NSUT Quang Hải – Tài năng và nhân cách

​​​​​​​Anh chọn vào những ngày giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 để đi về với Tiên tổ một cách yên bình. . Với những đóng góp trong sáng tạo nghệ thuật, góp phần giữ gìn và phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống, NS Quang Hải được tặng nhiều Huy chương Vàng, Huy chương Bạc trong các kỳ Hội diễn, được tặng nhiều Bằng khen, Huân Huy chương,…đợt phong danh hiệu NSND, NSƯT đợt III năm 1993 NS Quang Hải vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSƯT cao quý.
nsut-qang-hai-1629137819.jpg

Anh chọn vào những ngày giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 để đi về với Tiên tổ một cách yên bình. Bạn bè văn nghệ sĩ đã công tác với anh từ đoàn Tuồng Kim Lan Hà Nội trước kia và Đoàn Tuồng Bắc Trung ương nay là Nhà hát Tuồng Việt Nam chỉ biết gọi tới vợ anh - Nghệ sĩ Nguyễn Thị Minh Tâm - cùng với gia đình có một nghệ sĩ tài năng, sống nhân cách, hết lòng gìn giữ, kế thừa và phát triển nghệ thuật sân khấu Tuồng truyền thống, để nói lời tiếc thương, để chia buồn sâu sắc.

NS Quang Hải (1940 - 1921) hưởng thọ 82 tuổi. Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật, thân phụ của Anh là NSƯT Nguyễn Quang Minh (có nghệ danh là Sáu Tấn), Ông có giọng hát Tuồng vang khỏe, đã biểu diễn thành công các vai Kép Văn trong những vở Tuồng truyền thống. NS Quang Hải được thừa hưởng cái gien của người cha truyền lại. Sau khi giải phóng Thủ đô, Đoàn Tuồng Lạc Việt được Sở Văn Hóa Hà Nội thành lập, sau đổi tên thành Đoàn Tuồng Kim Lan. NS Quang Hải lớn lên từ đội Tuồng Đồng Ấu và được tham gia trong Đoàn Tuồng Lạc Việt. Tại đây Anh được sự hướng dẫn của người cha và các nghệ sĩ Tuồng miền Bắc nổi tiếng như: Nghệ sĩ Ba Tuyên; Đắc Nhã; Hoàng Phụng; Hồng Nhung… NS được học nhiều vai Tuồng truyền thống mẫu mực như: Đào Phi Phụng; Giang Tôn Bảo; Linh Tá; Kim Lân... Khán giả Thủ đô vẫn nhớ tới kép trẻ Quang Hải trong vai Tuồng lịch sử Cao Doãn (trong vở cùng tên) được dàn dựng và biểu diễn nhiều đêm ở rạp hát tại phố Đào Duy Từ, Hà Nội.

Năm 1966 do biến động của tổ chức, Đoàn Tuồng Kim Lan thuộc Sở Văn Hóa Hà Nội giải thể, số nghệ sĩ tài năng của Đoàn được chuyển về công tác tại Đoàn Tuồng Bắc Trung ương (nay là Nhà hát Tuồng Việt Nam), trong đó có nghệ sĩ Quang Hải. Tại Trung tâm nghệ thuật này, Anh được học thêm ở các nghệ sĩ nhân dân như: Bạch Trà; Quang Tốn; Bá Tùng; Ngọc Như… để bồi đắp thêm kiến thức nghệ thuật.

Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật, ngoài những vai kép trắng được học của người Cha, NS Quang Hải còn được các thầy Tuồng nổi tiếng truyền dạy nhiều dạng vai truyền thống, nổi bật nhất là những vai Kép Võ. Với khuôn mặt phúc hậu, giọng ca vang, múa đẹp, đặc biệt là đôi mắt của nghệ sĩ. Anh đã diễn tả thông qua đôi mắt biết nói của mình, để khắc họa tính cách; minh họa được những tình huống, hoàn cảnh, để bộc lộ tâm lý nhân vật, tạo được ấn tượng cho người xem và truyền cảm cho bạn diễn. Trong vở Tuồng truyền thống “Nữ tướng Đào Tam Xuân”, vai Cao Hoài Đức một vai kép võ mẫu mực, vai diễn này đã được giao cho NS Quang Hải. Với những động tác đá giáp; vuốt râu; bê; xiến; lỉa kết hợp với hát Xướng; hát Khách... NS Quang Hải đã khắc họa một mẫu nhân vật dũng tướng, uy nghi, mưu lược. Vai Cao Hoài Đức trong vở “Nữ tướng Đào Tam Xuân” đã có nhiều nghệ sĩ thể hiện, nhưng cho đến nay trong Nhà Hát Tuồng Việt Nam chưa có ai vượt qua được NS Quang Hải ở những lớp Tuồng “Bắt báo - Té ghế” khi nghe tin người em kết nghĩa của mình là Trịnh Ân bị gian thần sát hại. Ngoài vai diễn Cao Hoài Đức nêu trên, Anh còn thể hiện thành công nhiều loại vai diễn như: Lão võ; Kép văn pha võ; vai Yêu Thuật... Những loại vai đa dạng này, NS Quang Hải đều có những tìm tòi sáng tạo, biểu diễn mang nhiều nét độc đáo, để không bị lẫn vai.

