Hôn lễ thời phong kiến

Bàn về hôn lễ xưa, Phạm Đình Hổ đã có những nhận xét khen chê, cũng như đưa ra ý kiến của mình về việc trọng đại của đời người.
img-0900-1647705028.jpg
Đám cưới xưa. Ảnh internet

 

Trong Vũ trung tuỳ bút, Phạm Đình Hổ cho rằng, lễ cưới đã có từ thời Phục Hy bên Trung Hoa, tức từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế. Lúc này, lễ chế đã đầy đủ cả, chép ở trong sách Chu lễ và Lễ ký.

Phạm Đình Hổ nói về hôn lễ thời ông sống, cách đây cũng mấy trăm năm. Ông viết: “Nước ta, từ đấng vương công, khanh tướng cho đến các nhà sĩ thứ, chỉ làm có ba lễ là: vấn danh, nạp sính và thân nghinh, đại khái lấy tiền của làm chủ, thứ hai là nghi lễ phục sức, còn như kén chọn lấy người đức hạnh thì ít ai để ý đến”.

Như vậy, theo Phạm Đình Hổ, việc cưới xin vào thời ông, người ta nặng về hình thức, nghi lễ, mà quên đi đức hạnh. Ông nhắc lại câu của Văn Trung tử nói rằng "Dựng vợ gả chồng mà chỉ bàn tính đến tiền của là cái đạo man rợ, người quân tử không muốn bước chân vào làng ấy".

Phạm Đình Hổ cũng than thở: Đời nay lắm kẻ định hoãn việc tang lại mà đi dón dâu, gọi là cưới chạy tang. Thói ấy thực bại hoại luân lý, các bực tiên hiền từng đã biện bác đi rồi. Còn như cái thói tiền cưới không đủ, bắt phải viết văn khế xin cưới, thường sinh ra kiện tụng lôi thôi ; những kẻ ấy thực là kẻ tội nhân xấu xa, khi cưới xin chỉ kể đến tiền tài. 

Đời xưa, con gái không được thừa hưởng gia tài, vậy nên lúc về nhà chồng thì cho là biệt ly, ba tháng mới được về thăm nhà, chứ không được đi lại luôn. Cứ theo như nghi lễ thì kẻ đi ăn thừa tự người khác, khi để chở cha mẹ mình, phải giáng phục, nghĩa là bớt ngày để tang. Các đấng tiên hiền nghĩ rằng phàm con gái đi lấy chồng, về để chở cho cha mẹ, cũng giống như kẻ ăn thừa tự người ta, nên để chờ cho cha mẹ đều giáng phục như nhau cả.