Kẹo cu đơ

 Phạm Hòa

06/10/2021 08:13

Theo dõi trên

Nguồn gốc xuất xứ keo Cu Đơ tại xã Sơn Thịnh, Hương Sơn, Hà Tĩnh và có cách đây 70- 80 năm về trước. Hiện nay nhiều nơi sản xuất kẹo cu Đơ về hình thức có nhiều thay đổi, nhưng về cách nấu kẹo cơ bản vẫn như trước đây và trở thành đặc sản của quê hương Hà Tĩnh.

chuy-lg-qu1-1633482715.jpg
Ảnh minh họa do tác giả tuyển chọn. Nguồn: Internet.

Sơn Thịnh một làng quê tuy nghèo như bao làng quê khác, nhưng được bao bọc bởi con sông Ngàn Phố, nên làng quê ấy trở nên trù phú, luôn cảnh trên bến dưới thuyền. Những bè Gỗ, Nứa, Mây, Giang từ thượng nguồn đổ về đều cập bến bãi Bè bên bờ sông Ngàn Phố. Xã Sơn Thịnh nằm bên bờ sông Ngàn Phố. Cũng từ đây chiều chiều từng đoàn thuyền căng buồn, lộng gió đưa hàng như: chuối, mít, chè xanh, cam, bưởi .......xuôi Vinh cho kịp phiên chợ Vinh sáng mai. Sau đó các con thuyền chở đầy ắp các loại hàng hóa nhu yếu phẩm về bán sỹ cho các bà con tiểu thương. Thêm vào đó xã Sơn Hòa có chợ Gôi giáp xã Sơn Thịnh, nhưng bà con buôn bán ở đây chủ yếu là dân Sơn Thịnh. Là chợ trung tâm của vùng hạ Hương Sơn gồm: bên tả ngạn sông Ngàn Phố gồm các xã: Ninh, Thịnh, Hòa, An, Lệ, Tiến. Bên hữu ngạn gồm các xã: Châu, Bình, Hà, Trà, Long, Tân, Mỹ.

Tác giả kẹo cu Đơ là ông cu Hai. Hồi ấy con trai thường gọi" cu" ban đầu ông nấu kẹo bán ở chợ Gôi thấy bán được một vài người cũng học theo nấu bán, nên ông cu Hai bán kẹo ngày càng thưa khách. Chả hiểu cụ nào rành tiếng Pháp vui miệng gọi ông cu Hai thành ông cu Đơ, vì tiếng Pháp Hai là Đơ. Ban đầu ông cu Hai khó chịu với tên mới, nhưng làm sao bịt miệng được thiên hạ vả lại cái tên đó cũng chẳng tục tỉu gì. Ai đi chợ mua kẹo Lạc về ăn thấy ngon quá, đều hỏi mua kẹo ở đâu mà ngon thế? Và được trả lời" mua kẹo ông cu Đơ" từ đấy kẹo Lạc ông cu Hai trở thành thương hiệu" kẹo cu Đơ". Khi có thương hiệu rồi không ai cạnh tranh nổi với kẹo Lạc của ông cu Hai nữa.

Lúc tôi khoảng 5- 6 tuổi nghĩa là năm 60- 61 của thế kỷ trước. Tôi cứ mong ước đến ngày 19 và 23( âm lịch) tháng chạp hàng năm được đi chợ Trâu chợ Bò. Chợ một năm họp 2 lần, một phiên chợ Trâu, một phiên chợ Bò, mục đích họ bán Trâu bán Bò để mới lò mổ mua làm thịt phục vụ tết Nguyên Đán. Xung quang chợ đủ hàng hóa, bán chủ yếu là đồ trẻ con chơi tết như con Gà, con Vịt nặn từ đất Sét được trang điểm xanh đỏ, tím vàng, tụi nhóc thích nhất vẫn là con Gà ngậm vào thổi kêu toe toe. Tiền tụi nhỏ tiết kiệm cả năm, bằng cách lấy ống Nứa cưa chéo gần mắt Nứa rồi có tiền bỏ tiền xu mệnh giá: 1 xu- 2 xu- 5xu. Tích tiểu thành đại cuối năm cũng đủ cho tụi nhỏ mua bánh kẹo, ôi đủ loại bánh kẹo bao bọc xung quanh chợ: nào kẹo cu Đơ, nào bánh Đúc, bánh Ú, rồi nồi bánh Mướt- bánh Mướt được tráng tại chổ, mùi thơm lúc phi hành mỡ- thơm ngào ngạt, thật sự quyến rũ khách thập phương. đồ chơi đủ loại được nặn bằng đất Sét( hồi đó chưa có đồ nhựa) rồi chúng đi đánh đáo ăn tiền.

Chợ Trâu, chợ Bò sát bãi bè, dưới mé sông đủ loại: gỗ các loại nhiều nhất là gỗ Vạng- gỗ Vạng để đóng guốc phục vụ bà con trong tỉnh và" xuất khẩu" ra Hà Nội và các tĩnh khác. Quê hương Sơn Thịnh có nghề đóng guốc, hồi đó tôi mới hiểu khái niệm thế nào là guốc cao gót, guốc cao 7cm. Rồi Tre, Nứa, Gỗ....... nhiều vô kể, nhiều hơn cả vẫn là cây Giang và lá Dong để đùm bánh Chưng, bánh Tét, còn cây Giang để bó và làm găm bánh. Trên bến bãi Bè là cái lò vôi đồ sộ, xung quanh là vỏ Hến chất đầy, vỏ Hến được chở từ vùng chợ Thượng- huyện Đức Thọ lên, đây là đại bản doanh nghề cào Hến và nấu Hến. Sát bãi Bè là nhà ông cu Hai nấu kẹo cu Đơ, nhà ông là ngôi nhà tranh 3 gian như muôn vàn nhà khác ở quê tôi hồi đó. Tôi đứng lấp ló cửa phên nhìn vào gia đình đang nấu kẹo cu Đơ. Với cái lò nhỏ nấu bằng thủ công nên gia đình nấu cả ngày, cả đêm mới phục vụ đủ cho bà con. Cũng từ đây gia đình ông cu Hai kinh tế khá giả nhất vùng, cũng đồng nghĩa thương hiệu kẹo cu Đơ ngày càng nỗi tiếng.

Kỷ thuật nấu kẹo cu Đơ: mật Mía, phải chọn vườn nhà ai trồng Mía cây to, mọc thẳng đứng vì Mía ngã nhạt lắm, Mía chưa được trổ bông. Lạc Sen chứ không Lạc Cúc, hạt Lạc Sen to đều, Lạc rang sơ chưa chín hẳn vì chín quá vỏ Lạc bị tróc ra, cùng với độ nóng của mật lúc đun sôi làm Lạc mất mùi thơm và bùi. Đổ mật vào đun sôi, bao giờ cầm đôi đũa bếp nhúng vào nồi mật rồi cho rơi vài giọt vào chén nước lã, mật tròn vo không tan là được. Lúc này đổ Lạc vào chảo mật khấy đều, khấy liên tục và cho lửa vừa phải để không bị cháy dưới đáy chảo tạo mùi khét. Gừng tươi cắt mỏng giả nhỏ còn bây giờ có máy xay cho vào chảo khấy đều. Bao giờ thấy chảo nấu kẹo sền sệt, quấy nặng tay là xong mẻ kẹo cu Đơ. Lúc đó đổ ra bánh Đa, khi đổ xong dùng tay ấn nhẹ lên bánh đá để mật, Lạc dính sát vào nhau, miếng kẹo không có độ hở kiểu" chuồng lợn". Một trong những bí quyết để kẹo cu Đơ ngon là phải cho ít muối vào nồi kẹo nhằm tăng thêm độ ngọt- ngọt thanh của mật, nhưng tuyệt đối người ăn không phát hiện thấy vị mặn của muối, nếu bỏ nhiều quá khi ăn thấy vị mặn là hỏng nồi kẹo.

Ban đầu kẹo cu Đơ được đổ vào giấy học sinh, khi ăn phải bóc giấy, nhưng cũng chỉ bóc được 80% số còn lại giấy dính chặt vào kẹo, đồng thời chữ viết mực hằn lên kẹo không đẹp mắt tý nào. Quê tôi hồi ấy ăn tất, ăn luôn cả giấy còn sót lại, nhổ lạc, nhổ khoai lang đem xuống sông dũ vài cái ăn vô nghe rào rào của cát, đất còn ăn được mà. Nhưng có lần tôi được mẹ giao nhiệm vụ đem kẹo cu Đơ ra Hà Nội làm quà, nhìn dấu mực xanh, mực tím vằn vện dính vào kẹo họ nói thẳng bẩn quá cương quyết không ăn hjhj. Sau này chắc nhiều người đem kẹo đi làm quà bị phàn nàn kẹo đổ vào giấy viết học sinh đã qua sử dụng bẩn quá. Sau đó kẹo cu Đơ đổ vào lá chuối khô, nhưng lá chuối khô có nhược điểm là lá chuối đâu có phẳng, nó vênh vênh, váo váo nên nhìn vào mất thẩm mỹ. Khoảng 30 năm gần đây cuộc sống được nâng lên, kẹo cu Đơ được trình làng bao bọc bằng bánh Đa nướng. Nhưng để có khuôn kẹo đẹp vừa tầm ăn là bánh Đa đường kính từ 15- 17cm là đẹp, khi đổ kẹo chỉ đổ một nữa cái bánh Đa thôi, một nữa bánh Đa còn lại sau đó gập lại là vừa đẹp. Vì ăn uống bây giờ họ kiêng cữ dữ lắm, có người chỉ ăn chút ít, chủ yếu thưởng thức độ ngon thôi, có người thấy ngon ăn no luôn. Bởi vậy miếng kẹo úp vào bánh đa bằng" nữa vừng Trăng" sẽ phục vụ mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, mọi giới tính. Lưi ý kẹo cu Đơ mùa hè cất khoảng 7- 10 ngày, mùa đông 11- 15 ngày nếu để lâu quá mật sẽ chảy ra, nhìn lem nhem ăn mất ngon và lúc ấy mất đi hương vị, ngọt thanh của mật, bùi và thơm của lạc, mùi thơm đặc trưng của gừng. Nếu kẹo cu Đơ bỏ vào tủ lạnh lại càng sai lầm vì lúc này kẹo sẽ cứng lại, kẹo không còn dẻo, còn dai, khi ăn không còn cảm giác níu kéo của mật mía nữa.

Bạn muốn để kẹo lâu hơn nữa tôi xin mách bí quyết: để kẹo lâu ngày ăn vẫn ngon, vẫn giữ được hương vị là bạn bao bọc thêm một lớp li lông buộc kín sau đó lấy giấy báo bọc kỷ xung quanh. Nếu mua nhiều, bạn chia nhiều túi ăn đến đâu mở đến đó hạn chế không khí lọt vào, sau đó bỏ vào thùng gạo thì bạn để cả tháng vẫn không chảy mật, ăn vẫn ngon.

Gần một thế kỷ trôi qua kẹo cu Đơ vẫn sống mãi với thời gian. Ai về Hà Tĩnh ngộ nhỡ quên mua ít kẹo cu Đơ làm quà chắc không khỏi phân vân, hối tiếc- đặc sản kẹo cu Đơ của quê hương Hà Tĩnh.

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Kẹo cu đơ" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn