Hương thị quê nhà

Tôi sinh ra và lớn lên ở quê mẹ, vùng đồng trũng “chiêm khê mùa úng” mùa tháng bảy tháng tám có thể thả vó kéo cá ở sân nhà vì lũ lụt tràn về. Cha tôi về dạy học ở cái làng quê nghèo này, gặp mẹ tôi mà nên vợ nên chồng. Cha cũng định gắn bó với quê mẹ lâu dài nhưng ông trở về quê hương mình. Về với nơi được gọi là “Đất sách” - làng Thư Điền.

 

ccay-thi-1654591110.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Bảy tuổi tôi lần đầu được trở về quê nội. Cái cảm giác lạ lẫm qua nhanh trong đầu óc trẻ thơ. Tôi chỉ nhớ là giờ đây mình được ở nhà ngói chứ không  nhà tranh lợp rạ nữa. Tôi bắt đầu đi học. Lớp vỡ lòng của tôi đặt ở cống Đầm đầu làng. Kỷ niệm về lớp học đầu đời chẳng còn lại là bao trong ngăn kí ức. Kỉ niệm lắng đọng trong tâm hồn tôi đến giờ lại là những năm cấp 2 học ở khu chùa có cây bàng cây thị cổ, có gác chuông đã trở thành nỗi nhớ của mỗi người con “ đất sách” khi xa quê.

   Kỷ niệm thì nhiều. Nhưng điều làm tôi không thể quên khi mỗi mùa thu tới đó là hương thị man mác, là những quả thị vàng ươm trên cây thị cổ. Ngày còn đi học tôi cũng chẳng biết cây thị bao nhiêu tuổi, chỉ biết rằng cây thị cao lắm cao trùm cả ngôi chùa phía dưới, bóng râm của cây đủ che cho cả mấy lớp cùng tập thể dục mà không bị nắng. Giờ khi tuổi đã sắp “ thất thập” mới biết cây thị đã có tuổi đời trên 500 năm và trở thành cây “ di sản” của làng.     

Mấy trăm năm tuổi thị ơi

Vẫn còn sừng sững giữa trời quê hương.

Về quê ra thăm cây thị cổ, đặt bàn tay vào thân cây xù xì những u những cục vỏ mốc thếch mà như gặp lại một thời tuổi thơ đang ngủ yên trong đó. Làn gió nhẹ thoáng qua cũng đủ làm rơi rơi chiếc lá thị già. Thoảng trong gió mùi thơm nhè nhẹ. Thị đã bắt đầu phơi áo vàng giữa tàn lá xanh. Tôi ngước mắt tìm trái thị chín mà không thấy. Mắt kém rồi đâu còn tinh tường để dõi theo gió lay đợi trái thị chín rụng xuống rồi tranh nhau với bạn đưa tay đỡ như khi còn đi học. Được quả thị chín là cất trong túi sách để dành ngửi hương. Đến khi quả chín nẫu mới dám ăn. Khi ăn còn cẩn thận lấy dao chia vỏ quả thị ra năm phần bằng nhau tách thành năm cánh làm nên bông hoa thị dán vào tường vào bàn học để tiếp tục ngửi mùi thơm của thị. Chúng tôi cũng không quên những hạt thị đem mài vào đá cho sạch lớp áo nâu sẫm để lộ ra phần hạt trắng nõn vừa có thể ăn được vừa để làm đồ chơi. Vui nhất là khi nhặt được những trái thị nhỏ như ngón chân cái hoặc to bằng chén mắt trâu (loại chén cha tôi thường dùng để uống trà tàu- trà khô) tôi không ăn mà cứ để ở túi áo tận hưởng hương thơm. Vào mùa thị ra hoa cũng là mùa vui của bọn trẻ con. Những bông hoa thị mầu trắng muôn muốt mọc xúm xít, gặp gió rơi xuống như những ngôi sao xoay xoay đậu xuống mặt đất. Chúng tôi nhặt gom lại xâu thành vòng tay vòng cổ và vòng hoa đội trên đầu. Trò chơi thuở ấy giờ không biết bọn trẻ trong làng có còn chơi không hay đã bị chìm dưới những trò chơi điện tử thời 4.0 rồi.

     Giờ đây nơi cây thị cổ thụ không còn là khu trường học nữa. Khung cảnh trả lại cho ngôi chùa cổ kính và cây thị di sản. Ngôi chùa Hưng Long giờ đây cũng đã được tu sửa trở thành nơi tâm linh cho khách thập phương về chiêm bái. Cổng Tam quan với gác chuông đi vào kí ức của mỗi người dân làng tôi để dù đi đâu ở đâu chỉ cần nhắc tới gác Chuông và cây thị là nhận ra ngay đồng hương Thư Điền. Trong tâm trí tôi vẫn mãi còn nỗi nhớ sâu nặng với hương thị quê nhà, với hương thị “ cổ tích” tuổi thơ. Dẫu biết rằng trái thị cùng với hương thơm man mác sẽ có ở nhiều vùng quê Việt Nam và trở thành dấu ấn trong tâm thức của nhiều người. Để rồi dẫu cho khi thời gian nhuộm trắng mái đầu vẫn da diết nhớ mãi trái thị vàng nơi cô Tấm ẩn mình chờ ngày gặp nhà vua. Một nỗi nhớ chênh chao đến nao lòng.

Mấy trăm năm tuổi thị ơi

Vẫn còn sừng sững giữ trời quê ta.

Thư Điền hương thị quê nhà

Đất quê hiếu học ông cha một thời.

Thị ơi mấy trăm tuổi rồi

Từng ghi dấu ấn của ngôi trường làng.

 Đến mùa thị vẫn chín vàng

Tỏa hương thơm ngát mênh mang cả vùng.

Mấy trăm năm tuổi ung dung

Thị che bóng mát đứng cùng chùa quê.

Hưng Long nơi chốn tìm về

Tịnh tâm thanh thản thôn quê Thư Điền.

Chuyện Làng Quê