.
Nhớ lại thuở xưa, trong quá trình gian nan đi mở cõi, thu hút nhân lực, Nguyễn Hoàng là người khôn ngoan, nhân hậu, lưu tâm đến dân tình, hết lòng thu dung hào kiệt, giảm sưu, hạ thuế, khiến lòng người ai cũng mến phục. Nhân dân xưng tụng ông là Chúa Tiên hay Tiên chủ. Khoảng 40 năm đầu vào vùng đất mới, Nguyễn Hoàng chú trọng “khẩn hoang lập ấp” như là một quyết sách biến vùng đất phương Nam này thành những làng, xã trù phú, phát triển kinh tế, tăng nhanh dân số, gây nuôi lực lượng tính kế lâu dài. Công cuộc khẩn hoang lập ấp ở Đàng Trong của Nguyễn Hoàng đã đem lại hiệu quả rõ rệt về mọi mặt.
Theo Đặng Việt Thuỷ trong bài “Người mang gươm đi mở cõi” trên bienphong.com.vn thì: Mục tiêu số một của Nguyễn Hoàng khi quyết định vào Nam dựng nghiệp là xây dựng một vương triều độc lập, thoát ly hẳn sự lệ thuộc với triều đình vua Lê, chúa Trịnh. Tuy nhiên, do điều kiện và hoàn cảnh lúc đó, ông phải hết sức kín đáo để tránh mọi sự hoài nghi của chúa Trịnh. Bề ngoài, Nguyễn Hoàng vẫn giữ quan hệ bình thường và hoàn thành tốt nghĩa vụ với vua Lê. Để tránh sự nghi kỵ của chúa Trịnh, năm 1569, ông ra chầu vua Lê ở kinh đô An Trường. Nghĩa cử đó tăng thêm sự tín nhiệm của vua triều đình Lê – Trịnh. Vì thế, năm 1570, Nguyễn Hoàng được giao kiêm trấn thủ đất Quảng Nam. Ảnh hưởng chính trị của Chúa Tiên lan rộng đến Đồng Xuân, Tuy Hòa (Phú Yên).
Để giữ lòng tin với triều đình Lê - Trịnh, Nguyễn Hoàng còn để lại một số người con, cho làm quan dưới triều Lê (như Nguyễn Hà, Nguyễn Hải), gả con gái là Ngọc Tú cho Trịnh Tráng (con cả chúa Trịnh Tùng). Không những thế, Nguyễn Hoàng còn đem quân ra Đông Đô giúp Trịnh Tùng đánh dẹp dư đảng họ Mạc. Ông đã từng lưu lại ở miền Bắc với nhà Lê đến 7 năm. Vì lập được nhiều chiến công, ông được vua Lê tấn phong làm Trung quân đô đốc thủ phủ tả đô đốc chưởng phủ sự Thái úy Đoan Quốc công.
Nhưng đến năm Canh Tý (1600), Nguyễn Hoàng khi đó 76 tuổi, nhân có bọn Bùi Văn Khuê và Phan Ngạn (nguyên là tướng cũ của triều Mạc) làm loạn ở Nam Định, lập mưu bàn với Bình An vương Trịnh Tùng xin đem quân bản bộ đi dẹp loạn, thừa cơ vượt biển vào Thuận Hoá. Sau đó, vua Lê sai sứ giả vào phủ dụ, vẫn để Nguyễn Hoàng trấn thủ đất Thuận Quảng, hàng năm nộp thuế khóa đầy đủ. Trịnh Tùng cũng gửi thư kèm theo khuyên giữ tốt việc tuế cống.
Từ đó, Nguyễn Hoàng không ra Đông Đô nữa. Trịnh Tùng cũng chẳng dám đụng chạm đến việc này. Có thể nói, từ năm 1600, Nguyễn Hoàng bắt đầu xây dựng một giang sơn cho họ Nguyễn ở Đàng Trong.
Thuận - Quảng vốn là đất cũ của Chiêm Thành, chịu ảnh hưởng văn hóa Chăm Pa, Chúa Tiên đã dùng Phật giáo để thuần hóa dân chúng dưới quyền. Ông đã cho sửa sang và xây dựng nhiều ngôi chùa.
Năm 1602, ông cho sửa chùa Sùng Hóa ở xã Triêm Ân (Phú Vang) và dựng chùa Long Hưng (phía Đông Trấn dinh, thuộc huyện Duy Xuyên). Năm 1607, dựng chùa Bảo Châu ở Trà Kiệu. Năm 1609, dựng chùa Kính Thiên (Thuận Trạch, Quảng Bình). Trước đó, công việc lớn nhất, có giá trị nhất là việc Chúa Tiên đã xây dựng chùa Thiên Mụ năm 1601. Nổi bật của chùa này là ngọn tháp Phước Duyên xây bằng gạch cao 21m, gồm 7 tầng. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật, và bên trong có một chiếc cầu thang hình xoắn ốc để dẫn lên trên cùng, nơi mà trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng.
Truyền thuyết kể rằng, khi Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này. Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương ngược lên phía đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại. Hỏi ra mới biết, ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê. Người dân địa phương cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh“. Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ Sơn (núi Thiên Mụ). Tư tưởng lớn của chúa Nguyễn Hoàng dường như cùng bắt nhịp được với ý nguyện của dân chúng. Ông cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là “Thiên Mụ Tự“ (chùa Thiên Mụ).
Chùa Thiên Mụ mang nét kiến trúc đặc sắc của cố đô Huế. Từ trên cao nhìn xuống, tổng thể chùa Thiên Mụ, ngôi chùa giống như một con rùa thần khổng lồ soi bóng xuống dòng sông Hương. Chùa được bao quanh bằng những dãy tường đá xây thành hai vòng.
Ngay sau khi được xây dựng, chùa Thiên Mụ đã trở thành biểu tượng của sự linh thiêng, biểu tượng của sự hòa hợp các loại hình tôn giáo tín ngưỡng tại địa phương và cũng là biểu tượng cho sự ủng hộ của thần linh bản địa đối với họ Nguyễn. Ngôi chùa này nổi tiếng cho đến ngày nay. Đây cũng là ngôi chùa lịch sử có quan hệ mật thiết với quá trình phát triển đất Thuận Hóa và triều Nguyễn ở Việt Nam.
Dưới thời trị vì của Nguyễn Hoàng, vùng đất Thuận Quảng ngày càng thịnh vượng, nhân dân được an cư lạc nghiệp, buôn bán, thương cảng phát triển... Được như vậy trước hết là do sự cai trị tài giỏi của Chúa Tiên, hơn nữa, đây còn là vùng đất mới khai phá, có nhiều điều kiện để phát triển và do cư dân gồm đại bộ phận là những người lao động cần cù, tháo vát, dũng cảm, có đầu óc dám nghĩ dám làm đến khai phá vùng này.
Ngay cả các sử thần Lê - Trịnh cũng viết: "Đất Thuận Quảng lại được yên. Nguyễn Hoàng trị nhậm mấy chục năm, chính lệnh khoan hòa, thường ban ơn huệ, dùng phép công bằng, khuyên răn bản bộ, cấm trấp những kẻ hung ác; dân hai trấn đều cảm lòng mến đức, thay đổi phong tục, chợ không nói thách, dân không trộm cắp, cổng ngoài không phải đóng, thuyền buôn nước ngoài đều đến buôn bán, đổi trao phải giá, quân lệnh nghiêm cẩn, mọi người ra sức. Từ đấy người Mạc không dám dòm nom, trong cõi được yên ở làm ăn". ("Đại Việt sử ký toàn thư", Tập IV, Nxb Khoa học Xã hội, H.1973, trang 161).
Năm 1613, biết mình không thể sống lâu hơn nữa, Nguyễn Hoàng cho triệu công tử thứ sáu là Nguyễn Phúc Nguyên đang trấn thủ Quảng Nam ra. Chúa bảo các cận thần rằng: "Ta với các ngươi cùng nhau cam khổ đã lâu, muốn dựng nên nghiệp lớn. Nay ta để gánh nặng lại cho con ta, các ngươi nên cùng lòng giúp đỡ cho thành công nghiệp".
Rồi bảo Nguyễn Phúc Nguyên rằng: "Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung, anh em trước hết phải thương yêu nhau. Con giữ được lời dặn đó thì ta không ân hận gì nữa. Đất Thuận Quảng này phía Bắc có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang, phía Nam có các núi Hải Vân, thật là nơi trời để cho người anh hùng dụng võ. Vậy con phải thương yêu nhân dân, luyện tập quân sĩ để gây dựng cơ nghiệp muôn đời".
Nguyễn Hoàng mất năm Quý Sửu (1613), thọ 89 tuổi, trấn thủ Thuận Quảng được 56 năm. Sau triều Nguyễn truy tôn là Thái tổ Gia Dụ hoàng đế. Nếu không kể thời gian trị vì ngắn ngủi của nhà Tây Sơn (1788-1801) thì từ khi Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa (1558) cho đến ngày vua Bảo Đại thoái vị (tháng 8-1945), dòng họ Nguyễn đã cai trị Đàng Trong (1558-1776) và trị vì ngôi vua (1802-1945) non 4 thế kỷ với 9 đời chúa và 13 đời vua, đã hoàn thành việc mở cõi từ Thuận Quảng đến tận Mũi Cà Mau.
Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng cho rằng: “Cũng có ý kiến về chuyện "mang gươm đi mở cõi" của một số nhà nghiên cứu lịch sử, có vẻ không phù hợp lắm với công cuộc khẩn hoang nơi vùng xa lạ. Song, xét về mặt lịch sử, Nam tiến của dân tộc Việt Nam tuy có đặc thù là chủ yếu đối phó với thiên nhiên, hòa đồng với người bản địa sống rải rác đó đây, nên "mang gươm đi mở cõi" không chỉ là những cuộc hành quân đẫm máu, không chỉ là tiếng nói của sắt thép và vó ngựa, "mang gươm đi mở cõi" phản ánh những gian nguy trước chốn hoang sơ đầy thú dữ của buổi ban đầu. Thi pháp có quyền khái quát, miễn sự khái quát tạo được rung động và "mang gươm đi mở cõi" đã tạo được cái rung động ấy”.
Như vậy, từ năm Chúa tiên Nguyễn Hoàng rời Kinh đô kháng chiến Vạn Lại – An Trường (Thanh Hoá) đi mở cõi vào Đàng Trong (mùa hạ 1558) đến nay (tháng 8/2021) là 463 năm. Biết bao mồ hôi, xương máu trải dài theo dãy “Hoành Sơn nhất đại” và Trường Sơn hùng vĩ đã đổ xuống trên mảnh đất này. Đó là một bản trường ca hùng tráng về tâm hồn và khí phách của không biết bao nhiêu thế hệ người Việt đã biến mảnh đất hoang vu này với phẩm chất, tinh thần cao quý đã kết tinh lại ở con người nơi đây. Nó bổ sung, làm rạng rỡ thêm nền văn hiến lâu đời của dân tộc Việt, không chỉ được tiếp nối mà còn luôn luôn được nâng cao và đổi mới, phát triển. Điều đó cũng thể hiện tâm hồn rộng lớn, đầu óc thông minh và tài năng sáng tạo của con người Việt Nam qua bao năm xây dựng và bảo vệ, phát huy khí phách anh hùng, tinh hoa truyền thống đoàn kết toàn dân tộc để có sức mạnh tổng hợp khai thác, bảo vệ mảnh đất phương Nam đầy khó khăn, thử thách, trở thành trù phú như ngày nay.
(Hết)
V-X-B