mà còn tạo nên một “điểm nhấn văn hóa” thu hút du khách trong và ngoài nước khi đến với Thủ đô.

Kết luận hội thảo, ông Phan Xuân Dũng hoan nghênh ý tưởng khoa học của đề án cũng như các ý kiến đóng góp tại hội thảo để chỉnh sửa, xúc tiến đầu tư và sớm hoàn thiện dự án trong tương lai gần.