Giữ vững niềm tin để thắp sáng niềm tin

Hoạt động sôi nổi trên các lĩnh vực báo chí, văn học, điện ảnh, âm nhạc…, Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh (Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng) đã có nhiều tác phẩm có giá trị cao, góp phần vào công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Để hiểu rõ hơn về điều này, phóng viên Tạp chí Văn hóa và Phát triển đã có cuộc trò chuyện với nữ nhà văn.

Theo chị, tầm quan trọng của văn nghệ sĩ trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là như thế nào?

Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh: Đối với vấn đề này, tôi cho rằng trải qua nhiều thăng trầm của đất nước, có thể nói lớp lớp các thế hệ văn nghệ sĩ vẫn luôn dấn thấn, đồng hành cùng dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, phát huy tinh thần sáng tạo trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, dân chủ, văn minh. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã cho thấy các văn nghệ sĩ đều có đóng góp đáng ghi nhận vào sự nghiệp chung; mối quan hệ giữa văn nghệ sĩ với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ngày càng thêm bền chặt, phù hợp nhịp sống và xã hội hiện đại. Do đó, tôi thiết nghĩ trong quá khứ, hiện tại và tương lai, vai trò của văn nghệ sĩ đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng luôn cần được chú trọng và đề cao.

445248092-1132491021310179-2313001960968218797-n-1717703165.jpg

Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh.

 

Chúng ta cùng nhìn lại 80 năm trước, khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, các tổ chức, nhóm phái văn nghệ sĩ tiền chiến đã chuyển hóa “nhận đường”, kiên trì, bền bỉ, tích cực đem tài năng phụng sự cách mạng, cùng toàn Đảng, toàn dân tham gia vào cuộc trường kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và 20 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Giai đoạn ấy, lớp lớp văn nghệ sĩ - chiến sĩ đã trực tiếp tham gia chiến đấu và hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do cho dân tộc, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng công chúng; minh chứng hùng hồn về lựa chọn lẽ phải, luôn đứng về phía nhân dân, đồng hành với đất nước, một lòng đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Họ cũng đã để lại những tác phẩm văn hóa nghệ thuật đồ sộ, có tầm tư tưởng lớn, nhiều tác phẩm được lựa chọn là “bảo vật quốc gia”.

Trong giai đoạn đổi mới, trên mọi lĩnh vực văn học nghệ thuật, trào dâng một khí thế mới và đối mặt với thực tại mới, cuộc sống mới, là sự hòa trộn những tiếng nói hùng tráng thời trận mạc và giọng điệu đa thanh thời dựng xây, kiến tạo, đổi mới. Chính tinh thần “cởi trói”, không khí dân chủ và định hướng văn nghệ đúng đắn của Đảng đã góp phần quyết định mở đường cho sự ra đời những nhà văn tên tuổi lớn, tác phẩm lớn... từng bước đưa văn học nghệ thuật Việt Nam giao lưu, kết nối, hội nhập cùng bè bạn bốn phương. Những thành tựu, đóng góp quan trọng của các thế hệ văn nghệ sĩ trong suốt 79 năm qua đã được khẳng định và lưu dấu trong lòng nhân dân cả nước. Đồng thời cũng đặt ra nhiều gợi mở, thách thức cho văn học, nghệ thuật trước những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước như là: Xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo; quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam… Trong đó, vấn đề đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch mà chúng ta đang nhắc đến cũng đang được đặt ra một cách nghiêm túc với đội ngũ “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”, những người có nhiều ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội.

Những năm qua, chị đã góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, hoạt động thực tế và đặc biệt là sáng tác các tác phẩm văn chương, báo chí cũng như thể hiện quan điểm trên mạng xã hội như thế nào?

Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh: Cá nhân tôi tự nhận thấy mình chưa thực sự có đóng góp gì nổi bật cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Mà có lẽ tôi mới chỉ đơn giản là thông qua các hoạt động nghiệp vụ biên phòng với tư cách là một quân nhân, hoặc rộng hơn chút nữa là hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật, tôi đang góp thêm một viên than nhỏ để giữ lửa niềm tin vào Đảng, vào công cuộc đổi mới của đất nước cho đồng đội, đồng bào nơi biên giới và một bộ phận độc giả, khán giả có duyên tiếp cận, thưởng thức các tác phẩm của tôi. Là một cán bộ tuyên huấn, nhiệm vụ của tôi là tham gia công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong lực lượng, lan tỏa phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ nên tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt. Thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, các đợt giao lưu với cán bộ, chiến sĩ, với nhân dân hoặc với các em học sinh, sinh viên… tôi đều cố gắng truyền tải thông điệp về quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và quân đội; thông điệp về sự cống hiến, vẻ đẹp của những người cộng sản, người quân nhân trong các thời kỳ cách mạng cũng như hiện nay.

