"Khải hoàn ai nhắc tới người hôm qua"

Nhà thơ thanh thảo

16/06/2022 20:56

Theo dõi trên

Tôi đọc tập bút ký “Một thời khói lửa” của Phạm Thông như xem lại một bộ phim tài liệu nhiều tập về những tháng năm khốc liệt hy sinh, khốc liệt chiến đấu, khốc liệt yêu thương, khốc liệt dâng hiến của những con người lặng lẽ đất Tam Kỳ- trung điểm chiều dài Tổ quốc.

tam-ky-thoi-lua-dan-1655387717.jpg
 

 

        Tam Kỳ, và dù chỉ là những tên đất tên làng tên người nhỏ nhoi, nhưng chứa đựng được tất cả những gì mà nhân dân chúng ta, chiến sĩ chúng ta đã trải qua từ những năm tháng xa xôi ấy. Có lẽ vì ám ảnh cuộc chiến nên Phạm Thông đã hai lần nhắc lại trong tập bút ký này " Chiến trường ai khóc chia phôi/Khải hoàn ai nhắc đến người hôm qua/" (thơ Hồ Thấu). Hồ Thấu, người đã nằm lại trên đất Tam Kỳ trung dũng xin Nhà thơ hãy yên lòng, vẫn còn trên tay tôi đây tập bút ký "Một thời khói lửa", vẫn còn một Phạm Thông lặng lẽ nhắc, lặng lẽ nhớ, lặng lẽ ngẫm ngợi về những hy sinh của những "người hôm qua" đó.

          Phạm Thông, qua tập văn xuôi này, đã chứng tỏ anh là nhà văn thực thụ, một nhà văn không chỉ trực tiếp sống, trực tiếp chiến đấu, mà còn trực tiếp với chính những câu văn của mình. Những câu văn ngắn, đanh, gọn, gợi, xót, mở, và đột ngột thở dài như tất cả những ai đã từng đi qua những nổng cát mênh mang dưới nắng hè rừng rực. " Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm...", có lẽ vì đất Quảng Nam nhiều cát quá, nhiều đến nỗi máu cũng thấm như không còn để lại dấu vết gì. Tôi cũng mới được gặp Phạm Thông vài ba lần, nhưng có cảm giác, dường như cuộc chiến tranh đã qua ngót 36 năm vẫn chưa thể rút khỏi tâm hồn anh, như cái cách mà những gàu nước rút khỏi vùng đất cát. Cứ thấy nung nấu qua mỗi lời kể, mỗi phút nhớ lại của Thông cả một cuộc chiến tranh, dù chỉ là hình ảnh hai đứa trẻ chết vì rốc-két Mỹ " Hai đứa tròn như con cúi núi, đang nằm nhắm mắt trên chiếc giường nhà ông Út Đàm như đang ngủ say." Và anh nghĩ: " Giá như cái ngày xưa ấy không có thằng Mỹ mặt đỏ và chiếc tàu rọ tân tiến ở bên kia bán cầu đến đây." Và anh nấc lên: " Các em không thể nào lớn lên nữa trên mặt đất này. Chiến tranh mà các em ơi!" Nếu không có gần 10 năm tham chiến, sẽ không thể có một câu văn nấc nghẹn ngắn ngủi như vậy đâu! Văn Phạm Thông không bay bướm, không hào sảng, không hoành tráng. Văn ấy như những củ khoai bóc lên từ lòng đất cát, lấm láp, thô tháp, nhưng ứa cả ngọt và đắng, ứa cả lửa và gió, ứa cả những cơn khát và từng gàu nước mát. Cái làng Tỉnh Thủy (tên chữ, nghĩa là Giếng Nước) kia đã bao lần trở đi trở lại trong những bút ký của Phạm Thông, có thể coi là một địa danh tiêu biểu của cuộc kháng chiến ở đất Tam Kỳ, Quảng Nam, giống như bao địa danh tiêu biểu khác ở mảnh đất này, và ở khắp miền Nam. Nhưng vào văn Phạm Thông, tôi có cảm giác cái làng ấy như một con người, như nhiều con người: nó sống, nó đau, nó ước mơ, nó thất vọng...Mỗi người đã đi qua chiến tranh như chúng ta còn nợ bao nhiêu những ngôi làng như thế, nợ bao nhiêu những con người cả mất và còn như thế.

         Tôi những muốn đọc thật chậm tập bút ký " Một thời khói lửa", vì tôi cảm giác tác giả viết nó không bằng mực đen, mà bằng máu đỏ. Máu của những người đã hy sinh, đã chết trong chiến tranh. Máu của chính mình. Tôi tin rằng, khi còn một người nhớ lại, một câu văn, bài văn hay cả nhiều tác phẩm nhớ lại thì trong ký ức người Việt Nam không thể phai mờ những gì mà từng đời người, từng làng quê và cả dân tộc đã dâng hiến  cho phẩm giá muôn đời.

 

Bạn đang đọc bài viết ""Khải hoàn ai nhắc tới người hôm qua"" tại chuyên mục Tác phẩm – tác giả. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn