Đê Kôn nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng sâu, hoang sơ như thuở ban đầu, con đường bê tông hoàn thành và đi vào sử dụng đã đưa bà con người Ba Na ở làng Đê Kôn, xã Hà Ra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai kết nối với các địa bàn xung quanh để lưu thương hàng hóa, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững, thực sự là con đường kết nối “ý Đảng, lòng dân”.
Lễ hội cà kheo mừng Quốc khánh của bà con dân tộc thiểu số địa phương
Đê Kôn đi ra từ “ ốc đảo”
Chúng tôi trở về “ốc đảo” Đê Kôn trong những ngày Tết Độc lập 2-9, trên con đường bê tông rộng mở mới hoàn thành người và xe qua lại tấp nập, người dân ai ai cũng mừng vui, gặp nhau tay bắt mặt mừng. Con đường tiến vào “giải phóng ốc đảo” Đê Kôn thực sự mở ra cơ hội mới để bà con dân tộc thiểu số (DTTS) người Ba Na ở đây đoàn kết, chung sức phát triển kinh tế, xã hội khi ý Đảng, lòng dân được kết nối.
Gặp chúng tôi từ đầu làng, ông H’Riu ( dân tộc Ba Na), Bí thư chi bộ, kiêm trưởng thôn Đê Kôn xúc động: Tôi và bà con dân làng hiểu được rằng, để có được cuộc sống ấm no đầy đủ như hôm nay, ông cha ta đã vất vả hy sinh ra sao. Và hôm nay được tận hưởng không khí vui tươi phấn khởi của quê hương, đất nước trong những ngày Quốc khánh – Tết Độc lập, lại càng khiến tôi trào dâng sự xúc động, tự hào về quê hương, về Tổ quốc linh thiêng. Đối với tôi, Quốc khánh 2-9 luôn là ngày lễ thiêng liêng nhất. Bước ra từ ốc đảo nên cuộc sống bà con còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách phù hợp của Nhà nước và huyện Mang Yang đã giành nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong xây dựng nông thôn mới hiện nay. Làng quê giờ đã đổi thay rất nhiều, có con đường mới to đẹp thuận lợi trong đi lại phát triển kinh tế, lại có điện, trường học, trạm xá, nên cuộc sống của người dân trên địa bàn nói chung, làng Đê Kôn nói riêng ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 7 làm đường vào làng Đê Kôn
Chỉ hơn một năm trước, làng Đê Kôn được coi là một "ốc đảo" bởi thường xuyên bị biệt lập suốt 6 - 7 tháng mùa mưa trong năm. Đời sống của bà con ở đây luôn chịu cảnh đói nghèo và lạc hậu. Từ ngày con đường hoàn thành và đi vào hoạt động, đời sống bà con dân tộc thiểu số Ba Na ở vùng "ốc đảo" này khác trước nhiều, người dân trong làng đã đảm bảo được những điều kiện cần thiết để khai thác tiềm năng, lợi thế và đang từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cũng tầm này vào năm trước, khi nghe tin cán bộ, chiến sĩ thuộc Lữ đoàn Công binh 7 (Quân đoàn 3) đang thi công san ủi, dầm sập lại con đường này để giúp người dân vùng "ốc đảo" đi lại và kết nối thông thương giao lưu buôn bán hàng hóa, chúng tôi đã tìm đến nơi này để tác nghiệp. Mùa khô ở thành phố Pleiku – Gia Lai, những cơn gió xoáy sâu trong nắng, nhưng ở đây, bầu trời vẫn sũng nước. Những đám mây xám kéo lê thê trên nền trời thấp. Không gian cứ âm âm một cái màu phân vân sáng tối. Cũng không rõ mưa thật hay sương rớt, cứ miên man một thứ âm thanh rỉ rắc, đơn điệu và ướt át sau mỗi bước đi...Những con dốc trơn nhẫy, chi chít những vũng nước, những khe sâu sũng sạt đất đá liên hoàn là đến làng Đê Kôn.
