"Khoảng trời của ngoại” – Những khúc ca hồn nhiên, ấm áp tình người

Nhân đọc tập thơ thiếu nhi song ngữ Khoảng trời của ngoại của Hoa Mai, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2022.
khoang-troi-cua-ngoai-1661176862.jpg
Tập thơ "Khoảng trời của ngoại" của nhà thơ Hoa Mai.

 

Khoảng trời của ngoại là tập thơ song ngữ Việt – Anh của nhà thơ Hoa Mai vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành (8/2022).

Khoảng trời của ngoại được Hoa Mai viết trong khoảng thời gian và không gian đặc biệt: viết vào những tháng ngày Sài Gòn phải oằn mình chống chọi với đại dịch Covid 19; bà ngoại Hoa Mai phải ở nhà chăm 2 đứa cháu Bean và Bond. Có lẽ khoảng thời gian “cách ly” tại nhà này, sự gần gũi thường trực giữa bà và cháu, sự quan sát của bà về các cháu đã khơi nguồn cảm hứng lớn để Hoa Mai viết tập thơ này. Người đọc dễ nhận ra những cảm xúc hiện diện trong tập thơ đều bắt nguồn từ những cảm xúc chân thực trong đời sống dưới cái nhìn đầy nhân hậu và bao dung của chị.

Tập sách khá đầy đặn, in ấn và trình bày trang nhã với 43 bài thơ và 2 ca khúc phổ thơ. Ấn tượng hơn nữa là ở mỗi bài thơ đều có tranh màu minh họa, tạo nên sự thích thú, hứng khởi đối với trẻ. Giữa lúc văn học thiếu nhi nước nhà đang còn nhiều khoảng trống, Khoảng trời của ngoạira đời lại càng có ý nghĩa. Đây sẽ là món quà quý cho các em trong dịp cuối hè và chuẩn bị khai giảng năm học mới.

Trong Khoảng trời của ngoại, Hoa Mai rất khéo tạo cho trẻ những khoảng không gian và thời gian để trẻ được hòa mình trong bầu khí quyển ấy để vui chơi, để học tập và bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ của bản thân. Nhà thơ cũng nhắn gửi vào đó những thông điệp của yêu thương, hướng trẻ đến những việc làm có ích, giáo dục tình cảm, thái độ sống, lòng biết ơn, sự san sẻ, cảm thông với mọi người. Bên cạnh đó còn dành cho trẻ sự trải nghiệm, hòa nhập với thiên nhiên, cỏ cây, loài vật... để trẻ hiểu biết đầy đủ hơn về cuộc sống quanh mình.

Anh Hai lớp bốn/ Đóng cửa online/ Bảng là laptop/ Ống nghe trùm tai// Em đi thật khẽ/ Chẳng làm ồn đâu/ Lấy bút chì vẽ/ Con chuột hai đầu// Phía ngoài cửa sổ/ Chùm hoa thanh xà/ Thì thào với gió:/ Anh Hai đại ca! (Anh Hai học onl).

Hai đứa mình ngoancũng là một bài thơ hay, có gì đó rất đáng yêu bởi những suy nghĩ và cách hành xử đẹp, đáng trân quý. Ngoại bận trong bếp/ Anh Hai học bài/ Chúng mình bá vai/ Xem tivi vậy// Cún kìa trên ấy/ Có nắng có hoa/ Có bướm la cà/ Như công viên nhỉ// Có cậu chuột nhí/ Bắt nạt anh mèo/ Mình đừng làm theo/ Mới là ngoan chứ// Bố đi Dầu khí/ Cuối tuần mới về/ Mẹ bận 3T*/ Vì con vi rút// Hôm nào hết dịch/ Mình lại đến trường/ Cô giáo rất thương/ Cả mình và bạn.

Trong mắt nhìn con trẻ, cái gì cũng có nét đáng yêu riêng. Sự so sánh, ví von, liên tưởng của trẻ cũng vô cùng phong phú và thú vị:

- Vì con côvít/ Chẳng được đi chơi/ Bé đành quanh quẩn/ Như con mèo lười (Cả nhà đi chơi).

- Mặt trời dậy sớm/ mang nắng ra phơi/ cô Sương còn lười/ mắt tròn lúng liếng (Bữa sáng mèo ngoan).

- Hôm qua bé ra biển/ Thấy một ông mặt trời/ Đang lung linh dưới nước/ Chắc vừa ngã xuống thôi// Một ông mặt trời khác/ Quàng khăn mây trên trời/ Vậy ông nào đi lạc/ Rơi xuống biển bố ơi? (Ông mặt trời đi lạc).

Để giúp trẻ quên đi những ngột ngạt, u ám đáng buồn của cơn đại dịch. Tạo cho bé có niềm hứng khởi  sau những buổi học online ở nhà hay sau những giờ học trực tiếp ở trường, bà ngoại Hoa Mai cũng đã tìm cho cháu niềm vui “nho nhỏ”:

Có cây hoa giấy/ Ngoại trồng hiên nhà/ Hoa giơ tay vẫy/ Gọi nắng la cà// Cây mê bạn nắng/ Chẳng thích bóng râm/ Trả ơn bạn nắng/ Nở hoa rực hồng// Mỗi sáng thức dậy/ Bé không có lười/ Cho cây uống nước/ Hết khát lá tươi// Hiên nhà hoa nắng/ Đẹp như bức tranh/ Cây tìm ánh sáng/ Em tìm màu xanh (Cây vườn tìm nắng).

Để giáo dục trẻ, bà ngoại Hoa Mai cũng không quên cho cháu làm quen với nhiều thứ; nhà thơ còn hóa thân vào những đứa trẻ, mượn cảnh, mượn lời, tạo ra những tình huống để tỏ bày những nỗi niềm trăn trở, day dứt.

Ngoại ơi sao người Nhện/ Lại gọi là Siêu Nhân/ Vì những nơi họ đến/ Toàn làm việc thiên thần// Ngoại ơi sao bạn kiến/ Cứ thích bò tay con/ Bạn ấy đang nói chuyện/ Chắc bạn sợ con buồn// Ngoại ơi sao trên bếp/ Lửa giống như reo cười/ Là ông bếp thích chí/ Mùi thức ăn thơm thôi// Sao chuối rất là ngọt/ Mà ớt lại đỏ cay/ Sao con chim biết hót.../ Vạn vì sao? Cả ngày (Vạn vì sao của bé).

Khoảng trời của ngoại, Hoa Mai đã cố gắng tạo nên một thế giới đa thanh. Bởi chị   rất am hiểu về tính cách, sự suy nghĩ của trẻ ở phố thị thời hiện đại nên thơ chị cũng có phần “phố hóa” để bắt kịp với hiện thực và hơi thở thời đại. Những suy nghĩ, cách ứng phó của người cháu qua hàng loạt những tình tiết, diễn tiến của câu chuyện và cách sử dụng hình ảnh, từ ngữ trong bài thơ Bà ngoại đi lạclà một minh chứng.

Mỗi chiều Bond tan học/ Ngoại lại được đi chơi/ Nắm tay nhau tha thẩn/ Như cuối đất cùng trời// Chiều qua vào siêu thị/ Ngoại mải ngắm hàng sale/ Bond lần ra đến cổng/ Chẳng thấy ngoại chỗ nào// Giật áo ông bảo vệ:/ - Cháu tên là Minh Đăng/ Bà cháu tên là Ngoại/ Bà đi lạc rồi ông// Bà hớt hải tìm cháu/ Trống ngực như trống làng/ Bụng nghĩ bao điều xấu/ Chân thất thểu quáng quàng// Ông bảo vệ tủm tỉm/ Dắt bà đến sau quầy/ Bond đang ngồi ăn kẹo/ Thấy Ngoại vội la rầy:// - Bond đã dặn Ngoại nhớ/ Ra ngoài phải cầm tay/ Kẻo người lạ họ bắt/ Vậy mà ngoại quên ngay// Ngoại mừng cười mếu máo/ Ôm cháu cứ hít hà/ - Hứa từ nay Ngoại nhớ/ Theo cháu không la cà.                       

Mọi sự việc được nhìn nhận một cách chân tình, gần gũi nhưng đôi lúc cảm nhận nó vừa quen lại vừa lạ... những câu trả lời ngộ nghĩnh, đáng yêu và đầy bất ngờ của trẻ. Thấy cháu chăm chú/ Ngoại hỏi vẽ gì:/ - Cháu vẽ con chó/ - Sao không có đuôi?/ Sau hồi nghĩ ngợi/ Bé gãi gãi đầu/ Cái đuôi con chó/ Đang trong hộp màu! (Ngộ nghĩnh trẻ thơ).

Trẻ ở phố thiếu vắng những gì vốn gần gũi, gắn bó mật thiết với con người từ bao đời nay (cây cỏ, hoa lá, ếch nhái, trâu, bò, heo, gà, núi rừng, sông suối, đồng ruộng, ...). Cái ồn ào, náo nhiệt, khói bụi của thành phố và cả công nghệ số... đã “lấy mất” khoảng trời bình dị, dân dã, hồn nhiên đến vô ngần của trẻ. Hoa Mai đã làm “cầu nối” để khơi gợi và đánh thức những gì trong trẻo nhất trong tâm hồn con trẻ. Đồng thời bồi bổ thêm những kiến thức bổ ích, cần thiết cho chúng. Đó là cách giáo dục nhẹ nhàng và nhân văn dành cho trẻ. Cỏ cây, hoa lá, ong bướm, sương, nắng, mặt trời, các con vật nuôi... lần lượt đi vào trong thơ Hoa Mai tự nhiên, hồn hậu. Ô kìa trong sương sớm/ Nắng Đà Lạt thật non/ Hoa thắm giống môi son/ Dõi theo em chân sáo// Hoa đỏ vào màu áo/ Hồng lên má em rồi/ Em yêu cả đất trời/ Gọi cỏ mầm thức giấc// Gió cười ngọt hương mật/ Đùa mái tóc em bay/ Em ngỡ là tay em/ Đã dang thành đôi cánh (Bay trong sương sớm).

Cả tập sách có 43 bài thơ, Hoa Mai nhất quán chỉ viết theo thể thơ 4 chữ và 5 chữ. Việc sử dụng 2 thể thơ này là có dụng ý của nhà thơ: dễ chuyển tải những thông điệp, phù hợp với khả năng quan sát, tiếp nhận; biểu đạt những cung bậc, sắc thái, tình cảm một cách hiệu quả nhất.

Sáng tác cho thiếu nhi là công việc nhọc nhằn, bởi người viết phải thả hồn mình, lòng mình vào thế giới con trẻ. Hiểu đúng, nghĩ đúng và diễn đạt thế nào cho trẻ hiểu và cảm thấy yêu thích là điều không hề đơn giản. Bởi tâm lý trẻ thơ, sự nhìn nhận đánh giá thế giới tự nhiên, vạn vật xung quanh theo cách nhìn con trẻ vừa đơn giản, ngộ nghĩnh lại vừa đáng yêu; nhưng có lúc cũng rất khó lý giải... Vì thế, người lớn phải đặt mình vào thế giới tâm hồn trẻ thơ để làm sao viết cho trẻ hiểu và thích thú. Hoa Mai đã phần nào làm tốt được điều này. Đấy là sự thành công của người viết thơ cho thiếu nhi. Vì thế, tôi tinKhoảng trời của ngoạisẽ được sự đón nhận và có những phản hồi tích cực từ phía độc giả.