Hy vọng bài phát biểu của Tổng Bí thư sẽ tạo một cú hích rất lớn cho công tác văn hóa

Các văn nghệ sĩ tiêu biểu đã bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của mình về bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11.

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo tâm huyết. Khẳng định ý nghĩa đặc biệt của Hội nghị văn hóa toàn quốc vì đây là Hội nghị được tổ chức dịp kỷ niệm 75 năm ngày diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946, Tổng Bí thư nhấn mạnh rất vui mừng, vinh dự và hào hứng được dự hội nghị này.

Hơn một tiếng phát biểu, Tổng Bí thư nhiều lần trích đọc các bài thơ nổi tiếng, được nhiều thế hệ yêu thích, như “Chân quê” của Nguyễn Bính; “Việt Bắc” của Tố Hữu... Các đại biểu cảm nhận rõ tình cảm đặc biệt của Tổng Bí thư dành cho văn hóa - văn nghệ, văn nghệ sĩ. Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng liên tục nhận được những tràng vỗ tay của đại biểu tham dự tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

Các văn nghệ sĩ tiêu biểu đã bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ sau bài phát biểu của người đứng đầu Đảng ta.

 

NSND Vương Duy Biên, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam: Nhận thức đúng để văn hóa có điều kiện phát triển

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu sâu sắc, đậm chất văn hóa. Tổng Bí thư đã chỉ ra rất đúng, rất trúng với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật những mặt được và chưa được của việc phát triển văn hóa.

 

Vấn đề là sau Hội nghị này, độ thấm, lan tỏa ra xã hội, ra các cấp chính quyền, ra nhân dân như thế nào, đặc biệt là đối với những người đang giữ trọng trách để làm công tác văn hóa cho đất nước để triển khai những kỳ vọng mà Tổng Bí thư thể hiện trong bài phát biểu của mình. Tôi nghĩ rằng, thông điệp của Hội nghị hôm nay, đặc biệt là bài phát biểu của Tổng Bí thư nếu được tuyên truyền, lan tỏa tốt sẽ tạo một cú hích rất lớn cho công tác văn hóa. Vấn đề quan trọng là nhận thức của các cấp chính quyền. Các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương mới là người triển khai các quyết sách, chế độ chính sách tạo điều kiện cho văn hóa nghệ thuật phát triển.

Đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa đã đầy đủ, sâu sắc. Vấn đề của chúng ta là thể chế hóa, cụ thể hóa bằng các chính sách, việc làm thiết thực.

NSND Thanh Hoa: Văn hóa là cội nguồn, là nhân cách

Trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư nhắc đến những áng văn thơ, lời của những ca khúc hay nói về tình yêu quê hương, đất nước. Đó là một bài phát biểu sâu sắc, đầy tình nghĩa, nhắn nhủ chúng ta phải luôn nhớ đến mình đang ở đâu, đang làm gì, làm thế nào để bảo tồn văn hóa nguồn cội, tôn vinh những người đã cống hiến cho sự nghiệp văn hóa, đồng thời dẹp bớt đi những thứ văn hóa ngoại lai.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này có thể xem là hội nghị lịch sử. Tôi cũng nhất trí, đồng tình cao với với báo cáo trung tâm do đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày, nói lên thực trạng văn hóa hiện nay, những mặt được và chưa được. Tôi rất bất ngờ vì lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất hiểu, nắm rất sâu về văn hóa, dám thừa nhận những bất cập, hạn chế còn tồn tại và vạch ra được phương hướng khắc phục.

 

Tôi cũng bất ngờ vì lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm đến từng chi tiết, từng vấn đề hiện nay vẫn còn tồn động trong văn hóa. Có thể nói, ai cũng nhận thấy rằng văn hóa của đất nước mình hiện nay đang rất nhiều vấn đề bất cập cần phải thay đổi. Là một nghệ sĩ trong ngành văn hóa, tôi có cảm nhận văn hóa không phải chỉ là âm nhạc, không phải chỉ là thi ca, điện ảnh…mà văn hóa là cội nguồn, làm nên nhân cách con người. Tổng Bí thư cũng đã có đúc kết và đánh giá các kiến thức, dân trí của cả một xã hội được phản ánh từ văn hóa.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đã dành rất nhiều những lời tri ân, chia sẻ với giới văn nghệ sĩ về những khó khăn của văn hóa hiện nay, đồng thời nhắn nhủ, định hướng về trách nhiệm của người làm văn hóa, đặc biệt là nghệ sĩ trong thời kỳ này. Tôi hy vọng rằng, các nghệ sĩ qua Hội nghị này sẽ hiểu rõ hơn vai trò lịch sử của mình, từ đó hành động để xứng đáng với sự tin tưởng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Sau Hội nghị, tôi cũng tràn trề hy vọng và tin tưởng rằng sẽ có một sự đổi mới về văn hóa trong thời kỳ tới, khi tất cả lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều dồn hết tâm huyết và tình cảm cho công cuộc đổi mới văn hóa.

NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam: Nỗ lực để có các hoạt động văn hóa thiết thực

Bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọn rất ấm áp và gần gũi. Nếu như chúng ta để ý một chút, có thể thấy rằng bài phát biểu của người đứng đầu Đảng ta đã phá bỏ mọi khuôn khổ của một bài phát biểu thông thường; mà đây vừa là lời tâm sự, vừa là lời hiệu triệu, vừa là lời chỉ đạo, cũng vừa là sự chia sẻ. Chúng ta thấy ở đây sự đau đáu của Tổng Bí thư mong muốn văn hóa được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

 

Những người ở dưới lắng nghe rất chăm chú, đặc biệt với một tinh thần rất cởi mở. Chúng ta có thể thấy rất nhiều tiếng vỗ tay và những tiếng cười. Thấy rõ được rằng, với những luận điểm, với những vấn đề, chỉ đạo của Tổng Bí thư đưa ra rất gần gũi, tạo động lực, niềm tin cho những người làm văn hóa nói chung. Chúng tôi rất tin tưởng vào những thay đổi trong thời gian sắp tới. Không thể có một cách nào khác ngoài hành động với đúng tôn chỉ mục đích để chúng ta đưa văn hóa về đúng giá trị.

Tôi đặc biệt chú ý đến những câu ca dao từ thuở vỡ lòng chúng ta đã được học trong bài phát biểu của Tổng Bí thư. Những câu ca dao gần gũi, thân thiết, mộc mạc, chân tình hầu như người Việt Nam nào cũng biết. Tổng Bí thư đã đọc lại để cho chúng ta thấy rằng đừng có bỏ quên những điều đó, những điều tưởng như chúng ta đều biết đến, nhưng nếu chúng ta không hành động thì những hiểu biết của chúng ta dường như vô nghĩa. Phải hun đúc nó lên trở thành những nét đẹp của người Việt Nam.

Khi nghe bài phát biểu của Tổng Bí thư, tôi cảm thấy chính nghệ sĩ chúng tôi cũng được quan tâm, chia sẻ. Tổng Bí thư khẳng định rất rõ ràng rằng, mỗi người văn nghệ sĩ là những hạt nhân, là nền tảng rất quan trọng để truyền đạt văn hóa đó để nhân rộng văn hóa đó, nâng cao nhận thức cho mọi người về văn hóa. Những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung đều phải luôn luôn tu dưỡng, hoàn thiện chính mình để có nhận thức đúng đắn, từ đó đưa vào tác phẩm của mình để truyền đạt những nội dung, đưa ra những tư tưởng, định hướng những giá trị thẩm mỹ cho người xem, đọc, nghe.

Diễn viên Trương Ngọc Ánh: Văn hóa sẽ đóng góp đáng kể vào nền kinh tế

Bài phát biểu của Tổng Bí thư mang đến cho tôi nhiều cảm xúc mà khi kết thúc, tôi thấy hân hoan lắm. Bài phát biểu có chút dí dỏm, hài hước nhưng cũng có nhắc nhở, phê bình những hạn chế trong việc phát triển văn hóa hiện nay.

Một bất cập được kể đến là thiếu tác phẩm văn học nghệ thuật giá trị, ấn tượng với công chúng. Tôi thấy rất thấm thía. Trong gần 2 năm qua, COVID-19 khiến mọi hoạt động văn hóa nghệ thuật gặp khó khăn. Nhưng sự nhắc nhở của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần này cũng là lời động viên, khích lệ, mở ra một hướng để văn hóa phát triển hơn.

 

Quan sát của tôi cho rằng chưa có một sự đầu tư đúng mực, cân xứng cho phát triển văn hóa nói chung, về điện ảnh, các lĩnh vực nghệ thuật nói riêng. Mặc dù văn hóa phát triển cũng là một phần không nhỏ để phát triển kinh tế, giống như Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng có lấy ví dụ một nhóm nhạc Hàn Quốc đóng góp thuế cho nhà nước bằng cả một nhà máy xe hơi.

Tôi nghĩ nếu văn hóa của Việt Nam ngoài chuyện phục vụ những nhiệm vụ chính trị, những tôn chỉ mục đích của từng loại hình nghệ thuật nếu có sự đầu tư, quan tâm đúng mực, có sự chuyển mình, văn hóa sẽ phát triển và sẽ làm phần không nhỏ đóng góp cho nền kinh tế phát triển. Cái mấu chốt ở đây vẫn là con người. Văn hóa vẫn phải là do con người sáng tạo nên, vì thế, phải đầu tư cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Ngoài ra cũng cần quan tâm thể chế chính sách để văn hóa phát triển hơn nữa./.