Đề tài lịch sử là mảnh đất màu mỡ của sân khấu Tuồng truyền thống, vở “An Tư Công Chúa” tác giả Tống Phước Phổ (tác phẩm được giải thưởng HCM về VHNT), nhân vật An Tư (được NSND Mẫn Thu thể hiện), nhân vật (Phi Hùng do NS Quang Hải thể hiện). Vở diễn này vào những năm 1960 được Đoàn Tuồng Bắc Trung ương (Nhà Hát Tuồng Việt Nam) dàn dựng, vở diễn đã đi phục vụ nhân dân ở khắp mọi miền tổ quốc. Nhân vật Phi Hùng được NS Quang Hải thể hiện rất đa dạng, qua những làn điệu hát Nam, để bộc lộ tình cảm khi tiễn An Tư đến dinh Thoát Hoan, đã toát lên bản chất anh hùng ca của người quân tử, biết hy sinh tình cảm riêng tư để lo nghiệp lớn. Năm 1967, Đoàn dựng vở “Đề Thám” dưới sự dàn dựng của đạo diễn, NSND Ngọc Phương vở Tuồng được diễn trên 500 buổi để phục vụ nhân dân. NS Quang Hải lần đầu được tiếp cận với cách phân tích kịch bản, phân tích nhân vật, Anh được đạo diễn giao vai Cai Cờ. Dù không phải vai chính trong vở diễn, nhưng mỗi lớp xuất hiện của Đề Thám đều có nhân vật Cai Cờ ở bên. Vai Cai Cờ do NS Quang Hải thể hiện đã làm nền, khắc họa cho hình tượng cụ Đề Thám thêm đậm nét .

Tuồng đi vào đề tài hiện đại là việc sáng tạo vô cùng gian khó. Nhưng các nghệ sĩ của Đoàn Tuồng Bắc Trung ương (Nhà hát Tuồng Việt Nam) đều quyết tâm để tìm tòi sáng tạo và đã có nhiều thành công, trong đó có sự đóng góp của NS Quang Hải. Năm 1971, Đoàn dựng vở “Tình mẹ”, NS Quang Hải được giao vai anh Dương người chiến sĩ cách mạng thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh. Năm 1986, NS Quang Hải được giao vai Ông Hai Lửa, một lão nông của tỉnh Bến Tre trong vở Tuồng “Không còn đường nào khác” nói về thời kỳ Đồng khởi, Anh đã biết kết hợp trình thức hát, múa với diễn tả nội tâm để thể hiện thành công hình tượng nhân vật ông già Nam Bộ cương trực, dám một mình cản ngăn quân giặc tới đốt phá vườn dừa, lập ấp chiến lược. Vai diễn này Nghệ Sĩ đã tạo nên ấn tượng trong nghệ thuật biểu diễn bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại.

Năm 1985, Đoàn dựng vở “Hoàng hôn đen” vở diễn nói về chiến tranh biên giới phía Bắc chống quân bành trướng xâm lược. NS Quang Hải được giao vai Séo Dèn, nhân vật trung tín với thế lực bành trướng. Séo Dèn là người cùng bản với Dìn Số, nhưng lại theo Lý Đại Hỷ (thế lực bành trướng bên kia biên giới). Để chia rẽ dân tộc, Séo Dèn đã nghe lời Lý Đại Hỷ tới đốt nhà, giết vợ của Dìn Số, vu cho người Kinh gieo họa. Đến khi Dìn Số và Séo Dèn nhận rõ bộ mặt thâm độc của bọn bành trướng, thì bi kịch của những số phận nhân vật được bùng nổ ở hồi kết vở. Trong vai Séo Dèn, NS Quang Hải đã sử dụng tiếng cười trong nghệ thuật Tuồng để thể hiện tâm trạng nhân vật như: Tiếng cười sằng sặc, dã man, đắc thắng trong lớp châm lửa đốt nhà Dìn Số. Đến khi nhận ra sự thật, Séo Dèn cũng bật ra tiếng cười, nhưng tiếng cười lúc này ùng ục... đã pha lẫn nước mắt chua chát của sự ngu muội, cả tin... Vở “Hoàng hôn đen” tham gia Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985 tại Thanh Hóa, được tặng HCB. Vở diễn đã tạo nên những ấn tượng nghệ thuật tác động tới người xem về xã hội. Bạn nghề đánh giá cao về sự sáng tạo nghệ thuật của Ê kíp. Vì qua biểu diễn của các nghệ sĩ đã phần nào khẳng định được hướng phát triển của nghệ thuật Tuồng đi vào đề tài hiện đại. Thành công đó, có sự đóng góp của NS Quang Hải.

Ở trong nghệ thuật Tuồng, một nghệ sĩ đóng được nhiều dạng vai, các cụ thường có câu: “Nghệ sĩ ấy đội cả dàn râu, dàn mũ”. Anh là một trong những người nghệ sĩ được đánh giá như vậy. Anh rất đa tài, không chỉ trong các vai chính diện, vai lão, vai kép, mà NS còn rất có duyên trong các vai hài ở Tuồng Truyền thống và Tuồng Đồ, Anh đã thể hiện nhiều vai rất độc đáo, có thể kể đến như: Quan Huyện trong “Nghêu Sò Ốc Hến”; Công Tử Cà Lắp trong trích đoạn “Ông già cõng vợ đi xem Hội”, ông Phó Tướng trong trích đoạn “Ngũ biến” vai Lôi Phong trong Tuồng “Sơn Hậu”; vai Thổ Công trong Tuồng “Giác sinh duyên”... Nhưng ấn tượng sâu đậm nhất có thể kể đến vai Công Tử Cà Lắp trong trích đoạn “Ông già cõng vợ đi xem hội”. Khi phục hồi trích đoạn này, NS Quang Hải đã cùng NSND Đàm Liên phối hợp tập luyện dưới sự dẫn dắt của NSƯT Đắc Nhã và chỉ đạo nghệ thuật của NSND Ngọc Phương. Trích đoạn này đã đi biểu diễn tại Bungari, CHDC Đức, Liên Xô (cũ) được đánh giá cao. Ở trong nước đã biểu diễn hàng nghìn đêm, khán giả vô cùng yêu thích bởi tài nghệ biểu diễn của hai nghệ sĩ Đàm Liên và Quang Hải. Trích đoạn “Ông già cõng vợ đi xem hội” là một hiện tượng đặc biệt của nghệ thuật sân khấu truyền thống trong thời gian qua.

Với những đóng góp trong sáng tạo nghệ thuật, góp phần giữ gìn và phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống, NS Quang Hải được tặng nhiều Huy chương Vàng, Huy chương Bạc trong các kỳ Hội diễn, được tặng nhiều Bằng khen, Huân Huy chương,…đợt phong danh hiệu NSND, NSƯT đợt III năm 1993 NS Quang Hải vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSƯT cao quý.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống tại trung tâm nghệ thuật của Thủ đô. Là một chàng trai gốc Hà Nội, nhưng trong cuộc sống Anh không màng danh lợi, luôn sống chan hòa với anh em bạn bè văn nghệ sĩ và bà con lối xóm. Vợ anh cũng là nghệ sĩ nhạc công đã tốt nghiệp lớp Trung Cấp nghệ thuật Tuồng 1959 - 1962. Dù cuộc sống của gia đình nghệ sĩ sân khấu truyền thống rất khó khăn, nhất là thời bao cấp. Nhưng Anh, Chị vẫn lạc quan yêu nghề cùng với các nghệ sĩ trong Nhà Hát luôn sáng tạo tìm tòi cái mới, để khẳng định giá trị nghệ thuật của Ông, Cha. Khi về nghỉ chế độ hai nghệ sĩ luôn dành thời gian dạy dỗ con cháu học hành. NSƯT Quang Hải vẫn cùng các NSND Mẫn Thu; Đàm Liên; Minh Ngọc; Hoàng Khiềm… dàn dựng, truyền lại những vai mẫu, những trích đoạn truyền thống mẫu mực cho các nghệ sĩ trẻ trong Nhà Hát Tuồng Việt Nam. Mấy năm nay do tuổi cao sức yếu, NSƯT Quang Hải bị tai biến phải nằm điều trị lâu dài, nhưng Anh được người vợ hiền và các con, cháu vẫn chăm lo chu đáo.

Sinh, lão, bệnh, tử là lẽ thường tình, NSƯT Quang Hải ra đi vào lúc này, Nhà Hát Tuồng Việt Nam mất đi một nghệ sĩ tài năng và nhân cách. Gia đình mất đi một người chồng, người cha, người ông giàu lòng nhân ái. Vì dịch Covid phức tạp trong thời gian giãn cách xã hội, các văn nghệ sĩ không thể tới thắp hương đưa tiễn Anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhưng Anh vẫn còn để lại những ký ức sâu đậm trong khán giả qua những hình tượng nhân vật do nghệ sĩ sáng tạo, biểu diễn và sự kính trọng của bạn bè đồng nghiệp về một NSƯT Quang Hải tài năng và nhân cách.

Xin vĩnh biệt NSƯT Quang Hải.

Cầu mong Anh siêu thoát ở cõi vĩnh hằng.

Hà Nội, 15/8/2021.