Niềm vui của bà con người Ba Na đi trên con đường mới
Đã thấy “ốc đảo” Đê Kôn hiện dần trước mắt. Mái nhà rông của làng cao vút lên trên những ngôi nhà sàn quen thuộc của người Ba Na. Nắm chặt tay chúng tôi như người thân đi xa lâu ngày trở lại, ông H’Riu, Bí thư chi bộ, kiêm trưởng thôn Đê Kôn cho biết: “Đê Kôn hiện có hơn 54 hộ với 257 nhân khẩu, trong đó chiếm 80% là đồng bào Ba Na. So với 10 năm trước, dân số đã tăng được gần 30 hộ, hơn 125 khẩu. So sánh để mà mừng bởi từ 1975 cho đến năm 2010 dân số của làng hầu như không tăng. Hồi đó trẻ nhỏ, người già bệnh nhiều quá- nhất là sốt rét, dịch hạch...Nhà nước đã đầu tư xây dựng trường học, trạm xá. Nhưng cái tốt, cái mới bên ngoài mắc các hủ tục lạc hậu nên không vào được, không cứu được người dân, thành ra “ốc đảo” vẫn cứ là “ốc đảo”. Trước khi khai thông con đường này, bà con mình muốn xa cái làng mang thứ gì đó làm được đi ra ngoài để trao đổi, mua bán quá khó khăn, chỉ hơn 7km là đến quốc lộ 19, ra đến xã, mà phải leo núi, leo đồi, qua suối cũng mất cả buổi sáng. Mình trông có con đường lắm. Như biết được cái bụng của bà con, trên cơ sở nền đường đất được bộ đội Lữ đoàn Công binh 7 san ủi, nâng cấp, Huyện ủy- UBND huyện đã triển khai xây dựng con đường bê tông vào làng. Chỉ có con đường thông thoáng là cứu được bà con dân làng thôi”. Nói rồi ông H’Riu đưa mắt nhìn ra con đường rồi cười rất vui…
Khỏi phải nói người dân ở đây vui mừng như thế nào, bởi đây là con đường họ mong mỏi, chờ đợi từ rất lâu. Do vậy, từng mét đường hoàn thành mỗi ngày cũng là điều mong mỏi, khấp khởi của người dân địa phương. Con đường hoàn thành sẽ giúp “ốc đảo” Đê Kôn ngày một gần hơn với những đổi thay trong tương lai, không những tạo thuận lợi cho người dân đi lại, mà đặc biệt hơn các sản phẩm nông nghiệp nơi đây không bị con chồn, con sóc ăn phá, đặc biệt không còn chịu cảnh tư thương ép giá. Kinh tết phát triển, các hủ tục lạc hậu được người dân xóa bỏ, thay vào đó là nét văn hóa mới, tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết của bà con càng thêm thắt chặt.
Xe cộ lưu thông trên con đường vào Đê Kôn
Không giấu được niềm vui, ông Đinh Wung (79 tuổi) chia sẻ: Trước đây, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, con đường này là cầu nối để bà con vận chuyển lương thực, đạn dược, cất giấu cho bộ đội chặn đánh giặc ở đèo Mang Yang (Cổng trời). Cứ sau một trận đánh, biết tin quân ta chiến thắng, bà con mình mừng cái bụng lắm. Rồi cứ thế bao con trăng đi qua, bao ngày dài gian khó, bà con cứ động viên nhau băng rừng, lội suối đi tải đạn, vận chuyển cái ăn cho bộ đội. Thời gian gần đây mọi người muốn vào được Đê Kôn, hoặc đi ra bên ngoài, phương tiện duy nhất là lội bộ, và mất gần cả buổi mới đến. Xe ô tô, xe máy chỉ đến được đoạn đường rẽ từ quốc lộ 19 vào. Muốn vào làng từ đây bắt đầu lội bộ men theo con đường mòn hẹp, dốc cao và quanh co liên tục, hẻm sâu, nếu không cẩn thận dễ bị trượt dốc gây nguy hiểm đến tính mạng. Cũng chính vì sự cách trở về giao thông, vận chuyển khó khăn khiến nông sản của người dân làm ra thường bị chi phí vận chuyển “ăn” hết nửa. Còn nếu để lại thì các sản phẩm làm ra cũng chẳng biết bán cho ai. Đời sống của người dân trong vùng vốn đã khổ lại càng thêm khó. Nhưng chuyện buồn hơn là những ngày đầu tháng 7 năm trước, hai anh em cháu Vươn đi chơi bị ong đốt, thời gian đưa đến bệnh viện cấp cứu muộn, nên chỉ mình Vươn được cứu sống, còn thằng em đã về với A Tâu. Đến đây tôi thấy khóe mắt ông giật giật, chắc ông đang xúc động và lo lắng cho bà con dân làng.
Đường không thông, người dân sinh sống ở “ốc đảo” đã khổ, nhưng chuyện các cô giáo đến dạy con chữ cho học sinh ở đây cũng chẳng dễ dàng chút nào. Mặc dù bị ngã gãy tay, gãy xương sườn, nhưng thương các em nghèo con chữ, không nản đường xa cách trở, nắng mưa gió bụi thất thường, nguy hiểm đến tính mạng, cô giáo Đinh Thị Hồng Huệ (giáo viên mầm non) và cô Nguyễn Kim Thủy (giáo viên Trường Tiểu học Hà Ra số 2) vẫn nhiều năm bám lớp, bám trường, quyết đem “mầm sáng vì ngày mai”cho các em. Các cô được bà con dân làng kính trọng và truyền nhau như một chuyện cổ tích trên đỉnh “cổng trời”.
Dân làng hết khó nhờ có con đường
Đến nay thời gian tuy chưa dài lắm, nhưng hiệu quả đem lại từ việc đầu tư làm đường mới đến làng Đê Kôn có ý nghĩa quan trọng đối với cấp ủy, chính quyền, bà con DTTS người Ba Na ở vùng đất khó khăn. Khi đã có đường, có điện, sẽ tạo động lực cho bà con lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo, xây dựng thôn làng ngày càng khang trang, no ấm.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Trần Đình Hiệp, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mang Yang (Gia Lai) cho biết: Xác định giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, nên chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phát huy vai trò gương mẫu của các hộ dân trong việc hiến đất làm đường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển kinh tế, thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Với sự đóng góp tích cực, tự nguyện của các hộ dân người Ba Na của làng Đê Kôn đã thực sự tạo thêm sức lan tỏa, tác động lớn đến nhận thức của người dân trong các khu dân cư nói riêng, huyện Mang Yang nói chung trong xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, Huyện ủy- UBND huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng những điển hình trong phong trào hiến đất làm đường giao thông, để phong trào thực sự có sức lan tỏa trên địa bàn như lời Bác Hồ đã dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong.
Đến nay có thể khẳng định rằng, với sự quan tâm vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất giữa “ý Đảng với lòng dân” nên việc thực hiện các nhiệm vụ về kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng an ninh đạt kết quả khả quan, trong đó phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Mang Yang nói chung, con đường vào “ốc đảo” Đê Kôn nói riêng đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Những chuyến xe vận chuyển hành khách, hàng hóa ra vào làng Đê Kôn
Xác định con đường là chìa khóa cho bà con làng Đê Kôn và các vùng lân cận tận dụng để phát triển kinh tế, nhất là việc giao thương buôn bán, trao đổi sản phẩm nông nghiệp làm ra. Sau khi bàn bạc thống nhất, Huyện ủy – UBND huyện chỉ đạo và triền khai cho các cơ quan chức năng khảo sát, trên cơ sở nền đường đất được bộ đội Quân đoàn 3 giúp san ủi, nâng cấp để tiến hành xây dựng Dự án đường vào làng Đê Kôn (xã H’ra). Con đường được đầu tư với tổng chiều dài gần 7km, đi qua địa phận thôn Phú Danh, kết nối với các làng Bok Ayol, làng Kơ Dung và đến làng Đê Kôn. Kết cấu mặt đường rộng từ 3,5 đến 5,5m, nền đường rộng từ 5 đến 6,5m; tổng mức đầu tư 34 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh Gia Lai. Từ khi có con đường khang trang vào làng bà con Đê Kôn rất vui mừng và phấn khởi. Dân làng đi lại, các cháu đến trường thuận lợi, bà con dân làng không còn bị cô lập khi mưa lũ đến; các sản phẩm nông nghiệp được thông thương không bị tư thương bị ép giá. Cuộc sống bà con dân làng bắt đầu phát triển, người dân vui cái bụng, còn chúng tôi thấy mình quá hạnh phúc.
Từ khi con đường được thi công, hoàn thành và bắt đầu lưu thông đi lại, Đảng ủy- UBND huyện Mang Yang còn triển khai cho các cơ quan bàn ngành chức năng, tích cực vận động bà con DTTS địa phương thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó vận động, định hướng bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa để tăng thu nhập cho người dân.
Lễ hội mừng Tết Độc lập của bà con người Ba Na
Không giấu được niềm vui trên khuôn mặt, ông K Lưnh (45 tuổi- người Ba Na), Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Đê Kôn xúc động “Trước đây con đường này chỉ là một lối mòn bằng đất đi qua nhiều nương rẫy sình lầy, rừng núi, sông suối chia cắt nên đi lại vô cùng khó khăn. Kể từ khi được bộ đội Lữ đoàn Công binh 7 san lấp, nâng cấp, rồi mới đây lại được cấp ủy, chính quyền địa phương bê tông hóa theo chương trình nông thôn mới, con đường hoàn thành đã mang đến nhiều kỳ vọng trong tương lai cho người dân ở “ốc đảo” Đê Kôn. Con đường đất củ bị xói mòn nhiều đoạn trũng sâu, trơn trượt rất khó đi, vận chuyển hàng hóa nông sản tốn kém, giờ có con đường việc đi lại sẽ thuận lợi hơn, giá nông sản theo đó tăng lên; biết “ý nghĩa – vai trò” của con đường mang lại, nên nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất, nếu con đường đi qua nương rẫy kể cả sân vườn . Ngày trước, bắp chỉ bán được 1.000 đồng/kg, nay bà con mang ra quốc lộ 19 bán với giá 5000 đồng/kg; một trái thơm (dứa) 2 kg, bán được 3000 đồng, thì nay giá bán đã lên 15.000 đồng…là ví dụ đơn giản, dễ nhận thấy nhất. Con đường là công trình lớn, ý nghĩa của dân, vì dân, thực sự là con đường “ý Đảng – lòng dân”.
Có con đường đã mừng cái bụng, nhưng dân làng lại nhận thêm niềm vui mới cộng hưởng, đó là UBND huyện Mang Yang đã quyết định giao cho bà con làng mình quản lý, bảo vệ và hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng trên 394ha rừng ở tiểu khu 489, có thêm nguồn thu nhập lớn, giúp dân làng ổn định cuộc sống.
Đi trên con đường bê tông thông suốt, lộng gió, bạt ngàn nắng, nhiều xe cộ lưu thông chứa đầy hàng hóa, người dân mừng vui đi lại, chúng tôi nhìn nhau xúc động. Không ai nói ra nhưng tất cả đều nghĩ về “ốc đảo” Đê Kôn đang phát triển, người dân sẽ đổi đời ấm no, bình đẳng và hạnh phúc. Một vùng đất cách mạng trù phú, bình yên và không còn cái từ “ốc đảo” sâu xa nữa...