419474864-1052994472593168-6173950283309221535-n-1717703165.jpg

Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh (áo đỏ, đứng giữa) trong một chuyến thiện nguyện.

 

Còn hoạt động nghiên cứu về lịch sử cách mạng, về bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số và sáng tác văn học nghệ thuật là đòi hỏi và ý thức tự thân. Tôi rất thích một câu cách ngôn: “Nếu tôi không tin vào nhân cách của anh thì đừng bắt tôi tin những gì thơ anh nói” nên tôi tâm niệm, muốn là một người bình thường thì cần phải sống tử tế, còn muốn trở thành một tác giả được ghi nhận thì cần phải sáng tác bằng cả cái tôi cộng đồng lẫn cái tôi cá nhân, nghĩa là đề cao cái tôi sáng tạo và các thủ pháp nghệ thuật mang dấu ấn cá nhân, như tư tưởng chủ đề và cái địch hướng tới phải là cộng đồng và rộng hơn là đất nước, dân tộc.  Đặc thù công việc là một nữ quân nhân, hoạt động trên nhiều lĩnh vực như báo chí, văn học, âm nhạc, điện ảnh, văn hoá văn nghệ dân gian và có thời gian làm chỉ huy, quản lý một đơn vị bộ đội..., chính yêu cầu thực tiễn công tác, chiến đấu cũng như ý thức trách nhiệm của bản thân đối với việc tôn vinh cái đẹp, biểu dương những con người hiện thân cho vẻ đẹp lý tưởng của người Việt, nhưng giá trị mang tính biểu tượng của quốc gia, dân tôc… là động lực để tôi phấn đấu bền bỉ.

Đơn cử như đối với những thành tích, giải thưởng mà tôi đã đạt được, có lẽ đều được khởi phát từ những sự cống hiến, hy sinh của đồng đội, đồng bào trên nhiều lĩnh vực khác nhau, ở nhiều vùng miền khác nhau mà tôi có cơ hội tiếp xúc và chuyển hoá những giá trị đạo đức tốt đẹp đó, những phẩm chất cao quý đó thành các tác phẩm văn học nghệ thuật. Cuộc sống hôm nay còn đó rất nhiều những hành động đẹp, những nghĩa cử ân tình của quân dân cả nước, trong đó có đồng đội và đồng bào các dân tộc trên biên giới đã gợi mở cho tôi sức nghĩ, sức viết, sự tinh nhạy và nguồn cảm xúc ấm áp, thúc đẩy tôi luôn quyết tâm làm bằng được những điều mình yêu thích và điều mình tin tưởng. Những trải nghiệm cuộc sống, những khoảnh khắc, cơ hội được sống cùng lịch sử, văn hóa và nhân sinh quan Việt đầy sống động và minh triết đã phần nào được tôi chuyển tải qua những tác phẩm của mình và rồi những tác phẩm ấy đã có sự lan tỏa, tương tác với công chúng. Nói một cách đơn giản là, tôi luôn giữ vững niềm tin trong chính mình, luôn tu dưỡng và bồi đắp những cảm xúc tích cực cho thân tâm mình. Có như vậy, mới đủ tri thức, sự nhiệt thành, khả năng thuyết phục người khác tin vào điều mình tin, cùng chung tay bảo vệ điều mà mình đang nỗ lực bảo vệ.

Ngoài nhiệm vụ của một quân nhân và tích cực sáng tác văn học nghệ thuật, chị còn tham gia hoạt động thiện nguyện. Vậy điều này có ý nghĩa như thế nào đối với chị?

Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh: Trong quá trình công tác khắp nẻo biên cương của Tổ quốc, tôi có cơ hội cảm nhận thấu đáo và sâu sắc đối với nhiều vấn đề, gặp được những phận đời éo le, bất hạnh, từ đó thôi thúc tôi chia sẻ nhiều hơn, yêu thương nhiều hơn. Từ các hoạt động tặng quà cho đồng bào nghèo vào mỗi dịp Tết đến, xuân về hay chung tay cùng bà con vượt qua thiên tai, bão lũ, những năm gần đây, tôi bắt đầu hướng tới những hoạt động có chiều sâu hơn như vận động tổ chức các chương trình “Trung thu biên cương”, xây dựng các “Vườn cây khăn quàng đỏ”, “Đàn ngan khăn quàng đỏ” và nhận đỡ đầu 5 em học sinh mồ côi theo chương trình “Nâng bước em tới trường” của BĐBP... Tôi muốn chăm lo nhiều hơn cho thế hệ trẻ ở biên giới để các em có thêm cơ hội vượt lên chính mình, thực sự trở thành những chủ nhân tương lai của vùng đất phên dậu.

415271671-1043745830184699-8224477329127293826-n-1717703154.jpg

Những phút thảnh thơi, Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh lại tìm đến phím đàn.

 

Tôi chỉ mong việc làm nhỏ này của mình sẽ tiếp sức cho đồng đội tôi trên biên giới thêm vững tin vào hậu phương, thêm vững tin rằng những nỗ lực của mình vì bình yên và sự no ấm, hạnh phúc nơi biên cương Tổ quốc luôn có người đồng hành. Tôi cũng mong muốn được cộng cảm với hàng triệu người trên cả nước có tấm lòng nhân ái, yêu thương và trách nhiệm xã hội để làm rạng rỡ hơn vẻ đẹp của con người Việt Nam qua tinh thần “tương thân tương ái”, qua đó góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không để các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, vấn đề an sinh xã hội... tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam.

Theo chị, có những giải pháp nào để tăng cường việc văn nghệ sĩ tham gia sáng tác hoặc sống, làm việc theo đúng tư cách chiến sĩ trên mặt trận văn hóa trong thời đại hiện nay?

Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh: Chúng ta đều nhận thấy rõ, nếu đội ngũ các nhà khoa học khai mở cho xã hội về tri thức thì văn nghệ sĩ khai mở về cái thiện, cái đẹp và tình yêu thương. Trong thời bình hay thời chiến, lúc thuận lợi hay khi khó khăn, văn nghệ sĩ luôn đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng sự phát triển đất nước, tạo tâm thế, cảm hứng cho nhân dân để thực hiện tốt mọi nhiệm vụ, mục tiêu đề ra. Hơn lúc nào hết, văn nghệ sĩ hôm nay cần đến bản lĩnh, nhân cách, khả năng dự cảm, dự báo, góp phần mở đường cho đất nước phát triển, hội nhập sâu rộng với thế giới hiện đại.

Để làm được điều đó là không hề đơn giản, nhất là trong giai đoạn hiện nay, một bộ phận văn nghệ sĩ chưa ý thức rõ bổn phận của mình đối với đất nước, chưa tâm huyết học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ, chưa mạnh dạn, thẳng thắn, ngại bày tỏ chính kiến. Cá biệt, còn một số cá nhân, nhóm trí thức, văn nghệ sĩ có thái độ mơ hồ chính trị, số khác thể hiện rõ tâm thế cơ hội chính trị, lợi dụng danh nghĩa để đưa ra các ý kiến, quan điểm trái chiều, thậm chí những năm gần đây đã xuất trào lưu đòi “giải thiêng” các giá trị lịch sử, phủ nhận thành quả cách mạng, bôi nhọ lãnh tụ, kích động, gây chia rẽ nội bộ văn nghệ sĩ hoặc có những phát ngôn phản cảm, đăng tải những sáng tác dung tục, phản văn hoá trên mạng xã hội…  Đây là chúng ta cần suy nghĩ về trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ, đặc biệt là trong vấn đề phát ngôn và làm gương trong xã hội. Đồng thời, vai trò của các cơ quan chức năng cũng đặc biêt quan trọng nhằm quan tâm, tôn trọng, bảo đảm quyền sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi nhằm phát huy tính độc lập, đổi mới về nguồn lực, mở rộng về không gian, định hướng trong tư duy, thẩm mỹ… để phát huy thế mạnh của lĩnh vực mang tính đặc thù như văn học, nghệ thuật.

403792469-1023360618889887-1733270524117886233-n-1717703142.jpg

"Biên khu Việt Quế" - cuốn sách mới nhất của Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đảng không áp đặt, ép buộc, gán cho văn học, nghệ thuật một nhiệm vụ “chính trị” khô khan, giản đơn, nhất thời nào, mà hiểu nó như một sứ mệnh, một sức mạnh vốn có của văn học, nghệ thuật chân chính, đặc biệt trong cuộc đấu tranh ngày hôm nay”(1). Tôi cho rằng, xét đến cùng, mối quan hệ gắn kết văn nghệ sĩ với Đảng, đất nước, dân tộc chính là khát vọng sáng tạo của mỗi cá nhân và trách nhiệm trước sự nghiệp chung. Đội ngũ này không đơn thuần là người tiếp nhận một chiều mọi định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, mà họ còn có một trách nhiệm cao hơn, đó là sự dấn thân, tự nguyện đồng hàng, “đồng sáng tạo” với Đảng, với dân tộc. Bởi văn nghệ sĩ là những người có trình độ hiểu biết nhất định, có tài năng chuyên biệt và sự nhạy cảm lớn, nên việc đội ngũ này hiểu biết sâu sắc về thời đại, nhận thức rõ vai trò của mình trong quy luật phát triển của đất nước thì chắc chắn sẽ có được những sáng tạo mới “đi cùng thời đại”, “mang hơi thở của thời đại”, có tính thẩm mỹ cao, giá trị nghệ thuật lớn…/.

Xin trân trọng cảm ơn chị và chúc chị có thêm thật nhiều tác phẩm có giá trị hơn nữa!

Chú thích:

1. Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam.